Toàn văn đề án:

ỦY BAN NHÂN DÂN

HUYỆN THẠCH HÀ

 

 

 

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

Thạch Hà, ngày      tháng       năm 2020

 

ĐỀ ÁN

Thành lập Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà

 

 

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA ĐỀ ÁN

 

 

I. Sự cần thiết

Sau 15 năm thực hiện mô hình chia tách theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BYT ngày 12/4/2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế, hoạt động của Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện đã đạt được nhiều kết quả như: thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do tách riêng công tác  điều trị, dự phòng và quản lý nhà nước, từ đó có điều kiện đi sâu vào các lĩnh vực chuyên môn, góp phần giúp ngành Y tế hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát triển được nhiều kỹ thuật mới trong điều trị, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn, các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia được triển khai có hiệu quả ở cộng đồng; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của các đơn vị y tế được tăng cường; chất lượng dân số và dịch vụ y tế từng bước được cải thiện; đội ngũ cán bộ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã từng bước được tăng cường về số lượng và chất lượng, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong tổ chức và hoạt động của mô hình y tế cấp huyện như hiện nay còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, như: chức năng nhiệm vụ của các đơn vị còn chồng chéo, cùng một nhiệm vụ nhưng nhiều đơn vị thực hiện; tổ chức bộ máy phân chia thành nhiều đầu mối, phân tán nguồn nhân lực; thiếu bác sĩ ở tuyến xã; công tác quản lý nhà nước về hành nghề y, dược và y dược học cổ truyền ngoài công lập chưa được chú trọng; cơ sở vật chất của một số đơn vị thiếu đồng bộ, việc đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên môn cho y tế cơ sở còn hạn chế; công tác quản lý, chỉ đạo Trạm Y tế còn nhiều chồng chéo, bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ y tế cho nhân dân đối với Trạm Y tế xã, thị trấn; cần phải sáp nhập Trạm Y tế theo lộ trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã.

Xuất phát từ thực tế trên, việc xây dựng Đề án Thành lập Trung tâm Y tế huyện trên cơ sở sáp nhập Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; sáp nhập một số Trạm y tế xã theo lộ trình sáp nhập xã là thực sự cần thiết đối với ngành y tế huyện Thạch Hà trong giai đoạn hiện nay.

II. Cơ sở pháp lý

- Nghị quyết số 19- NQ/TW, ngày 25/10/2017 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị quyết số 19- NQ/TW); các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, của tỉnh thực hiện các Nghị quyết Trung ương sáu Khóa XII;

- Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/02/2015 Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Thông tư số 37/2016/TT- BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận thuộc tỉnh thuộc trực thuộc Trung ương; Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số- Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương;

- Văn bản số 4480/BYT-TCDS ngày 03/8/2018 của Bộ Y tế về ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở;

- Nghị quyết số 94/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ngành Y tế Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo;

- Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 26/02/2015 của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ; Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND ngày 10/5/2019 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND; Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 08/7/2008 của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế.

 

Phần II

THỰC TRẠNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SÁP NHẬP

ĐỂ THÀNH LẬP TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN

 

I. THỰC TRẠNG VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, NHÂN LỰC, CƠ SỞ VẬT CHẤT

1. Bệnh viện đa khoa

a. Thành lập theo Quyết định số 2171/QĐ-SYT ngày 31/12/2007 của Sở Y tế Hà Tĩnh.

b. Trụ sở làm việc: Tổ 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

c. Hạng đơn vị: Xếp hạng II, theo Quyết định số 2132/QĐ-UBND ngày 15/7/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

d. Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn: Thực hiện theo Quyết định số 1698/QĐ-UBND ngày 22/6/2007 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

e. Chức năng:

- Khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện và vùng phụ cận

f. Nhiệm vụ và quyền hạn:

- Xây dựng kế hoạch hoạt động khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức, lao động trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Cấp cứu - Khám bệnh - Chữa bệnh:

+ Tiếp nhận mọi trường hợp người bệnh thuộc chuyên khoa của bệnh viện để khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú;

+ Giải quyết các bệnh thuộc chuyên khoa tại địa phương;

+ Tham gia khám, giám định sức khỏe và giám định pháp y khi cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.

+ Chuyển người bệnh lên tuyến trên khi bệnh viện không đủ khả năng giải quyết.

- Đào tạo cán bộ y tế:

+ Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo sinh viên, học sinh chuyên ngành ở bậc cao đẳng, trung học;

 + Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến xã để cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn.

- Nghiên cứu khoa học về y học:

+ Tổ chức thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học và ứng dụng tiến độ khoa học, công nghệ về y học ở cấp Bộ và cấp cơ sở; chú trọng nghiên cứu y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc;

+ Nghiên cứu, triển khai dịch tễ học cộng đồng thuộc lĩnh vực chuyên khoa để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu;

+ Kết hợp với bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện.

- Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện thường xuyên công tác phòng chống bệnh, phòng dịch.

- Tham gia hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực khám chữa bệnh theo đúng quy định của nhà nước.

- Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước cấp. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi tài chính của bệnh viện, từng bước hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tự chủ.

- Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế bao gồm: viện phí, bảo hiểm y tế, hỗ trợ đầu tư của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

- Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ, đột xuất theo quy định.

- Quản lý tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, tài chính bệnh viện theo đúng quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.

g. Cơ cấu tổ chức bộ máy:

- Tổ chức bộ máy:  Ban Giám đốc bệnh viện và 17 đơn vị khoa, phòng:

+ Ban Giám đốc: gồm Giám đốc và Phó Giám đốc.

+ 03 phòng chức năng: Tổ chức - Hành chính; Kế hoạch - Tài vụ; Điều dưỡng.

- 14 khoa lâm sàng, cận lâm sàng: Nội tổng hợp; Ngoại tổng hợp; Phụ sản; Cấp cứu - Nhi; Truyền nhiễm; 03 chuyên khoa (Mắt - Răng Hàm Mặt - Tai Mũi Họng); Gây mê hồi sức; Y học cổ truyền; Khám bệnh; Dược; Kiểm soát nhiểm khuẩn; Chẩn đoán hình ảnh; Xét nghiệm Dinh dưỡng;

- Số lượng vị trí lãnh đạo, quản lý:

+ Giám đốc:         01

+ Phó Giám đốc:  02

+ Trưởng phòng: 03

+ Trưởng khoa:    13 (04 vị trí kiêm nhiệm)

+ Phó khoa:                   05

+ Điều dưỡng trưởng, kỹ thuật viên trưởng, hộ sinh trưởng khoa: 12

h. Nhân lực:

- Tổng số nhân lực được giao năm 2020: 187. Trong đó: biên chế 151, đơn vị tự chủ kinh phí: 36

- Nhân lực hiện có: 170, trong đó: biên chế 145, hợp đồng nội bộ: 25

- Cơ cấu nguồn nhân lực: (có phụ lục kèm theo)

i. Cơ sở vật chất:

- Diện tích khuôn viên bệnh viện: 15.320,0m2. Gồm 01 khu nhà 03 tầng, 07 khu nhà 02 tầng, 04 khu nhà 01 tầng;

- Có 250 phòng làm việc và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh;

- Diện tích xây dựng khoảng: 6.000m2; diện tích sàn khoảng: 11.000.000m2.

