Làng Tương Nịu xưa, Thôn Trung Tiến, xã Việt Tiến ngày nay, được hình thành từ giữa thế kỷ XIV, đến nay gần 700 năm. Từ khi thành lập đến nay có làng 3 tên gọi khác nhau: Tên gọi đầu tiên là làng Yên Thường xã Trú Viết (với mong ước dân làng có cuộc sống bình yên);
Từ 1471, khi ông Phù là một võ quan với bậc quan tam phẩm trên đường đi đánh giặc Chiêm Thành trở về Bắc ông đã hy sinh tại làng, sau đó ông được Vua Lê Thánh Tông cho lập miếu thờ tại làng và cho đổi tên' làng Yên Thường thành làng Tượng Nịu, đổi tên xã Trú Viết thành xã Phù Việt (với ý nghĩa là vùng quê đoàn kết, đáng sống). Năm 1995 sử dụng khái niệm thôn thay cho khái niệm làng và từ đó tên thôn Trung Tiến ra đời cho đến hôm nay. Như vậy tên Yên Thường sử dụng trên 100 năm, tên Tương Nịu sử dụng 550 năm, tên thôn Trung Tiến đã sử dụng 28 năm. Từ 1962 đến 1967 còn có tên hợp tác xã Trung Tiến.
Khi thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp bậc cao lần lượt các tên gọi Hợp tác xã Trung Tiến (1962-1967), từ 1967 đến 1995 có tên Hợp tác xã Thống Nhất (liên 2 thôn và toàn xã). Cuối thế kỷ XV, thế kỷ XVI và thế kỷ XVII, làng có một số nhân vật làm quan nội triều nên đã điều chỉnh quy hoạch làng khá đẹp, tạo thành 2 dãy nhà tựa lưng và quay mặt vào nhau, có các lối đi nối 2 con đường song song với sông Rào Trẻn thơ mộng. Đình làng Tương Nịu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi có đền thờ Thần Thành hoàng là Ông Phù đã được xây dựng trên 500 năm về trước. Có Chùa Yên Thường thờ Phật và là nơi giáo hóa dân chúng ngay từ khi chưa xây dựng đình làng. Có nhà Văn Thánh thờ Đức Khổng Tử. Từ đầu thế kỷ XV, dưới Triều thuộc nhà Minh đã xây Miệu thờ quan quân phương Bắc. Nhìn chung, truyền thống văn hóa của làng Tương Nịu xưa, Trung Tiến ngày nay phát triển cùng năm tháng và thời đại.
Dưới thời phong kiến làng có 2 người con có bậc quan Nhị phẩm là Nguyễn Công Mưu và Nguyễn Bá Quang; có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là Đình làng Tương Nịu (bao gồm cả Đền Thần Thành hoàng làng) và Lang trung, Bộ Công Nguyễn Sỹ Quý. Nói về thiết chế văn hóa, thể thao của thôn thì đây là một thôn có đầy đủ các thiết chế tập trung tại một khu vực: Khuôn viên nhà văn hóa thôn có khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ, đền thờ thành hoàng làng và các bậc tiền bối có công với nước, có ngôi nhà truyền thống 3 gian có sa bàn điện tử của làng khá đẹp, có gian thư viện và gian trưng bày sản phẩm văn hóa truyền thống riêng, có sân đá bóng bằng cỏ nhân tạo rộng 2500 m2, có 5 sân bóng chuyền trong đó có 3/5 sân đạt chuẩn, có đèn cao áp phục vụ vui chơi thể thao vào ban đêm; các sân cầu lông, bàn bóng bàn của làng và của một số gia đình hoạt động khá sôi nổi. Dụng cụ thể thao phục vụ các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng khá đầy đủ; Hội Người cao tuổi có điểm chơi cờ tướng, cờ vua, bóng chuyền hơi khá thường xuyên. Vào các dịp lễ, tết và ngày dổ tổ của các dòng họ, trong thôn đều tổ chức thi đá bóng nam, đá bóng nữ, thi kéo co và nhiều hoạt động vui chơi dân gian hấp dẫn. Phong trào khiêu vũ trong chị em Phụ nữ khá cũng diễn ra thường xuyên và sôi nổi. Quí khách đến với làng được nghe Câu lạc bộ dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh của thôn hát với những làn điệu và nội dung mà các thàng viên là nông dân chân lấm tay bùn biểu diễn. Phong trào ca hát trong thanh thiếu niên, trung niên và người cao tuổi cũng được duy trì thường xuyên.
Chi bộ Trung Tiến đã ra Nghị quyết đề nghị UBND, HĐND xã và UBND huyện phê duyệt quy hoạch Trung tâm văn hóa, thể thao thôn để có quỹ đất xây bể bơi và các hạng mục công trình thể thao nhằm tăng cường các hoạt động thể chất cho các tầng lớp nhân dân trong thôn và trong xã hoạt động.
Ai về Tương Nịu làng tôi
Mà xem phong cảnh đổi thay quá nhiều
Đến đây sẽ biết bao điều
Một ngôi làng cổ với nhiều tiện nghi./.
Một số hình ảnh:
Gợi ý điểm đến tiếp theo: Di tích LSVH Quốc gia Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng – Đền Nen – Chứng tích chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng – Di tích LSVH Quốc gia Nhà thờ cụ Mai Kính.
Qr địa chỉ