Hiện nay, việc phát triển làng nghề truyền thống nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đã đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho cả hệ thống chính trị huyện Thạch Hà về việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, các cơ chế chính sách hỗ trợ đã mở ra hướng đi hữu hiệu mang tính đột phá, khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Thạch Hà - một vùng văn hóa địa linh nhân kiệt của dải đất Lam Hồng. Song hành với các giá trị truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể như dân ca Ví, Giặm, làng bánh, làng trống, làng hoa từ xưa để lại...thì làng nghề Thạch Hà được hình thành từ sức sáng tạo, kết nối giữa quá khứ với hiện tại, lưu truyền suốt quá trình lao động sản xuất của người dân. Nơi đây vẫn còn nhiều làng nghề phát triển từ giá trị truyền thống như: nón lá Ba Giang xã Việt Tiến, đan lát Phú Quý xã Thạch Liên đến làng đan chế Thạch Long nức tiếng gần xa.

 Thạch Hà một vùng đất văn hóa địa linh nhân kiệt gắn với nhiều giá trị lịch sử, nơi có các làn điệu dân ca Ví, Giặm kết hợp với các làng nghề truyền thống từ ngàn xưa, đã đúc kết, phát triển, thu hút khách du lịch gần xa.

 Các nghề và làng nghề truyền thống theo sử sách ghi lại đã hiện diện hàng trăm năm, hiện nay các vật dụng mây tre đan, nón lá, thúng, mủng, nơm nhủi, phên nứa, trống…được trưng bày tại phòng truyền thống của huyện Thạch Hà.

Hầu hết các sản phẩm thủ công, truyền thống từ các làng nghề của Thạch Hà được người tiêu dùng đánh giá cao, vừa đa dạng, phong phú về mẫu mã, vừa đáp ứng được thị trường tiêu thụ và xuất ra ngoại tỉnh nên mang lại thu nhập ổn định cho người dân làm nghề. Cùng với đó, sự phát triển của nông thôn mới Thạch Hà đã khoác trên mình diện mạo cho vùng quê có nhiều khát vọng đổi thay, mở ra hướng đi mới cho sự hội nhập, phát triển.

 Làng nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Thạch Hà nằm đăng đối với nhau, cùng với sự phát triển trong phong trào xây dựng NTM đã hình thành nên những tuyến đường bê tông hóa rộng từ 5-8m, rải thảm nhựa carboncor tạo thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa.

Ngược dòng hành trình tìm về nguồn cội của những làng nghề truyền thống như đan lát, làm nón theo sử sách ghi lại thì đã có từ rất xưa, khi mà tổ tiên đã biết lấy lá, vỏ cây, dùng tre, nứa kết lại thành những tấm phên, rổ, rá, dần, sàng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Trong những năm thập niên 80-90 của thế kỷ trước thì nghề làm nón và nghề đan đã phát triển mạnh, phường đan được thành lập nhiều tại các địa phương.

Điển hình như làng đan lát Phú Quý Thạch Liên, Đan chế Thạch Long vẫn tồn tại, phát triển cho đến tận bây giờ, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Với mức sản phẩm tung ra thị trường khá ổn định, thì nghề đan lát không còn quy mô nhỏ và vừa như trước đây, hiện nay, nhiều xã đã thành lập các tổ hợp tác sản xuất, trở thành nghề chính mang lại thu nhập cao của một số hộ gia đình.

Nhiều gia đình có đông lao động nên thu nhập khá ổn định như gia đình ông Nguyễn Văn Tý, gương điển hình tiên tiến trong tổ Hợp tác xã Mây tre đan Hoàng Phương, thôn Phú Quý, xã Thạch liên.

Sản phẩm chủ lực “phên tre” của hợp tác xã mây tre đan Hoàng Phương, thôn Phú Quý, xã Thạch Liên.

Theo ông Nguyễn Văn Tý - Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Hoàng Phương chia sẻ: Hợp tác xã Hoàng Phương thành lập vào năm 2016, ban đầu có 7 thành viên góp vốn, HTX đã đầu tư gần 500 triệu đồng mua máy móc nhằm hỗ trợ, thay thế các công đoạn làm nghề thủ công. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại vào khâu sản xuất mà mỗi sản phẩm phên nứa làm ra đã đáp ứng độ chuẩn xác cao, từ đó tăng năng suất mang lại hiệu quả kinh tế cho người lao động.

 Máy móc hiện đại đã thay thế các công đoạn làm nghề thủ công như: chẻ, bóc, vót, lột giúp mang lại năng suất cao.

Mỗi ngày, HTX nhận từ 3-5 đơn hàng, xuất ra thị trường từ 300-400 sản phẩm. Ngoài thị trường tiêu thụ tại Hà Tĩnh, sản phẩm của HTX còn được khách hàng tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam... ưa chuộng. Hiện tại, HTX có 5 công nhân chính và thu hút thêm hơn 100 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Mỗi năm, sản xuất được hơn 100.000 phên tre, doanh thu hơn 2,3 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Cũng giống với nghề đan lát xã Phú Quý, nghề đan chế xã Thạch Long đã mang lại thu nhập từ 3-5 triệu đồng mỗi tháng cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ông Nguyễn Phi Bá ở thôn Gia Ngãi 1, xã Thạch Long đã 70 tuổi, đến nay vẫn mặn mà với nghề đan thúng, mủng...

