Đề án đã chỉ đạo Tập trung chỉ đạo, triển khai sản xuất vụ Xuân theo hướng vừa sản xuất phục vụ đời sống Nhân dân vừa sản xuất hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đạt mức cao nhất cả về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2025. Khuyến khích ưu tiên, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, vừa sản xuất, dịch vụ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung các vùng sản xuất rau, hoa, cây cảnh truyền thống và nhân rộng mô hình ra các địa phương chưa thực hiện; phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của hệ thống nhà lưới, nhà màng; khai thác thị trường phụ cận Thành phố. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá vật tư nông nghiệp. Chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng vụ Xuân

1. Quan điểm

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo sản xuất, khai thác tối đa và phát huy cao mọi nguồn lực để vụ Xuân 2025 đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả cao. Lấy giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác và giá trị thu nhập trên hộ nông dân trong năm làm tư tưởng chỉ đạo. Tập trung thực hiện cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa, tập trung tích tụ gắn với chuyển đổi ruộng đất, xây dựng hình thành các cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu thực sự hiệu quả đối với sản xuất hàng hóa. Tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm (VietGAP, hữu cơ,...), ứng dụng công nghệ cao, KHKT trong sản xuất trên các loại cây trồng,... để từng bước xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, ổn định sản xuất.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1 Diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng chính

- Cây lúa: Diện tích 7.965ha; năng suất 59 tạ/ha; sản lượng 46.993 tấn.

Trong đó Diện tích lúa chất lượng cao: 6.000ha, phấn đấu 2 vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGap và được cấp mã vùng trồng; 01 vùng sản xuất hữu cơ

- Cây lạc: Diện tích 730ha; năng suất 26,5 tạ/ha; sản lượng: 1.935tấn.

- Cây ngô: Diện tích 168ha, năng suất 30 tạ/ha; sản lượng 504 tấn.

- Rau quả: Diện tích 1.100 ha; năng suất 68 tạ/ha; sản lượng: 7.480 tấn.

+ Diện tích rau củ quả trên cát: 32,5ha

+ Sản xuất dưa lưới, rau các loại trong nhà màng: 77.000m2

- Khoai lang: Diện tích 250 ha, năng suất 75 tạ/ha, sản lượng 1.876 tấn.

(Chi tiết tại phụ lục 01,02 đính kèm)

2.2 Xây dựng các mô hình trình diễn, khảo nghiệm

- Tiếp tục thực hiện Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ quy mô 10ha tại xã Thạch Ngọc.

- Tổ chức sản xuất khảo nghiệm các giống lúa mới để lựa chọn, bổ sung vào bộ giống lúa chủ lực của huyện.

- Xây dựng các mô hình sản xuất theo cánh đồng lớn (tập trung tối thiểu 20ha), ứng dụng khoa học kỹ thuật (giống lúa mới, phương thức canh tác mới, đạt tiêu chuẩn Vietgap….) liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến thực hiện 180,45ha (Liên kết Công ty CP TM Giống cây trồng Hà Tĩnh, Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Đạt Lộc…).

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác thông tin tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Kế hoạch sản xuất nông nghiệp 2025, Đề án sản xuất vụ Xuân 2025 để nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong cả hệ thống chính trị đẩy mạnh sản xuất phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó Vụ Xuân 2025, tập trung vào các nội dung: Cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa, phá bỏ bờ thửa nhỏ hình thành ruộng sản xuất lớn gắn với chuyển đổi ruộng đất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, sản xuất đạt tiêu chuẩn Vietgap, hướng hữu cơ, an toàn.

- Tập trung phổ biến các quy định về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản thực phẩm.

