Đề án sản xuất vụ Đông năm 2021

 

                                                         ĐỀ ÁN                            

SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG NĂM 2021

                                                                                                       

 

PHẦN A. KẾT QUẢ SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG 2020

 

Sản xuất vụ Đông 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, từ ngày 15-21/10/2020 trên địa bàn toàn huyện có mưa to đến mưa rất to, có nơi đặc biệt to, tổng lượng mưa là 1.384mm, mưa lớn kết hợp xả tràn điều tiết lũ của Hồ Kẻ Gỗ đã gây ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt tại các xã Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Thắng, Tượng Sơn, Đỉnh Bàn… ngập lụt sâu, mực nước dâng cao, có nơi trên 3m. Từ ngày 28-31/10/2020 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 đã gây mưa to đến rất to, tiếp tục gây ngập úng trên diện rộng, ngập sâu tại các xã Thạch Đài, Thạch Ngọc, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Xuân, Nam Điền… gây thiệt hại hết sức nặng về đời sống dân sinh, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện. Tuy nhiên, sau khi nước rút cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp đã kịp thời bổ cứu chỉ đạo sản xuất, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất nên vụ Đông 2020 đã đạt được kết quả khá, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ngành, cụ thể:

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC.

1. Công tác chỉ đạo:

- Ngành Nông nghiệp đã xây dựng và tham mưu UBND huyện triển khai Đề án sản xuất vụ Đông ngay từ đầu vụ, quy hoạch, bố trí sản xuất các loại cây trồng phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, ban hành các văn bản[1], đồng thời phân công các phòng chuyên môn bám sát cơ sở chỉ đạo các địa phương tập trung cao độ cho sản xuất; dự tính dự báo tình hình sâu bệnh hại và có sự khuyến cáo kịp thời; hướng dẫn, đôn đốc bà con nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung sản xuất vụ Đông.

- Tham mưu UBND huyện ban hành chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất sau bão, lũ trên địa bàn huyện tại Quyết định số 10025/QĐ-UBND ngày 02/12/2020, theo đó hỗ trợ 61.800 bịch giống nấm; 9.870kg giống Khoai tây; 25.500 kg phân bón (đạm, lân, kali) sản xuất vụ Đông 2020.

- Phân bổ giống các loại rau của quả, ngô, khoai lang từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cho các địa phương để sản xuất vụ Đông 2020 với số lượng: Giống rau các loại 6.800kg; Giống Ngô 3.150kg; Giống Khoai lang 36.000 kg.

2. Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính:

Toàn huyện sản xuất được 1.168ha/1.100ha kế hoạch diện tích cây trồng vụ Đông các loại, cụ thể:

- Cây Ngô lấy hạt: 75ha, đạt 50% KH, năng suất 16,9 tạ/ha, sản lượng 126,7 tấn

- Cây Khoai lang: 208 ha, đạt 83,2%KH, năng suất 67 tạ/ha, sản lượng 1.393,6 tấn.

- Cây rau màu thực phẩm các loại: 885ha, đạt 126,4% KH. Năng suất 57,4tạ/ha, sản lượng 5.079,9tấn, cụ thể:

+ Rau lấy lá (rau cải các loại, rau thơm…): 497,03ha, năng suất 48,36tạ/ha, sản lượng 2.403,6 tấn;

+ Rau lấy quả (dưa chuột, bầu sáp, bí, đậu cô ve….): 295,71ha, năng suất 76,6 tạ/ha, sản lượng 2.265,4tấn;

+ Rau lấy củ, rễ, thân cây (cà rốt, củ cải, hành tăm, ….): 92,26ha, năng suất 44,54 tạ/ha, sản lượng 410,9 tấn.

Vụ Đông năm 2020, diện tích sản xuất rau củ quả theo hướng Vietgap, tập trung quy mô từ 02ha/vùng giảm mạnh (giảm 13 vùng/27ha so với những năm trước); tổng số vùng của toàn huyện 25 vùng, diện tích 86ha (trong đó diện tích rau củ quả trên cát 33,5ha/6 vùng).

- Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu:

+ Diện tích sản xuất: 8.300m2, với số lượng bịch giống 208.000 bịch nấm Mộc Nhĩ, 86.000 bịch nấm sò.

+ Sản lượng: 13.880 kg nấm Mộc nhĩ khô, 68.800 kg nấm Sò tươi.

- Sản xuất hoa cây cảnh:

+ Diện tích trồng hoa: 18.500m2 nhà màng/15.000m2 nhà màng kế hoạch, đạt 123,3% kế hoạch, trồng các loại hoa cúc (cúc vàng đại đóa, cúc đơn, vạn thọ,… ) tập trung tại các xã Lưu Vĩnh Sơn, Nam Điền, Thạch Long…

+ Diện tích cây cảnh: 31ha/29ha kế hoạch, đạt 106,9% kế hoạch, với các loài chủ lực gồm Đào phai, mai vàng, tập trung tại các xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Ngọc, Ngọc Sơn…

4. Các mô hình sản xuất:

- Tiếp tục nhân rộng mô hình trồng hoa cúc trong nhà màng tại xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Long quy mô 18.500m2 nhà màng, doanh thu đạt 56triệu đồng/500m2.

- Mô hình liên kết sản xuất khoai tây Atlantic với Viện công nghệ sinh học – Học viện Nông nghiệp tại xã Thạch Lạc, Thạch Sơn quy mô 9ha, năng suất 16 tấn/ha, sản lượng 144 tấn.

- Tiếp tục duy trì các mô hình sản xuất rau tập trung từ 02 ha trở lên theo tiêu chuẩn Vietgap tại các xã Tượng Sơn, Thạch Liên, Thạch Văn, Thạch Trị...

- Mô hình trồng cam thâm canh đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tại Ngọc Sơn quy mô 7ha, Lưu Vĩnh Sơn quy mô 10ha;

Các mô hình phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất với Doanh nghiệp và từng bước thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.

5. Dịch bệnh trên cây trồng cơ bản được kiểm soát:

Trên các loại cây trồng xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại: Sâu ăn lá (sâu tơ, sâu xanh, sâu xám...), sâu đục bắp..., tuy nhiên ngành nông nghiệp đã chủ động dự tính dự báo sớm, chính xác, nhân dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật nên các đối tượng sâu bệnh hại đều được phòng trừ kịp thời.

6. Công tác quản lý giống và vật tư nông nghiệp:

Tiến hành kiểm tra 82 cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp (chủ yếu tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh giống, phân bón, thuốc BVTV để phục vụ sản xuất), qua kiểm tra cơ bản các cơ sở chấp hành đầy đủ các điều kiện về kinh doanh vật tư nông nghiệp (hàng hóa đều có hóa đơn chứng từ, xuất xứ, phiếu kiểm nghiệm chất lượng các lô hàng, đặc biệt giống xuất kho đều có phiếu kiểm nghiệm chất lượng giống....). Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở vi phạm, Tổ kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển UBND xã xử lý 05 cơ sở[2].

         II. TỒN TẠI, NGUYÊN NHÂN, BÀI HỌC KINH NGHIỆM:

1. Tồn tại:

- Công tác chỉ đạo: Cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện sản xuất vụ Đông.

- Vụ Đông 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lụt lịch sử trong tháng 10, đã làm thiệt hại nhiều diện tích sản xuất đầu vụ, làm chậm thời vụ, tiến  độ gieo trồng đồng thời gây tâm lý e ngại cho người dân khi đầu tư sản xuất cây trồng vụ Đông. Kết quả sản xuất một số cây trồng vụ Đông năm 2020 (Khoai lang, Ngô...) không đạt kế hoạch cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

-  Sản xuất tuy đã có một số mô hình khá nhưng chưa nhiều, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất sản phẩm hàng hóa an toàn theo các tiêu chuẩn Vietgap, hữu cơ trên rau màu còn hạn chế; nhiều vùng sản xuất rau củ quả tập trung được đầu tư hạ tầng nhưng không tổ chức sản xuất.

