Kỹ sư Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đã đưa ra nhiều khuyến cáo giúp bà con nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn lá hiệu quả.
P.V: Xin ông cho biết diễn biến bệnh đạo ôn lá trên lúa xuân hiện nay?
Ông Nguyễn Tống Phong: Như chúng ta đã biết, bệnh đạo ôn gây hại trên lúa xuân là loại bệnh phổ biến và cố hữu trên đồng đất Hà Tĩnh. Bệnh thường phát sinh rõ nhất vào giai đoạn lúa xuân bước vào thời kỳ đẻ nhánh.
Qua theo dõi của Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, năm nay, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện từ đầu tháng 2 trên trà gieo cấy sớm, tập trung trên giống P6, Thái Xuyên 111, Xi23… Tuy nhiên, thời tiết tiết Vũ Thủy - Kinh Trập (19/2 - 6/3) cơ bản duy trì hình thái nền nhiệt độ thấp, thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa nhiều hơn, ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tạo điều kiện cho các bào tử nấm gây bệnh đạo ôn phát sinh mạnh. Bên cạnh đó, thời kỳ này bà con tiến hành bón thúc giai đoạn đẻ nhánh, hàm lượng đạm tích lũy trong cây cao cũng là yếu tố thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại và lây lan.
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh.
Theo báo cáo mới nhất, bệnh đạo ôn đã và đang phát sinh gây hại trên các giống P6, Thái Xuyên 111, VNR20, NX30, ADI168…, tỷ lệ bệnh trung bình 3-5%, cục bộ 20-30%. Diện tích nhiễm bệnh 15 ha, trong đó nhiễm nặng 0,2 ha, phân bố tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh, Hương Khê, Cẩm Xuyên…
Điều đáng nói, hiện đang có đợt không khí lạnh mới, mưa ẩm tiếp tục diễn ra ở các địa phương trên toàn tỉnh, cây lúa đang vào thời kỳ phát triển mạnh về thân và lá, lại đúng vào giai đoạn cao điểm phát sinh gây hại của bệnh. Đây là yếu tố “lý tưởng” cho bệnh phát triển mạnh và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, gây cháy lụi cục bộ một số diện tích nếu không tiến hành phòng trừ kịp thời.
Thời tiết mưa ẩm khiến cho nguy cơ phát sinh bệnh đạo ôn lá đang ở mức cao.
P.V: Nói như vậy có nghĩa bệnh đạo ôn lá đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để lây lan và gây hại trên diện rộng?
Ông Nguyễn Tống Phong: Đúng vậy! Bệnh đạo ôn lá do nấm Pyricularia Oryzae gây ra, gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa nhưng bệnh biểu hiện rõ nhất ở 2 giai đoạn chính là: thời kỳ lúa đẻ nhánh (gây bệnh đạo ôn lá) và thời kỳ lúa trổ đến chắc xanh (gây bệnh đạo ôn cổ bông).
Bệnh do nấm gây ra, vì vậy, trong điều kiện thời tiết bất lợi (nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, thiếu ánh sáng) thì sẽ càng lây lan nhanh và có thể xảy ra đợt dịch trên diện rộng. Thời điểm này, các trà lúa xuân 2024 đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, đây được xem là giai đoạn mẫn cảm nhất đối với bệnh đạo ôn lá.
Cây lúa bị bệnh sẽ xuất hiện vết bằng mũi kim châm ở trên lá và lây lan các vết bệnh.
Về biểu hiện, cây lúa bị bệnh sẽ xuất hiện vết bằng mũi kim châm ở trên lá, xung quanh có quầng màu vàng, ở giữa có màu xám nhạt sau chuyển sang màu nâu đen. Tiếp đó, vết bệnh sẽ lan rộng thành hình thoi, ở giữa có màu xám tro. Nếu bệnh nặng, các vết bệnh sẽ nối tiếp nhau tạo mảng lớn gây cháy cả lá và chết cây, gây thiệt hại cho bà con nông dân. Đây cũng là nguồn bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa phát triển ở giai đoạn trổ bông đến chắc xanh, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cuối vụ.
Theo nhận định của chúng tôi, cao điểm phát sinh gây hại của bệnh đạo ôn lá sẽ tiếp diễn từ nay cho đến hết ngày 25/3 tới.
P.V: Ông có thể đưa ra những khuyến cáo giúp chính quyền địa phương và bà con nông dân trong thực hiện các giải pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hiệu quả?
Ông Nguyễn Tống Phong: Bệnh đạo ôn được xếp vào một trong những dịch hại nguy hiểm làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt lúa. Ngay từ đầu vụ sản xuất, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành công văn chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tăng cường công tác phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa. Ở từng thời điểm sinh trưởng của lúa, phát sinh của dịch hại, cơ quan chuyên môn tiếp tục khuyến cáo, hướng dẫn đến tận các địa phương và vùng sản xuất về các biện pháp phòng trừ, kỹ thuật, danh mục thuốc BVTV…
Khi cây lúa xuất hiện những vết bệnh đầu tiên, bà con cần ngưng ngay việc bón phân đạm, phân bón qua lá (chỉ bón lại khi lá mới ra không xuất hiện vết bệnh) và sử dụng ngay thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật và đúng liều lượng, nồng độ).
Bà con nông dân cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng thuốc BVTV.
Thời điểm này, thời tiết đang có mưa phùn, bà con cần lưu ý, không phun thuốc BVTV ở thời điểm có mưa vì sẽ giảm hiệu lực của thuốc; cần phun ở thời điểm tạnh ráo, nếu đêm có mưa thì tốt nhất nên phun vào buổi chiều hôm sau. Không trộn lẫn nhiều loại thuốc BVTV trong cùng 1 lần phun; pha thuốc đúng liều lượng hướng dẫn; khi phun phải ướt đều bộ lá. Ở những ruộng bị bệnh nặng, bà con có thể cắt bỏ phần lá nhiễm bệnh, kiểm tra và phun nhắc lại sau 5 – 7 ngày nếu bệnh tiếp tục phát sinh vết cấp tính mới.
Ở giai đoạn hiện nay, bà con có thể tham khảo sử dụng một trong các loại thuốc hóa học như: Beam 75WP, Kasoto 200SC, Angate 75WP, Flash 75WP, Kabim 30WP, Tricom 75WP, Filia 525SE, Bankan 600 WP, Grandgold 510WP, Bimson 750WP,...
Cán bộ Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh kiểm tra diễn biến bệnh đạo ôn lá trên lúa xuân 2024.
Để phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn, các địa phương và bà con nông dân cần tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình dịch bệnh. Có như vậy mới xác định rõ diện tích nhiễm bệnh để tiến hành phòng trừ, tránh tình trạng lạm dụng thuốc BVTV. Những diện tích không có nguy cơ nhiễm thì hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV.
Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuốc BVTV; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ đến các địa phương và người sản xuất. Chủ động các giải pháp phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông ở giai đoạn tiếp theo.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!