Nắm vững tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, những kết quả tích cực trên địa bàn huyện Thạch Hà đã bước đầu khẳng định được tính đúng đắn của tích tụ, tập trung gắn với chuyển đổi ruộng đất. Đây được xem là "chìa khoá vàng" trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Xác định tích tụ, tập trung ruộng đất là bước đi tất yếu để phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 18/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về tập trung, tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Theo tinh thần Nghị quyết, công tác phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn, tích tụ, tập trung ruộng đất theo hình thức chuyển đổi và liên kết sản xuất tại các vùng đã được toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở huyện Thạch Hà tập trung quyết liệt, bước đầu cho kết quả tích cực, người dân thấy được hiệu quả của chủ trương nên đồng thuận cao.  

Để cụ thể hóa Nghị quyết 06 theo thực tiễn địa phương, BTV HU, HĐND, UBND huyện Thạch Hà đã ban hành Chương trình hành động, kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, đồng thời có các chính sách hỗ trợ cải tạo đất trồng lúa, phá bờ thửa nhỏ, tích tụ, tập trung gắn với chuyển đổi ruộng đất, hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, kinh phí chỉ đạo cho thôn và HTX; bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị nghiên cứu, quán triệt, lớp bồi dưỡng kiến thức một cách nghiêm túc, sâu rộng, có chất lượng.

Nhận thức rõ chủ trương tập trung, tích tụ gắn với chuyển đổi ruộng đất, sản xuất cánh đồng lớn là cuộc cách mạng đổi mới thực chất sản xuất nông nghiệp ở nông thôn nên cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Thạch Hà đã thực sự quyết liệt, tập trung; cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự phối hợp chặt chẽ giữa đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; vai trò, trách nhiệm của BCĐ cấp xã, thôn xóm được phát huy cao độ, trong đó phải kể đến tâm huyết, nhiệt tình và tinh thần quyết liệt dám nghĩ, dám làm của đội ngũ bí thư chi bộ, thôn trưởng - cầu nối trực tiếp giữa chủ trương, chính sách với Nhân dân.

Sau khi cho HTX thuê đất, theo sự phân chia của HTX, ông Hồ Sỹ Lưu (xã Lưu Vĩnh Sơn) nhận 1,3 mẫu ruộng để canh tác. Chỉ một thời gian ngắn sản xuất trên cánh đồng mới, ông và tất cả thành viên đều nhận ra, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều: nguồn nước tưới được đảm bảo, dễ cày bừa, tiện cho người dân tham quan, đi lại…Theo tính toán của ông Lưu, nhờ tích tụ ruộng đất, giá trị kinh tế đưa lại khoảng 50 triệu đồng/1,3 mẫu/2 vụ; lợi nhuận thu được tăng lên từ 10 - 15%.

Căn cứ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong những năm qua, các địa phương đã có chính sách đổi mới nâng cao hiệu quả hình thức tổ chức sản xuất. Đặc biệt là sau khi thực hiện chủ trương phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng mẫu lớn, đồng ruộng được cải tạo lại, quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi làm tăng diện tích, giảm công làm cỏ, hạn chế sâu bệnh, chuột lưu trú, thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tích tụ ruộng đất đã làm thay đổi về nhận thức tư duy của cán bộ, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân.

Cánh đồng bằng phẳng tại thôn Chi Lưu, xã Thạch Kênh khi thực hiện phá bờ thửa nhỏ hình thành cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung gắn với chuyển đổi ruộng đất

Thực hiện chủ trương, ngoài việc phá bỏ bờ thửa nhỏ để hình thành ô thửa lớn, các địa phương còn tiến hành cải tạo, làm phẳng mặt ruộng, đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đồng thời thông qua chương trình này để liên kết doanh nghiệp, từng bước thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ và gieo cấy truyền thống của người dân, hướng đến một một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại.

Hợp tác xã Bắc Sơn thu hoạch lúa vụ đầu từ việc thuê đất của nông dân để áp dụng sản xuất theo mô hình tích tụ ruộng đất

Việc đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất của các xã trên địa bàn huyện Thạch Hà đã khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, công nghệ cao, gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.

Cánh đồng mẫu lớn ở xã Lưu Vĩnh Sơn mùa lúa chín

Lũy kế từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 100% xã có diện tích sản xuất lúa triển khai thực hiện, đạt 2.132,3ha, chiếm 26,3% diện tích sản xuất lúa. Tổng số thửa còn lại so với trước khi phá bờ giảm 25.489 thửa. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất. Nạo vét, kiên cố hóa các tuyến kênh tưới, tiêu nội đồng. Đào đắp và xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng.

Cán bộ và Nhân dân xã Thạch Sơn hồ hởi trong "ngày hội" phá bờ thửa nhỏ để hình thành cánh đồng sản xuất lớn. Đến nay, 100% diện tích đất sản xuất lúa của xã Thạch Sơn đã được thực hiện chuyển đổi.

Trong năm 2022 thực hiện chuyển đổi ruộng đất tại 06 xã: Thạch Sơn, Thạch Hội, Thạch Trị, Nam Điền, Lưu Vĩnh Sơn và Ngọc Sơn, trong đó có 03 xã Thạch Sơn, Thạch Trị, Thạch Hội thực hiện chuyển đổi 100% diện tích đất sản xuất lúa và cây hàng năm, với tổng diện tích chuyển đổi 755,96ha của 3.228 hộ.

Đến nay, toàn huyện có 62,39ha cho thuê đất sản xuất lúa tại 02 xã Lưu Vĩnh Sơn và Thạch Long; tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các công ty tại các diện tích đã cải tạo, phá bờ thửa nhỏ hình thành ruộng sản xuất lớn, đạt 460ha.

Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU do Ban Thường vụ Huyện uỷ Thạch Hà tổ chức sáng ngày 06/02 tại UBND xã Thạch Trị.

Xác định, “cuộc cách mạng” theo tinh thần NQ 06 là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp cả về quy mô, công nghệ, hiệu quả và bền vững, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân.

Sáng 06/02, trên cánh đồng thôn Bắc Trị (xã Thạch Trị), Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Thạch Hà triển khai mô hình trình diễn cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa với quy mô 5ha.

Tại mô hình này, các bước thực hiện trong sản xuất lúa được cơ giới hóa gần như hoàn toàn, bao gồm: Làm đất bằng máy làm đất chuyên dụng, bón phân 3 giai đoạn (bón lót, thúc đẻ nhánh và thúc đòng) bằng máy bay không người lái, cấy bằng máy cấy và phòng trừ sâu bệnh hại bằng máy bay không người lái. 

Thời gian tới, huyện Thạch Hà tiếp tục tập trung chỉ đạo huy động các hộ dân, HTX, THT, Doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hình thức tập trung ruộng đất bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương; Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là đầu tư hạ tầng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Xã viên Dương Đình Hòa (HTX Bắc Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn) vui mừng với mùa lúa bội thu

Chủ trương phá bờ nhỏ hình thành ô thửa lớn, áp dụng “4 cùng” “cùng thời vụ, cùng loại giống, cùng quy trình sản xuất, chăm bón và cùng thời điểm thu hoạch”, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, thể hiện đây là hướng đi đúng đắn, là cuộc cách mạng thực sự trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân, hứa hẹn những mùa vàng bội thu trên những cánh đồng thẳng cánh cò bay của một miền quê nông thôn mới trù phú.

Trung tâm Văn hoá - Truyền thông


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 2.691.155
Online: 56
ipv6 ready