- Đổi mới hình thức và nội dung tuyên tuyền; đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá nông sản mang tính chuyên nghiệp, có chiều sâu góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

2. Cơ cấu giống

2.1. Giống lúa: Thạch Hà là địa phương có điều kiện địa hình, sinh thái đặc thù với nhiều tiểu vùng sinh thái, lập địa, thổ nhưỡng khác nhau (trà sơn, đồng bằng, bãi ngang ven biển, vùng khó khăn về thủy lợi, vùng sâu trũng, ngập lụt…); thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; áp lực về thời vụ rất lớn; các đối tượng sâu bệnh thường xuyên phát sinh gây hại nặng… Vì vậy, cơ cấu bộ giống cần phải đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng, tính chống chịu; không cơ cấu 01 loại giống quá 30% diện tích gieo, cấy; định hướng cơ cấu các nhóm giống, cụ thể:

- Các giống chủ lực: Các giống đại trà sản xuất qua nhiều năm, nhiều vùng sinh thái, thổ nhưỡng: HT1, Nếp 98, Nếp 87, Khang dân đột biến, Khang dân 18, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, BT09, BQ, Hana số 7, VNR 20.

- Các giống có năng suất, chất lượng tiếp tục mở rộng diện tích: Hương Thanh 8, ĐB6, HG12, Hana 318, TBR97, QP5.

- Các giống đặc thù:

Giống Xuân Mai 12: bố trí ở các vùng đất bạc màu, đầu tư phân bón thấp không chủ động tưới tiêu.

Chân đất vàn, vàn cao (chủ động nước): Sử dụng các giống chịu thâm canh, triển vọng về năng suất chất lượng như Hà phát 3, Hana số 7…

Vùng đất cát pha, nghèo dinh dưỡng, bạc màu: Không nên sử dụng các loại giống chịu thâm canh, dễ bị bệnh đốm nâu, mất cân đối dinh dưỡng, giảm năng suất. Nếu sử dụng, cần tăng lượng phân bón từ 15-20%, bón chủ yếu ở giai đoạn ôm đòng – trỗ vè.

Các giống chịu thâm canh, năng suất cao, mẫn cảm với bệnh đạo ôn (đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông nếu phòng trừ không đúng kỹ thuật vào cuối vụ): BQ, ADI168, HN6… các địa phương căn cứ điều kiện sản xuất, tiểu khí hậu từng vùng, tập quán canh tác để lựa chọn bố trí tại các vùng thâm canh và đảm bảo 100% diện tích sản xuất phải phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông.

- Nhóm trình diễn và khảo nghiệm sản xuất: Các giống khi đưa vào khảo nghiệm sản xuất phải có văn bản đồng ý của Sở Nông nghiệp và PTNT và tuân thủ chỉ đạo của UBND huyện, phòng Nông nghiệp và PTNT, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của Nhà nước khi đưa giống vào khảo nghiệm sản xuất.

2.2. Giống cây trồng cạn: Đa dạng hoá các loại cây trồng trong đó tập trung vào cây trồng có giá trị kinh tế cao và khai thác lợi thế của từng vùng sinh thái, cụ thể:

- Giống rau củ quả các loại: Nhóm rau sản xuất truyền thống: các loại rau cải, xà lách, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, đậu đỗ, rau gia vị,… Rau, củ, quả trên đất cát ven biển: cải củ trắng, cải bẹ, cà rốt, mướp các loại, bầu bí các loại, dưa các loại, ớt...; Dưa lưới, dưa lê vàng, … trong nhà màng.

- Giống lạc: Sử dụng giống L14, V79, L29, Sen lai... Tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn, đánh giá tiềm năng, tích thích ứng của các giống lạc mới để bổ sung vào cơ cấu

- Giống ngô: Các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình, chân đất, thời vụ, thời gian sinh trưởng, mục đích sử dụng, khả năng thâm canh của địa phương mình để lựa chọn các giống ngô phù hợp nhất đưa vào cơ cấu để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo trồng đạt kết quả cao nhất.

Nhóm giống ngô lấy hạt: NK4300, CP111, NK6275, LVN10, LVN4, PAC339,…

Nhóm giống Ngô thực phẩm: MX10, HN68, HN88, HN90..

3. Lịch thời vụ

3.1. Cây lúa

Năm 2025, tiết Tiểu Hàn từ ngày 5/01/2025 (6/12 Giáp Thìn), tiết Đại Hàn từ ngày 20/01/2025 (21/12 Giáp Thìn), tiết Lập Xuân từ ngày 03/02/2025 (06/01 Ất Tỵ) là thời điểm dự báo có tần suất rét cao nhất trong năm cơ bản trùng với lịch xuống giống tập trung các trà lúa Xuân nên cần chủ động các giải pháp chống rét; tiết Cốc Vũ bắt đầu từ 20/4/2025 (23/3 Ất Tỵ), tiết Lập Hạ bắt đầu từ 05/5/2025 (08/4 Ất Tỵ), bố trí lúa trổ tập trung từ 25/4, kết thúc trước 05/5. Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống để bắc mạ trong khung thời vụ từ 10/01-05/02/2025. Đối với những vùng có tập quán gieo thẳng, lịch gieo thẳng theo thời vụ bắc mạ. Trong cùng một nhóm giống, giống có thời gian sinh trưởng dài hơn bố trí gieo cấy đầu khung thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ. Khuyến cáo 100% diện tích mạ phải được phủ nilon đúng kỹ thuật, đồng thời căn cứ vào dự báo thời tiết ngắn hạn để chỉ đạo thời điểm ngâm ủ giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

(Chi tiết có Phụ lục 3 kèm theo)

3.2. Cây trồng cạn

- Cây lạc: Tranh thủ đất đủ ẩm, trời ấm để xuống giống xung quanh tiết Lập Xuân và phấn đấu gieo trỉa kết thúc trong tháng 2/2025.

- Cây ngô: Đối với ngô sinh khối bố trí linh hoạt thời vụ để tạo nguồn thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi; ngô lấy hạt thời vụ gieo trỉa kết thúc trước 20/2/2025.

- Cây đậu: Trồng thuần hoặc trồng xen lạc, thời vụ sau 25/2, kết thúc trước 10/3/2025.

- Rau các loại: Tranh thủ tối đa thời tiết thuận lợi để triển khai gieo trồng, khuyến khích trồng xen, luân canh, gối vụ để tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.

4. Kỹ thuật sản xuất

4.1 Đối với sản xuất lúa

- Tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng cấp giống xác nhận trở lên vào sản xuất. Phát huy vai trò của các HTX xã, Tổ hợp tác trong việc khâu nối với các doanh nghiệp cung ứng giống có uy tín để người sản xuất sử dụng các giống đảm bảo chất lượng.

- Tập trung chỉ đạo, khuyến cáo bắc mạ có che phủ nilon 100% diện tích đúng quy trình kỹ thuật để chống rét. Đối với diện tích gieo thẳng phải gieo tăng 5-10% lượng giống gieo mạ dự phòng góc ruộng có phủ nilon để dặm và chuẩn bị thóc giống ngắn ngày để dự phòng khi rét đậm, rét hại hoặc ngập úng cục bộ gây chết lúa. Không bắc mạ, gieo thẳng, cấy lúa vào những ngày trời nhiệt độ dưới 150C.

- Áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật canh tác: 3 giảm 3 tăng, canh tác lúa cải tiến SRI và hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

- Tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh hạn chế ngộ độc hữu cơ, nâng cao độ phì cho đất. Thực hiệt tốt phương châm “Bón lót sâu, bón thúc sớm”, khuyến cáo nông dân lựa chọn các loại phân bón có uy tín trên thị trường để sử dụng nhằm đảm bảo chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, tăng cường phân kali. Lượng phân bón theo khuyến cáo của các nhà sản xuất và căn cứ vào chất đất, giống lúa để bón.

4.2 Đối với cây trồng cạn

- Đối với ngô nếp sử dụng bắp tươi tận dụng tối đa quỹ đất để gieo trỉa, bố trí trồng xen với đậu, lạc. Áp dụng kỹ thuật che phủ nilon trên lạc.

- Đối với rau, củ, quả: Tập trung chỉ đạo sản xuất tạo sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Sản xuất gắn với việc phát huy tiềm năng, lợi thế tiểu khí hậu trong vùng và thị hiếu người tiêu dùng.

5. Cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa gắn với chuyển đổi ruộng đất, tập trung sản xuất theo cánh đồng lớn, liên kết theo chuỗi

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình hành động số 14-CTr/HU ngày 28/02/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện Nghị quyết 06- NQ/TU về tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo đến các cấp ủy, các cơ quan, địa phương và nhân dân trên địa bàn toàn huyện để từ đó nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tạo sự đồng thuận, tự giác, tự nguyện của người dân trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa và phá bỏ bờ thửa nhỏ để chỉnh trang đồng ruộng, giảm số thửa/hộ nông dân, hình thành ô thửa lớn, cánh đồng lớn, gắn với hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ; hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kịp thời theo quy định.

- Rà soát, quy hoạch vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung đầu tư hạ tầng, cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

- Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, cụ thể:

+ Đối với sản xuất lúa: Dự kiến vụ xuân 2025 tổ chức liên kết sản xuất với các đơn vị: 180,45ha với HTX dịch vụ nông nghiệp Đạt Lộc, Công ty Cổ phần giống cây trồng Hà Tĩnh, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ An Phát…

+ Đối với sản xuất rau, củ quả: chỉ đạo sản xuất hết vùng tập trung đã được đầu tư cơ sở hạ tầng (hàng rào, đường điện, hệ thống tưới…), liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm chính: bí đỏ, bí xanh, rau thơm…

- Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Giới thiệu, cung cấp thông tin các hội nghị xúc tiến thương mại, ký kết giao thương hàng hóa, Hội chợ triển lãm đến các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; hỗ trợ các cơ sở tham gia khi có nhu cầu.

6. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với cấp mã số vùng trồng

- Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn Vietgap, duy trì tuân thủ quy trình sản xuất, tổ chức đánh giá lại đối với các cơ sở hết thời hạn; xây dựng mô hình sản xuất hướng hữu cơ.

- Tăng nhanh diện tích ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất như nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, tự động, bán tự động; cơ giới hóa trong nông nghiệp, đặc biệt ứng dụng thiết bị bay không người lái để gieo, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật.

- Hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện các điều kiện để trình cấp mã số vùng trồng; cập nhật thông tin, duy trì quy trình sản xuất đảm bảo đối với các cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng trong năm 2025.

7. Công tác bảo vệ thực vật

- Làm đất sớm kết hợp bón vôi để tiêu diệt ký chủ phụ và nguồn nấm bệnh từ vụ trước, bón cân đối các yếu tố dinh dưỡng, hạn chế đến mức tối đa bón thừa đạm, khuyến cáo sử dụng phân bón tổng hợp, chế phẩm hữu cơ. Đặc diệt ngay từ đầu vụ sản xuất cùng với đợt ra quân toàn dân làm thủy lợi, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn bà con kết hợp bắt diệt chuột bằng biện pháp thủ công, những vùng có điều kiện thì tổ chức sử dụng thuốc diệt chuột (hóa học) để diệt chuột đồng loạt theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Quan điểm hạn chế tốt đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Tập trung thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo sớm, chính xác tình hình phát sinh của dịch hại trên từng loại cây trồng để chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ hiệu quả, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Kiểm soát chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu bệnh ngay từ đầu vụ như Bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn…nhóm bệnh héo rũ trên lạc; bệnh sương mai, lỡ cổ rễ, thán thư, sâu khoang trên rau màu… .

8. Giải pháp về thủy lợi

- Phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi, nạo vét, khơi thông các hệ thống kênh tưới, kênh dẫn các trạm bơm; củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước mặt ruộng cho việc làm đất vụ Xuân, tránh thất thoát nguồn nước;

- Huy động mọi nguồn lực tổ chức duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình thủy lợi, thiết bị tưới trên địa bàn đạt hiệu quả cao đặc biệt chú trọng các cống ngăn mặn, giữ ngọt để đề phòng xâm nhập mặn. Đảm bảo 100% các máy và công trình đều vận hành tốt phục vụ sản xuất.