2. Trung tâm Y tế dự phòng

a) Thành lập theo Quyết định số 2177/QĐ-SYT ngày 31/12/2007 của Sở Y tế Hà Tĩnh.

b) Trụ sở làm việc: tổ 9, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

c) Hạng đơn vị: Xếp hạng III, theo Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 7/3/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xếp hạng đơn vị sự nghiệp y tế dự phòng.

d) Chức năng:

Tổ chức thực hiện các biện pháp về chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống bệnh xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm; chăm sóc sức khỏe sinh sản và truyền thông giáo dục sức khỏe trên địa bàn huyện.

e) Nhiệm vụ và quyền hạn:

- Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống bệnh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe sinh sản và truyền thông giáo dục sức khỏe trên cơ sở kế hoạch của tỉnh và tình hình thực tế trên địa bàn cấp huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động:

+ Thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống dịch bệnh, HIV/AIDS, các bệnh xã hội, tai nạn thương tích, sức khỏe lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, dinh dưỡng cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truyền thông giáo dục sức khỏe và theo quy định của pháp luật;

+ Hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách đối với các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở y tế trên địa bàn;

+ Tham gia đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, thuộc lĩnh vực phụ trách cho cán bộ y tế cấp xã, nhân viên y tế thôn và các cán bộ khác;

+ Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực liên quan;

+ Quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia và các dự án khác được sở Y tế phân công;

+ Quản lý cán bộ, viên chức, tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật.

+ Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật;

+ Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Y tế và UBND huyện giao.

f) Tổ chức bộ máy gồm Ban Giám đốc; 02 phòng, 03 khoa chuyên môn (Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Truyền Thông giáo dục sức khỏe; Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Khoa Y tế công cộng; Khoa Kiểm soát dịch bệnh/HIV-AIDS);

g) Nhân lực: Hiện có 24 người/ 24 biên chế được giao, trong đó: 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 02 Trưởng phòng, 23 viên chức, 01 lao động hợp đồng 68.

h) Cơ sở vật chất: Trung tâm y tế dự phòng gồm 01 khu nhà 02 tầng, 16 phòng làm việc. Diện tích đất: 5000m2; diện tích xây dựng 800m2.

3. Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

a) Thành lập theo Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 06/6/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh;

b) Trụ sở làm việc: Trong khuôn viên UBND huyện Thạch Hà.

c) Chức năng:

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, truyền thông giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện.

- Chịu sự chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục của các Trung tâm liên quan ở tỉnh và chịu sự quản lý của UBND huyện.

d) Nhiệm vụ và quyền hạn:

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, truyền thông giáo dục về dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện.

- Tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn huyện.

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật và truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên cơ sở hướng dẫn của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế, chủ trương của cấp ủy, chính quyền huyện và tình hình thực tế trên địa bàn.

- Phối hợp với các ban, phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện, các đơn vị y tế cấp huyện, các cơ quan truyền thông liên quan và cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện các hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ.

- Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ cấp thôn.

- Tham gia nghiên cứu khoa học; ứng dụng kết quả nghiên cứu và tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

e) Tổ chức bộ máy: Gồm 02 Ban chuyên môn:

 - Ban Hành chính - Thống kê - Tổng hợp;

 - Ban Truyền thông và dịch vụ DS-KHHGĐ.

f) Số lượng vị trí lãnh đạo, quản lý:

- Giám đốc, Phó Giám đốc: 0 (hiện nay đang bố trí Phó trưởng phòng Y tế kiêm nhiệm chức danh Giám đốc).

g) Nhân lực: Số nhân lực được giao năm 2020: 05 biên chế; hiện có 04;

h) Cơ sở vật chất: Gồm 02 phòng làm việc trong trụ sở UBND huyện Thạch Hà.

4. Trạm Y tế

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 22 Trạm Y tế các xã, thị trấn; tổng số người làm việc là 173 người (trong đó: 20 Trưởng trạm, 21 Phó trưởng trạm, 132 viên chức); cơ sở vật chất và trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

a) Về chức năng nhiệm vụ

- Bệnh viện đa khoa: thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, tập trung hướng tới nâng cao chất lượng và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; chất lượng khám, chữa bệnh chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện tốt; thực hiện khám, chữa bệnh vượt chỉ tiêu kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh từ 130 - 150%. Thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ, là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế ở bậc đại học, cao đẳng và trung cấp. Hàng năm có từ 3 - 7 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kỹ thuật cấp cơ sở; tranh thủ được sự hỗ trợ, hợp tác của tuyến tỉnh, tuyến trung ương, mời được nhiều lượt các chuyên gia giỏi về chuyển giao kỹ thuật, trực tiếp khám và điều trị tại bệnh viện, thực hiện nhiều lượt chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho Trạm Y tế xã. Thực hiện quản lý tài chính, thu chi đúng quy định; trong các năm 2017, 2018, 2019 đảm bảo 100% chi thường xuyên của đơn vị.

- Trung tâm y tế dự phòng: thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, khống chế dập tắt dịch bệnh kịp thời, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia triển khai trên địa bàn. Đảm bảo công tác sức khoẻ môi trường, sức khoẻ trường học, dinh dưỡng cộng đồng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và truyền thông giáo dục sức khoẻ trên địa bàn huyện; thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật về các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách đối với các Trạm Y tế xã, thị trấn trên địa bàn.

- Trung tâm Dân số - KHHGĐ: thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, hệ thống mạng lưới và chất lượng cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ đã được mở rộng theo hướng gần dân, ngày càng đáp ứng tính thuận tiện, an toàn và sự hài lòng của khách hàng. Các hoạt động về dân số - KHHGĐ ngày càng được chú trọng theo hướng xây dựng, mở rộng các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra và giám sát, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ cấp xã.

- Các Trạm Y tế xã, thị trấn: thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện khám, điều trị, sơ cứu ban đầu theo quy định, dịch vụ khám, điều trị bảo hiểm y tế ngày càng được tăng cao; 100% các trạm y tế đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

b. Về tổ chức bộ máy và biên chế

Các đơn vị đảm bảo ổn định về tổ chức bộ máy, xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao. Biên chế cán bộ của các đơn vị thực hiện đảm bảo theo chỉ tiêu được giao.

2. Tồn tại, hạn chế

a. Về cơ cấu tổ chức bộ máy

- Trong thời gian qua, việc tách nhập, phân cấp quản lý các đơn vị trực thuộc về tổ chức bộ máy có nhiều thay đổi;

- Bệnh viện đa khoa trực thuộc Sở y tế quản lý; Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm dân số và Trạm y tế xã trực thuộc UBND huyện quản lý.

b. Chức năng, nhiệm vụ

- Quản lý chuyên môn còn nhiều chồng chéo giữa các bộ phận từ huyện đến xã.

- Ngành y tế của huyện chia ba bộ phận, có ba đầu mối hoạt động độc lập dẫn đến sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chưa thực sự gắn kết, hiệu quả chưa cao.

- Một số nhiệm vụ chuyên môn cần có sự phối hợp của ba đơn vị, hiện đang hoạt động riêng rẽ, tách biệt nên hiệu quả chưa cao.

- Sự phối hợp giữa  Bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trong việc chỉ đạo y tế cơ sở chưa thống nhất cao.

