Báo cáo kinh kế - xã hội 2 tháng đầu năm 2023

BÁO CÁO

Tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh tháng 02, 02 tháng đầu năm

và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2023

 

 
 

 

 

 

          Thực hiện Văn bản số 61/GM-UBND ngày 16/02/203 của UBND tỉnh về việc họp UBND tỉnh phiên thường kỳ tháng 02 năm 2023, UBND huyện báo cáo các nội dung được yêu cầu như sau:

A. BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG AN NINH THÁNG 02, 02 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 3 NĂM 2023

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 30/12/2022 của Hội đồng nhân dân huyện về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm 2023, ngay từ những ngày đầu năm, UBND huyện đã kịp thời xây dựng Chương trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023 để tổ chức triển khai thực hiện, kết quả đạt được trên một số lĩnh vực như sau:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Lĩnh vực nông nghiệp

Chỉ đạo cơ sở thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân năm 2023 đảm bảo diện tích, cơ cấu giống, lịch thời vụ. Vụ Xuân năm 2023, đến nay, diện tích gieo cấy 8.069ha/8.060ha, đạt 101% kế hoạch, các giống đã gieo chủ yếu: Nếp 98, HT1, Bắc Thịnh. Đẩy nhanh tiến độ cây trồng cạn[1]. Chủ động các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật dịp giáp Tết Nguyên đán. Ra quân làm thủy lợi nội đồng, đợt 1 nạo vét 492km, khối lượng đào đắp 78.720m3. Kiểm tra công tác quản lý nhà nước, chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp vụ Xuân năm 2023[2]. Triển khai Tết trồng cây Xuân Quý Mão gắn với ra quân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2023; toàn huyện trồng được 123.420 cây các loại, đạt 106,23% kế hoạch[3]. Tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

 

2. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong công tác thẩm định các tiêu chí nông thôn mới cao tại các xã Thạch Trị, Thạch Hội, Việt Tiến, Thạch Kênh, tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Ngọc Sơn. Phong trào xây dựng nông thôn mới đầu năm đạt kết quả khá. Huy động 07 cuộc ra quân với 51.146 lượt người tham gia; cải tạo 39 vườn hộ, chỉnh trang 732 vườn; xây dựng 1,498km hàng rào thoáng, xây mới 5,52km bồn trồng cây hàng rào xanh, trồng mới 18,949m hàng rào xanh, đúc 1,01km nắp đậy rãnh thoát nước; chỉnh trang, che chắn 41 công trình chăn nuôi; đổ 4,97km lề đường; trồng 32.538 cây bóng mát tại các tuyến đường; lắp đặt 3 bể bioga, 72 bể xử lý nước thải, 150 hố xử lý rác; đặt 20 cống qua đường; xây dựng 2 vùng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tại xã Việt Tiến và Thạch Đài... Hoàn thành phê duyệt, nghiệm thu kết quả chính sách Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022.

3. Kinh tế và Hạ tầng

Trong tháng, góp ý thỏa thuận Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch 01 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn[4]. Chỉ đạo triển khai nâng cấp, sửa chữa hệ thống trang trí chiếu sáng tại Trung tâm Thị trấn Thạch Hà và trung tâm hàn chính các xã, thị trấn. Chỉ đạo ra quân phát quang giải tỏa hành lang ATGT 138,40km. Xây dựng 700m đường GTNT theo cơ chế hỗ trợ xi măng. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm những tháng cuối năm 2022 và giai đoạn trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão[5]. Cơ bản hoàn thành đúng tiến độ các nội dung liên quan dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua huyện Thạch Hà[6].

4. Tài chính - Đầu tư

Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách ngay từ những ngày đầu năm; đến ngày 15/02/2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 70.452 triệu đồng/369.600 triệu đồng, đạt 19% kế hoạch UBND tỉnh giao, đạt 17% kế hoạch HĐND huyện giao. Một số loại thuế đạt cao: tiền sử dụng đất 11.759 triệu đồng (đạt 4,7% kế hoạch tỉnh giao, 3,9% dự toán HĐND huyện giao), thu ngoài quốc doanh 2.172 triệu đồng (đạt 7,2% kế hoạch tỉnh giao), lệ phí trước bạ 2,414 triệu đồng (đạt 4,6% kế hoạch huyện giao). Tổng chi ngân sách địa phương là 129.769 triệu đồng/912.725 triệu đồng, đạt 14% kế hoạch HĐND huyện giao[7].

Tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công các dự án trọng điểm của huyện; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Tín dụng ngân hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân[8].

5. Tài nguyên và Môi trường, Giải phóng mặt bằng

Chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên môi trường trên địa bàn huyện. Hoàn thành công tác thống kê, kiểm kê đất đai năm 2022. Lũy kế 2 tháng đầu năm, giao đất 52 lô với diện tích 10.313,0 m2 [9]. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận, đâm xâm canh, xâm cư, đất giao sai thẩm quyền; theo kết quả rà soát, hiện trên địa bàn huyện còn 840 thửa đất ở và 1.022 thửa đất nông nghiệp chưa được cấp Giấy và có nhu cầu cấp Giấy. Tiếp tục tập trung xử lý các tồn đọng trên lĩnh vực đất đai. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tập trung công tác GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua huyện Thạch Hà[10].

6. Văn hóa - Thông tin

Chỉ đạo cơ sở tổ chức tốt các chương trình, hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đẩy mạnh tuyên truyền mừng Đảng, mừng Xuân; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nông thôn mới, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ… Tập trung chỉnh trang hệ thống pa nô, áp phích, treo cờ và bổ sung đèn LED, hoa dọc quốc lộ 1A; treo băng cờ, pa nô trên các trục đường chính, khu vực đông dân cư trên địa bàn... Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 17 tổ chuyển đổi số cấp xã, 34 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn.

7. Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm túc kiểm tra định kỳ, đánh giá xếp loại cuối kỳ 1. UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia 04 đơn vị[11]. Chỉ đạo 100% trường tổ chức các hoạt động giáo dục theo các chủ đề, chủ điểm, hoạt động Tết vì người nghèo, hoạt động giáo dục mừng Đảng, mừng Xuân. Tổ chức thành công Đại hội Điền kinh - Thể thao cấp huyện dành cho học sinh phổ thông năm học 2022 - 2023 và Hội thi Giáo viên Chủ nhiệm lớp giỏi tiểu học cấp huyện, giáo viên dạy giỏi mầm non cấp huyện.

8. Lao động, chính sách xã hội

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đảm bảo Nhân dân đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết. Kịp thời trao quà, động viên các gia đình, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người có công nhân dịp Tết Nguyên đán. Tổng số tiền quà huy động 22.883 suất, với tổng giá trị 10.069.490.000 đồng. Trong đó, kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá  nhân hảo tâm tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn 12.608 suất với giá trị 6.025.040.000 đồng[12]; quà từ ngân sách nhà nước 7.059 suất với giá trị 2.875.150.000 đồng[13]; quà chúc thọ 3.216 suất với giá trị 1.169.300.000 đồng. Thực hiện rà soát nhu cầu đào tạo nghề năm 2023 tại các xã, thị trấn.

9. Y tế

Chỉ đạo công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm dịp Tết Nguyên đán và đầu Xuân Quý Mão 2023. Tăng cường kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm dịp trước, trong, sau Tết; xử phạt 02 cơ sở với số tiền 18.250.000 đồng, phối hợp đoàn kiểm tra của tỉnh kiểm tra 07 cơ sở, phạt 01 cơ sở với số tiền 1.500.000 đồng. Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện đạt 93%, giảm 1,2% so với tỷ lệ cuối năm 2022.

10. Quốc phòng - An ninh

Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy dịp lễ, trước, trong và sau Tết. Chỉ đạo các lực lượng thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động xử lý các vấn đề phát sinh. Tình hình an ninh tuyến biển, an ninh nông thôn, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh kinh tế cơ bản ổn định.

11. Nội vụ

Triển khai Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm 2022[14]. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trước, trong và sau tết Nguyên đán. Chỉ đạo tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023[15]. Phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

12. Thanh tra, Tư pháp

Triển khai 03 cuộc thanh tra[16], ban hành 01 kết luận thanh tra[17]. Duy trì và thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, tổ chức tiếp 75 lượt người[18]. Tiếp nhận 87 đơn (KN: 11 đơn; TC 01 đơn; KNPA: 75 đơn) thuộc thẩm quyền[19]; đã giải quyết 56/87 đơn (20 đơn chưa đến thời hạn giải quyết)[20].

Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm[21]. Hoàn thành đánh giá và  công nhận 21/22 xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022, 01 xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 (xã Đỉnh Bàn). Phối hợp chặt chẽ trong công tác xử lý vi phạm hành chính[22].

