Thạch Hà là huyện nằm ở vùng trung tâm tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2024 về trước là huyện có diện tích bao quanh tỉnh lỵ và Thành phố Hà Tĩnh. Bởi vậy, mọi đổi thay của thành phố Hà Tĩnh về mặt tự nhiên và xã hội đều liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Thạch Hà. Là một trong 5 địa phương ven biển của Hà Tĩnh, Thạch Hà hội tụ đầy đủ núi, sông, đồng bằng và biển cả. Danh xưng Thạch Hà được bắt nguồn từ sự tích đá giữa lòng sông, đã trở thành mảnh đất 1020 năm tuổi, mang trong mình một bề dày lịch sử từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ.

Khai quật Di chỉ khảo cổ Thạch Lạc
Theo sử sách, châu Thạch Hà xưa kéo dài từ hữu ngạn sông Nghèn, sông Hà Hoàng đến dãy Hoành Sơn. Nơi đây lưu dấu đời sống của người Việt cổ cách đây hơn 4.800 năm, qua các hiện vật tại di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc, cồn Lôi Mốt (Thạch Vĩnh), Phái Nam (Thạch Lâm). Cùng với các di chỉ khảo cổ, các vết tích hằn in trên đá ở dãy Trà Sơn và các cồn cát chạy dài ở gần chân núi đã chứng minh những biến động địa chất và xã hội trên dãi đất Thạch Hà, gắn với quá trình sinh sống của cư dân nơi đây. Trong một thời kỳ dài Thạch Hà là miền biên viễn, biên giới An Nam - Chiêm Thành tức là núi Nam Giới bây giờ. Con người nơi đây đã đi cùng lịch sử, chứng kiến bao cuộc chiến chinh và đổi thay trên mãnh đất đã trải qua 1020 năm tồn tại và phát triển.
Dù ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, người Thạch Hà vẫn vững bền ý chí, kiên cường đấu tranh chống lại các ách thống trị phong kiến cũng như giặc ngoại bang. Đất Thạch Hà hôm nay tự hào là quê hương của các vị vua Mai Thúc Loan, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Tiền Ngô vương Ngô Quyền và những danh nhân là những tấm gương tiêu biểu trong mọi thời kỳ lịch sử.
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, anh hùng của ông cha, đầu thế kỷ XX, ở Thạch Hà nổi lên nhiều tấm gương kiên trung oanh liệt, đóng góp lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc như anh hùng Lý Tự Trọng - người thanh niên cộng sản đầu tiên; Nguyễn Thiếp, Mai Kính, Trần Hoặc, Trần Xu là những Bí thư Tỉnh ủy thời kỳ tiền khởi nghĩa. Cùng với đó, Thạch Hà nỗi lên nhiều địa danh như “làng đỏ” Phù Việt, Đình Đỉnh Lự ở xã Tân Lộc, Đồng Bàn, Cổ Kênh, Đan Hộ, Tiền Lương, Chi Phan đã thành lập các chi bộ cộng sản, làm cơ sở cho Đảng bộ Hà Tĩnh hoạt động, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa dành chính quyền.
Thạch Hà là một vùng đất cổ, ẩn chứa nhiều di sản văn hóa cả về vật thể và phi vật thể, nhiều danh lam thắng cảnh 115 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 11 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 104 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trong cần lao, khó nhọc, người Thạch Hà luôn tự tạo cho mình niềm lạc quan, tin tưởng. Khi nghiên cứu địa chỉ giặm Nghệ Tĩnh, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi tên “giặm Thạch Hà”. Trong 36 nghệ nhân hát giặm mà Nguyễn Đổng Chi giới thiệu trong “Hát giặm Nghệ Tĩnh”, có tới 26 người quê Thạch Hà. Kho tàng di sản văn hóa vô giá ấy là sự kết tinh, tích tụ của trí lực sáng tạo của bao lớp người đi trước.
Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia Mộ và Nhà thờ Nguyễn Phi Sài
Nói đến Thạch Hà là nói đến vùng đất văn hiến. Nơi đã sản sinh ra nhiều hiền tài trở thành danh nhân của Quốc gia, dân tộc. Điều đó phải kể đến dòng họ Phan Huy ở xã Thạch Châu gắn với các tên tuổi tiêu biểu 3 vị tiến sĩ đồng triều là cha con Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn; dòng họ Nguyễn Đức Lục Chi ở xã Ích Hậu, họ Nguyễn (Cổ Kênh), họ Trương Quốc (Phong Phú), họ Trần (Ngọc Điền), Võ Tá (Hà Hoàng)…
Không chỉ hiếu học, đánh giặc giỏi, hát giặm hay, mà người Thạch Hà còn giỏi sản xuất. Với bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã tạo nên các sản phẩm làng nghề tiêu biểu như nghề nón Phù Việt, nghề đan ở Đan Chế, nghề đan kiềng ở Việt Xuyên, nghề làm hương và làm chổi đót ở Thạch Mỹ, nghề làm dầu lạc ở Thạch Châu, nghề làm bún ở Hồng Lộc, nghề nướng cá ở Thạch Kim…
Bước sang thời kỳ đổi mới, Thạch Hà qua nhiều lần chia tách, sáp nhập. Đầu năm 2025 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính nên huyện Thạch Hà đã tách 11 xã sáp nhập vào thành phố Hà Tĩnh và sáp nhập 11 xã, thị trấn của huyện Lộc Hà vào huyện Thạch Hà. Sau sáp nhập, huyện Thạch Hà mới có diện tích tự nhiên là 325,37 km2, quy mô dân số là 190.335 người, với 22 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn trực thuộc.

