Suốt cả cuộc đời binh nghiệp (từ năm Đinh Hợi 1587 đến năm Quý Hợi 1633), Võ Quận công Nguyễn Phi Sài là nghĩa sỹ, tướng quân luôn được nhà vua, bề trên tin tưởng, giao cầm quân chỉ huy đánh trận. Một vị tướng luôn trung quân, trung thành với triều đình, mưu trí và dũng cảm, đã cầm quân là giành thắng lợi. Võ Quận công cũng là vị trung quân thanh liêm, khí tiết, yêu nước, thương dân.

Nhà thờ Võ Quận công Nguyễn Phi Sài ở thôn Gia Ngãi 1, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh)
Thân thế Đệ tam Đức tổ Nguyễn Phi Sài
Theo chỉ dẫn tại các tài liệu (Địa chí huyện Thạch Hà - NXB Chính trị Quốc gia năm 2015; Sách Làng cổ Hà Tĩnh tập I của Sở Văn hóa Thông tin và Hội Liên hiệp VHNT xuất bản năm 2000; Lịch sử Đảng bộ xã Thạch Long giai đoạn 1930 - 2010 và Da phả gốc chữ Hán lập năm 1912 của dòng tộc họ Nguyễn Phi): Đệ Tam Nguyễn Phi Sài (tên theo Da phả dòng tộc là Đệ tam Thủy tổ Khảo Nguyễn Phi Sài) là con trai cả của Đệ nhị Thế tổ Nguyễn Phi Lệ (Đệ nhị Tiên tổ Nguyễn Phi Lệ là con trai của Đệ nhất Tiên tổ Nguyễn Phi Thận). Đệ nhất Tiên tổ Nguyễn Phị Thận cùng mẹ từ xã Bằng Trình, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa vào định cư tại xã Toàn Lưu, phủ Thạch Hà khoảng những năm 1442 - 1450. Như vậy, Đệ Tam Đức tổ Nguyễn Phi Sài có nguồn cội (bà cố và ông nội Nguyễn Phi Thận sinh ra và đã từng sinh sống ở tỉnh Thanh Hóa), nhưng nơi sinh của Nguyễn Phi Sài là tại xã Toàn Lưu (có tài liệu ghi xã Kim Đôi), phủ Thạch Hà, nay là xã Thạch Thanh (từ năm 2020 là Thị trấn Thạch Hà). Nguyễn Phi Sài sinh năm Mậu Ngọ niên hiệu Chính Trị thứ hai thời Lê Anh Tông (năm 1558), đến khoảng năm 1580, gia đình chuyển về cư trú và lập nghiệp sinh sống ở xã Đan Chế (xã Thạch Long hiện nay).