- Mặc dù đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất nhưng chưa thực sự hiệu quả, do việc sản xuất của người dân chưa đáp ứng được theo yêu cầu Doanh nghiệp nên các mô hình sản xuất chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư và các mô hình liên kết thiếu ổn định.

2. Nguyên nhân:

- Việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất vụ Đông của một số cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt, thiếu giải pháp cụ thể, cùng với tâm lý lo lắng bị thiệt hại do thiên tai của bà con nông dân nên ảnh hưởng đến phong trào cũng như kết quả chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

- Quỹ thời gian sản xuất vụ Đông ngắn, sản phẩm mang tính thời vụ cao, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên khả năng đảm bảo yêu cầu về thời vụ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến mở rộng diện tích vụ Đông.

- Các doanh nghiệp đầu kéo trong nông nghiệp gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ không ổn định ảnh hưởng đến việc liên kết cũng như công tác tổ chức sản xuất.

- Lực lượng lao động nông nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực xây dựng, thương mại, ... có thu nhập cao hơn.

3. Bài học kinh nghiệm:

- Bố trí thời vụ hợp lý trên cơ sở dự báo diễn biến tình hình thời tiết, thị trường, đồng thời đa dạng hóa nhiều loại cây trồng và đa dạng hóa phương thức canh tác: trồng gối, trồng thuần, trồng xen để né tránh thiên tai bất thuận và thuận lợi cho công tác tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

- Sản xuất vụ Đông có hiệu quả phải đưa nhanh các tiến bộ kỷ thuật về giống, công nghệ mới vào sản xuất, phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

- Cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò của sản xuất vụ Đông cho người dân. Sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tuân thủ các điều khoản hợp đồng liên kết sản xuất.

PHẦN B. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG NĂM 2021.

I. NHẬN ĐỊNH VỀ THỜI TIẾT, THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN:

1. Nhận định về thời tiết:

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh năm 2021 có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nhiệt độ trung bình từ tháng 8-10/2021 trên cả nước phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1,00C so với TBNN. Tháng 11-12/2021, nhiệt độ ở Bắc Trung Bộ thấp hơn TBNN khoảng 0.50C; tháng 01/2022 nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ. Không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm, gia tăng tần suất và cường độ trong tháng 11/2021, hoạt động mạnh hơn vào tháng 12/2021 và tháng 01/2022. Tổng lượng mưa tháng 8-9/2021 phổ biến thấp hơn khoảng 5-15% so với TBNN, tháng 10/2021 phổ biến cao hơn từ 20-40%, có nơi trên 50% so với TBNN, tháng 11/2021 thấp hơn từ 5-15% so với TBNN, tháng 12/2021 phổ biến thấp hơn từ 10-20%.

2. Thuận lợi, khó khăn:

2.1 Thuận lợi:

- Cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã quan tâm chỉ đạo; Chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh, huyện tiếp tục được ban hành với nhiều nội dung, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận và hấp thu để phát triển sản xuất.

- Thời tiết vụ Đông phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là các loại rau màu có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao sẽ được bà con nông dân tập trung đầu tư để sản xuất hàng hóa. Mặt khác một số mô hình sản xuất theo quy trình công nghệ cao, sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đảm bảo thời vụ, khắc phục các khó khăn của điều kiện thời tiết và mang lại hiệu quả cao làm cơ sở thực tiễn để mở rộng diện tích sản xuất.

- Các loại vật tư, phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật được các đơn vị sản xuất, cung ứng chuẩn bị đủ về số lượng và đa dạng về chủng loại đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất.

- Một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, chủ động liên kết với các địa phương và nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt.

- Nhân dân đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất vụ Đông.

2.2. Khó khăn:

- Dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của người dân. Đặc biệt giá cả đầu vào sản xuất (giống, vật tư, phân bón, thuốc BVTV…) có nhiều biến động, giá vật tư đầu vào tăng, làm tăng giá thành sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm hết sức khó khăn.