- Bệnh viện đa khoa chỉ thực hiện chỉ đạo tuyến về lĩnh vực chuyên môn đối với Trạm Y tế, không quản lý trực tiếp về nhân lực, cho nên việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với Trạm Y tế chưa đạt yêu cầu và hiệu quả chưa cao. Việc chấp hành các quy chế chuyên môn, quy chế thường trực, quy trình kỹ thuật tại Trạm Y tế chưa đúng quy định. Cán bộ tại các Trạm Y tế ít được đào tạo, tập huấn, đào tạo lại về chuyên môn nghiệp vụ nên năng lực chuyên môn yếu, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ y tế.

- Thực hiện các dịch vụ về dân số - kế hoạch hóa gia đình chưa được phối hợp tốt giữa ba đơn vị dẫn đến hiệu quả công tác DS - KHHGĐ trong thời gian qua đạt kết quả chưa cao.

- Trạm Y tế xã, thị trấn: Chuyển giao kỹ thuật từ tuyến huyện xuống xã còn ít, trình độ công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu; quản lý sức khỏe người dân chưa tốt.

c. Về biên chế số lượng, chất lượng đội ngũ

- Đội ngũ nhân lực có chất lượng cao còn ít; Việc thu hút nhân lực đặc biệt là bác sỹ chính quy còn khó khăn, do chính sách thu hút chưa đủ sức hấp dẫn; Việc luân phiên cán bộ từ huyện xuống xã và ngược lại chưa thực hiện được; việc thực hiện tinh giản biên chế đối với y tế cơ sở thực hiện chưa tốt.

- Biên chế cán bộ tại Trạm Y tế xã còn nhiều bất cập: có 06 trạm chưa có bác sỹ; cơ cấu chức danh không phù hợp, thiếu y học cổ truyền, thiếu dược sỹ; thừa điều dưỡng, nữ hộ sinh.

d. Về trang thiết bị, phương tiện

Trang thiết bị của các đơn vị còn nhiều bất cập: tại bệnh viện thiếu các phương tiện hiện đại phục vụ chẩn đoán và điều trị; tại Trạm y tế xã thiếu các thiết bị y tế cơ bản phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó có một số trang thiết bị từ các nguồn tài trợ ở Trạm y tế và Trung tâm y tế dự phòng chưa phát huy hết tính năng, công dụng của máy do trình độ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Phần thứ III

MỤC ĐÍNH, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TĂC SÁP NHẬP

CÁC ĐƠN VỊ ĐỂ THÀNH TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN

 

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Xây dựng bộ máy ngành y tế huyện tinh gọn, cơ cấu hợp lý, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, hoạt động hiệu lực hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao;

2. Sắp xếp, bố trí cán bộ làm việc hợp lý, khoa học, đảm bảo cân đối về cơ cấu, tránh dư thừa, lãng phí; đảm bảo đủ các trang thiết bị, phương tiện cho các đơn vị hoạt động, phục vụ công tác chuyên môn;

3. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ;

4. Từng bước phát huy tự chủ về tài chính, nhân sự, tổ chức bộ máy để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, bố trí cho các đơn vị sự nghiệp nhưng vẫn đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu quả, hiệu lực bộ máy trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho viên chức.

II. NGUYÊN TẮC

1. Quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy phải đảm bảo duy trì các hoạt động chuyên môn. Thực hiện ổn định và tổ chức triển khai hoạt động có hiệu quả ngay sau khi sáp nhập.

2. Trong quá trình sắp xếp lại, phải gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; không làm thất thoát cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính và tài sản của các đơn vị; tiết kiệm ngân sách, không phát sinh kinh phí trái quy định.

3. Việc sắp xếp đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Quan tâm động viên tư tưởng và giải quyết tốt chế độ chính sách cho công chức, viên chức và người lao động.

 

Phần IV

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN

         

A. TÊN GỌI, VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, TÀI SẢN, TÀI CHÍNH

I. TÊN GỌI: Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà

II. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

1. Vị trí pháp lý

Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà là đơn vị sự nghiệp y tế công lập hạng II, do UBND huyện Thạch Hà quản lý,  Sở Y tế hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, có tư cách pháp nhân, có trụ sở làm việc, có con dấu và tài khoản giao dịch riêng được mở tại Kho bạc Nhà nước huyện.

2. Chức năng

 Cung cấp các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y tế dự phòng; dân số - kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn

- Thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; tiêm chủng phòng bệnh; y tế trường học; phòng, chống các yếu tố nguy cơ tác động lên sức khỏe, phát sinh, lây lan dịch, bệnh; quản lý và nâng cao sức khỏe cho người dân.

- Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế; vệ sinh và sức khỏe lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng; giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và dinh dưỡng cộng đồng.

- Thực hiện các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; tham gia thẩm định cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm; hướng dẫn, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và theo phân công, phân cấp.

- Thực hiện sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo quy định của cấp có thẩm quyền và giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho các trường hợp bệnh nhân tự đến, bệnh nhân được chuyển tuyến, bệnh nhân do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên chuyển về để tiếp tục theo dõi điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng; thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, chuyển tuyến theo quy định của pháp luật; khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định; tham gia khám giám định y khoa, khám giám định pháp y khi được trưng cầu.

- Thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; phối hợp thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phục vụ cho hoạt động chuyên môn, kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và nhu cầu của người dân; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm và an toàn bức xạ theo quy định.

- Thực hiện tuyên truyền, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về y tế; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe về y tế, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn.

- Chỉ đạo tuyến, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật đối với các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, y tế thôn bản, cô đỡ thôn và các cơ sở y tế thuộc cơ quan, trường học, công nông trường, xí nghiệp trên địa bàn huyện.

- Thực hiện đào tạo liên tục cho đội ngũ viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực phụ trách cho đội ngũ nhân viên y tế thôn và các đối tượng khác theo phân công, phân cấp của Sở Y tế; là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và hướng dẫn thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện việc cung ứng, bảo quản, cấp phát, sử dụng và tiếp nhận thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn theo phân cấp của Sở Y tế và quy định của pháp luật.

- Triển khai thực hiện các dự án, chương trình y tế ở địa phương theo phân công, phân cấp của Sở Y tế; tổ chức điều trị nghiện chất bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật; thực hiện kết hợp quân - dân y theo tình hình thực tế ở địa phương.

- Thực hiện ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Trung tâm Y tế và các đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế theo quy định của pháp luật.

- Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực liên quan.

- Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình:

+ Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ về DS-KHHGĐ và truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên cơ sở kế hoạch của Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế và tình hình thực tế trên địa bàn huyện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

+ Triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, phổ biến các sản phẩm truyền thông về DS-KHHGĐ theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

+ Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát chuyên môn các hoạt động về DS-KHHGĐ của Trạm Y tế xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn.

+ Quản lý và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu về Y tế-Dân số, các dự án khác được Chi cục DS-KHHGĐ phân công.

+ Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ DS-KHHGĐ xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn.

+ Tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu và tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực DS-KHHGĐ...

+ Là thường trực Ban chỉ đạo công tác dân số cấp huyện.

- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện quản lý nhân lực, tài chính, tài sản theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch UBND huyện giao.

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC

1. Lãnh đạo Trung tâm: Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.

2. Các phòng chức năng: Gồm 05 phòng

- Phòng Tổ chức - Hành chính.

- Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ.

- Phòng Tài chính kế toán.

- Phòng Điều dưỡng.