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 3 NĂM 2023

  1. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2023 đảm bảo diện tích, cơ cấu giống, lịch thời vụ. Đẩy nhanh tiến độ sản xuất các cây trồng cạn, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, sâu bệnh và có biện pháp khắc phục kịp thời. Xây dựng và triển khai Kế hoạch nuôi trồng, khai thác thủy sản năm 2023. Tiếp tục thực hiện quyết liệt phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa, phá bờ thửa nhỏ, hình thành vùng sản xuất tập trung, thửa ruộng lớn.
  2. Ban Chỉ đạo huyện làm việc với các xã đăng ký đạt nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 để soát xét và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Cơ bản hoàn thành Dự thảo Đề án thực hiện nhiệm vụ xây dựng thị trấn Thạch Hà cơ bản đạt các tiêu chí loại IV. Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch thí điểm xây dựng Khu dân cư xanh, thông minh năm 2022 và tham mưu kế hoạch triển khai năm 2023. Rà soát, lựa chọn ý tưởng sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP năm 2023.
  3. Tập trung hoàn thiện thủ tục triển khai các dự án đầu tư công mới bố trí kế hoạch vốn năm 2023. Đôn đốc các Chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua huyện Thạch Hà và các dự án trọng điểm khác của Trung ương, tỉnh, huyện.
  4. Tập trung thực hiện các nội dung theo Kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài nguyên và môi trường năm 2023 (Thông báo số 20/TB-UBND ngày 09/02/2023), trong đó hoàn thành xây dựng phương án mô hình thí điểm thu gom rác thải bằng khối lượng và kế hoạch, phân công xử lý tồn đọng về tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện.
  5. Tuyên truyền công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và các hoạt động kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2023), 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2023), 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023)… Từng bước triển khai phần mềm theo dõi ý kiến chỉ đạo điều hành.
  6. Chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện chương trình học kỳ II đúng kế hoạch dạy học. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón đoàn kiểm tra chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi huyện cấp học mầm non (phần thi thực hành); bồi dưỡng đội tuyển giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tiểu học tham dự cấp tỉnh; cấp THCS tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
  7. Phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động tư vấn xuất khẩu lao động tại các xã, thị trấn. Tổ chức mở các lớp đào tạo nghề đã khảo sát. Hoàn thành hồ sơ các dự án hỗ trợ sản xuất dựa vào cộng đồng tại các xã đã bố trí vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

B. KẾT QUẢ XỬ LÝ CÁC VỤ VIỆC TỒN ĐỌNG

Đến nay, huyện Thạch Hà không còn vụ việc tồn đọng tỉnh giao theo thẩm quyền của huyện.

C. VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 21/CTR-UBND NGÀY 19/01/2023 VÀ Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA UBND TỈNH

1. Đối với việc thực hiện Chương trình khung số 21/CTr-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023

UBND huyện đã bám sát Chương trình khung số 21/CTr-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh để xây dựng, ban hành Chương trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2023 trên địa bàn huyện Thạch Hà. Tích cực phối hợp với các Sở, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đảm bảo chất lượng, thời gian. Khối lượng triển khai các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao hiện đạt khoảng 55 - 60% so với yêu cầu của Đề án xây dựng huyện Thạch Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Huyện đang tập trung, nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí trong năm 2024.

2. Đối với việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh

Từ đầu năm đến nay, UBND huyện được giao 08 nhiệm vụ trên phần mềm ý kiến chỉ đạo, tiến độ xử lý: 03 nhiệm vụ đã thực hiện đúng hạn, 05 nhiệm vụ chưa thực hiện đang trong thời hạn xử lý.

D. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT UBND TỈNH VÀ CÁC SỞ, NGÀNH

1. Lĩnh vực tài chính - đầu tư

         1.1. Đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định và hướng dẫn về chính sách khai thác, sử dụng quỹ đất thuộc Đề án phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

         Lý do: Đề án phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 nên việc xây dựng hạ tầng khai thác, sử dụng quỹ đất đấu giá để tạo nguồn thu ngân sách, xây dựng kết cấu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.

1.2. UBND tỉnh xem xét, quyết định phương án quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ dự án Dự án Làng thanh niên xung phong nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh để tạo điều kiện cho địa phương trong việc quản lý, triển khai thực hiện và tránh lãng phí.