- Diễn biến thời tiết trong vụ Đông phức tạp, khó lường, thường xuyên xảy ra mưa, lũ, trong khi hệ thống thủy lợi ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu tiêu úng, do đó ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất vụ Đông của bà con nông dân. Đặc biệt lượng mưa từ đầu năm đến nay mới đạt 900 – 1.100mm, đang thiếu hụt khoảng 1.600 – 2.000mm so với lượng mưa trung bình nhiều năm của cả năm (TBNN từ 2.600 – 3.100mm).

- Việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất ở một số địa phương vẫn còn thiếu quyết liệt và thường xuyên, sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 - Công tác xúc tiến thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn gặp khó khăn, chưa có doanh nghiệp đủ mạnh làm đầu kéo ổn định trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến sản phẩm còn hạn chế; sản phẩm chủ yếu tiêu dùng tại chỗ nên làm giảm giá trị thu nhập của người sản xuất đặc biệt là các sản phẩm rau củ thực phẩm tươi, ngô.

II. PHƯƠNG HƯỚNG SẢN XUẤT.

1. Phương hướng:

Sản xuất vụ Đông 2021 trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vì vậy tập trung chỉ đạo, khai thác tối đa và phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất vụ Đông theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, có hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đạt mức cao nhất cả về diện tích, năng suất, sản lượng... góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2021 và đảm bảo nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Khuyến khích ưu tiên, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, vừa sản xuất, dịch vụ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá vật tư nông nghiệp. Chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng vụ Đông.

2. Mục tiêu sản xuất:

Toàn huyện phấn đấu gieo trồng 1.167ha diện tích các loại cây trồng, trong đó:

- Cây ngô: 100ha, trong đó Ngô lấy hạt 80 ha, năng suất 20 tạ/ha, sản lượng 160 tấn; Ngô sinh khối 20ha, năng suất 30 tấn/ha, sản lượng 600 tấn.

- Rau, củ, quả thực phẩm: 800ha, năng suất 58 tạ/ha, sản lượng 4.640tấn, trong đó vùng sản xuất rau quả theo hướng VietGap 25 vùng với diện tích  86ha, trong đó diện tích sản xuất rau, củ, quả trên cát 33,5ha (tại các xã Thạch Trị, Thạch Văn, Thạch Lạc, Thạch Khê).

- Cây khoai lang: 200 ha, năng suất 65tạ/ha, sản lượng 1.300tấn.

- Nấm ăn và nấm dược liệu: Diện tích lán trại 8.200m2; Sản lượng 80 tấn (Mộc nhĩ 15 tấn sản phẩm khô; Nấm sò 64,4 tấn sản phẩm tươi; Linh Chi 0,6 tấn sản phẩm khô).

- Diện tích trồng hoa, cây cảnh: 67 ha trong đó diện tích cây đào cảnh, mai vàng 65 ha; diện tích trồng hoa cúc trong nhà lưới, nhà màng: 20.000m2.

                         (Chi tiết có phụ biểu 01, 02, 03 kèm theo)

- Xây dựng các mô hình trồng trọt:

+ Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn Vietgap tại xã Thạch Lạc với quy mô tối thiểu 2.000m2/mô hình.

+ Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất hoa cúc trong nhà màng tại xã Thạch Sơn, Thạch Long, Nam Điền, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Lạc, Thạch Khê với quy mô diện tích 20.000m2

+ Mô hình liên kết sản xuất một số cây dược liệu trên địa bàn huyện Thạch Hà, quy mô tối thiểu 10ha, tại các xã (Thạch Hội, Thạch Văn, Thạch Thắng…).

+ Mô hình sản xuất rau củ quả đạt tiêu chuẩn Vietgap tại xã Thạch Liên, Tân Lâm Hương với quy mô 02ha/mô hình.

