UBND huyện Thạch Hà vừa ban hành đề án số 128/ĐA-NN ngày 06/9/2023 về Đề án sản xuất vụ Đông năm 2023. Đề án đã chỉ đạo Tập trung chỉ đạo, triển khai sản xuất vụ Đông theo hướng vừa sản xuất phục vụ đời sống Nhân dân vừa sản xuất hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đạt mức cao nhất cả về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023. Khuyến khích ưu tiên, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, vừa sản xuất, dịch vụ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung các vùng sản xuất rau, hoa, cây cảnh truyền thống và nhân rộng mô hình ra các địa phương chưa thực hiện; phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của hệ thống nhà lưới, nhà màng; khai thác thị trường phụ cận Thành phố. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá vật tư nông nghiệp. Chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng vụ Đông.
1. Phương hướng
Tập trung chỉ đạo, triển khai sản xuất vụ Đông theo hướng vừa sản xuất phục vụ đời sống Nhân dân vừa sản xuất hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu đạt mức cao nhất cả về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023. Khuyến khích ưu tiên, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, vừa sản xuất, dịch vụ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung các vùng sản xuất rau, hoa, cây cảnh truyền thống và nhân rộng mô hình ra các địa phương chưa thực hiện; phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của hệ thống nhà lưới, nhà màng; khai thác thị trường phụ cận Thành phố. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá vật tư nông nghiệp. Chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng vụ Đông.
2. Mục tiêu sản xuất
Toàn huyện phấn đấu gieo trồng 1.008ha diện tích các loại cây trồng, trong đó:
- Cây ngô lấy hạt: Diện tích 90ha, năng suất 30 tấn/ha, sản lượng 270 tấn.
- Rau, củ, quả thực phẩm: Diện tích 740ha, năng suất 68 tạ/ha, sản lượng 5.032tấn. Vùng sản xuất rau quả theo hướng VietGap 25 vùng với diện tích 86ha, trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn Vietgap 30ha (Tượng Sơn, Việt Tiến, Thạch Trị, Thạch Kênh, Thạch Liên, Thạch Văn); Diện tích sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt 2,6ha.
- Cây khoai lang: Diện tích 168 ha, năng suất 70tạ/ha, sản lượng 1.176tấn.
- Nấm ăn và nấm dược liệu: Diện tích lán trại 5.000m2; Sản lượng 40 tấn (Mộc nhĩ 14 tấn sản phẩm khô; Nấm sò 25,6 tấn sản phẩm tươi; Linh Chi 0,4 tấn sản phẩm khô).
- Diện tích trồng hoa, cây cảnh: trồng mới 10,4 ha trong đó diện tích cây đào cảnh, mai vàng 07 ha; diện tích trồng hoa cúc trong nhà lưới, nhà màng: 34.00m2.
(Chi tiết có phụ biểu 01, 02 kèm theo)
- Cải tạo, chỉnh trang phát triển kinh tế vườn: Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện, hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch 2.000 vườn năm 2023.
- Tập trung hướng dẫn các cơ sở sản xuất rau củ quả, cam bưởi tập trung xây dựng hồ sơ cấp mã số vùng trồng trọt. Phấn đấu từ nay đến cuối năm có 04 cơ sở được cấp mã vùng tại xã Thạch Liên, Thạch Ngọc, Nam Điền, Thạch Lạc.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác thông tin tuyên truyền
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Đề án sản xuất vụ Đông năm 2023, các chính sách, các mô hình sản xuất hiệu quả, các tiến bộ kỹ thuật mới về giống và công nghệ, diễn biến thời tiết và phòng chống sâu bệnh trên cây trồng... đến tận người sản xuất kịp thời.