Lý do: Dự án Làng thanh niên xung phong nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh, tỉnh Hà Tĩnh được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 360/QĐ-TWĐTN ngày 29/10/2008 với tổng mức đầu tư 30.187 triệu đồng. Ngày 06/01/2020, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành công trình Làng Thanh niên xung phong nuôi trồng thủy sản Thạch Kênh, Hà Tĩnh tại Quyết định số 400 QĐ/TWĐTN-VP với giá trị 32.283 triệu đồng; trong đó, giao Tỉnh đoàn Hà Tĩnh là đơn vị tiếp nhận, theo dõi và quản lý tài sản. Dự án được triển khai từ năm 2009 và đến năm 2014 hoàn thành đưa vào sử dụng với nhiều hạng mục: Khu quy hoạch đất ở làng Thành niên xung phong, nhà điều hành, ao nuôi trồng thủy sản (71 ao nuôi có diện tích bình quân 10.011m2/ao), đường giao thông, hệ thống cấp điện, trạm bơm,... trải rộng trên diện tích 120ha. Sau khi hoàn thành, đến nay dự án chưa phát huy được mục tiêu đầu tư và hiện tại đang bỏ hoang. Qua thời gian, tài sản hình thành từ dự án không được sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, cụ thể các hạng mục: Nhà cấp IV đã xuống cấp không đảm bảo nhu cầu sử dụng; các ao nuôi bị bồi lắng sau các đợt mưa lũ xảy ra trên địa bàn; bờ đê bao, đường dân sinh bị xói lở,...Trước tình hình đó, UBND xã Thạch Kênh đã đề xuất Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho phép sử dụng tài sản hình thành từ dự án để xây dựng các mô hình trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do dự án đến năm 2020 mới được phê duyệt quyết toán hoàn thành nên đề xuất của UBND xã Thạch Kênh chưa được giải quyết. Mặc dù UBND xã Thạch Kênh không phải là đơn vị được giao tiếp nhận, theo dõi và quản lý tài sản nhưng hiện nay là đơn vị đứng ra quản lý do dự án phát sinh trên địa bàn; đây chỉ là giải pháp tạm thời, chưa đúng quy định. Việc quản lý tài sản gặp rất nhiều khó khăn do diện tích dự án rộng, xã không bố trí được chi phí để thuê người quản lý. Trước tình hình đó, việc giao đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tài sản cùng với phát huy hiệu quả dự án là việc làm hết sức cần thiết. Hiện, Công ty Cổ phần Synot Asean có trụ sở tại tỉnh Nghệ An đã tiến hành khảo sát và dự định đề xuất phương án đầu tư tại vị trí nêu trên nên phương án xử lý Đập Yên Vũ tại xã Thạch Kênh hết sức cần thiết.

1.3. UBND tỉnh sớm tổ chức lựa chọn đơn vị cung ứng xi măng để kịp thời hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện các chương trình nông thôn mới theo cơ chế hỗ trợ xi măng trên địa bàn.

Lý do: Ngày 09/01/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-UBND về kế hoạch làm đường giao thông, rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng, hỗ trợ phục hồi, nâng cấp mặt đường bê tông xi măng năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay tỉnh chưa lựa chọn được đơn vị cung ứng xi măng.

1.4. UBND tỉnh phân bổ thêm kinh phí chi thường xuyên cho cấp xã đối với các xã sáp nhập (địa bàn rộng nhiều thôn, tổ dân phố) trên địa bàn huyện Thạch Hà.

Lý do: Sau khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã; số lượng thôn, tổ dân phố tại các xã, thị trấn không đồng đều. Tuy nhiên, việc định mức chi thường xuyên (chi an ninh, quốc phòng, sự nghiệp văn hóa, thể thao, đảm bảo xã hội, sự nghiệp môi trường) ngang bằng giữa các xã, thị trấn dẫn đến một số địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, điều hành ngân sách (đặc biệt là các xã sáp nhập: Lưu Vĩnh Sơn, Tân Lâm Hương,…).

1.5. UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh sớm ban hành các quy định hướng hướng dẫn một số định mức chi.