- Cải tạo, chỉnh trang phát triển kinh tế vườn: Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện, hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch 3.185 vườn năm 2021.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác thông tin tuyên truyền

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Đề án sản xuất vụ Đông năm 2021, các chính sách, các mô hình sản xuất liên kết, các tiến bộ kỹ thuật mới về giống và công nghệ sản xuất, diễn biến thời tiết và phòng chống sâu bệnh trên cây trồng đến tận người sản xuất.

2. Quy hoạch vùng sản xuất

- Quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tổ chức sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ nông dân với nhau, nông dân với các doanh nghiệp tiêu thụ thông qua các hợp đồng nhằm tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm vụ Đông ổn định, có lợi cho nông dân, Doanh nghiệp. Trước mắt cần sản xuất rau củ quả trên các vùng tập trung, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với các Doanh nghiệp, HTX, duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ truyền thống (chợ, siêu thị....), tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ mới. Đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, các hình thức cho thuê đất, mượn đất để hình thành những khu sản xuất vụ Đông có quy mô lớn nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, cụ thể:

+ Ngô Đông: bố trí trên chân đất vàn cao, khuyến khích sản xuất ngô nếp thu bắp tươi theo hình thức trồng thuần hoặc trồng xen.

+ Khoai lang: quy hoạch trên đất 2 lúa ở những chân đất vàn cao, trên đất lúa màu, đất cát pha.

+ Rau củ quả thực phẩm: Tiếp tục duy trì sản xuất trên các vùng sản xuất rau chất lượng cao theo hướng VietGap tập trung quy mô 02ha trở lên tại 25 vùng, diện tích 86ha ( trong đó sản xuất rau trên cát 33,5ha gồm: Thạch Văn 13,5ha, Thạch Trị 8,5ha, Thạch Khê 6,7ha, Thạch Lạc 4,8ha); Đẩy mạnh phát triển sản xuất các loại rau củ quả trong vườn hộ, sản xuất dưa lưới, dưa chuột trong nhà màng.

+ Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu: Tiếp tục triển khai và phát triển diện tích trồng nấm tại các xã: Tân Lâm Hương, Thạch Xuân, Thạch Ngọc, Thạch Đài, Việt Tiến, Tượng Sơn, Lưu Vĩnh Sơn.

+ Hoa cây cảnh:

Đối với hoa cúc: tập trung sản xuất diện tích 20.000 m2 nhà màng tại các xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Long, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Xuân, Nam Điền.

Đối với cây đào cảnh, mai vàng: Tiếp tục trồng mới và chăm sóc các gốc đào cảnh, mai vành với diện tích 65ha (trong đó trồng mới 34ha), tập trung tại các xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Ngọc, Ngọc Sơn, Nam Điền.

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn hộ theo hướng đa cây: Chú trọng công tác cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, phát triển mạnh kinh tế vườn gắn với thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.

3. Giải pháp kỹ thuật sản xuất:

3.1. Cơ cấu giống và thời vụ:

- Cây ngô: Tùy vào đặc điểm tình hình, chân đất, thời vụ, thời gian sinh trưởng giống ngô, mục tiêu sử dụng, khả năng thâm canh của địa phương mình để lựa chọn các giống ngô phù hợp nhất đưa vào cơ cấu để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo trồng đạt kết quả cao nhất, khuyến cáo sản xuất ngô nếp thu bắp tươi. Các giống MX4, MX2, MX10, HN68, HN88, thời gian sinh trưởng 65-70 ngày, bố trí thời vụ kết thúc trước 30/10;

Đối với ngô sinh khối: sử dụng các giống NK7328, NK4300, NK6253,.... Do đặc điểm ngô sinh khối thời gian từ khi gieo đến thu hoạch khoảng 70-75 ngày và không phụ thuộc vào thời tiết ở giai đoạn rổ cờ, phun râu, người dân chủ động thời gian thu hoạch vì vậy bố trí linh hoạt vào những thời gian đất đủ độ ẩm. Đối với vùng gieo trỉa lạc Xuân 2022 thời vụ gieo trỉa ngô sinh khối phải kết thúc trước 30/10/2021.

