Đền Nen còn được gọi là đền Tam tòa Đại Vương hay đền Cả. Ngôi đền cổ kính, linh thiêng này được xây dựng vào thế kỷ 15, trên khu đất rộng hơn 5ha ở thôn Phúc Tiến, xã Thạch Tiến, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà để thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (995-1057), con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, là người có công trong việc đánh giặc giữ nước, mở mang bờ cõi vùng biên ải phía Nam của nước Đại Việt xưa.
Quần thể kiến trúc Đền Nen nhìn từ trên xuống có bố cục hình chữ nhật, gồm ba toà thượng điện, trung điện và hạ điện.
Theo sử sách ghi chép lại, Đền Nen được khởi dựng từ thời nhà Lê, sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, ngôi đền cổ hơn 600 năm tuổi vẫn giữ được diện mạo hoàn chỉnh trên một không gian rộng với các công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đạt đến đỉnh cao của kỹ-mỹ thuật, với cách bố trí đăng đối hài hòa trên một trục thần đạo, phong cách trang trí sinh động qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa.
Đền có bố cục hình chữ nhật, gồm ba toà thượng điện, trung điện và hạ điện. Quần thể kiến trúc ngoài đền có nhà bái đường, nhà chuông, nhà bia, nhà tiền tế, miếu cộng đồng, tắc môn, cột nanh, hồ sen và sân vườn. Công trình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2005, xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2009.
Quần thể kiến trúc ngoài đền có nhà bái đường, nhà chuông, nhà bia, nhà tiền tế, miếu cộng đồng, tắc môn, cột nanh, hồ sen và sân vườn.
Tòa Thượng điện là nơi đặt tượng thờ Lý Nhật Quang cùng một số nhân vật lịch sử và tín ngưỡng dân gian. Gian hạ điện và Trung điện là nơi để thờ các vị quan, tướng nhà Lý và thờ thổ địa.
Cổng tam quan dẫn vào đền có kiến trúc hai tầng tám mái, hai bên đều khắc câu đối chữ Hán. Trên mái của các tòa điện và các ngôi miếu nhỏ, kiến trúc hình tượng con rồng luôn được đề cao. Rồng được chạm khắc tinh xảo, biểu tượng cho sự quyền uy.
Một bên cổng tam quan là tạo hình con ngựa được khắc nổi tượng trưng cho các chiễn mã của quan, tướng thời nhà Lý. Tại ngôi đền, kiến trúc khắc nổi được sử dụng nhiều, tương ứng với các vị tướng quân, tứ linh, hoa văn họa tiết cách điệu.
Chếch bên phải đền là nhà chuông được phục dựng, làm mới với kiến trúc hai tầng mái, bên trong đặt chiếc chuông cổ. Cách nhà chuông khoảng 5m là nhà bia, đặt tấm bia đá ghi tiểu sử, công lao của Lý Nhật Quang đối với vùng đất Nghệ Tĩnh xưa (nay là 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh).
Một trong những điểm nổi bật, mang đậm giá trị cổ là nhà bái đường được ôm trọn bởi dãy cây si, đã tạo nên vẻ đẹp cổ kính hiếm có. Ở lối ra vào cổng là hai con voi đá được xây dựng hàng trăm năm trước, có ý nghĩa bảo vệ ngôi đền.
Dãy cây si bám vào tường đã tăng nên vẻ đẹp cổ kính cho cả ngôi đền.
Ngày nay, Đền Nen được nhiều người dân thắp hương trong những ngày mùng 1 âm lịch, ngày rằm. Các lễ hội được tổ chức hàng năm ở Đền Nen có Lễ khai Hạ vào ngày mồng 7 tháng Giêng; Lễ Tổng binh vào ngày 17 tháng Giêng; Lễ Tổng hộ vào ngày 20 tháng Giêng; Lễ Giỗ Thánh hay còn gọi là Lễ Thanh Minh vào ngày mồng 6 tháng Ba (Âm lịch); Lễ Kỳ phúc lục ngoạt ngày 12 tháng Sáu (Âm lịch); Lễ Cầu đảo (những năm nắng hạn kéo dài, nhân dân 13 xã nói trên đều rước Thành hoàng của làng, xã mình về đây để làm lễ cầu mưa).
Đây là một trong những ngôi đền cổ đẹp và linh thiêng của huyện Thạch Hà được khách du lịch thường xuyên về chiêm ngưỡng, nghiên cứu các giá trị lịch sử, thắp hương, tham quan và chụp hình.