Lý do: Hiện nay, một số định mức chi đã được Chính phủ ban hành; tuy nhiên, HĐND tỉnh chưa ban hành định mức. Việc này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý điều hành của các đơn vị cấp huyện. Cụ thể như: Kinh phí tuyển dụng viên chức theo Thông tư số 228/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính, mức chi tổ chức các giải thi đấu thể dục, thể thao cấp huyện, mức chi cho Hội đồng bồi thường GPMB các dự án,…

1.6. UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét cho phép UBND huyện Thạch Hà được sử dụng khối lượng đất sét thu hồi được từ dự án Cải tạo nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu huyện Thạch Hà nói trên để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Lý do: Thực hiện Quyết định số 3305/QĐ-UBND ngày 30/9/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc bán đấu giá tài sản công (khối lượng đất sét thu hồi được từ dự án Cải tạo nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu huyện Thạch Hà). Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Thạch Hà (Cơ quan có tài sản) thực hiện bán đấu giá tài sản công theo hình thức đấu giá quy định tại Điều 24, Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đến nay, UBND huyện Thạch Hà đã tổ chức bán đấu giá 2 lần với giá khởi điểm: 3.339.000.000 đồng (Vào tháng 10/2021 và tháng 03/2022) tuy nhiên chưa thành công do không có người đăng ký mua tài sản. Mặt khác, do thời gian đã lâu nên khối lượng tài sản đã bị hao hụt khá lớn, khối lượng đất sét còn lại khoảng 32.957m3 (khối lượng ban đầu khoảng 60.000 m3). Bên cạnh đó, để phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, các xã trên địa bàn huyện cần một lượng lớn đất để thực hiện đắp, mở rộng lề đường, chỉnh trang các tuyến đường, khu dân cư nông thôn mới… Căn cứ Điểm b, Khoản 3, Điều 25, Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công về xử lý tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành.

1.7. UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết 114/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh về phân cấp quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh.

Lý do: Tại Khoản 2, Điều 13 Nghị quyết 114/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh “về phân cấp quản lý tài sản công trên địa bàn tỉnh” quy định thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản đối với vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án tịch thu. Do các tài sản nêu trên phát sinh thường xuyên trong năm nhưng lại có giá trị nhỏ, dễ hư hỏng nên cần được phân cấp để cấp huyện phê duyệt phương án để xử lý kịp thời và hiệu quả.

1.8. UBND tỉnh có giải pháp và lộ trình các mốc thời gian cụ thể để triển khai việc mua sắm tập trung hiệu quả và đúng quy định.

Lý do: Việc thực hiện mua sắm tập trung hiện nay kéo dài thời gian từ năm này sang năm khác đã ảnh hưởng rất lớn đến việc mua sắm tài sản của các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, đặc biệt các tài sản phục vụ trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian trong công tác mua sắm tập trung còn ảnh hưởng đến việc quản lý ngân sách khi không thể sử dụng kinh phí đã bố trí trong năm tài chính.

1.9. UBND tỉnh, Sở Tài chính có hướng dẫn để thực hiện việc nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa tại địa phương thực hiện theo Nghị đinh 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính Phủ theo đúng quy định.

Lý do: Trong quá trình địa phương chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích quy hoạch bán đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất. Đối với nội dung phần đất thuộc thẩm quyền cấp tỉnh thu hồi thì phải nộp phần đất bảo vệ đất trồng lúa vào Ngân sách tỉnh tại thời điểm thực hiện hồ sơ chuyển đổi. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các xã, thị trấn chưa thực hiện thu tiền sử dụng đất nên chưa thu được phần kinh phí bảo vệ đất trồng lúa từ người được giao đất. Trong khi đó, đây lại không phải là một nhiệm vụ chi của ngân sách xã, nên tại thời điểm chuyển mục đích địa phương chưa bố trí được kinh phí nộp số tiền trên vào ngân sách cấp tỉnh.

1.10. UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu và có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho các xã nằm trong vùng quy hoạch Dự án mỏ sắt Thạch Khê (nội dung này UBND huyện Thạch Hà sẽ báo cáo cụ thể tại cuộc làm việc với lãnh đạo với UBND tỉnh trong thời gian tới).

Lý do: Phần lớn cơ sở hạ tầng các xã nằm trong vùng quy hoạch Dự án mỏ sắt Thạch Khê hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương. Do ảnh hưởng của Dự án, đời sống Nhân dân vùng mỏ hết sức khó khăn.

1.11. Đề nghị UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nội dung “xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” đối với 12 khu dân cư nằm ngoài kế hoạch được giao (về việc hỗ trợ hoàn thiện tiêu chí Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu).

Lý do: Năm 2022, kế hoạch UBND tỉnh giao cho huyện Thạch Hà xây dựng 04 khu dân cư mẫu. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền huyện và nỗ lực của nhân dân, toàn huyện đã xây dựng 16 khu dân cư được công nhận khu dân cư kiểu mẫu, vượt 12 khu dân cư so với kế hoạch được UBND tỉnh giao. Đề nghị UBND tỉnh xem xét cấp bổ sung số kinh phí là: 3.705 triệu đồng để thực hiện chính sách. Trong đó: i) Kinh phí UBND huyện đã phê duyệt thuộc kế hoạch UBND tỉnh giao nhưng chưa được cấp: 105.000.000 đồng; ii) Kinh phí đề xuất bổ sung 12 khu dân cư kiểu mẫu đã thực hiện ngoài kế hoạch của tỉnh: 3.600.000.000 đồng.

2. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường

2.1. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 175/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 của HĐND tỉnh về việc thực hiện cập nhật và chỉnh lý bản đồ và hồ sơ địa chính trên địa bàn Hà Tĩnh (trong đó Thạch Hà có 7 xã).

2.2. Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất đối với các xã nằm trong vành đai an sinh của Dự án mỏ sắt Thạch Khê.

2.3. Đề nghị UBND tỉnh có phương án xử lý dứt điểm Kết luận số 126/KL-UBND ngày 13/4/2018 của UBND tỉnh - Kết luận thanh tra quá trình cấp phép và hoạt động khai thác đá tại mỏ đá núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà.

2.4. Đề nghị UBND tỉnh cho phép huyện bố trí đất ở cho 23  hộ (xã Đỉnh Bàn) (đã được kiểm đếm đền bù nhưng chưa được bố trí tái định cư theo chủ trương của Dự án mỏ sắt Thạch Khê) tại khu tái định cư Thạch Đỉnh 1 và thực hiện thu tiền sử dụng đất như tại thời điểm các hộ dân nhận tiền bồi thường.

2.5. Đề nghị UBND tỉnh sớm “quy định chi tiết việc rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý, việc lấy ý kiến người dân và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp tại địa phương để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao, cho thuê cho người sử dụng đất liền kề”.

Lý do: Khoản 5 Điều 14a Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (có hiệu lực từ ngày 08/02/2021) nêu như trên nhưng đến nay UBND tỉnh chưa có quy định gây khó khăn cho việc thực hiện ở các địa phương.

3. Lĩnh vực giáo dục

UBND tỉnh xem xét điều chỉnh Kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2023 - 2024.

Lý do: Kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2023 - 2024 do UBND tỉnh giao thấp hơn so với kế hoạch UBND huyện Thạch Hà xây dựng và thực tế ở các nhà trường dẫn đến nhiều trường có sỹ số học sinh/lớp vượt quá so với quy định, khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy học và không đảm bảo quy định trường đạt chuẩn quốc gia.

Cụ thể:

- Năm học 2022 - 2023: Cấp tiểu học tăng 594 học sinh so với năm học 2021 - 2022 nhưng UBND tỉnh giao giảm 4 lớp so với năm học 2021 - 2022 (năm 2021 - 2022: 427 lớp, năm 2022 - 2023: 423 lớp) nên toàn huyện có 142 lớp có học sinh vượt quá sỹ số quy định.

- Năm học 2023 - 2024:

+ Mầm non: Tổng số trẻ mẫu giáo: 7.916 trẻ, tăng 10 trẻ so với năm học 2022 - 2023. UBND huyện xây dựng kế hoạch: 290 lớp mẫu giáo; tăng 04 lớp so với năm học 2022 - 2023. UBND tỉnh chỉ giao 280 lớp; giảm 10 lớp so với kế hoạch UBND huyện xây dựng, 8 lớp so với năm học 2022 - 2023.

+ Tiểu học: Tổng số học sinh: 14.187 em, tăng 156 em so với năm học 2022 - 2023. Để giải quyết việc quá tải từ năm học 2022 - 2023 và tăng học sinh trong năm 2023 - 2024, UBND huyện xây dựng kế hoạch: 449 lớp, nhưng UBND tỉnh chỉ giao 423 lớp, giảm 26 lớp so với kế hoạch huyện xây dựng và giữ nguyên số lớp như năm học 2022 - 2023 mặc dù đã có 142 lớp quá tải, năm học này lại tiếp tục tăng 156 học sinh.