 - Rau, củ quả: Trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán, kinh nghiệm canh tác để gieo trồng các loại rau đậu phù hợp. Trong đó chú trọng phát triển các giống rau cao cấp để tăng hiệu quả kinh tế. Tiếp tục tổ chức sản xuất các loại dưa lưới, dưa chuột trong nhà màng. Các địa phương tiếp tục khâu nối, định hướng tăng cường hỗ trợ nông dân để thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm hàng hóa cây trồng vụ Đông.

Tuỳ từng loại cây như hành, xu hào, cải bắp, rau ăn lá, rau lấy củ, cà chua…và căn cứ tình hình thời tiết bố trí khung thời vụ gieo trồng rải rác từ tháng 9 trở đi và gieo trồng nhiều lứa/vụ.

- Khoai lang: Sử dụng giống Chiêm bông, Hoàng Long, KCL 266,...

Thời vụ trồng kết thúc trước 30/10.

- Nấm: Mộc nhỉ, nấm sò, linh chi… Thời vụ từ tháng 8/2021 đến tháng 4/2022.

- Hoa, cây cảnh: Thời vụ xuống giống hoa cúc kết thúc trước 15/11/2021. Riêng đối với cây đào cảnh, tập trung chăm sóc, thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán và ươm giống từ tháng 01/2022.        

Chú ý: Trên cơ sở khung thời vụ và các giống nêu trong đề án, tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng và diễn biến mưa lũ để các địa phương xem xét, tính toán có kế hoạch gieo trồng sát với tình hình vừa giảm thiểu được thiệt hại do mưa lũ, vừa đảm bảo cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến gieo trồng cây vụ Xuân 2022.

3.2. Phòng trừ sâu bệnh hại

Trong suốt quá trình sản xuất vụ Đông phải thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, trong đó cần lưu ý:

- Trên ngô: Tập trung phòng trừ sâu keo mùa thu ngay từ khi sâu đang ở tuổi 1-2, ngoài ra thường xuyên chú ý các đối tượng khác như chuột, cào cào, châu chấu, sâu xám gây hại cây con, sâu đục thân, đục bắp, rệp cờ và bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen,…

- Trên rau quả: Tăng cường các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo hướng sản xuất rau an toàn theo VietGAP, hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ và chỉ được sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng trên rau.

4. Công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Đảm bảo hàng hóa lưu thông, sản xuất trên thị trường có chất lượng tốt, giá cả hợp lý phục vụ sản xuất của người dân. Đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm.

5. Công tác khuyến nông và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật:

- Lồng ghép với chương trình tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con nông dân với các nghề trồng rau an toàn theo hướng VietGap, trồng hoa cây cảnh, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu.

- Tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân về quy trình sản xuất các cây vụ đông; kỹ thuật sản xuất rau, củ quả theo hướng VietGap, trồng hoa cây cảnh, cây dược liệu... cho cán bộ chuyên môn cấp xã, người dân tham gia sản xuất.

- Nghiên cứu ứng dụng các TBKT thực hiện các mô hình về sản xuất vụ đông hiệu quả phù hợp với địa phương. Tăng cường xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chuyển đổi bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, các giải pháp kỹ thuật.

          6. Giải pháp về thị trường:

            - Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng mô hình chuyển đổi số, kinh tế số nhằm đưa sản phẩm cam, rau củ quả, dưa lưới lên giao dịch sàn điện tử góp phần tăng giá trị sản phẩm:

+ Thực hiện việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các cơ sở sản xuất cam chanh tại các vùng trọng điểm: Lưu Vĩnh Sơn, Nam Điền, Ngọc Sơn. Đưa sản phẩm cam đạt tiêu chuẩn VietGAP lên các sàn thương mại điện tử. Tập huấn, hướng dẫn người sản xuất ghi chép nhật ký sản xuất điển tử; khai thác thông tin đầu vào sản xuất (vật tư phân bón, quy trình sản xuất,…) trên hệ thống chuyển đổi số thông qua thiết bị di động. Hình thành kho “tri thức” kết nối với người sản xuất; các văn bản hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất, phòng chống sinh vật gây hại thông qua hệ thống đến tận người sản xuất trên thiết bị di động.

