Cuộc đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng ta - có mối quan hệ mật thiết với cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Lý luận và thực tiễn đã chứng minh giá trị, cống hiến của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại do đó, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người sẽ góp phần nâng cao nhận thức chính trị và củng cố niềm tin vững chắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) đã khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ Nam cho hành động của Đảng. Nắm vững quan điểm đó, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã xác định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch “là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong giai đoạn hiện nay”.

                     (Ảnh tư liệu-nguồn Internet)

Bảo vệ nền tảng tư tuởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hoạt động trên nhiều mặt trận, trong đó mặt trận giáo dục, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ là cung cấp kiến thức, mà còn nâng cao nhận thức, thái độ, tư tưởng, niềm tin cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Chuơng trình Trung cấp lý luận chính trị là chuơng trình đào tạo đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Đối tuợng theo học là cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở; Cán bộ đương chức, dự nguồn trưởng, phó phòng, ban cấp huyện và tương đương; Trưởng, phó phòng thuộc sở, ban, ngành cấp tỉnh và tương đương. Mục tiêu của chuơng trình Trung cấp lý luận chính trị là "Trang bị kiến thức cơ bản về lý luận chính trị; củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ lãnh đạo, quản lý; kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ đuợc Đảng, Nhà nuớc và nhân dân giao phó" .

Do đó, việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tuởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong chuơng trình Trung cấp lý luận chính trị sẽ giúp cho mỗi giảng viên nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, qua đó, giúp cho học viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời thông qua những buổi giảng, thảo luận nội dung bài học, sẽ giúp cho các bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm, trao đổi sôi nổi của học viên.

Bài mở đầu của bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh: “Nguồn gốc quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh” sẽ giới thiệu cơ bản về khái niệm, nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung, giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, cách mạng thế giới. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải tập trung làm rõ những nội dung trọng tâm, kiến thức cơ bản của bài đồng thời, thông qua bài giảng phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch đối với một số nội dung sau:

Thứ nhất: Phản bác quan điểm sai trái cho rằng “Hồ Chí Minh chỉ nói lại tư tưởng của C.Mác, Ăngghen, V.I Lênin và các nhà tư tưởng vĩ đại khác chứ không có tư tưởng của riêng mình”

Khi nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, có nhiều học giả đã đánh giá một cách khách quan, đúng đắn công lao to lớn của Người đối với dân tộc và thời đại. Thế nhưng cũng không ít người do thiếu sự hiểu biết, bị lừa bịp, thậm chí vì những động cơ, mưu đồ chính trị xấu đã cố tình xuyên tạc, bóp méo những sự thật hiển nhiên đó nhằm phủ nhận giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh và hạ thấp uy tín, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những luận điệu như “Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam”, “Hồ Chí Minh chỉ nói lại tư tưởng của C.Mác, Ăngghen, V.I Lênin và các nhà tư tưởng vĩ đại khác chứ không có tư tưởng của riêng mình”, hay cho rằng “không có tư tưởng Hồ Chí Minh vì cụ Hồ không có tác phẩm nào đáng gọi là “tư tưởng”, hay, khi còn sống cụ Hồ không nhận mình là nhà tư tưởng…những quan điểm của cụ chỉ là sự vay mượn, chắp vá những câu nói của các nhà tư tưởng nước ngoài"... Những lập luận này rõ ràng là do chưa nghiên cứu, chưa hiểu rõ về tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc cố tính bóp méo, xuyên tạc để phủ nhận giá trị, ý nghĩa và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại tiến bộ.

(Ảnh Internet)

Để đấu tranh phản bác lại những quan điểm này, nội dung kiến thức ở phần. “Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh và nội dung phần nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh” sẽ là nền tảng lý luận vững chắc mà giáo viên trang bị giúp học viên đủ nhận thức để đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu này.

Trong khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng nêu rõ “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Như vậy, khái niệm đã chỉ rõ 3 nguồn gốc lý luận hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: Chủ nghĩa Mác - Lênin; các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tinh hoa văn hóa nhân loại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh “là kết quả của sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta ”. “Là kết quả” được hiểu đây là sản phẩm được kết tinh sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng học thuyết Mác - Lênin và có sự vận dụng và phát triển sáng tạo chứ không phải chỉ là nói lại những gì Mác, Ăngghen, Lênin đã đề cập tới. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận gắn với thực tiễn, lý luận là sáng tạo, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Vì vậy, khi Hồ Chí Minh tiếp cận và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã soi chiếu qua lăng kính của thực tiễn để chắt lọc những luận điểm phù hợp và luôn đứng vững trên “điều kiện cụ thể của nước ta” để xác định chiến luợc, sách luợc thích hợp như: xác định mâu thuẫn cơ bản và kẻ thù chủ yếu của cách mạng nuớc ta; quy luật hình thành của Đảng; về nhà nuớc kiểu mới ở Việt Nam; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữa dân tộc và giai cấp, giữa đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, giữa đấu tranh chính trị và khởi nghĩa vũ trang, giữa bạo lực và hòa bình . . . Điều cần nhấn mạnh là, Hồ Chí Minh đã bổ sung vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin những luận điểm mới như: khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc ở các nuớc thuộc địa có thể giành thắng lợi truớc cách mạng chính quốc và qua đó, thúc đẩy cách mạng chính quốc giành thắng lợi; về vấn đề xây dựng một chính đảng mác xít ở Việt Nam - một nuớc thuộc địa và phong kiến kém phát triển; về phuơng pháp tập hợp lực luợng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất; về vấn đề xác định thời cơ và chớp thời cơ, phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Những luận điểm đó trên thực tế có giá trị lâu dài chỉ đạo đường lối cách mạng Việt Nam, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc phát triển lý luận về cách mạng vô sản. Nhờ những luận điểm sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn cách mạng Việt Nam đi tới những thắng lợi vĩ đại.