+ Trung học cơ sở: Có 9.260 học sinh, tăng 888 học sinh so với năm học 2022 - 2023. UBND huyện xây dựng kế hoạch 267 lớp; tăng 22 lớp so với năm học 2022 - 2023 do tăng 888 học sinh.

Tuy nhiên, UBND tỉnh chỉ giao 245 lớp, giữ nguyên số lớp so với năm học 2022 - 2023 và giảm 22 lớp so với kế hoạch UBND huyện xây dựng mặc dù tăng 888 học sinh.

4. Lĩnh vực nội vụ

4.1. Đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án, trình HĐND tỉnh hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2019 - 2021.

Lý do: Theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì cán bộ, công chức được dôi dư đến năm 2025 và Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND ngày 20/8/2019 của HĐND tỉnh hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.

4.2. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở Nội vụ và các ngành chuyên môn liên quan hướng dẫn các đơn vị cụ thể về việc đánh giá xếp loại, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Lý do: Hiện nay, theo các Nghị định, Thông tư đã ban hành quy định về quản lý cán bộ, công chức viên chức; việc đánh giá xếp loại, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức,… Tuy nhiên nhiều nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc thực hiện còn chồng chéo, gặp nhiều khó khăn.

4.3. Đề nghị UBND tỉnh có cơ chế về nhân sự để UBND các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đồng thời bố trí thêm số lượng cán bộ, công chức đối với những xã, thị trấn được sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính cũ.

Lý do: Những xã, thị trấn sau sáp nhập có dân số đông, địa bàn quản lý rộng nên khối lượng công việc trên một số lĩnh vực nhiều như: Văn phòng - Thống kê, Văn phòng Đảng ủy, Địa chính phụ trách lĩnh vực đất đai, Phó Bí thư Đảng ủy.

Trên đây là báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 02, 02 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 năm 2023./.

 

[1] Rau củ quả 291ha/800ha, đạt 36,37%KH; khoai lang 88ha/233ha, đạt 37,77%KH; lạc 456ha/780ha, đạt 58,46%KH; ngô 5ha/135ha, đạt 3,7%KH.

[2] Phát hiện và xử lý VPHC 02 cơ sở vi phạm, phạt 2,25 triệu đồng (Thạch Văn, Thạch Xuân). Nhắc nhở, cảnh cáo và cho thời hạn khắc phục đối với 33 cơ sở có các lỗi vi phạm không nghiêm trọng. Buộc đình chỉ kinh doanh mặt hàng phân bón đối với 02 cơ sở ; 02 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; 01 cơ sở kinh doanh thuốc thú y chưa đủ điều kiện kinh doanh, vận động 04 cơ sở kinh doanh giống ngoài cơ cấu trả về nơi cung ứng.

[3] Trong đó: trồng cây xanh trong khu tập trung 85.600 cây, trồng phân tán 22.400 cây; cây khác 15.420 cây.

[4] 02 tháng đầu năm góp ý thỏa thuận quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch 02 dự án đầu tư xây dựng.

[5] Xử phạt 02 cơ sở với tổng số tiền 2.250.000 đồng.

[6] Thẩm định, phê duyệt quy hoạch 06 khu tái định cư ((Khu Tái định cư xã Thạch Ngọc (điểm thôn Ngọc Sơn), Khu Tái định cư xã Thạch Ngọc (điểm thôn Mỹ Châu), Khu Tái định cư xã Lưu Vĩnh Sơn (vùng Cửa Trùa), Khu Tái định cư xã Thạch Xuân, Khu Tái định cư xã Tân Lâm Hương (điểm thôn Bình Tiến), Khu Tái định cư xã Tân Lâm Hương (điểm thôn Văn Bình)); đang trình thẩm định: Quy hoạch khu nghĩa trang Tây Đài, Thạch Đài; đang lập quy hoạch (do chưa chốt số lô đất quy hoạch): Quy hoạch khu tái định cư đường Ngô Quyền gồm 02 địa điểm tại thị trấn Thạch Hà và xã Lưu Vĩnh Sơn. Phê duyệt 05 tiểu dự án trong 06 khu quy hoạch tái định cư đã được phê duyệt…

 

[7] Trong đó: chi đầu tư phát triển là 21.427 triệu đồng, chi thường xuyên là 80.031 triệu đồng.