- Phòng Truyền thông - Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

3. Các khoa chuyên môn: Gồm 17 khoa

- Khoa Phụ sản;

- Khoa Khám bệnh;

- Khoa Hồi sức cấp cứu;

- Khoa Nội tổng hợp ;            

- Khoa Ngoại tổng hợp;                   

- Khoa Nhi;         

- Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng;

- Khoa Liên chuyên khoa (Mắt - Răng Hàm Mặt - Tai Mũi Họng);

- Khoa Truyền nhiễm;

- Khoa Phẩu thuật - Gây mê hồi sức;

- Khoa Dược - Trang thiết bị - Vật tư y tế;

- Khoa Chẩn đoán hình ảnh;

- Khoa Xét nghiệm;

- Khoa Kiểm soát nhiểm khuẩn;

- Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS;

- Khoa Y tế công cộng;

- Khoa Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm;

4. Trạm Y tế

4.1. Bộ máy: Sau khi thực hiện sáp nhập có 22 Trạm y tế, gồm:

- Trạm y tế Việt Tiến;

- Trạm y tế Tân Lâm Hương;

- Trạm y tế Lưu Vĩnh Sơn;

- Trạm y tế Thị trấn;

- Trạm y tế Nam Điền;

- Trạm y tế Đỉnh Bàn;

- Trạm y tế Ngọc Sơn;

- Trạm y tế Thạch Xuân;

- Trạm y tế Thạch Hội;

- Trạm y tế Thạch Kênh;

- Trạm y tế Thạch Liên;

- Trạm y tế Thạch Long;

- Trạm y tế Thạch Sơn;

- Trạm y tế Thạch Ngọc;

- Trạm y tế Thạch Đài;

- Trạm y tế Tượng Sơn;

- Trạm y tế Thạch Thắng;

- Trạm y tế Thạch Văn;

- Trạm y tế Thạch Trị;

- Trạm y tế Thạch Lạc;

- Trạm y tế Thạch Khê;

- Trạm y tế Thạch Hải.

4.2. Chức năng

a) Trạm Y tế có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã.

b) Có trụ sở riêng, có con dấu để giao dịch và phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ.

4.3. Nhiệm vụ

4.3.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bệnh viện Đa khoa huyện

a) Xây dựng kế hoạch hoạt động khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức, lao động trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

b) Cấp cứu - Khám bệnh - Chữa bệnh:

- Tiếp nhận mọi trường hợp người bệnh thuộc chuyên khoa của bệnh viện để khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú;

- Giải quyết các bệnh thuộc chuyên khoa tại địa phương;

- Tham gia khám, giám định sức khỏe và giám định pháp y khi cơ quan bảo vệ bảo vệ pháp luật trưng cầu.

- Chuyển người bệnh lên tuyến trên khi bệnh viện không đủ khả năng giải quyết.

c) Đào tạo cán bộ y tế:

- Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo sinh viên, học sinh chuyên ngành ở bậc cao đẳng, trung học;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến xã để cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn.

d) Nghiên cứu khoa học về y học:

- Tổ chức thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học và ứng dụng tiến độ khoa học, công nghệ về y học ở cấp Bộ và cấp cơ sở; chú trọng nghiên cứu y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc;

- Nghiên cứu, triển khai dịch tễ học cộng đồng thuộc lĩnh vực chuyên khoa để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu;

- Kết hợp với bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để phát triển kỷ thuật, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện.

e) Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện thường xuyên công tác phòng chống bệnh, phòng dịch.

f) Tham gia hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực khám chữa bệnh theo đúng quy định của nhà nước.

g) Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước cấp. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi tài chính của bệnh viện, từng bước hạch toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tự chủ.

h) Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế bao gồm: Viện phí, bảo hiểm y tế, hỗ trợ đầu tư của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

i) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ, đột xuất theo quy định.

k) Quản lý tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, tài chính bệnh viện theo đúng quy định của pháp luật và phân cáp của UBND tỉnh.

4.3.2. Nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực y tế dự phòng:

a) Thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; tiêm chủng phòng bệnh; y tế trường học; phòng, chống các yếu tố nguy cơ tác động lên sức khỏe, phát sinh, lây lan dịch, bệnh; quản lý và nâng cao sức khỏe cho người dân.

b) Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế; vệ sinh và sức khỏe lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; vệ sinh trong hoạt động mai táng, hỏa táng; giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và dinh dưỡng cộng đồng.

c) Thực hiện các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; tham gia thẩm định cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm; hướng dẫn, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và theo phân công, phân cấp.

d) Thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em.

đ) Thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phục vụ cho hoạt động chuyên môn, kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và nhu cầu của người dân; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm và an toàn bức xạ theo quy định.

e) Thực hiện tuyên truyền, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về y tế; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe về y tế, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn.

f) Chỉ đạo tuyến, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật đối với các trạm y tế xã, phường, y tế thôn, tổ dân phố và các cơ sở y tế trên địa bàn.

g) Thực hiện đào tạo liên tục cho đội ngũ viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực phụ trách cho đội ngũ nhân viên y tế thôn, tổ dân phố và các đối tượng khác theo phân công, phân cấp của đơn vị quản lý cấp trên; là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

h) Thực hiện việc cung ứng, bảo quản, cấp phát, sử dụng và tiếp nhận thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động chuyên môn theo phân cấp của đơn vị quản lý cấp trên và quy định của pháp luật.

i) Triển khai thực hiện các dự án, chương trình y tế ở địa phương theo phân công, phân cấp của đơn vị quản lý cấp trên; tổ chức điều trị nghiện chất bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật; thực hiện kết hợp quân - dân y theo tình hình thực tế ở địa phương.

k) Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực liên quan.

4.3.3. Nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực DS - KHHGĐ:

a) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về DS-KHHGĐ và truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trên cơ sở kế hoạch của Chi cục DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế và tình hình thực tế trên địa bàn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

c) Triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, phổ biến các sản phẩm truyền thông về DS-KHHGĐ theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.

d) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát chuyên môn các hoạt động về DS-KHHGĐ của Trạm y tế xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn, tổ dân phố.

e) Quản lý và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ, các dự án khác được Chi cục DS-KHHGĐ phân công.

f) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức phụ trách công tác DS-KHHGĐ ở trạm y tế và cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn, tổ dân phố.

g) Là Thường trực Ban chỉ đạo công tác dân số huyện.

4.3.4. Quản lý, sử dụng viên chức, lao động, tài sản, ngân sách và nguồn thu từ dịch vụ; thực hiện chính sách đối với viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

4.3.5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên. Tham gia các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ do cơ quan cấp trên tổ chức. Tổ chức hoạt động thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch, biện pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc lĩnh vực được giao.    

4.3.6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

IV. CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG, CƠ CHẾ TÀI CHÍNH

1. Cơ chế tài chính: Nhà nước đảm bảo ngân sách là chủ yếu, một phần chi thường xuyên do đơn vị thu từ nguồn hợp pháp khác để chi trả.

2. Nguồn tài chính:

- Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm.

