Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Thạch Hà luôn quan tâm người yếu thế trên địa bàn bằng những hoạt động thiết thực.
Mang trong mình di chứng chất độc da cam, anh Nguyễn Văn Cường (SN 1982) ở thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân bị khuyết tật từ lúc lọt lòng với đôi chân bị teo nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân lại mang những khuyết tật khiến cuộc sống của anh Cường càng thêm chật vật. Trước tình cảnh đó, qua kết nối của địa phương, các tổ chức thiện nguyện đã hỗ trợ anh Cường 50 triệu đồng xây dựng nhà ở.
Anh Nguyễn Văn Cường (xã Thạch Xuân) mở cửa hàng chuyên sửa chữa, mua bán các mặt hàng điện nước, điện tử, điện dân dụng, mang lại kinh tế khá ổn định.
Đặc biệt, năm 2000, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Thạch Hà (gọi tắt là hội) đã hỗ trợ anh Cường tham gia miễn phí khoá học nghề sửa chữa điện tử theo chính sách hỗ trợ học nghề cho người khuyết tật. Phát huy vốn kiến thức và không ngừng tìm tòi, học hỏi, 2 năm sau, anh Cường mở cửa hàng chuyên sửa chữa, mua bán các mặt hàng điện nước, điện tử, điện dân dụng, mang lại kinh tế khá ổn định.
Anh Nguyễn Văn Cường (thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân) chia sẻ: “Được hội cho đi học nghề miễn phí, cuộc đời tôi như bước sang trang mới. Có nghề trong tay, tôi tự tin hơn và đến bây giờ đã có thể tự kiếm sống để nuôi bản thân, gia đình. Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ đó từ hội và các mạnh thường quân, các khách hàng đã ủng hộ”.
11 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên khói lửa (từ 1965), đến năm 1976, ông Nguyễn Thế Mai (SN 1949, trú tại tổ dân phố 12, thị trấn Thạch Hà) phục viên về địa phương với nỗi đau mang trong mình chất độc da cam/dioxin. Xót xa hơn, những người con, người cháu của ông đều không may phải hứng chịu di chứng chất độc da cam/dioxin mà chiến tranh để lại.
Ông Nguyễn Thế Mai (thị trấn Thạch Hà) nỗ lực vượt lên nỗi đau da cam.
Thấu hiểu, chia sẻ với hoàn cảnh của ông Mai, hội luôn quan tâm, động viên và ưu tiên dành những suất quà vào dịp lễ, tết cho gia đình ông. Ngoài ra, hội cũng vào cuộc hướng dẫn tận tình để ông Mai sớm được nhận hỗ trợ từ chế độ chính sách dành cho chất độc da cam và chế độ mất sức lao động.
Hội thường xuyên quan tâm, động viên gia đình ông Mai.
Ông Nguyễn Thế Mai chia sẻ: “Sự quan tâm, động viên thường xuyên của các đồng chí cán bộ hội là nguồn động viên tinh thần lớn nhất giúp gia đình tôi thấy ấm áp, “không bị bỏ lại phía sau”. Đó cũng là động lực để tôi động viên vợ con vượt qua khó khăn, bệnh tật vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định”.
Được biết, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Thạch Hà có 6.574 hội viên, trong đó nạn nhân chất độc da cam 355 người, người khuyết tật 4.065 và 919 trẻ mồ côi, hội viên tự nguyện là 1.235 người. Với số lượng hội viên lớn, các đối tượng có tính chất yếu thế trong xã hội, những năm qua, hội đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, phòng, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của các địa phương trong việc huy động, khâu nối với các tổ chức, cá nhân hảo tâm, hỗ trợ giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất đối với gia đình nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Thạch Hà phối hợp với Trung tâm Y tế huyện khám, tư vấn sức khoẻ cho hội viên.
Năm 2023, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Thạch Hà và hội bảo trợ các xã, thị trấn trên địa bàn đã vận động được hơn 1,8 tỷ đồng, thăm hỏi, tặng 5.251 suất quà cho hội viên; phối hợp hỗ trợ 70 triệu đồng xây mới và sửa chữa nhà ở cho đối tượng da cam và khuyết tật…
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, hội đã phối hợp trao 30 xe lăn cho người tàn tật, 22 xe đạp cho trẻ mồ côi; trao 600 suất quà cho các đối tượng; 22 xã, thị trấn đã vận động, trao 2.895 suất quà với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng…
“Thời gian tới, hội tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân hảo tâm tăng cường công tác vận động gây quỹ để hỗ trợ cho người có công, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với phòng, ngành chuyên môn thường xuyên rà soát các đối tượng chưa được hưởng chính sách để hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đảm bảo kịp thời, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh để lại, giúp đỡ các hoàn cảnh vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống” - Ông Mai Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin, bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Thạch Hà cho biết thêm.