Với sự quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và sự vào cuộc trách nhiệm của cán bộ, công chức nên từ vị trí thứ 7 năm 2021, huyện Thạch Hà đã vươn lên vị trí thứ 2 về công tác cải cách hành chính năm 2022, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu thời gian tới.

Kết quả đánh giá từ Hội đồng Thẩm định cải cách hành chính tỉnh về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 đối với UBND cấp huyện, ngoài TP Hà Tĩnh tiếp tục là địa phương dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính thì huyện Thạch Hà đã vươn lên xếp vị trí thứ 2. Đây là sự bứt phá mạnh mẽ của địa phương khi một năm trước đó chỉ cán đích ở vị trí thứ 7.

Thạch Hà đã có bước bứt phá về CCHC trong năm 2022.

Qua rà soát cho thấy, năm 2022, nhiều tiêu chí của Thạch Hà được Hội đồng Thẩm định CCHC tỉnh đánh giá rất cao như: cải cách TTHC đạt 12,5/12,5 điểm; cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước đạt 9,5/10 điểm; công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 9,25/10,5 điểm; cải cách chế độ công vụ đạt 13,86/14,5 điểm; những tác động của CCHC đối với sự phát triển KT-XH đạt 3,5/4 điểm… Các tiêu chí này cao hơn hẳn so với kết quả thẩm định, đánh giá năm 2021, phần nào cho thấy những nỗ lực to lớn của Thạch Hà trong công tác CCHC.

Bà Phan Thị Thương - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện Thạch Hà cho biết: “Một trong những thành công về công tác CCHC tại trung tâm là triển khai hiệu quả việc số hoá hồ sơ đầu vào, đầu ra cho người dân khi đến giao dịch và đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đến nay, một số thủ tục như: đăng ký kinh doanh, HTX, thi đua khen thưởng… đã có tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt từ 70 - 80%. Điều này góp phần giảm lượng người đến giao dịch trực tiếp tại trung tâm, giảm bớt thời gian, công sức cho người dân”.

Tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức ở Thạch Hà ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, hiện nay, Trung tâm Hành chính công huyện Thạch Hà cũng đã hoàn thành việc chuyển giao nhân sự trực tiếp hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả cho nhân viên bưu điện qua dịch vụ bưu chính công ích. Các cán bộ, công chức các phòng, ban của huyện công tác tại trung tâm đều được rút về UBND huyện để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Đặc biệt, năm 2022, Thạch Hà cũng đã ưu tiên bố trí nguồn lực để tiến hành nâng cấp, cải tạo toàn diện cơ sở vật chất tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các xã, thị trấn. Ngoài đáp ứng các tiêu chí nhận diện thương hiệu đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, màu sắc, phông chữ theo hướng dẫn, nâng cấp hệ thống CNTT…, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn bổ sung thêm nhiều trang thiết bị thông minh để phục hiệu quả hơn cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch.

18/22 xã, thị trấn ở Thạch Hà đã hoàn thành nâng cấp toàn diện bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Nổi bật trong đó là máy lấy số tự động, hệ thống điện tử đánh giá, nhận xét về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên trong tiếp nhận giải, quyết thủ tục hành chính. Đến nay, cùng với Trung tâm Hành chính công huyện, ở Thạch Hà đã có 18/22 xã, thị trấn hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo toàn diện bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Xác định còn những yếu kém, tồn tại trong việc ứng dụng CNTT khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên từ đầu năm 2022, UBND huyện Thạch Hà đã nhanh chóng bắt tay phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh và Trung ương tổ chức 28 lớp tập huấn, đào tạo về CNTT, chuyển đổi số cho cán bộ, công chức các phòng, ban và các xã, thị trấn. Đây được coi là giải pháp quyết liệt để thay đổi căn bản về nhận thức, tư duy và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức về nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Huyện Thạch Hà ưu tiên nhiều nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho Trung tâm Hành chính công huyện và các phận tiếp nhận, trả kết quả ở cấp xã.

Bà Lê Thị Phương Thuỷ - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thạch Hà cho biết: "Để Thạch Hà có bước tiến mạnh về CCHC như vậy là nhờ vai trò rất rõ nét của người đứng đầu. Chính sự quyết liệt, sâu sát của người đứng đầu đã tạo nhiều thuận lợi cho đội ngũ làm công tác tham mưu như chúng tôi đề xuất được các giải pháp có hiệu quả thực hiện CCHC. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã triển khai đồng bộ công tác CCHC, giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ đến tất cả các phòng, ban và địa phương; cùng đó là ưu tiên bố trí các nguồn lực để thực hiện.

Trên cơ sở các mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo UBND huyện, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND huyện hằng tháng, hằng quý đều họp để rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện và nghiêm túc, quyết liệt chấn chỉnh đối với các đơn vị, bộ phận và cá nhân chưa thực hiện hiệu quả, chưa đảm bảo tiến độ; biểu dương đối với các cá nhân, đơn vị thực hiện hiệu quả. Các khó khăn, vướng mắc cũng nhanh chóng được chỉ đạo tháo gỡ, không để hình thành điểm nghẽn".

Công tác CCHC đang tạo động lực cho sự đổi thay của huyện Thạch Hà trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, UBND huyện Thạch Hà cũng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính thông qua việc phê bình và xử lý nghiêm các cán bộ, công chức vi phạm. Chính sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện là điểm mấu chốt để nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm cho các phòng, ban và địa phương.

Thực tế của Thạch Hà trong công tác CCHC năm 2022 cho thấy, chỉ khi người đứng đầu có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo và dành nguồn lực thoả đáng để thực hiện thì công tác CCHC sẽ có những bước chuyển nhanh chóng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Báo Hà Tĩnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 2.835.937
Online: 49
ipv6 ready