Cô Lê Thị Thùy Dung (SN 1996), giáo viên Trường Mầm non Đỉnh Bàn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) được biết đến là người truyền cảm hứng đổi mới phương pháp giảng dạy đến đồng nghiệp, để mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui.
Cô giáo Lê Thị Thùy Dung - Giáo viên Trường mầm non Đỉnh Bàn (Thạch Hà).
Chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón trẻ trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, những ngày này, cô Dung cùng các đồng nghiệp đang tranh thủ thời gian trang trí lại lớp học. Ý tưởng về “Sáng kiến kinh nghiệm giáo dục nhân cách cho trẻ” trong năm học mới này cũng đã được cô nghiên cứu, hình thành và gửi gắm vào chủ đề trang trí trong từng mảng tường, góc lớp.
“Tốt nghiệp ngành mầm non Trường Đại học Sư phạm Huế năm 2018, em đã có một năm gắn bó với trường mầm non tư thục. Đã có những lúc áp lực công việc khiến em chán nản, ý định viết đơn xin nghỉ việc cũng đã từng xuất hiện. Thế nhưng, lòng yêu trẻ, sự động viên, khuyến khích và giúp đỡ của các đồng nghiệp đã giúp em vượt lên. Em đã không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy”, cô giáo trẻ quê ở xã Hộ Độ (Lộc Hà) chia sẻ.
Năm 2019, Thùy Dung chuyển công tác về Trường Mầm non Đỉnh Bàn (Thạch Hà). Dẫu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở ngôi trường vùng bãi ngang này vẫn còn nhiều thiếu thốn nhưng tình yêu nghề và tinh thần vượt khó của các đồng nghiệp đã sớm lan tỏa, tiếp thêm động lực cho Dung.
Với sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp, Thùy Dung đã mạnh dạn áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho trẻ. Từ bàn tay, ý tưởng sáng tạo của cô giáo, những vật liệu từ thiên nhiên, vật dụng phế thải như: vỏ hộp sữa, thùng giấy, các chai nhựa… đã biến thành những thí nghiệm thú vị.
Giờ học theo phương pháp STEM trở nên hấp dẫn, hứng thú, học sinh làm quen với các kiến thức, kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học. Hay việc áp dụng phương pháp Montessori nhằm thúc đẩy phát triển các khả năng của trẻ thông qua tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh đã thực sự mang đến luồng gió đổi mới, để mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui.
Học sinh hứng thú với thí nghiệm máy lọc nước mini.
Những chủ đề học tập, giờ học ngoại khóa hướng đến mục tiêu giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được thực hiện qua các giờ thực hành thí nghiệm: thổi bóng bằng chai nhựa; pháo hoa trong nước; máy lọc nước mini; lá cải chuyển màu; cây cần gì để lớn lên… cùng các chương trình trải nghiệm sáng tạo như cháu làm chú công an, chú bộ đội và các nghề trang điểm, làm đẹp... đã thực sự phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ.
Cô Nguyễn Thị Kỷ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đỉnh Bàn cho biết: “Thùy Dung là cô giáo trẻ tâm huyết, có trình độ chuyên môn, luôn nhiệt tình, hăng hái trong các phong trào hoạt động, đặc biệt là hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiệt huyết, năng lực của cô đã thực sự truyền cảm hứng cho chúng tôi trong hành trình thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc”.
Những đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học của cô Dung luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Ban giám hiệu nhà trường
Những nỗ lực tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy đã góp phần giúp cô giáo gen Z tích lũy thành những sáng kiến kinh nghiệm để nâng cao chất lượng dạy học. Trong 4 năm gắn bó với Trường Mầm non Đỉnh Bàn, cô đã có 3 sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy. Đặc biệt, sáng kiến “Tổ chức hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm, nâng cao hứng thú cho trẻ mầm non trong tổ chức khám phá khoa học” của cô đã được Phòng GD&ĐT huyện công nhận. Sáng kiến ấy cùng với giờ dạy thực hành xuất sắc đã giúp cô giành giải nhất hội thi giáo viên giỏi huyện năm học 2022 - 2023.
Kết quả tuyệt vời trong năm học vừa qua là phần thưởng xứng đáng ghi nhận những nỗ lực của cô giáo trẻ. Thùy Dung cũng xác định, áp lực, khó khăn và thử thách vẫn luôn hiện hữu trên hành trình đổi mới nhưng những kết quả bước đầu và sự đồng hành, tạo điều kiện của tập thể sư phạm nhà trường sẽ là động lực để cô tiếp tục phát huy, đưa những ý tưởng, sáng kiến mới vào thực tế bài học, góp phần phát triển năng lực, rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Cô Lê Thị Thái Hà - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Thạch Hà chia sẻ "Với thành tích xuất sắc trong kỳ thi giáo viên giỏi huyện, đặc biệt là sáng kiến “Tổ chức hoạt động trải nghiệm, thí nghiệm, nâng cao hứng thú cho trẻ mầm non trong tổ chức khám phá khoa học”, cô giáo Lê Thị Thùy Dung đã được Phòng GD&ĐT lựa chọn thuyết trình báo cáo trước tổng kết hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non, tiểu học năm học 2022-2023. Đến nay, sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy của cô cũng đã có sức lan tỏa, được nhiều trường mầm non trong và ngoài huyện áp dụng".
Tác giả: Anh Thư - Phong Linh
Nguồn Báo Hà Tĩnh