- Điều tiết nước hợp lý giữa các vùng, từng thời điểm và theo các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của điều kiện thời tiết, khí hậu chuẩn bị tốt phương án chủ động đối phó khi hạn hán xẩy ra (nhất là vùng cuối kênh...).

9. Tăng cường quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp

- Tăng cường phổ biến các quy định về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản thực phẩm.

- Chủ động kiểm tra, chất lượng hàng hóa phục vụ sản xuất: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chú ý mặt hàng giống cây trồng cần sử dụng các giống có trong danh mục cơ cấu theo Đề án tổ chức sản xuất vụ Xuân 2025; yêu cầu các tổ chức, cá nhân đưa giống vào khảo nghiệm, sản xuất thử, xây dựng mô hình giống phải thực hiện đúng các quy định hiện hành.

- Công bố rộng rãi danh sách các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp đủ điều kiện, đảm bảo chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tránh mua phải các loại hàng hóa kém chất lượng.

10. Chính sách

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành: Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính Phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính Phủ chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành về việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025.

- Các xã, thị trấn chủ động lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Ở huyện

- Phòng Nông nghiệp và PTNT: Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, chuyên môn liên quan và UBND các xã, thị trấn để chủ động hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án đạt hiệu quả cao nhất; Phối hợp các ban, ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân chuẩn bị đủ số lượng và chất lượng giống, vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất. Thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất để có bổ cứu kịp thời.

- Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi có trách nhiệm xây dựng phương án cụ thể để triển khai việc khảo nghiệm các giống lúa mới và mô hình trình diễn trong vụ xuân. Chủ động công tác dự tính, dự báo sâu bệnh hại; tập huấn quy trình sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi.

- Đề nghị các đồng chí trong Ban thường vụ huyện ủy, trưởng, phó các đoàn công tác huyện ủy theo các cụm điểm được phân công phụ trách và các ban, phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện phối hợp với ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các đơn vị, có thái độ dứt khoát với các đơn vị thiếu tập trung triển khai chỉ đạo thực hiện không hoàn thành các chỉ tiêu nội dung đã được phê duyệt nhất là cơ cấu giống, thời vụ. 

- Trung tâm Văn hóa – Truyền thông tăng thời lượng và chọn thời điểm phù hợp tuyên truyền các nội dung của Đề án, thông tin về thị trường, diễn biến thời tiết để người sản xuất được biết.

2. Ở xã, thị trấn

- Trên cơ sở Đề án sản xuất vụ Xuân 2025 của huyện căn cứ vào đặc điểm đất đai, khả năng chủ động nước, địa hình, trình độ thâm canh của bà con nông dân xây dựng đề án sản xuất vụ Xuân 2025 của đơn vị mình, sát đúng với thực tế địa phương, giao chỉ tiêu định hướng cho các đơn vị thôn xóm. Phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong Ban Chấp hành  Đảng bộ, các ngành, đoàn thể cấp xã chỉ đạo các thôn, tổ dân phố để hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

- Trên cơ sở đề án đã xây dựng UBND các xã, thị trấn tự cân đối nhu cầu giống, vật tư từ đó có kế hoạch chỉ đạo hợp tác xã, các dịch vụ nông nghiệp cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư cho nông dân, nhất là các giống mới, nhất thiết không được để thiếu giống sản xuất. Cần thông báo rộng rãi các chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người, mọi thành phần kinh tế có hướng đầu tư sản xuất. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

- Chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình các đối tượng sâu bệnh hại, báo cáo cơ quan chuyên môn để có các giải pháp bổ cứu kịp thời.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.765.650
    Online: 45
    ipv6 ready