Qua thực tiễn công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện nhiều trường hợp người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy, xe máy điện đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, mũ thể thao. Điều này tiềm ẩn rủi ro cao nếu không may xảy ra tai nạn, va chạm giao thông. Khi xảy ra va đập, mũ không đảm bảo chất lượng sẽ bị văng ra khỏi đầu, vỡ nát, không bảo vệ được phần đầu của nạn nhân dẫn đến chấn thương sọ não, ảnh hưởng đến tính mạng. Thậm chí chính mảnh vỡ từ mũ bảo hiểm kém chất lượng lại đâm vào đầu, mặt gây thương tích cho nạn nhân.
Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn bị vỡ nát sau tai nạn giao thông. Nguồn: internet
Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn bị vỡ nát sau tai nạn giao thông. Nguồn: internet
Vậy đội mũ bảo hiểm thế nào là đạt chuẩn?
Theo QCVN 2:2021/QCVN (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2021/TT-BKHCN ngày 15/5/2021 của Bộ Khoa học công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy), mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông có mục đích chính là hấp thụ năng lượng va đập để bảo vệ vùng đầu của người đội nhằm giảm thiểu chấn thương khi bị va đập.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2024, mũ bảo hiểm phải đảm bảo các yêu cầu sau:
* Mũ phải bao gồm 04 bộ phận chính:
- Vỏ mũ là phần vỏ cứng bên ngoài, có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội;
- Đệm hấp thụ xung động bên trong thân mũ (đệm bảo vệ) có tác dụng giảm chấn động tới đầu người đội mũ;
- Quai đeo để cố định mũ;
- Lớp vải lót bên trong để đảm bảo dễ chịu cho người sử dụng.
Các phụ kiện như kính bảo vệ, lưỡi trai, lót cằm… không bắt buộc.
* Mũ được chia thành 04 loại:
- Mũ che nửa đầu: mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên của người đội mũ;
- Mũ che ba phần tư đầu: mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên và một phần đầu phía sau của người đội mũ;
- Mũ che cả đầu và tai: mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu và vùng tai của người đội mũ;
- Mũ che cả đầu, tai và hàm: mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng tai và cằm của người đội mũ.
* Dấu hợp quy CR phải đảm bảo các nội dung bắt buộc gồm:
- Tên hàng hóa: “Mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy”;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
- Xuất xứ hàng hóa;
- Cỡ mũ: Chu vi vòng đầu;
- Tháng, năm sản xuất;
- Kiểu mũ;
- Định lượng: Khối lượng mũ và dung sai khối lượng;
- Hướng dẫn sử dụng (nội dung hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng mũ được ghi trực tiếp trên mũ hoặc in trên chất liệu không thấm nước gắn trên mũ hoặc trong bản hướng dẫn sử dụng kèm theo);
- Thông tin cảnh báo (nếu có).
Hiện nay trên thị trường đang bán rất nhiều loại mũ bảo hiểm với kiểu dáng, chất lượng khác nhau. Công an thành phố khuyến nghị các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm cần giải thích kỹ cho khách hàng về tác dụng của từng loại mũ bảo hiểm, bán hàng có tâm và có chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.