2. Giải pháp bố trí vùng sản xuất
- Quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, tổ chức sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ nông dân với nhau, nông dân với các doanh nghiệp tiêu thụ thông qua các hợp đồng nhằm tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm vụ Đông ổn định, có lợi cho nông dân, Doanh nghiệp. Trước mắt cần sản xuất rau củ quả trên các vùng tập trung, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với các Doanh nghiệp, HTX, duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ truyền thống (chợ, siêu thị....), tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ mới. Đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa, các hình thức cho thuê đất, mượn đất để hình thành những khu sản xuất vụ Đông có quy mô lớn nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, cụ thể:
+ Ngô Đông: bố trí trên chân đất vàn cao, khuyến khích sản xuất ngô nếp thu bắp tươi theo hình thức trồng thuần hoặc trồng xen.
+ Khoai lang: quy hoạch trên đất 2 lúa ở những chân đất vàn cao, trên đất lúa màu, đất cát pha.
+ Rau củ quả thực phẩm: Tiếp tục duy trì sản xuất trên các vùng sản xuất rau chất lượng cao theo hướng VietGap tập trung quy mô 02ha trở lên tại 25 vùng, diện tích 86ha (trong đó sản xuất rau trên cát 33,5ha gồm: Thạch Văn 13,5ha, Thạch Trị 8,5ha, Thạch Khê 6,7ha, Thạch Lạc 4,8ha); Đẩy mạnh phát triển sản xuất các loại rau củ quả trong vườn hộ, sản xuất dưa chuột... trong nhà màng.
+ Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu: Tập trung sản xuất diện tích trồng nấm tại các xã: Tân Lâm Hương, Thạch Xuân, Lưu Vĩnh Sơn...
+ Hoa cây cảnh:
Đối với hoa cúc: tập trung sản xuất diện tích 34.000m2 nhà màng tại các xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Long, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Xuân, Nam Điền, Tân Lâm Hương, Tượng Sơn, Thạch Đài, Thị trấn...
Đối với cây đào cảnh, mai vàng: Tiếp tục trồng mới và chăm sóc các gốc đào cảnh, mai vành với diện tích 144ha (trong đó trồng mới 07ha), tập trung tại các xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Ngọc, Ngọc Sơn, Nam Điền...
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn hộ theo hướng đa cây: Chú trọng công tác cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, phát triển mạnh kinh tế vườn gắn với thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.
3. Giải pháp kỹ thuật sản xuất
3.1. Cơ cấu giống và thời vụ
- Cây ngô: Tùy vào đặc điểm tình hình, chân đất, thời vụ, thời gian sinh trưởng giống ngô, mục tiêu sử dụng, khả năng thâm canh của địa phương mình để lựa chọn các giống ngô phù hợp nhất đưa vào cơ cấu để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo trồng đạt kết quả cao nhất, khuyến cáo sản xuất ngô nếp thu bắp tươi. Các giống MX4, MX2, MX10, HN68, HN88, thời gian sinh trưởng 65-70 ngày, bố trí thời vụ kết thúc trước 30/10;
- Rau, củ quả: Trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán, kinh nghiệm canh tác để gieo trồng các loại rau đậu phù hợp. Trong đó chú trọng phát triển các giống rau cao cấp để tăng hiệu quả kinh tế. Tiếp tục tổ chức sản xuất các loại dưa lưới, dưa chuột trong nhà màng. Các địa phương tiếp tục khâu nối, định hướng tăng cường hỗ trợ nông dân để thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm hàng hóa cây trồng vụ Đông.
Tuỳ từng loại cây như hành, xu hào, cải bắp, rau ăn lá, rau lấy củ, cà chua…và căn cứ tình hình thời tiết bố trí khung thời vụ gieo trồng rải rác từ tháng 9 trở đi và gieo trồng nhiều lứa/vụ.
- Khoai lang: Sử dụng giống Chiêm bông, Hoàng Long, KCL 266,...
Thời vụ trồng kết thúc trước 30/10.
- Nấm: Mộc nhỉ, nấm sò, linh chi… Thời vụ từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024.
- Hoa, cây cảnh: Thời vụ xuống giống hoa cúc kết thúc trước 15/10/2023. Riêng đối với cây đào cảnh, tập trung chăm sóc, thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán và ươm giống từ tháng 01/2024.
