Nhắc đến Việt Tiến nay, Làng Phù Việt xưa, người ta không chỉ nhớ đến địa danh “Làng đỏ” trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, mà còn biết đến bởi nơi đây có làng nghề truyền thống nổi tiếng một thời “Nghề làm nón lá Ba Giang” của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Song hành với các giá trị truyền thống từ ngàn xưa để lại, thì nón lá Ba Giang cộng hưởng với Dân ca, Ví, Giặm được hình thành từ sức sáng tạo trong lao động của người dân bình dị để xua tan đi nỗi vất vả, nhọc nhằn của cuộc sống.

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi tháng một lần, câu lạc bộ nón lá lại tập trung về đình làng Tương Nịu để sinh hoạt, giao lưu, trao đổi công đoạn làm nghề và hát Dân ca, Ví, Giặm.

Từ lâu nón lá đã đi vào nét văn hóa riêng của người dân Việt Tiến, được khắc họa tinh tế theo thời gian qua những dòng thơ, ca, nhạc, họa. 

“Nếu có duyên nhau thì thắm lại

để cùng nhau chẻ tre mà đan nón

ấy thế mà nên nghĩa nên tình”.

Vùng đất gánh nặng hai miền, nắng cong đòn gánh, đến cây tre phải oằn mình trong mưa gió, nhưng người dân nơi đây vẫn truân chuyên với cuộc sống, gắn bó với làng, với nghề, với các vật dụng để làm nên Nón.

Ngược dòng hành trình tìm về nguồn cội của nón thì Làng nón Ba Giang đã hình thành được gần 100 năm tuổi, trường tồn theo bề dày lịch sử. Hiện nay, nón cổ Ba Giang, nón Bịt, nón Kinh được trưng bày tại phòng truyền thống của Đình làng Tương Nịu thuộc thôn Trung Tiến vẫn hiện hữu với thời gian.

Khách tham quan tại phòng truyền thống Đình làng Tương Nịu thuộc xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

 Ông Nguyễn Bá Bốn - bậc cao niên hiểu biết của người dân thôn Trung Tiến, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà chia sẻ: “Cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với chiếc nón tự bao giờ. Khi công việc đồng áng đã nông nhàn, người dân lại tiếp tục với nghề nón. Cùng với nghề nông, nghề nón không chỉ kiếm thêm thu nhập nhàn rỗi mà còn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của gia đình và làng quê”.

Những làn điệu Dân ca, Ví, Giặm được cất lên mọi lúc, mọi nơi, xua tan cái mệt mỏi, vất vả một nắng hai sương của người nông dân quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Nón lá kết hợp với Dân ca, Ví, Giặm là sự cộng hưởng hài hòa tô thêm nét văn hóa giàu bản sắc của người dân Việt Tiến, bồi đắp nên tình yêu quê hương, lưu giữ lại hình ảnh cuộc sống sinh hoạt đời thường, đơn giản, thuần túy, nhẹ nhàng mà nên thơ.  

Để làm nên chiếc nón Ba Giang phải trải qua nhiều công đoạn. Từ làm lá, chuốt vành, lên khung, xếp lá và chằm nón. Từng đường kim mũi chỉ như thơ, như họa, uốn lượn thoăn thoắt trên đôi tay của những nghệ nhân đã tạo nên sản phẩm tròn vành mượt lá.

“Nét duyên đằm thắm của người phụ nữ Xứ Nghệ miệt mài, tỉ mỉ với từng đường kim mũi chỉ trong công đoạn “chằm nón” 

Với tình yêu dành cho quê hương và niềm tự hào về làng nghề truyền thống của Việt Nam, những nghệ nhân làm nón vẫn ngày đêm miệt mài, tỉ mỉ làm nên những chiếc nón mang đậm nét đẹp hồn quê, chắt chiu kinh nghiệm “giữ lửa”, truyền nghề cho thế hệ mai sau.

Những nghệ nhân trong làng vẫn miệt mài truyền nghề cho thế hệ trẻ

Vẫn còn nguyên những ký ức ông, bà, các mẹ, các chị, ngồi thành một nhóm dưới gốc cây vườn nhà, dưới gốc đa, giếng nước, sân đình, dưới lũy tre làng để đan nón, cùng nhau chuyện trò vui vẻ và cất lên những làn điệu dân ca dí dỏm, nghĩa tình.

“Hỡi cô đội nón Ba Giang

Tìm về chốn cũ thong dong tâm hồn

Mỏng manh chiếc nón, ấy mà
Che mưa che nắng đường xa mẹ về
Từ phố thị đến tận làng quê
Ở đâu nón cũng nguyện che mái đầu

Nón che từng giọt mưa rơi
Chiều đông mẹ vẫn ra nơi ruộng đồng
Nón che cái nắng qua cầu
Chị đi đến lớp mặc dầu nắng oi
Cưới nàng đội nón Ba Giang
Mặc áo Lụa Hạ, một khăn trầu nguồn

Giúp người nón mãi ước mong
Dẫu bao mưa nắng nón không ngại ngần

Nón lên sân khấu cùng em

Hát câu Ví, Giặm nhớ thương cội nguồn

Ai qua làng nón Ba giang

Nghe câu Ví, Giặm đắm say tình người”.

Năm 2014, trước khi Dân ca, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã về khảo sát, tham gia diễn xướng Dân ca, Ví, Giặm phường nón tại xã Việt Tiến. Sản phẩm nón lá đã từng là món quà lưu niệm của người dân tỉnh Hà Tĩnh mỗi khi có các đoàn khách nước ngoài đến thăm. Nón lá Ba Giang nay đã có mặt từ chợ quê đến phố thị. Kẻ mua người bán vẫn luôn tấp nập. Nón đã trường tồn với thời gian với dấu chân bấm đất của bao đời, bao người nơi đây.

Hiện nay, UBND huyện Thạch Hà đang nỗ lực tập trung các chính sách trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề làm nón Ba Giang.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Hà chia sẻ: “Huyện Thạch Hà đã xây dựng đề án phát triển các làng nghề trên địa bàn toàn huyện, trong đó, làng nón Việt Tiến được quan tâm. Mỗi làng nghề nếu tổ chức phát triển sản xuất mở rộng, được huyện Thạch Hà hỗ trợ 50% số vốn để trang bị máy móc, công cụ để chuyển đổi công nghệ sản xuất, trong đó có nghề làm nón lá. Mỗi người dân Việt Tiến cần có trách nhiệm giữ gìn văn hóa làng nghề truyền thống của quê hương”.

Vùng quê Việt Tiến nay (Phù Việt xưa) đang phát triển từng ngày nhưng vẫn mang đậm giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn xưa để lại

Về Việt Tiến hôm nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước một vùng quê tràn đầy sức sống. Diện mạo Nông thôn mới đang đổi thay từng ngày. Hòa chung trong sự giao thoa kim cổ, chiếc nón lá Ba Giang luôn đắm mình trong các làn điệu Dân ca, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thơ mộng, say đắm lòng người mang hương đồng, gió nội của làng quê giàu truyền thống. Sự kiện Dân ca, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESSCO vinh danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng để có được sự vinh danh đó thì nón lá Việt Nam nói chung, nón lá Ba Giang, Việt Tiến, Thạch Hà nói riêng, cũng như các sản phẩm vật thể khác đã và sẽ luôn gắn bó, đồng hành cùng với Dân ca, Ví, Giặm theo suốt chặng đường hôm nay và cho muôn đời mai sau.

Trung tâm VHTT


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.647.567
    Online: 24
    ipv6 ready