Nhà sắc Nguyễn Phi Sài
Sự nghiệp Đệ tam Đức tổ Nguyễn Phi Sài
Cũng theo trích dẫn tại các tài liệu nói trên và tại Gia phả gốc của dòng tộc Họ Nguyễn Phi: Nguyễn Phi Sài từ nhỏ là cậu bé ngoan ngoãn, chăm làm, lớn lên thành chàng trai mạnh khỏe, thông minh, thích cuộc sống tự lập, trọng việc nghĩa, thương người nghèo. Ông làm quan dưới triều Lê Trung Hưng, là vị võ tướng có tài thao lược, được chúa Trịnh giao phó nhiều trọng trách, lập nhiều công lớn trong công cuộc phù Lê cứu nước.
Đầu thế kỷ XVI, Lê Triều bước vào giai đoạn suy vong do bộ máy thống trị ngày càng hũ bại, ruỗng nát, bọn quan lại sống xa hoa trụy lạc, các cuộc tranh giành, xung đột giữa các phe phái ngày càng gay gắt. Nạn nhân trực tiếp của cuộc nội chiến ác liệt suốt hơn nữa thế kỷ (từ năm 1527 đến năm 1592) giữa hai tập đoàn phong kiến thù địch là nhân dân.
Nguyễn Phi Sài sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương đó. Dưới triều Lê Trung Hưng, Nguyễn Phi Sài tham gia nghĩa sỹ, là quan võ được nhà vua nhiều lần giao trọng trách cầm quân đánh đông dẹp bắc, cứu dân, giúp nước.
Năm Đinh Hợi (1587) đến tháng `11 năm Mậu Tý (1588), vâng lệnh vua, người theo đức tiết chế Trịnh Tùng, đem đại quân từ Thanh Hóa vào Yên Hóa, Phụng Hóa chiến trận và giành thắng lợi lớn, vì thế tháng 2/1588 được thụ thăng Đô chỉ huy Đồng tri chức quản hựu nhuệ.
Tháng 10/ 1588, đức tiết chế Trịnh Tùng sai Nguyễn Phi Sài tiên phong chặn đón đánh giặc ở Khe Lau (Thanh Hoa) diệt nhiều quân địch, bắt được chín tướng, thu nhiều khí giới súng đạn đem về nộp cho doanh môn. Với công danh đó, tháng 1 năm Canh Dần (1590), người được thăng chức Thực vệ sự tước Quận công.
Tháng 12 năm Tân Mão (1591), Nguyễn Phi Sài lại được đức tiết Tiết chế Trịnh Tùng giao đi cùng đốc lịnh Trịnh Đậu đánh lại đạo Thanh Hoa đánh đuổi quân địch còn sống sót, ẩn trốn ở các phủ Tây Đô, Quảng Bình, Thiên Quan, Phú Lộc, Yên Sơn, đuổi giặc chạy dài về xứ Giang Khứu thu nhiều súng đạn, ngựa xe. Lập nhiều chiến công, năm đó Võ tướng công lại được thưởng, phong vị là “Phụ quốc thần tín công thần”.
Tháng 1 năm Nhâm Thìn (1592), Võ quận công cùng thống lĩnh Nguyễn Hữu Liêu tiến thẳng vào xứ Tây Môn rồi vào thành Thăng Long giao chiến, đốt sạch cung điện và doanh trại giặc, diệt hơn 500 quân, bắt được tướng giặc cầm đầu.
Tháng 10 năm Nhâm Thìn (1592), ông chỉ huy đại quân tiến đến sông Đầm Xá, Đạo Sơn Nam triệt phá quân giặc, thu 36 thuyền chiến và nhiều súng đạn. Tháng 11 năm đó, Võ quận công chỉ huy tiến vào Nam Sơn (đồn Hát Giang - Thanh Oai) phá tan đồn giặc thu 38 thuyền chiến và nhiều súng đạn.
Tháng 12 năm Nhâm Thìn (1592), Võ Quận công cùng cùng một số tướng lĩnh tiến về Phả Lại, đánh vào Yên Dũng, Võ Minh, đuổi giặc chạy dài đến Phương Nhan thì bắt được tướng giặc và nhiều mỹ nữ, được vua thưởng lộc nhiều nhiều tiền bạc và 50 mẫu ruộng tại xã Toàn Lưu, truyền cho con cháu bảo quản cấy cày.
Tháng 1 năm Quý Tỵ (1593), nhà vua sai Võ Quận công đem quân đến huyện Thanh Liêm vượt sông vây đánh đồn Mạc Kính, giao chiến suốt cả ngày, bắt được các tướng Tấn Lý, Nhân Triêm và diệt hàng trăm quân giặc, thu nhiều khí giới, ngựa chiến. Khi đại quân đến Chí Linh, Võ quận công được giao đem quân đến huyện Hoành Bồ - Quảng Yên vây bắt tàn quân giặc còn sống sót.
Tháng 3 năm Giáp Ngọ (1594), Võ quận công tiên phong đuổi giặc từ Bồ Đề đến xứ Bản Trường giết hơn 1.000 quân giặc, thu nhiều vũ khí. Từ đây kinh thành, đất nước yên ổn. Với những chiến công lớn trong các năm Nhâm Thìn đến năm Quý Tỵ (1592 - 1593), tháng 4/1594, Võ quận công Nguyễn Phi Sài được thăng chức Đô đốc đồng trì, phong tước Cương chính hiệp mưu đồng đức công thần.
Tháng 10 năm Giáp Ngọ (1594), Võ Quận công được giao cùng thống lĩnh Nguyễn Hữu Liêu đến Tuyên Quang, Võ quận công tiến trước đến xứ Đại Đồng đánh tan quân giặc, giết được tướng giặc, đuổi giặc bỏ chạy tán loạn, bắt được ba voi chiến và hơn 100 ngựa chiến. Tháng 5 năm Ất Vỵ (1595), Võ quận công lại được thưởng quản dân thêm một xã và giao thêm nhiệm vụ quản lý tả hữu doanh trại thủy quân.
Tháng 2 năm Đinh Dậu (1597), Võ Quận công được giao dẹp phản làm loạn, gây rối. Bí mật trinh sát, bao vây nhóm loạn, đã bất ngờ vây bắt, làm cho cả lũ bọn loạn không kịp trở tay. Tháng 9 năm Kỷ Hợi (1599), Võ quận công lại được thưởng lớn, được suy tôn, thăng tước Hựu Đô đốc thiếu bảo. Tháng 10 năm Tân Dậu (1621), Đức bình yên xếp loại công lao các tướng, Võ Quận công Nguyễn Phi Sài được vua Lê vinh phong “Phụ quốc thần tín kiêm Cương chính hiệp mưu đồng đức công thần”.

Nguyễn Phi Sài - một nhân vật lịch sử có nhiều công lao, đóng góp dưới thời Lê Trung Hưng và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, ngoài trấn. Hiện nay, dòng họ Nguyễn Phi ở xã Thạch Long vẫn còn lưu giữ nhiều di sản quý mà ông để lại.

Sắc phong năm Thành Thái thứ 6 (1894)
Sự nghiệp đang tràn đầy danh vọng nhưng cuộc đời, số phận của người cũng không ngoài quy luật tự nhiên, không mình tự định. Ngày 18 tháng 3 năm Giáp Ngọ (1634), trái tim Võ Quận công Nguyễn Phi Sài đã ngừng đập. Đệ Tam Thủy tổ Võ quận công Nguyễn Phi Sài, vị chỉ huy tài ba của nghĩa sỹ đã mãi mãi ra đi để lại sự luyến tiếc khôn nguôi cho cả triều đình, sự thương xót vô hạn cho hàng ngàn, vạn con cháu hậu duệ dòng họ Nguyễn Phi và nhân dân địa phương./.