BS Nguyễn Hữu Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh vừa cho biết, qua giám sát, bước đầu xác định người dân thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà bị viêm da tiếp xúc do bọ chét đốt.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành bắt loại côn trùng này để gửi mẫu ra Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhằm xác định loài và khẳng định nguyên nhân.

BS Nguyễn Hữu Thanh - Phó Giám đốc cùng cán bộ chuyên môn của CDC Hà Tĩnh lấy mẫu côn trùng tại thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà.

Theo BS Nguyễn Hữu Thanh, đây là loài bọ chét chuyên đốt và hút máu súc vật như: chó, mèo…, thường ở những nơi có mật độ súc vật đông đúc. Khi nguồn thức ăn thiếu, chúng sẽ chuyển sang đốt và hút máu người. Bọ chét thường sống ở ngách tường, giường tủ, góc nhà, thường đốt người vào buổi tối và không ưa ánh sáng… Khi người bị bọ chét đốt sẽ bị ngứa tại chỗ, gãi nhiều, có thể gây ra bệnh viêm da bội nhiễm hoặc có thể lây truyền các bệnh nguy hiểm như khác: sốt phát ban, dịch hạch…Một loài bọ chét. Ảnh internet

Để phòng chống dịch bệnh, cần tiêu diệt bọ chét bằng hoá chất, thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân ngăn ngừa bọ chét đốt. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật để thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê thực hiện các biện pháp phòng chống bọ chét hút máu trên người như: phun hoá chất tiêu diệt bọ chét, vệ sinh môi trường. Người dân địa phương cũng đã tích cực vào cuộc vệ sinh nhà cửa, sân vườn, vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt côn trùng…

Cán bộ Khoa Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (CDC Hà Tĩnh) phân tích, xác định nguyên nhân viêm da trên cơ thể người tại Phúc Thanh, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà.

Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp pháp phòng chống bọ chét đốt trên người và gia súc; khi có các triệu chứng sẩn ngứa do côn trùng đốt cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Như Báo Hà Tĩnh đã đưa tin, 2 tuần trước, vợ chồng anh Đồng Xuân Quyền (thôn Phúc Thanh, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) và 5 thành viên trong nhà đã bị một loại côn trùng đốt gây sẩn, ngứa, gãi xây xát da, lúc đầu chỉ vùng da hở như: vùng tay, chân, sau đó lan toàn cơ thể; gia đình đã đi khám điều trị nhiều nơi không đỡ.

Sau đó, nhiều người dân trên địa bàn cũng có biểu hiện tương tự.

Theo điều tra sơ bộ, hiện có 46 hộ gia đình với 126 người dân có biểu hiện: sẩn huyết thanh chính giữa có vết đốt, vết xước da, sẹo thâm da do cào gãi, chà xát tập trung nhiều ở vùng da hở.

Theo điều tra sơ bộ, đã có 46 hộ gia đình với 126 người có biểu hiện: sẩn huyết thanh chính giữa có vết đốt, vết xước da, sẹo thâm da do cào gãi, chà xát tập trung nhiều ở vùng da hở như: cẳng tay, cẳng chân, xung quanh cạp quần, có nhiều người dân xuất hiện toàn cơ thể, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống...

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHÒNG, CHỐNG BỌ CHÉT ĐỐT

Thời điểm chuyển mùa từ xuân sàng hè cũng là giai đoạn có điều kiện thích hợp cho nhiều loài côn trùng phát triển trong đó có bọ chét. 

Bọ chét là loài côn trùng chuyên sống ký sinh, hút máu của các động vật có vú nhất là chó, mèo, chuột… có kích thước lớn hơn hạt vừng, có màu nâu đen hoặc vàng, không có cánh, có 6 chân, 2 chân sau to để nhảy, có thể nhảy xa 30cm. Bọ chét thường sống ở ngách tường, giường tủ, kẽ nứt tường nhà, chuồng gia súc, ổ chó mèo; thường đốt máu vào buổi tối do không ưa ánh sáng.

Vật chủ chính của bọ chét là chó, mèo, khi nguồn thức ăn thiếu hoặc cần số lượng lớn, chúng sẽ chuyển sang đốt và hút máu người.

Người bị bọ chét đốt sẽ bị ngứa tại chỗ, gãi nhiều có thể gây ra bệnh viêm da bội nhiễm, ngoài ra có thể làm lây truyền các bệnh nguy hiểm khác như: sốt phát ban, dịch hạch…

Cách phòng chống bọ chét đốt:

- Đối với con người: tự bảo vệ cá nhân bằng những biện pháp vệ sinh đơn giản như vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ, giặt chăn màn, quần áo, đệm, chiếu. Định kỳ kiểm tra thấy có xuất hiện bọ chét trong nhà thì báo cáo với chính quyền, trạm Y tế và tiến hành phun tồn lưu hoặc rắc hóa chất diệt côn trùng vào các khe, kẽ, góc phòng, dùng hóa chất xử lý quần áo và lông động vật nếu bị nhiễm.

- Đối động vật có lông: Diệt chuột và các loài gặm nhấm nguy hại khác, vệ sinh tắm rửa thường xuyên cho gia súc, vật nuôi bằng nước xà phòng. Dùng hóa chất diệt côn trùng trong những trường hợp bị nhiễm bọ chét như: phun, tẩm hóa chất diệt côn trùng vào ổ nằm của vật nuôi, tắm hoặc thoa hóa chất cho vật nuôi, gia súc và hạn chế tiếp xúc. Thực hiện tốt các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế và thú y trong phòng chống côn trùng.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống bọ chét.

Trung tâm VH-TT Thạch Hà (Nguồn: Báo Hà Tĩnh)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 2.550.910
Online: 26
ipv6 ready