Ra mắt huyện Thạch Hà sau sáp nhập đơn vị hành chính
Cùng với ra mắt, đi vào vận hành bộ máy huyện mới, Thạch Hà với tinh thần chung sức đồng lòng và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tổ chức bộ máy huyện đã đi vào vận hành hiệu quả ngay từ những ngày đầu sáp nhập. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được triển khai, tạo khí thế thi đua, sôi nỗi trên khắp địa bàn. Cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống xã, thị trấn đã xây dựng nghị quyết, chương trình hoạt động đảm bảo diễn ra liên tục, thông suốt, không để gián đoạn các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn toàn huyện.
Dẫu nhiều lần biến động địa giới hành chính, Thạch Hà vẫn mang trong mình nhiều tiềm năng, lợi thế của huyện có núi, có sông, có đồng bằng và biển cả, là địa bàn phụ cận thành phố Hà Tĩnh. Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất ước đạt 15.438 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 108%. Thu ngân sách ước đạt 530,46 tỷ đồng. Là địa phương có các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia đi qua như cao tốc Bắc Nam, Đường sắt cao tốc, Quốc lộ 1A, Quốc lộ ven biển và hệ thống giao thông kết nối các vùng miền tương đối khép kín đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Chính vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh đã đặt khu Visip về phía tây huyện Thạch Hà và kết hợp với các cụm công nghiệp phía bắc huyện, tạo thành vùng phát triển các khu công nghiệp của tỉnh trong tương lai…
Chất lượng các danh hiệu văn hóa ngày càng nâng lên. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Tăng cường chuyển đổi số trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong xây dựng nông thôn mới, Thạch Hà là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh với nhiều kết quả to lớn mà toàn Đảng, toàn dân đã dành được. Đến nay 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn Lộc Hà và thị trấn Thạch Hà đạt chuẩn đô thị văn minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP tại 3 vùng quy hoạch nông nghiệp chính của huyện. Phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thạch Kim, Thạch Bằng, An Thịnh; khu nuôi trồng thủy sản các xã Mai Phụ, Hộ Độ, Thạch Châu, Ích Hậu, .... Các vườn mẫu, mô hình kinh tế, nhà xanh, sạch, đẹp được mọc lên, mang lại hiệu quả rõ nét.
Với địa hình gồm 3 vùng trà sơn, đồng bằng, duyên hải, Thạch Hà đang phát huy thế mạnh của từng vùng. Trà sơn gắn với sức xanh của đại ngàn, bàn tay con người đang làm nên những rừng thông, keo, cao su xanh tốt. Nơi đây còn hình thành các mô hình kinh tế vườn đồi như chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, hoa, cây cảnh với quy mô ngày càng lớn… Vùng đồng bằng đang hiện rõ những cánh đồng mẫu lớn với sản lượng lúa và hoa màu ngày càng vượt trội… Vùng sông nước, ven biển với những dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đem lại năng suất, sản lượng tôm, cá lớn…
Đất nước đang chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của tỉnh nhà, Thạch Hà đã và đang tận dụng những lợi thế, tiềm năng để tạo nên những đột phá mới, trong thời gian này, Thạch Hà đang tập trung tiển khai các dự án đầu tư trọng điểm; nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất tập trung, liên kết bền vững, sản xuất hữu cơ; công nghiệp tiếp tục được đầu tư; du lịch, dịch vụ phát triển nhanh; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống giao thông kết nối phát triển, kết nối các vùng kinh tế, du lịch trọng điểm ngày càng hoàn thiện. Phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của quê hương và khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh cách cải hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Quan tâm phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, ưu tiên phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; đầu tư phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xây dựng đồng bộ các trục kết cấu hạ tầng phát triển; chú trọng xây dựng đô thị du lịch biển, hệ thống hạ tầng du lịch, dịch vụ từ Chân Tiên đến Cửa Sót, hệ thống hạ tầng, giao thông các xã ven biển từ Thịnh Lộc đến Hộ Độ thành vành đai phát triển kết nối với thành phố Hà Tĩnh.
Thị trấn Thạch Hà hôm nay
Thạch Hà hôm nay đã khoác trên mình một diện mạo mới sau cuộc cách mạng chia tách sáp nhập. Sự đổi thay của thời cơ vận hội nhưng vẫn giữ nguyên cơ đồ hơn nghìn năm lịch sử hình thành và phát triển. Lịch sử đã chứng minh vùng đất và con người nơi đây trãi qua bao sóng gió nhưng quật cường và luôn nuôi dưỡng tương lai tươi sáng. Những thành tựu mà ông cha xưa để lại cho con cháu hôm nay là những trang sử hào hùng, ý chí và sức mạnh tinh thần cũng như vật chất to lớn để thế hệ đi sau tiếp nối mạch nguồn. Năm 2025, danh xưng Thạch Hà tròn 1.020 năm xuất hiện trong chính sử. Đây là những kết tinh mà Thạch Hà đã hội tụ hơn một nghìn năm qua như một huyện thoại về một vùng quê cách mạng, anh hùng, làm tròn sứ mệnh lịch sử với quê hương, đất nước./.