- Nguồn thu từ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ khác thuộc lĩnh vực y tế - dân số; nguồn thu phí, lệ phí từ các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Nguồn tài chính, tài sản của các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án viện trợ không hoàn lại, các dự án ODA, các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

V. DỰ KIẾN NHÂN LỰC, CƠ SỞ VẬT CHẤT, KINH PHÍ CẦN THIẾT ĐỂ ĐẢM BẢO CHO TRUNG TÂM Y TẾ HOẠT ĐỘNG SAU KHI SÁP NHẬP

1. Dự kiến nhân sự, số lượng người làm việc

- Số lượng người làm việc của Trung tâm Y tế được xác định trên cơ sở vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dự kiến số người làm việc là 231 người.

- Số lượng người làm việc của các Trạm y tế: 172 người.

2. Trụ sở làm việc: Gồm 02 cơ sở:

Cơ sở 1:  Bệnh viện Đa khoa huyện (cũ).

Cơ sở 2: Trung tâm Y tế dự phòng huyện (cũ).

3. Trang thiết bị: (có phụ lục kèm theo)

B. PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ NHÂN SỰ, TỔ CHỨC BỘ MÁY, CƠ  SỞ VẬT CHẤT, TÀI CHÍNH

I. VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

1. Trung tâm y tế

- Phòng Tổ chức - Hành chính bao gồm phòng Tổ chức hành chính của bệnh viện và phòng Hành chính tổng hợp của Y tế dự phòng;

- Phòng Truyền thông - Dân số - Kế hoạch hóa gia đình bao gồm Trung tâm Dân số - KHHGĐ,  phòng Truyền thông giáo dục sức khỏe và Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản của Trung tâm Y tế dự phòng;

- Khoa  Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm bao gồm khoa Dinh dưỡng của bệnh viện và khoa an toàn vệ sinh thực phẩm  của Trung tâm y tế dự phòng;

- Thành lập khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Nhi từ khoa Cấp cứu - Nhi của bệnh viện;

- Thành lập phòng Kế hoạch  - nghiệp vụ và phòng Tài chính kế toán từ phòng Kế hoach - Tài vụ;

Giữ nguyên các đơn vị khoa, phòng còn lại.

2. Trạm y tế: gồm 22 trạm y tế xã, thị trấn.

II. PHƯƠNG ÁN BỐ TRÍ NHÂN LỰC

1. Lãnh đạo Trung tâm

Ban Giám đốc gồm 01 Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc.

2. Trưởng, phó các khoa, phòng, trạm y tế

- Các phòng chức năng: Bố trí 01 trưởng phòng và 01 phó trưởng phòng/1 phòng. Gồm 05 trưởng phòng và 05 phó trưởng phòng.

- Các khoa: Bố trí 01 trưởng khoa, 01 phó trưởng khoa; một số khoa trực tiếp phục vụ bệnh nhân bố trí 01 điều dưỡng/hộ sinh/kỹ thuật viên trưởng khoa. Gồm 17 trưởng khoa; 17 phó trưởng khoa; 10 điều dưỡng trưởng khoa; 02 kỹ thuật viên trưởng khoa; 01 hộ sinh trưởng khoa.

- Trạm y tế: Bố trí mỗi trạm y tế 01 trưởng trạm và 01 phó trưởng trạm. Gồm 22 trưởng trạm và 22 phó trưởng trạm.

3. Số lượng người làm việc:

- Số lượng người làm việc của Trung tâm y tế: 231 người.

- Số lượng người làm việc của Trạm y tế: 172 người.

                                      (có phụ lục kèm theo)

4. Chế độ chính sách cán bộ thôi giữ chức vụ, dôi dư sau sáp nhập

- Đối với các vị trí dôi dư không sắp xếp, bố trí công tác thì căn cứ các văn bản hiện hành để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định;

- Rà soát các chức danh chuyên môn còn thiếu, các chức danh còn dôi dư để thực hiện đào tạo, đào tạo lại bố trí phù hợp với hoạt động chuyên môn. 

III. CƠ SỞ VẬT CHẤT, TÀI CHÍNH

1. Công tác tài chính

- Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm DS - KHHGĐ hoàn thành các nội dung về tài sản, tài chính trước khi sáp nhập theo quy định.

- Trung tâm y tế huyện thực hiện tiếp nhận cơ sở vật chất, tài sản, trang thiết bị, nguồn tài chính của các đơn vị.

- Tài sản, trang thiết bị của Trung tâm y tế huyện sau khi sáp nhập bao gồm tài sản, trang thiết bị được bàn giao từ Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm DS - KHHGĐ.

2. Về cấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất

- Đất và tài sản trên đất của Bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế dự phòng thuộc quyền sử dụng, quản lý của Trung tâm Y tế huyện;

- Bàn giao cơ sở vật chất của Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình cho UBND huyện quản lý, sử dụng.

- Các Trạm Y tế sáp nhập sử dụng vị trí có cơ sở vật chất đảm bảo, ở vị trí trung tâm, bàn giao cơ sở vật chất còn lại cho UBND xã quản lý, sử dụng.

C. HIỆU QUẢ KHI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Bảo đảm chủ trương của Nhà nước

Thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước về tinh gọn bộ máy của đơn vị sự nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

2. Về tổ chức bộ máy

- Trung tâm Y tế huyện giảm 02 đầu mối (03 đầu mối xuống còn 01 đầu mối);

- Trạm Y tế xã giảm 09 đầu mối (từ 31 đầu mối xuống còn 22 đầu mối);

- Giảm các phòng, ban chức năng từ 08 phòng, ban xuống 05 phòng;

3. Về nhân sự

 Số lượng cán bộ lãnh đạo đơn vị trực thuộc giảm 01 vị trí (từ 05 vị trí xuống 04 vị trí).

4. Về chức năng nhiệm vụ

Một số chức năng nhiệm vụ về công tác dân số, y tế dự phòng được thống nhất; công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Trạm Y tế tuyến xã tập trung một đầu mối để lãnh đạo, chỉ đạo.

5. Hiệu quả khác

Tập trung nguồn lực về một đầu mối quản lý, khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ, phát huy tối đa khả năng phục vụ chuyên môn khám, chữa bệnh tại bệnh viện và Trạm Y tế xã, tăng cường bác sĩ cho tuyến xã, phát triển chuyên môn kỹ thuật đối với Trạm Y tế; thành lập được phòng khám bác sĩ gia đình đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Bổ sung trang thiết bị, phương tiện: Trung tâm Y tế huyện được bổ sung thêm phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động; các Trạm Y tế xã sau khi sáp nhập được bổ sung thêm các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh;         .

D. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Đối với Trung ương

Đề nghị xem xét điều chỉnh, các văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động đối với Trung tâm Y tế đa chức năng tuyến huyện.

2. Đối với tỉnh

Đề nghị xem xét có kế hoạch bàn giao đội ngũ cán bộ viên chức và nguồn ngân sách của các đơn vị về một đầu mối quản lý trước khi tổ chức sáp nhập;

Ban hành chính sách hỗ trợ đối với viên chức dôi dư, đào tạo lại, nghỉ việc do sắp xếp, tổ chức lại đơn vị; đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm y tế huyện và các Trạm Y tế xã đảm bảo thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới; hỗ trợ kinh phí để thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ viên chức, thực hiện đào tạo, đào tạo lại đối với cán bộ phải đào tạo, đào tạo lại.

 

Phần V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

I. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Lộ trình xây dựng hoàn chỉnh đề án: Quý II năm 2020

2. Lộ trình triển khai thực hiện đề án: Quý II năm 2020 triển khai thực hiện Đề án, thành lập Trung tâm y tế huyện.

II TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Phòng Nội vụ:

- Phối hợp với các phòng, ban, ngành, đơn v có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục nhân sự đề nghị Chủ tịch UBND huyện xem xét, quyết định.

