UBND huyện Thạch Hà vừa phối hợp với công ty CP Đầu tư phát triển Phú Cường Đạt tổ chức hội thảo kết quả thực hiện Dự án "Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình chế biến, tiêu thụ nấm ăn tại huyện Thạch Hà".
Hội thảo kết quả thực hiện Dự án "Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình chế biến, tiêu thụ nấm ăn tại huyện Thạch Hà".
Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Thạch Hà đã hình thành những cơ sở sản xuất nấm tươi. Nghề trồng nấm tuy không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư như các loại cây trồng khác, vì đầu vào chủ yếu là rơm rạ, mùn cưa và công lao động (chiếm khoảng 70-80% giá thành sản phẩm) nhưng lại hoàn vốn nhanh (20 - 30 ngày là có sản phẩm thu hoạch). Tuy nhiên việc đầu tư, phát triển cho sơ chế, chế biến, bảo quản nấm tươi đang còn nhiều hạn chế. Do đó, việc đa dạng hóa sản phẩm chưa cao và khó có thể tiếp cận thị trường.
"Dự án được xây dựng trên 200 m2 nhà xưởng chế biến với công suất 100 tấn/năm tại thôn Quyết Tiến, Xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà.
Nhằm đáp ứng mục tiêu chung là xây dựng ngành sản xuất nấm theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô công nghiệp và từng bước ứng dụng công nghệ cao, có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Cường Đạt đã thí nghiệm chế biến công thức nấm sò muối chua ngọt và mứt nấm sò để ra mắt thị trường người tiêu dùng.
Chế biến nấm sò muối chua ngọt với nguyên liệu gồm nấm sò tươi, nước mắm, đường, tỏi, ớt và các phụ gia khác.
Chế biến mứt nấm sò gồm sò tươi, đường, gừng và các phụ gia khác.
Sau hơn một năm triển khai Dự án: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chế biến, tiêu thụ nấm ăn tại huyện Thạch Hà”, công ty CP Đầu tư phát triển Phú Cường Đạt đã bán ra thị trường 4.500 hũ nấm sò muối chua và 600 túi mứt nấm sò, thu về được 336 triệu đồng, cho lợi nhuận ròng khoảng 160 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Khoa - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cùng lãnh đạo các phòng, ngành cấp huyện đã đến tham quan mô hình trồng nấm và xưởng chế biến nấm của công ty CP Đầu tư phát triển Phú Cường Đạt.
Hiện nay, sản phẩm nấm sò muối chua ngọt và mứt nấm sò đã thiết kế nhãn hiệu cho 2 sản phẩm, trong đó, nhãn hiệu nấm sò muối chua đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ. Đến nay, công ty CP Đầu tư phát triển Phú Cường Đạt đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với 4 đại lý, tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, đồng thời đang hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng đánh giá phân hạng cấp huyện, cấp tỉnh, dự kiến sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm 2022.
Các sản phẩm của Công ty CPĐT phát triển Phú Cường Đạt đã tham gia hội chợ thương mại ở nhiều tỉnh thành
UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm
Kỷ sư Cao Thành Đồng-Chủ nhiệm dự án cho biết : "Sự thành công của dự án đã góp phần quan trọng trong việc đưa ứng dụng KH&CN vào trong chế biến sâu các sản phẩm từ nấm, làm đa dạng và tăng giá trị các sản phẩm về nấm. Đồng thời, giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ nấm tươi cho người sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động lớn ở nông thôn với nhiều lứa tuổi".
Ông Lê Đăng Cường - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Cường Đạt cho biết : "Công ty CP Đầu tư Phát triển Phú Cường Đạt thành lập năm 2014, với quy mô ban đầu là 350m2 nhà xưởng, trồng nấm tươi sò, linh chi, mộc nhĩ, với số vốn đầu tư ban đầu là 420 triệu đồng. Đến nay, diện tích nhà xưởng được mở rộng với diện tích 3000 m2, trong đó có 200m2 nhà xưởng chế biến, có thêm mứt nấm sò, nấm sò muối chua ngọt, loại nấm sấy khô như: nấm sò, linh chi, mộc nhĩ. Hiện nay, công ty có 10 công nhân đang làm việc, mức lương dao động từ 4,5 triệu đồng - 6,5 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, tổng doanh thu của công ty khoảng 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận ròng khoảng 700 triệu đồng".
Ứng dụng Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình chế biến, tiêu thụ nấm ăn tại huyện Thạch Hà đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ nấm, tạo ra những sản phẩm an toàn, đảm bảo về chất lượng, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, phát huy tiềm năng sản xuất, chế biến từ nấm của Việt Nam.
"Năm 2020, sản lượng sản xuất nấm tươi tại Hà Tĩnh đạt 685 tấn, trong đó nấm sò đạt 600 tấn, nấm mộc nhĩ đạt 50 tấn, nấm rơm đạt 5 tấn, các loại nấm khác 30 tấn. Đến nay Hà Tĩnh đã xây dựng được 02 cơ sở sản xuất giống nấm với công suất 50 tấn/năm tại huyện Thạch Hà và 05 cơ sở sản xuất bịch phôi nấm, mỗi năm cung cấp cho các hộ trồng nấm trên 1 triệu bịch phôi; làm chủ được công nghệ sản xuất giống nấm cấp 1, cấp 2, cấp 3 và công nghệ nuôi trồng trên 10 loại nấm. Cung cấp cho thị trường trên 300 tấn/ năm. Hiện nay nghề trồng nấm đã có mặt ở hầu hết các huyện, thị xã và Thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, mỗi năm sản xuất được hàng trăm tấn nấm các loại góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình."