Hiện nay, tình trạng nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy rừng. Trước tình hình đó, huyện Thạch Hà đã chủ động các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng, ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.
Nam Điền là xã miền núi bán sơn địa nằm ở phía Tây Nam của huyện Thạch Hà. Toàn xã có 3038,44 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm ½ diện tích rừng của huyện Thạch Hà. Trong những năm qua, đời sống của người dân dựa vào rừng được tăng lên rõ rệt. Rừng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, giúp người dân trên địa bàn xã nâng cao thu nhập. Chính vì để nuôi dưỡng nguồn tài nguyên quý báu, cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, nhất là trong mùa nắng nóng kéo dài.
lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở chế biến gỗ tại xã Nam Điền
Rừng là nguồn tài nguyên vô giá, vì thế mà những năm qua, xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp khai thác và chế biến gỗ trên địa bàn, đòi hỏi sự siết chặt trong công tác quản lý. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền các kiến thức bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng được phổ biến đến tận từng người dân, chủ hộ các gia đình và chủ các doanh nghiệp khai thác chế biến gỗ, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Lực lượng chức năng tổ chức phát thực bì, phòng cháy rừng
Toàn huyện Thạch Hà có 22 xã, thị trấn, trong đó có 16 xã có tổng diện tích trồng rừng và đất lâm nghiệp là 8.748,41 ha. Diện tích rừng trọng điểm dễ cháy, có nguy cơ xâm hại cao tập trung trên địa bàn 4 xã ven trà sơn là Nam Điền, Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn, Ngọc Sơn, 7 xã biển ngang là Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Văn và Thạch Hội. Thời gian qua, cấp ủy chính quyền các địa phương đã đặc biệt quan tâm, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chỉ đạo sát sao, coi công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương.
Hiện nay, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu đã nâng nền nhiệt tăng, cùng với gió Tây Nam thổi mạnh đã ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Sự chủ động của địa phương là ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể, sát đúng điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Đồng thời, triển khai kịp thời các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
Những năm qua, huyện Thạch Hà được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, bên cạnh những khó khăn chung, Thạch Hà gặp một số khó khăn riêng như chủ rừng ở địa phương khác nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý; có nhiều điểm du lịch tự phát, người dân tự ý đưa các vật liệu dễ cháy vào rừng; ngoài ra, trên địa bàn có gần 1000ha rừng thông, vì vậy mà nguy cơ cháy rừng luôn rình rập.
Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà họp bàn, xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng
Ngay từ đầu năm, Thường trực Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đã tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện ban hành các quyết định, xây dựng các phương án, lên kế hoạch ứng phó kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà, các địa phương đã tăng cường gam độ tuyên truyền, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến tận từng người dân. Xây dựng phương án tổ chức, huy động lực lượng nòng cốt là lực lượng quân sự, kiểm lâm, công an, UBND huyện. Các địa phương đã chủ động làm các biển tường, biển báo, mua bổ sung máy thổi gió, cưa xăng và các dụng cụ, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Đồng thời, duy trì việc tuần tra, canh gác và chủ động “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng cứu kịp thời các vụ cháy rừng khi mới phát sinh.
Ông Lê Thanh Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà cho biết: “Phát huy vai trò Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức mới như phát trên loa truyền thanh cơ sở, đến tận từng người dân, các chủ rừng và các cơ sở chế biến gỗ và khai thác rừng để tuyên truyền; xây dựng các tin bài, phóng sự đăng tải trên facebook, zalo… Ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm Lâm đã chủ động làm giảm vật liệu cháy bằng cách xây dựng các đường ranh, đường băng cản lửa, chuẩn bị các phương tiện để phục vụ cho công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng…”.
Bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng chính là bảo vệ môi trường sống của con người. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng từng cá nhân, tập thể mà cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Thời gian tới, ngoài các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, huyện Thạch Hà dự kiến sẽ nhân rộng diện tích rừng bằng cách phủ xanh đồi trọc, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nhờ vào rừng để nâng cao sinh kế cho người dân.