- Thẩm định vị trí việc làm, số lượng người làm việc; tham mưu sắp xếp, bố trí, giải quyết dôi dư  đối với số công chức, viên chức đảm bảo theo quy định.

2. Phòng Tư pháp:

 Phối hợp phòng Nội vụ thẩm định Quy chế hoạt động của TTYT huyện trình UBND huyện phê duyệt.

3. Phòng Y tế:

 Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với TTYThuyện.

4. Phòng Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế - Hạ tầng:

Chủ trì, phối hợp phòng Y tế tham mưu, hướng dẫn Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm DSKHHGĐ huyện bàn giao cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị, bàn giao nguồn tài chính, tài sản và các hồ sơ liên quan cho TTYT huyện.

5. Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm DSKHHGĐ huyện:

Có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan để thực hiện việc bàn giao tài chính, tài sản, chế độ chính sách viên chức và các nội dung liên quan khác theo quy định của pháp luật.

6. Giám đốc TTYT huyện:

- Tổ chức tiếp nhận bàn giao công chức, viên chức, lao động hợp đồng, tài chính, tài sản và hồ sơ, tài liệu có liên quan của Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm DSKHHGĐ huyện theo đúng quy định của pháp luật. Khẩn trương ổn định tổ chức nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

- Xây dựng Quy chế hoạt động; Đề án vị trí việc làm của Trung tâm trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

- Xây dựng phương án sắp xếp, tinh giản đối với số công chức, viên chức và lao động hợp đồng tiếp nhận từ Bệnh viện Đa khoa huyện, Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm DSKHHGĐ huyện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

Trần Việt Hà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 01

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ

Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm DS - KHHGĐ

(Kèm theo Đề án số      /ĐA-UBND ngày     /          /2020)

 

TT

Cơ cấu tổ chức bộ máy

Số lượng khoa, phòng

Cơ cấu biên chế

TS người làm việc

Trưởng khoa, phòng

Phó khoa, phòng

ĐD, HS, KTV trưởng

Nhân viên

I

BỆNH VIỆN ĐA KHOA

17

170

13

7

12

135

1

Ban Giám đốc

 

3

 

 

 

 

-

Giám đốc

 

1

 

 

 

 

-

Phó Giám đốc

 

2

 

 

 

 

2

Phòng chức năng

3

20

3

 

 

18

-

Phòng Tổ chức - Hành chính

1

7

1

 

 

6

-

Phòng Kế hoạch -tài vụ

1

13

1

 

 

12

-

Phòng Điều dưỡng

1

1

1

 

 

 

3

Các khoa chuyên môn

14

145

10

7

12

117

-

Khoa Khám bệnh

1

16

1

 

1

14

-

Khoa Nội tổng hợp

1

16

1

1

1

13

-

Khoa Ngoại tổng hợp

1

12

1

 

1

10

-

Khoa Phụ sản

1

10

 

1

1

8

-

Khoa Cấp cứu - nhi

1

12

 

1

1

10

-

Khoa Truyền nhiễm

1

9

1

 

1

7

-

Khoa 3CK (mắt, răng hàm mặt, TMH)

1

12

1

1

1

9

-

Khoa Y học cổ truyền

1

13

1

 

1

11

-

Khoa Gây mê hồi sức

1

5

 

1

1

3

-

Khoa Chẩn đoán hình ảnh

1

10

1

1

1

7

-

Khoa Xét nghiệm

1

9

1

 

1

7

-

Khoa Dược

1

13

1

1

 

11

-

Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

1

6

 

 

1

5

-

Khoa Dinh dưỡng

1

3

1

 

 

2

II

TRUNG TÂM YTDP

5

23

3

 

 

18

1

Ban Giám đốc

 

2

 

 

 

 

-

Giám đốc

 

1

 

 

 

 

-

Phó Giám đốc

 

1

 

 

 

 

2

Các khoa chuyên môn

3

16

2

 

 

14

-

Khoa KSDB, bệnh, HIV/AIDS-XN

1

5

1

 

 

5

-

Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản

1

4

1

 

 

3

-

Khoa y tế công cộng - ATVSTP

1

7

1

 

 

6

3

Các phòng

2

5

1

 

 

4

-

Phòng Hành chính tổng hợp

1

4

 

 

 

4

-

Phòng truyền thông GDSK

1

1

1

 

 

 

III

TRUNG TÂM DÂN SỐ - KHHGĐ

2

4

 

 

 

4

-

Giám đốc

 

 

 

 

 

 

-

Ban hành chính, Thống kê - tổng hợp

1

2

 

 

 

2

-

Ban Truyền thông và DV DS KHHGĐ

1

2

 

 

 

2

Tổng (I+II+III)

24

197

16

7

12

157

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 02

THỰC TRẠNG SỐ LƯỢNG, CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ VIÊN CHỨC

(Kèm theo Đề án số      /ĐA-UBND ngày     /          /2020)

 

TT

Nội dung

Bệnh viện đa khoa huyện

Trung tâm Y tế dự phòng

Trung tâm Dân số -  Kế hóa gia đình

Ghi chú

I

Bác sĩ:

40

8

 

 

1

Bác sĩ CKII

1

 

 

 

2

Bác sĩ CKI

17

3

 

 

3

Thạc sĩ

1

 

 

 

4

Bác sĩ đa khoa

16

1

 

 

5

Bác sĩ YHCT

4

 

 

 

6

Bác sĩ YHDP

1

4

 

 

II

Dược sĩ:

16

 

 

 

1

Dược sĩ CKI

1

 

 

 

2

Dược sĩ đại học

3

 

 

 

3

Dược sĩ CĐ, trung cấp

12

 

 

 

III

Điều dưỡng:

65

1

 

 

1

Điều dưỡng đại học

15

 

 

 

2

Điều dưỡng cao đẳng

40

 

 

 

3

Điều dưỡng trung cấp

10

1

2

 

IV

Hộ sinh:

6

3

 

 

1

Hộ sinh cao đẳng

2

 

 

 

2

Hộ sinh trung cấp

4

3

 

 

V

Kỹ thuật viên:

10

1

 

 

1

Kỹ thuật viên đại học

2

 

 

 

2

Kỹ thuật viên cao đẳng

4

1

 

 

3

Kỹ thuật viên trung cấp

4

 

 

 

VI

Y sĩ:

7

5

 

 

1

Y sĩ YHCT

4

 

 

 

2

Y sĩ sản nhi

3

1

 

 

3

Y sĩ đa khoa

 

4

1

 

VII

Kế toán:

9

1

 

 

1

Kế toán đại học

5

 

 

 

2

Kế toán CĐ, trung cấp

4

1

 

 

VIII

Cán bộ khác:

17

5

 

 

1

Đại học sư phạm

 

 

1

 

2

Đại học CNTT

1

 

 

 

3

Văn thư lưu trữ

1

1

 

 

4

Cao đẳng CN thực phẩm

 

1

 

 

5

Kỹ thuật điện

2

 

 

 

6

Lái xe

1

1

 

 

7

Bảo vệ

2

 

 

 

8

Cán bộ khác

10

2

 

 

 

Cộng (I+II+…+VIII)

170

24

4

 

 

 

 

Phụ lục 03

CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ

Của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà

(Kèm theo Đề án số      /ĐA-UBND ngày    /    /2020)

 

1. Diện tích đất và diện tích xây dựng

Diện tích khuôn viên bệnh viện: 15.320m2.