Khi công việc đồng áng đã nông nhàn, người dân vẫn tiếp tục những công đoạn làm nghề, kể về giai thoại thủy tổ của nghề, họ đối đáp bằng những làn điệu dân ca, Ví, Giặm mượt mà đã gắn chặt tình làng nghĩa xóm, giữa con người với nhau, ấy thế mà nên nghĩa nên tình. Chính vì vậy mà các làng nghề truyền thống ở Thạch Hà vẫn giữ được hồn cốt riêng của nó.

Hàng tuần, hàng tháng câu lạc bộ nón lá Ba Giang lại tổ chức sinh hoạt tại những địa chỉ đỏ xã Việt Tiến, giao lưu, trao đổi công đoạn làm nghề cùng hát dân ca, Ví, Giặm.

Làng nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời, mang đậm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được giữ gìn, kế thừa ở các vùng nông thôn. Việc định hướng quy hoạch sao cho duy trì, phát triển được những nét độc đáo, đặc trưng của các làng nghề đã được hệ thống chính trị huyện Thạch Hà cân nhắc, xem xét nghiêm túc để tìm ra hướng đi phù hợp sao cho làng nghề truyền thống vẫn tiến cùng thời đại trong quá trình giao thoa công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết những nhu cầu bức thiết của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được bản sắc, hồn cốt của giá trị văn hóa truyền thống xưa.

Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thạch Hà cho biết: “Quan điểm của huyện sẽ đầu tư, hỗ trợ, bảo tồn những làng nghề mà các sản phẩm còn được người tiêu dùng đón nhận, đồng thời có các cơ chế, chính sách khuyến khích người làm nghề mạnh dạn thay đổi tư duy, bứt phá để đa dạng mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng”.

Trước xu thế hội nhập, hầu hết nghề truyền thống ở Thạch Hà đã kết hợp giữa hai quy trình thủ công và vận dụng máy móc vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật công nghệ để nâng cao giá trị, năng suất lao động thì hiện nay các cấp ủy chính quyền đang đặc biệt quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh thông tin như website, mạng xã hội, thông qua các tổ chức chính trị xã hội, Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân...; nhất là ứng dụng công nghệ số vào khâu sản xuất để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; thu hút, tìm kiếm các đơn vị liên doanh, liên kết sản xuất để xuất khẩu.

Nhận thức của người dân nông thôn đã thoát khỏi tư duy đơn thuần là hướng tới kinh tế nông nghiệp gắn với các loại hình dịch vụ, đây cũng là cơ hội thuận lợi để huyện Thạch Hà phát huy tiềm năng gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịch trải nghiệm NTM và chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng các tua tuyến tham quan làng nghề kết hợp giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

 Câu lạc bộ dân ca, Ví, Giặm xã Việt Tiến vừa hát, vừa đan nón phục vụ khách tham quan tại nhà dân.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “xác định hỗ trợ làng nghề sẽ thúc đẩy xây dựng NTM phát triển bền vững, năm 2023, UBND huyện Thạch Hà tiếp tục có những chính sách phát triển làng nghề nông thôn, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại làng nghề gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm Ocop của tỉnh”.

Các sản phẩm văn hóa phi vật thể và vật thể luôn song hành tồn tại với nhau theo chiều dài lịch sử. Nó là giá trị tinh thần và sức sáng tạo lao động bền vững, cùng nhau gìn giữ để phát triển các làng nghề hiện có, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Phát huy giá trị cũ, để hình thành nên cái mới có tính bứt phá rộng lớn, đưa sản phẩm Việt nói chung và sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng Thạch Hà nói riêng mở rộng ra thị trường quốc tế.

Từ hiệu quả kinh tế gắn với nét văn hóa truyền thống của các làng nghề ở Thạch Hà, hiện nay, nghề nề Đỉnh Hòe, làng nghề đan lát Phú Quý, làng nghề đan Thạch Long, làng nghề hoa cây cảnh Bắc Sơn, làng nghề truyền thống nón lá Ba Giang đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp bằng công nhận. Mỗi làng nghề, làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận, theo Nghị quyết số 11/NQ-HDND của HĐND huyện Thạch Hà ngày 29/12/2020 được hỗ trợ 30 triệu đồng, theo Quyết định số 47/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 30/8/2019 hỗ trợ 50 triệu đồng.

 Năm 2021, làng nghề đan lát Phú Quý xã Thạch Liên được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp bằng công nhận “Làng nghề”.

Giữa nhịp sống mới, nơi nơi đều lan tỏa không khí ra sức thi đua lao động, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, phản ánh một bức tranh nông thôn mới đang thực sự khởi sắc, nơi đó các làng nghề truyền thống vẫn duy trì và phát triển, tạo nền tảng văn hóa, giữ gìn những giá trị xưa. Với những giải pháp thiết thực từ các sở, ngành, địa phương hy vọng sẽ tạo thêm động lực để các làng nghề Thạch Hà vươn xa, nỗ lực lưu giữ “hồn quê” trong kiến thiết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trung tâm VHTT huyện Thạch Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.558.779
    Online: 14
    ipv6 ready