Thứ hai: Phản bác quan điểm sai trái cho rằng “Động cơ Nguyễn Tất Thành ra nước ngoài không phải để “tìm đường cứu nước” mà chỉ để kiếm sống. Nếu cuối năm 1911 Anh được nhận vào Trường Thuộc địa ở Pháp thì cuộc đời anh đã rẽ sang một con đường khác”

Khi đề cập đến động cơ ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành năm 1911 đã có nhiều người suy diễn chủ quan, mang tính võ đoán thiếu căn cứ, có ẩn ý không tốt như có ý kiến cho rằng Nguyễn Tất Thành sang phương Tây dường như bị hấp dẫn bởi chủ nghĩa cải lương của Phan Châu Trinh. Điều này thể hiện ở việc Nguyễn Tất Thành không chấp nhận đi theo phong trào Đông Du mà lại vào dạy trường Dục Thanh do Phan Châu Trinh góp phần xây dựng năm 1905, và đi Pháp là để “noi gương nhà Nho nổi tiếng này”. Hay là lập luận chủ quan khi cho rằng mục tiêu, động cơ để Nguyễn Tất Thành quyết định sang Pháp là “chỉ để kiếm sống, xin vào học trường Thuộc địa mong được làm quan, khi không thực hiện được mong muốn tỏ ra bất mãn, quay sang chống Pháp” .

Để đấu tranh phản bác lại những luận điệu vô căn cứ, mang tính khiên cưỡng, chụp mũ này, ở nội dung “Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhất là thời kỳ trước năm 1911 và thời kỳ từ năm 1911 đến năm 1920: Tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc trong nội dung của bài chúng ta biết rằng: trước khi Nguyễn Tất Thành rời xa Tổ quốc sang phương Tây, lịch sử đã có nhiều cuộc khởi nghĩa quyết liệt, liên tục trải dài khắp cả nước bằng việc giương cao ngọn cờ phong kiến, ngọn cờ của nông dân hay ngọn cờ tư sản; dù bằng bạo lực hay hòa bình... nhưng tất cả đều bị thất bại vì thiếu một đường lối đúng, chưa có một giai cấp tiên tiến lãnh đạo… Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra điều này, tuy nhiên, trong khi con đường cứu nước kiểu cũ không thể đưa đến thành công, song con đường cứu nước kiểu mới chưa nhận biết rõ, bắt buộc Nguyễn Tất Thành phải lựa chọn: Đi ra nước ngoài để tìm con đường mới hay ở lại trong nước, đấu tranh theo con đường cũ? Sang Nhật hay sang Pháp?

          Thời kỳ trước năm 1911 với việc tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, quê hương và của dân tộc, Người cũng bắt đầu tiếp xúc và tìm hiểu về văn hóa phương Tây, nhất là với tư tưởng của các nhà khai sáng Pháp. Giá trị của những mỹ từ ra đời trong đại cách mạng Pháp tự do - bình đẳng - bác ái đã thu hút Nguyễn Tất Thành. Thế nhưng anh đã nhanh chóng có sự so sánh, đối chiếu ý nghĩa của những câu khẩu hiệu đó với thực tế của đất nước dưới ách thống trị, bóc lột của Thực dân Pháp, và nhận ra “Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy…Trong những trường học của người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm”. Chính từ mâu thuẫn trong lời nói và việc làm của “mẫu quốc” đã giúp Nguyễn Tất Thành sớm đưa ra quyết định “Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Như vậy, chính từ việc chứng kiến cuộc sống khổ cực, điêu đứng của đồng bào với mong muốn ra đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc là động cơ của chuyến hành trình gần 30 năm Hồ Chí Minh rời xa Tổ quốc. Trên chuyến hành trình đó, Người đã làm rất nhiều công việc nặng nhọc, bị theo dõi, kiểm duyệt mọi hành tung nhưng với mục đích tìm hiểu bản chất của chủ nghĩa tư bản, thực dân, Nguyễn Ái Quốc đã kiên trì, khôn khéo vượt qua tất cả. Nếu chỉ vì mục đích để kiếm sống, để làm giàu cho bản thân, Nguyễn Tất Thành đã có nhiều cơ hội để lựa chọn. Thế nhưng, Người vẫn kiên định với mục tiêu của mình cho đến tháng 7/1920 Người mới tìm thấy câu trả lời chính xác khi tiếp cận Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đi đến khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Muốn đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đúng và trúng cả người dạy và người học cần phải nhận diện đầy đủ, rõ ràng và kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch trong việc xuyên tạc, chống phá về tư tưởng Hồ Chí Minh. Dó đó, việc cập nhật kết quả nghiên cứu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng Hồ Chí Minh phải kịp thời.

Với chức năng là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương, trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng vai trò, trách nhiệm quan trọng trong việc trang bị kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức lý luận Mác - Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn công tác; góp phần củng cố niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tạo động lực và khát vọng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo./.

Trung tâm VH-TT(Nguồn: Th.s Trần Thị Bích Thủy, Trường Chính trị Trần Phú)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 2.682.951
Online: 31
ipv6 ready