Diện tích xây dựng: 6.000m2; diện tích sàn: 11.000.000m2.

Gồm 1 khu nhà 3 tầng, 7 khu nhà 2 tầng, 04 khu nhà 1 tầng và một số công trình phụ trợ khác.

2. Danh mục cơ sở vật chất và trang thiết bị

 

TT

Nội dung

Số lượng

Tình trạng

sử dụng

Ghi chú

I

Cơ sở vật chất

   

 

1

Nhà Chống nhiễm khuẩn (1 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

2

Nhà đa chức năng (1 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

3

Nhà điều trị  nhi, khoa Dược (2 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

4

Nhà điều trị khoa Truyền nhiễm (1 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

5

Nhà điều trị khoa Nội (2 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

6

Nhà điều trị ngoại sản (2 tầng)

2

Xuống cấp

 

7

Nhà dinh dưỡng (1 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

8

Nhà kỹ thuật CĐHA,  Cấp cứu (2 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

9

Nhà nội trú ( 2 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

10

Nhà Phòng khám - HC-CĐHA (3 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

11

Nhà khoa YHCT - 3CK (2 tầng)

1

Hoạt động tốt

 

II

Trang thiết bị

   

 

1

 Bộ đại phẫu viện trợ

1

Hoạt động tốt

 

2

02 Bàn mổ đa chức năng

1

Hoạt động tốt

 

3

02 Nồi hấp HL 341 . NỒi hấp BK 75

1

Hoạt động tốt

 

4

Bàn mổ thủy lực

1

Hoạt động tốt

 

5

Bàn nắn kéo xương

1

Hoạt động tốt

 

6

Bộ khám răng

1

Hoạt động tốt

 

7

Bộ lưu điện SANTAK Online C2K

1

Hoạt động tốt

 

8

Bộ nội soi tiết niệu

1

Hoạt động tốt

 

9

Bơm tiêm điện

1

Hoạt động tốt

 

10

Dao mổ điện

1

Hoạt động tốt

 

11

Đèn mổ 5 bóng

1

Hoạt động tốt

 

12

Đèn mổ 9 bóng TQ

1

Hoạt động tốt

 

13

Đèn mổ di động

1

Hoạt động tốt

 

14

Ghế  răng nha khoa

1

Hoạt động tốt

 

15

Ghế răng

1

Hoạt động tốt

 

16

Hệ thống Camera giám sát

1

Hoạt động tốt

 

17

Hệ thống kéo dãn cổ, cột sống kỹ thuật số

1

Hoạt động tốt

 

18

Hệ thống lấy số xếp hàng PK

1

Hoạt động tốt

 

19

Hệ thống nội soi dạ dày

1

Hoạt động tốt

 

20

Hệ thống nội soi Tai - Mũi - Họng

1

Hoạt động tốt

 

21

Hệ thống Oxy trung tâm, khí nén và chân không

1

Hoạt động tốt

 

22

Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng

1

Hoạt động tốt

 

23

Hệ thống siêu âm đa dụng

1

Hoạt động tốt

 

24

Hệ thống xếp hàng tự động

1

Hoạt động tốt

 

25

Hệ thống xử lý hình ảnh X - quang số hóa CR

1

Hoạt động tốt

 

26

Khay nạp AR-RP6N

1

Hoạt động tốt

 

27

Kính hiển vi 2 mắt đèn Led

1

Hoạt động tốt

 

28

Kính hiển vi Olymput CX21

1

Hoạt động tốt

 

29

Lồng ấp trẻ sơ sinh

1

Hoạt động tốt

 

30

Máy CPAP Không xâm nhập

2

Hoạt động tốt

 

31

Máy điện tim 6 cần

2

Hoạt động tốt

 

32

Máy điện xung

1

Hoạt động tốt

 

33

Máy điều trị điện xung

1

Hoạt động tốt

 

34

Máy đo chức năng hô hấp

1

Hoạt động tốt

 

35

Máy đo loãng xương siêu âm

1

Hoạt động tốt

 

36

Máy gây mê kèm thở

1

Hoạt động tốt

 

37

Máy giặt, vắt Công nghiệp

1

Hoạt động tốt

 

38

Máy hút dịch 02 bình

1

Hoạt động tốt

 

39

Máy ly tâm máu

1

Hoạt động tốt

 

40

Máy nội soi dạ dày

1

Hoạt động tốt

 

41

Máy phát điện

1

Hoạt động tốt

 

42

Máy sắc thuốc 16 ấm

4

Hoạt động tốt

 

43

Máy sấy công nghiệp

1

Hoạt động tốt

 

44

Máy Siêu âm màu 4D

1

Hoạt động tốt

 

45

Máy sinh hiển vi phẫu thuật kẹp bàn

1

Hoạt động tốt

 

46

Máy soi cổ tử cung

1

Hoạt động tốt

 

47

Máy tạo nén o xy

1

Hoạt động tốt

 

48

Máy theo dõi bệnh nhân

1

Hoạt động tốt

 

49

Máy thở

1

Hoạt động tốt

 

50

Máy thở hồi sức đa chức năng kèm máy nén khí

1

Hoạt động tốt

 

51

Máy truyền dịch

1

Hoạt động tốt

 

52

Máy xét nghiệm điện giải 3 thông số NA,K,CL

1

Hoạt động tốt

 

53

Máy xét nghiệm huyết học 20  thông số

1

Hoạt động tốt

 

54

Máy xét nghiệm miễn dịch

1

Hoạt động tốt

 

55

Máy xét nghiệm nước tiểu tự động

1

Hoạt động tốt

 

56

Máy xét nghiệm sinh hóa tự động Biotecnica

1

Hoạt động tốt

 

57

Máy XQ kỹ thuật số

1

Hoạt động tốt

 

58

Moniter phòng mổ 6 thông số

1

Hoạt động tốt

 

59

Moniter theo dõi bệnh nhân 5 thông số

1

Hoạt động tốt

 

60

Monitor sản khoa

1

Hoạt động tốt

 

61

Nồi hap 75

1

Hoạt động tốt

 

62

Thang song song tập đi

1

Hoạt động tốt

 

63

Thiết bị xử lý nước thải và cấp nước sạch

1

Hoạt động tốt

 

64

Tủ an toàn sinh học cấp 1

1

Hoạt động tốt

 

65

Tủ lắp đặt Siwtch Hub 27U

1

Hoạt động tốt

 

66

Tủ sấy

3

Hoạt động tốt

 

67

Xe ô tô cứu thương

1

Hoạt động tốt

 

68

Bộ máy vi tính

60

Hoạt động tốt

 

69

Điều hòa nhiệt độ

45

Hoạt động tốt

 

70

Giường bệnh nhân

270

Hoạt động tốt

 

 

 

 

 

Phụ lục 04

CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ

Của Trung tâm y tế dự phòng

(Kèm theo Đề án số      /ĐA-UBND ngày     /          /2020)

 

1. Cơ sở vật chất:

- Diện tích đất: 3.587,5m­­­­­­­­­­2;

