Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, thời gian qua, huyện Thạch Hà đã đẩy mạnh thực hiện phá bỏ ô thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn, tập trung, tích tụ gắn với chuyển đổi ruộng đất, tăng cường liên kết, từng bước phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và liên kết chuỗi giá trị, bước đầu cho hiệu quả tích cực ở các địa phương.

Sáng 06/02, huyện Thạch Hà tổ chức Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện nghị quyết số 06-NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Các đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt - TUV, Bí thư Huyện uỷ; Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư TT Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Văn Khoa - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Hà Văn Trọng - Uỷ viên BTV, Chủ nhiệm UBKT, trưởng đoàn công tác của BTV Tỉnh uỷ chỉ đạo huyện Thạch Hà; Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT; đại diện Sở tài nguyên & Môi trường.

Xác định tích tụ, tập trung gắn với chuyển đổi ruộng đất, sản xuất cánh đồng lớn là bước đi tất yếu để phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công tác phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn, tích tụ, tập trung ruộng đất theo hình thức chuyển đổi và liên kết sản xuất tại các vùng đã được toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở huyện Thạch Hà tập trung quyết liệt.

BTV HU, HĐND, UBND huyện Thạch Hà đã ban hành Chương trình hành động, kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo, đồng thời có các chính sách hỗ trợ; bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị nghiên cứu, quán triệt, lớp bồi dưỡng kiến thức một cách nghiêm túc, sâu rộng, có chất lượng.

Thực hiện chủ trương phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng mẫu lớn, đồng ruộng được cải tạo, làm phẳng, quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi, làm tăng diện tích, giảm công làm cỏ, hạn chế sâu bệnh, chuột lưu trú, thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Bên cạnh đó, các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, công nghệ cao, gắn với chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, bền vững.

Tích tụ ruộng đất đã làm thay đổi về nhận thức tư duy của cán bộ, bước đầu cho kết quả tích cực, người dân thấy được hiệu quả của chủ trương nên tự giác, tự nguyện, đồng thuận cao.

Lũy kế từ năm 2019 đến nay, toàn huyện có 100% xã có diện tích sản xuất lúa triển khai thực hiện, đạt 2.132,3ha, chiếm 26,3% diện tích sản xuất lúa. Tổng số thửa còn lại so với trước khi phá bờ giảm 25.489 thửa. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất. Nạo vét, kiên cố hóa các tuyến kênh tưới, tiêu nội đồng. Đào đắp và xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng.

Trong năm 2022 thực hiện chuyển đổi ruộng đất tại 06 xã: Thạch Sơn, Thạch Hội, Thạch Trị, Nam Điền, Lưu Vĩnh Sơn và Ngọc Sơn, trong đó có 03 xã Thạch Sơn, Thạch Trị, Thạch Hội thực hiện chuyển đổi 100% diện tích đất sản xuất lúa và cây hàng năm, với tổng diện tích chuyển đổi 755,96ha của 3.228 hộ.

Đến nay, toàn huyện có 62,39ha cho thuê đất sản xuất lúa tại 02 xã Lưu Vĩnh Sơn và Thạch Long; tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các công ty tại các diện tích đã cải tạo, phá bờ thửa nhỏ hình thành ruộng sản xuất lớn, đạt 460ha.

Hội nghị đã đánh giá toàn diện các mặt công tác triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, nêu lên những mặt tích cực, hiệu quả thực tiễn đã đạt được, những chia sẻ về cách làm hay, đồng thời thảo luận những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế.

Đánh giá cao công tác triển khai thực hiện và kết quả đạt được, đồng chí Hà Văn Trọng - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ nhận định, Thạch Hà là một trong những địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh cũng như triển khai sớm công tác sơ kết việc thực hiện nghị quyết, là tiền đề để cùng với các địa phương khác làm cơ sở cho công tác sơ kết của tỉnh.

Thông qua báo cáo, kiểm tra thực tiễn mô hình, tham luận tại hội nghị, đồng chí Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ biểu dương công tác tuyên truyền tạo đồng thuận của toàn hệ thống chính trị ở huyện Thạch Hà, tạo nên phong trào mạnh mẽ trên địa bàn toàn huyện, cũng như những cách làm hay, kết quả tích cực đạt được đã trở thành minh chứng cho tính đúng đắn của Nghị quyết. Những kết quả của địa phương cũng góp phần vào thành tích chung trong công tác triển khai tập trung, tích tụ gắn với chuyển đổi ruộng đất trên địa bàn toàn tỉnh.

Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Thị Nguyệt khẳng định, “cuộc cách mạng” theo tinh thần NQ 06-NQ/TU là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp cả về quy mô, công nghệ, hiệu quả và bền vững, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân.

Đồng chí Bí thư Huyện uỷ đã triển khai nhiệm vụ thời gian tới, giao nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo huyện, Ban chỉ đạo các xã cũng như toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tập trung cao cho thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo đó, huyện Thạch Hà sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo huy động các hộ dân, HTX, THT, Doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hình thức tập trung ruộng đất bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương; Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là đầu tư hạ tầng nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, các khu sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Đồng chí Bí thư Huyện uỷ đề nghị, toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cần tập trung cao trong thực hiện Nghị quyết số 06 cũng như phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Trước đó, đại biểu đã được tham quan mô hình trình diễn cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa trên cánh đồng thôn Bắc Trị (xã Thạch Trị) với quy mô 5ha, giống lúa sử dụng là Hà Phát 3 với các công nghệ cơ giới áp dụng gồm: máy làm đất, máy bay rải phân bón, máy cấy, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật và máy gặt.

Máy bay không người lái đang rải phân bón lót với sức mang tối đa 35kg phân bón, đủ để bón cho 3 sào đến 7 sào lúa theo từng giai đoạn bón cho 1 lần cất, hạ cánh. Trong điều kiện thuận lợi, máy đạt công suất 30 phút/1ha.

Tại mô hình này, các bước thực hiện trong sản xuất lúa được cơ giới hóa gần như hoàn toàn, bao gồm: Làm đất bằng máy làm đất chuyên dụng, bón phân 3 giai đoạn (bón lót, thúc đẻ nhánh và thúc đòng) bằng máy bay không người lái, cấy bằng máy cấy và phòng trừ sâu bệnh hại bằng máy bay không người lái.

Máy cấy lúa đa năng Kubota đang trình diễn với khả năng cấy tối đa 3ha/ngày. Máy cấy cùng lúc 6 hàng, hàng cách hàng 28cm, khóm cách khóm có thể điều chính từ 10-22cm tuỳ vào điều kiện thổ nhưỡng.

Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật c với sức mang tối đa 20 lít dung dịch thuốc, phun cho 0,5 đến 2ha cho 1 lần cất/hạ cánh. Trong điều kiện thuận lợi, mỗi máy có công suất hoạt động tối đa 30ha/1 ngày.

Các phương tiện cơ giới hóa được áp dụng trong mô hình, ngoài máy làm đất và máy gặt đập liên hợp đã quá quen thuộc, thì mô hình này mang đến các phương tiện cơ giới hóa hoàn toàn mới, đó là Máy cấy, Máy bay rải phân bón hóa học và phun thuốc bảo vệ thực vật.

Trung tâm Văn hoá - Truyền thông


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 2.794.147
Online: 36
ipv6 ready