[8] Đến ngày 16/02/2023, tổng dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đạt 1.966 tỷ đồng/7.695 khách hàng, giảm so với đầu năm 53 tỷ đồng (-19%); tổng dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 595.789 triệu đồng/11.061 khách hàng, tăng 10.122 triệu đồng so với 31/12/2022, đạt 99,7 % kế hoạch được giao.

[9] Trong đó: giao đất: 02 lô, diện tích: 587,6 m2; đấu giá: 50 lô, diện tích: 9.725,4 m2.

[10] Đến nay, tổng diện tích đã bàn giao của 02 dự án thành phần (Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng) là 1.187.803,9m2 (118,7ha), đạt tỷ lệ 79,5%. Đối với di dời đường điện: Đã nộp hồ sơ và đi kiểm tra hiện trường đề xuất thỏa thuận phương án đi dời đường dây 110Kv, đường dây trung, hạ thế với Công ty Điện lực Hà Tĩnh; đối với đường dây 220Kv đang lập phương án để trình Tổng Công ty Truyền tải điện thỏa thuận thiết kế và phương án di dời.

[11] 01 đơn vị được công nhận mức độ 1 (Trường THCS Long Sơn) ; 03 đơn vị được công nhận kiểm định mức độ 2 (Trường Mầm non Thạch Tiến; Trường Mầm non 1 Tân Lâm Hương; Trường Tiểu học Thạch Hải).

[12] Người có công: 509 suất, giá trị 268.500.000 đồng; Hộ CN: 2.815 suất, giá trị 1.255.950.000 đồng; Hộ nghèo: 3.000 suất, giá trị 1.777.840.000 đồng; Đối tượng BTXH: 1.033 suất, giá trị 581.100.000 đồng; Người cao tuổi: 657 suất, giá trị 315.100.000 đồng; Trẻ em: 3.578 suất, giá trị 1.350.600.000 đồng; Đối tượng khác: 745 suất, giá trị 324.300.000 đồng.

[13] Quà nguồn TW: 5.025 suất, giá trị 1.532.700.000 đồng; Quà nguồn tỉnh: 1.317 suất, giá trị 1.123.800.000 đồng; Quà nguồn huyện: 259 suất, giá trị 149.000.000 đồng; Quà nguồn xã: 458 suất, giá trị 69.650.000 đồng.

[14] Đến nay, 100% các đơn vị đã hoàn thành.

[15] Chủ tịch UBND huyện khen thưởng 05 tập thể, 03 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Đại hội thể dục - thể thao; tặng danh hiệu “Tập thể Lao động tiên tiến cho” 40 tập thể; tặng danh hiệu lao động tiên tiến cho 480 cá nhân, trong đó Chiến sỹ thi đua cơ sở cho 69 cá nhân; tặng Giấy khen cho 76 tập thể,  290 cá nhân. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ Thi đua xuất  sắc cho 03 tập thể, tập thể xuất sắc cho 08 tập thể, Bằng khen cho 06 tập thể và 19 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 01 tập thể; Bằng khen cho 02 tập thể và 01 cá nhân.

[16] Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng nguồn bổ sung có mục tiêu, tiền sử dụng đất tại xã Thạch Văn; thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn bổ sung có mục tiêu, tiền sử dụng đất và đầu tư xây dựng cơ bản tại xã Ngọc Sơn; thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân và công tác phòng chống tham nhũng tại xã Tân Lâm Hương, xã Thạch Lạc và thị trấn Thạch Hà.

[17] Tại xã Thạch Văn.

[18] Trong đó: cấp huyện tiếp 23 lượt người (định kỳ: 04 lượt; thường xuyên: 19 lượt); cấp xã tiếp 52 lượt người (định kỳ: 23 lượt; thường xuyên: 29 lượt).

[19] Trong đó: Phát sinh mới 43 đơn, kỳ trước chuyển sang: 44 đơn.

[20] Trong đó: Cấp huyện: 14/31 (KNPA 14); cấp xã: 42/56 (KN 4; TC 01; KNPA 37).

[21] Cấp phát hơn 500 tờ rơi giới thiệu các quy định pháp luật.

[22] Xử phạt VPHC 24 vụ, 24 đối tượng, số tiền phạt thu được: 30.050.000 đồng. Trong đó, cấp huyện: 08 vụ, 8 đối tượng với số tiền 20.250.000 đồng; cấp xã: 16 vụ, 16 đối tượng với số tiền 9.800.000 đồng.

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.588.175
    Online: 75
    ipv6 ready