- Gồm 01 khu nhà 2 tầng; Diện tích xây dựng: 450m2, diện tích sàn: 900m2

2. Danh mục trang thiết bị, phương tiện:

 

TT

Tên trang thiết bị, phương tiện

Số lượng

Tình trạng sử dụng

1

Tủ lạnh sinh phẩm

01

Hoạt động tốt

2

Tủ bảo quản vacxin TCW 300

01

Hoạt động tốt

3

Tủ bảo quản vacxin  NIKITA

01

Hoạt động tốt

4

Côn bốc lớn

05

Hoạt động tốt

5

Côn bốc nhỏ

02

Hoạt động tốt

6

Phích lạnh bảo quản vắc xin GIOSTYLE

05

Hoạt động tốt

7

Phích bảo quản Vắc xin BCG

01

Hoạt động tốt

8

Tủ lạnh bệnh phảm

01

Hoạt động tốt

9

Máy phun muỗi (R340, R320)

02

Hoạt động tốt

10

Bình phun muỗi bằng Inox

01

Hoạt động tốt

11

Máy lắc ngang

01

Hoạt động tốt

12

Kính hiển vi 2 mắt Nikon E100

01

Hoạt động tốt

13

Kính hiển vi 2 mắt Olympus SZ-51

01

Hoạt động tốt

14

Máy ly tâm EBA20

01

Hoạt động tốt

15

Máy ly tâm PLC 012E

01

Hoạt động tốt

16

Bơm Pipet tự động

01

Hoạt động tốt

17

Tủ lạnh âm sau

01

Hoạt động tốt

18

Máy phát điện

01

Hoạt động tốt

19

Máy phân tích sinh hóa bán tự động

01

Hoạt động tốt

20

Máy phân tích huyết học

01

Hoạt động tốt

21

Máy phân tích nước tiểu

01

Hoạt động tốt

22

Máy XN sinh hoá máu Cobasc 111; máy tích điện

01

Hoạt động tốt

23

Máy XN nước tiểu 11 TS Simen

01

Hoạt động tốt

24

Máy siêu âm đen trắng

01

Hoạt động tốt

24

Máy siêu âm màu

01

Hoạt động tốt

25

Máy điện tim 6 kênh Fukuda FX-7102

01

Hoạt động tốt

26

Ô tô chuyên dụng

01

Hoạt động tốt

27

Xe máy

02

Hoạt động tốt

 

Phụ lục 05

CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ

Của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

(Kèm theo Đề án số      /ĐA-UBND ngày     /          /2020)

 

1. Cơ sở vật chất: Gồm 03 phòng làm việc thuộc UBND huyện

2. Danh mục trang thiết bị, phương tiện:

 

TT

Tên trang thiết bị,

phương tiện

Số lượng

Tình trạng sử dụng

Ghi chú

1

Máy vi tính

05

Hoạt động tốt

 

2

Tủ đựng tài liệu

05

Hoạt động tốt

 

3

Ghế xoay

03

Hoạt động tốt

 

4

Ghế xếp

10

Hoạt động tốt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 06

TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN

(Kèm theo Đề án số:        /ĐA-BVĐK ngày 10/02/2020)

 

TT

Cơ cấu tổ chức bộ máy

Số lượng, khoa, phòng

Số giường bệnh

Biên chê

Tổng

Trưởng khoa, phòng

Phó khoa, phòng

ĐD, HS, KTV trưởng khoa

Nhân viên

 

1

Ban Giám đốc

 

 

4

 

 

 

 

 

-

Giám đốc

 

 

1

   

 

 

 

-

Phó Giám đốc

 

 

3

   

 

 

 

3

Các phòng

5

 

35

5

5

 

25

 

-

Phòng Tổ chức hành chính

1

 

8

1

1

 

6

 

 

Phòng Kế hoạch - nghiệp vụ

1

 

6

1

1

 

4

 

-

Phòng Tài chính kế toán

1

 

10

1

1

 

8

 

-

Phòng Điều dưỡng

1

 

5

1

1

 

3

 

-

Phòng Truyền thông - Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

1

 

6

1

1

 

4

 

2

 Các khoa

17

17

193

17

17

13

145

 

-

Khoa Khám bệnh

1

 

18

1

1

1

15

 

-

Khoa Nội tổng hợp

1

40

19

1

1

1

16

 

-

Khoa Ngoại tổng hợp

1

23

14

1

1

1

11

 

-

Khoa Phụ sản

1

14

13

1

1

1

10

 

-

Khoa Hồi sức cấp cứu

1

(8)

9

1

1

1

6

 

-

Khoa Nhi

1

18

12

1

1

1

9

 

-

Khoa Truyền nhiễm

1

15

12

1

1

1

9

 

-

Khoa liên chuyên khoa (mắt, RHM, TMH)

1

15

14

1

1

1

11

 

-

Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng

1

25

16

1

1

1

13

 

-

Khoa Phẩu thuật - Gây mê hồi sức

1

 

7

1

1

1

4

 

-

Khoa Chẩn đoán hình ảnh

1

 

10

1

1

1

7

 

-

Khoa Xét nghiệm

1

 

11

1

1

1

8

 

-

Khoa Dược - Trang thiết bị - Vật tư y tế

1

 

14

1

1

 

12

 

-

Khoa KSNK

1

 

7

1

1

1

4

 

-

Khoa Kiểm soát dịch, bệnh, HIV/AIDS

1

 

5

1

1

 

3

 

-

Khoa Y tế công cộng 

1

 

6

1

1

 

4

 

-

Khoa Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm

1

 

5

1

1

 

3

 

 

Tổng (1+2+3)

22

150

231

22

22

13

170

 

 

 

Phụ lục 07

CƠ CẤU BIÊN CHẾ CÁN BỘ TRẠM Y TẾ XÃ, THỊ TRẤN

(Sau khi sáp nhập)

(Kèm theo Đề án số      /ĐA-UBND ngày        /        /2020)

 

TT

Tên đơn vị

Tổng số người

làm việc

Ghi chú

1

TYT Việt Tiến

11

 

2

TYT Tân Lâm Hương

13

01 nghỉ hưu 8/2020

3

TYT Lưu Vĩnh Sơn

12

01 nghỉ hưu 2021

4

TYT Thị trấn

11

 

5

TYT Hương Điền

9

 

6

TYT Đỉnh Bàn

8

 

7

TYT Ngọc Sơn

7

 

8

TYT Thạch Xuân

7

 

9

TYT Thạch Hội

6

 

10

TYT Thạch Kênh

7

 

11

TYT Thạch Liên

7

 

12

TYT Thạch Long

7

 

13

TYT Thạch Sơn

7

 

14

TYT Thạch Ngọc

7

 

15

TYT Thạch Đài

7

 

16

TYT Tượng Sơn

7

 

17

TYT Thạch Thắng

7

 

18

TYT Thạch Văn

6

 

19

TYT Thạch Trị

6

 

20

TYT Thạch Lạc

7

 

21

TYT Thạch Khê

7

 

22

TYT Thạch Hải

6

 

 

Tổng cộng:

172

 

 

Thời hạn:  Văn bản góp ý gửi về UBND huyện trước ngày 27/5/2020. 

Văn bản góp ý xin gửi về UBND huyện Thạch Hà, số 83 đường Lý Tự Trọng, Thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh

email: ubthachha@hatinh.gov.vn


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.548.535
    Online: 106
    ipv6 ready