        + Triển khai hệ thống số hoá rau củ quả tại 28 cơ sở nhà lưới có quy mô trên 500 mvà 5 HTX, 6 THT[3] sản xuất rau tập trung có khả năng tạo ra hàng hóa, kết hợp với truy xuất nguồn gốc trong việc ghi chép nhật ký điện tử tại các cơ sở sản xuất. Minh bạch thông tin về quản lý, quy trình chăm sóc, thu hoạch từ khâu quản lý, cơ quan nhà nước tới người tiêu dùng.

- Tổ chức tìm kiếm thị trường tại các chợ đầu mối, các chợ nhỏ tại địa phương để tiêu thụ sản phẩm ở các vùng sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm mang tính thời vụ.

            - Đối với các vùng được cấp chứng nhận VietGAP: Trực tiếp làm việc với các siêu thị, cửa hàng cung cấp rau sạch trên địa bàn tỉnh để xác định nhu cầu tiêu thụ để cung cấp sản phẩm cho các siêu thị như CO.OPMART, VINMART, các cửa hàng kinh doanh sản phẩm rau an toàn trên địa bàn Hà Tĩnh.

7. Chính sách:

- Tiếp tục thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 Ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh giai đoạn 2019 – 2020; Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 29/12/2020 của Hội đồng nhân dân huyện Thạch Hà;

- Các xã, thị trấn chủ động lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất (nguồn vốn nông thôn mới và các nguồn khác).

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách phát triển sản xuất của tỉnh, huyện giúp người dân tiếp cận và thực hiện các thủ tục hưởng lợi từ chính sách, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo đúng định hướng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Ở huyện:

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương triển khai thực hiện Đề án, đồng thời tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá, gắn kết quả sản xuất vụ Đông với việc xem xét trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền cơ sở và cán bộ huyện chỉ đạo cụm, điểm vào cuối năm.

Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng vụ Đông; có giải pháp đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại giống cây trồng theo hợp đồng với các địa phương, không để tình trạng thiếu giống, giống chất lượng kém; chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng.

Đề nghị các Đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy phối hợp với ngành Nông nghiệp nắm bắt tình hình, tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện sản xuất vụ Đông năm 2021 đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch.

Đề nghị Uỷ ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hăng hái thi đua sản xuất. Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Truyền thông đưa tin phản ánh Đề án sản xuất vụ Đông kịp thời tới các hộ nông dân.

2. Ở xã, thị trấn:

Căn cứ Đề án sản xuất vụ Đông của huyện và điều kiện thực tiễn của địa phương, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2021 phù hợp, sát thực. Xây dựng chỉ tiêu định hướng cho các xóm, tổ chức phát động mạnh mẽ sản xuất vụ đông nhằm tăng diện tích, hiệu quả các loại cây trồng.

Phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong Thường vụ, Chấp hành Đảng uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND phối hợp với ban ngành đoàn thể, mặt trận xóm trực tiếp chỉ đạo các xóm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Cử cán bộ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn của huyện dự tính dự báo về tình hình sản xuất để có bổ cứu kịp thời đảm bảo cho sản xuất đạt kết quả tốt nhất. Thường xuyên bám sát đơn vị cơ sở vận động, chỉ đạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nhân dân sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ đồng ruộng, đảm bảo diện tích cây vụ Đông không bị trâu bò phá hại. Chủ động cân đối nhu cầu vật tư phục vụ sản xuất, đặc biệt là các loại giống và có kế hoạch chỉ đạo các HTX, các dịch vụ cung ứng vật tư hoặc liên hệ Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện kịp thời cho nông dân.

PHÒNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

 

 

 

 

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.548.304
    Online: 104
    ipv6 ready