Sáng 05/03/2023, UBND xã Thạch Xuân đã tổ chức đón nhận bằng xếp hàng đi tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Mộ và Nhà thờ Nguyễn Khuê.
Tham dự buổi lễ có đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa Thông tin,...
...Đoàn Công tác của BTV Huyện ủy phụ trách xã Thạch Xuân, cấp ủy chính quyền địa phương,...
...con cháu dòng họ Nguyễn xuân cùng đông đảo bà con nhân dân.
Các tiết mục văn nghệ hào hùng, đặc sắc do con cháu dòng họ biên đạo, biểu diễn tại buổi lễ
Đồng chí Nguyễn Huy Hà - Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân báo cáo tóm tắt về lịch sử di tích lịch sử - văn hóa Nguyễn Khuê
Nguyễn Khuê tên thụy là Thông Hoát tiên sinh, thuở nhỏ học chữ Hán, thi đậu Tứ trường được bổ dụng làm quan ở Hữu Phiên, sau đó được thăng chức Tham đốc và phong tước Hà Phái hầu, về sau được thờ ở đền làng, ngài được phong là thượng đẳng đại vương Nguyễn Khuê”. Nguyễn Khuê sinh ra lớn lên ở giai đoạn lịch sử có nhiều biến động mặc dù thi đỗ Tứ trường nhưng ông không theo nghiệp khoa cử mà nối tiếp tổ phụ tham gia binh nghiệp. Nguyễn Khuê gia nhập quân đội nhà Lê – Trịnh, một thời gian sau ông được triều đình giao trọng trách cầm quân trấn giữ vùng Hưng Hóa, Sơn Nam và Hải Ninh (Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay). Trên suốt cuộc đời chinh chiến, bước chân ông trải dài khắp miền thượng du Đàng Ngoài, từ đánh dẹp phản loạn cho đến thu phục thổ phỉ miền biên ải. Vốn là một trung thần không quản ngại khó khăn nơi chiến trường, giữ trọn đạo quần thần nên sau một thời gian tham gia ông được triều đình gọi về kinh thành phục vụ ở Bộ Binh, sau đó là Bộ Công. Sau khi về Kinh thành, sự kiện đáng chú ý là Nguyễn Khuê cùng chư quân nội ngoại đưa Tự vương (tức Trịnh Khải) lên ngôi Chúa, trong bối cảnh triều đình nhiều bất ổn đã giúp ông ghi được tiếng vang lớn. Do lập được công lao nên Nguyễn Khuê được vua Lê Hiển Tông ban sắc phong chức, tước ghi nhận tôn vinh công trạng. Cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Khuê gặp lúc vận nước suy yếu, ông tham gia quân đội bảo vệ quê hương đất nước và ổn định triều chính. Công lao đóng góp của Nguyễn Khuê đối với đất nước được triều Lê ghi nhận, phong chức Công bộ Lang Trung tước Hà Phái hầu, đến thời Nguyễn (vua Khải Định) có thêm đạo sắc gia triêm thượng đẳng thần (Sắc phong này bị cháy khi nhà thờ bị hỏa hoạn năm 1965).
Sau khi Nguyễn Khuê qua đời triều đình cho quan quân mang thi thể về chôn cất tại quê nhà, con cháu dòng họ đã xây dựng nhà thờ và mộ để thờ phụng, trên mộ phần ông được khắc dòng chữ “Đức thánh và gia triêm thượng đẳng thần Nguyễn Khuê”. Về sau, linh vị của ông được dân làng thôn phối thờ tại đền Tam Tòa, hàng năm vào dịp tế lễ được nhân dân thờ phụng, hương khói rất chu đáo trọng thể. Tất cả điều đó chứng tỏ sự tôn kính của nhân dân đối với những công lao của Nguyễn Khuê lúc sinh thời đã đóng góp cho đất nước và khi mất ông được nhân dân tôn vinh thờ phụng.
Mộ Nguyễn Khuê thuộc thôn Lộc Nội, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà.
Nhà thờ Nguyễn Khuê quay mặt về hướng Đông Nam có kết cấu kiểu chữ nhị gồm các hạng mục: Hàng rào, cổng, tắc môn, hạ điện và thượng điện.
Mộ và Nhà thờ Nguyễn Khuê là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của con cháu dòng họ từ bao đời nay. Tại đây, hàng năm diễn ra nhiều kỳ lễ trọng như: Lễ Tế tổ, rằm tháng giêng, rằm tháng 7 nhưng kỳ lễ được tổ chức quy mô lớn nhất, thu hút đông đảo con cháu xa gần hội tụ về dự lễ chính là ngày giỗ kỵ của ông vào ngày 13 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là hoạt động đã được duy trì từ nhiều đời nay, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tri ân tưởng niệm tổ tiên.
Di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá và thẩm mỹ. Mộ và Nhà thờ Nguyễn Khuê từ trước đến nay được con cháu dòng tộc bảo quản chu đáo, các hạng mục công trình thường xuyên được tu bổ, nâng cấp. Tuy nhiên do sự khắc nghiệt của thiên nhiên, khí hậu và biến động xã hội đã làm cho một số hạng mục di tích và nhiều hiện vật quý bị mất mát, hư hỏng không còn nguyên xưa. Thời gian gần đây dòng họ đã đóng góp công sức, tiền của để tôn tạo nhà thờ nhằm việc thờ phụng, hành lễ tôn nghiêm, đồng thời đảm bảo việc bảo quản lưu giữ bảo vệ di sản của tổ tiên để lại.
Tại di tích hiện còn lưu giữ các tư liệu, hiện vật gốc có giá trị như sắc phong, đại tự, đồ tế khí liên quan đến cuộc đời thân thế và sự nghiệp của nhân vật Nguyễn Khuê và các bậc tiên tổ dòng họ. Đây là nguồn tư liệu quý cần được bảo lưu, phục hồi để phục vụ cho việc nghiên cứu tìm hiểu về vai trò, vị trí của dòng họ trong quá trình xây dựng cộng đồng làng xã ở vùng đất Thạch Xuân.
Di tích Mộ và nhà thờ Nguyễn Khuê cùng với nhiều di tích khác đã được xếp hạng trên địa bàn góp phần làm phong phú thêm truyền thống lịch sử văn hóa của vùng đất phía Tây Nam huyện Thạch Hà.
Với những giá trị lịch sử văn hóa UBND tỉnh đã công nhận Mộ và Nhà thờ Nguyễn Khuê là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Mộ và Nhà thờ Nguyễn Khuê cho lãnh đạo xã Thạch Xuân và đại diện dòng họ Nguyễn Xuân
Sau lễ đón nhận, nhân dân xã Thạch Xuân đã rước bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Mộ và Nhà thờ Nguyễn Khuê
Nhân dân xã Thạch Xuân rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Mộ và Nhà thờ Nguyễn Khuê
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, trước đó xã Thạch Xuân đã tổ nhiều hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa ở phần Hội như: giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.