Chú ý: Trên cơ sở khung thời vụ và các giống nêu trong đề án, tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng và diễn biến mưa lũ để các địa phương xem xét, tính toán có kế hoạch gieo trồng sát với tình hình vừa giảm thiểu được thiệt hại do mưa lũ, vừa đảm bảo cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến gieo trồng cây vụ Xuân 2024.
3.2. Phòng trừ sâu bệnh hại
Trong suốt quá trình sản xuất vụ Đông phải thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, trong đó cần lưu ý:
- Trên ngô: Tập trung phòng trừ sâu keo mùa thu ngay từ khi sâu đang ở tuổi 1-2, ngoài ra thường xuyên chú ý các đối tượng khác như chuột, cào cào, châu chấu, sâu xám gây hại cây con, sâu đục thân, đục bắp, rệp cờ và bệnh khô vằn, bệnh lùn sọc đen,…
- Trên rau quả: Tăng cường các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo hướng sản xuất rau an toàn theo VietGAP, hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ và chỉ được sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng trên rau.
4. Công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp
Tăng cường công tác quản lý nhà nước và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Đảm bảo hàng hóa lưu thông, sản xuất trên thị trường có chất lượng tốt, giá cả hợp lý phục vụ sản xuất của người dân. Đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm.
5. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình an toàn theo các tiêu chuẩn Vietgap, hữu cơ
- Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, kỹ thuật sản xuất trong nhà lưới nhà màng và các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, hữu cơ trên rau, củ, quả các loại thông qua việc tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ, hướng dẫn người dân hấp thu tốt chính sách của tỉnh, huyện để mở rộng những diện tích này.
- Lồng ghép với chương trình tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con nông dân với các nghề trồng rau an toàn theo hướng VietGap, trồng hoa cây cảnh, sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu... Duy trì và phát triển các diện tích rau củ quả an toàn đạt tiêu chuẩn Vietgap, đồng thời hướng dẫn các vùng sản xuất (rau củ quả, cam bưởi) được cấp mã số vùng trồng tiếp tục cập nhật thông tin sản xuất trên hệ thống.
- Nghiên cứu ứng dụng các TBKT thực hiện các mô hình về sản xuất vụ đông hiệu quả phù hợp với địa phương. Tăng cường xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chuyển đổi bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây vụ Đông như nhà màng, nhà lưới trong sản xuất rau, hoa; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh vào sản xuất...
6. Giải pháp về thị trường
- Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng mô hình chuyển đổi số, kinh tế số nhằm đưa sản phẩm cam, rau củ quả, dưa lưới lên giao dịch sàn điện tử góp phần tăng giá trị sản phẩm:
+ Thực hiện việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các cơ sở sản xuất cam chanh tại các vùng trọng điểm: Lưu Vĩnh Sơn, Nam Điền, Ngọc Sơn. Đưa sản phẩm cam đạt tiêu chuẩn VietGAP lên các sàn thương mại điện tử. Tập huấn, hướng dẫn người sản xuất ghi chép nhật ký sản xuất điện tử; khai thác thông tin đầu vào sản xuất (vật tư phân bón, quy trình sản xuất,…) trên hệ thống chuyển đổi số thông qua thiết bị di động. Hình thành kho “tri thức” kết nối với người sản xuất; các văn bản hướng dẫn, chuyển giao quy trình sản xuất, phòng chống sinh vật gây hại thông qua hệ thống đến tận người sản xuất trên thiết bị di động.
+ Triển khai hệ thống số hoá rau củ quả tại 28 cơ sở nhà lưới có quy mô trên 500 m2 và 5 HTX, 6 THT[1] sản xuất rau tập trung có khả năng tạo ra hàng hóa, kết hợp với truy xuất nguồn gốc trong việc ghi chép nhật ký điện tử tại các cơ sở sản xuất. Minh bạch thông tin về quản lý, quy trình chăm sóc, thu hoạch từ khâu quản lý, cơ quan nhà nước tới người tiêu dùng.
- Tổ chức tìm kiếm thị trường tại các chợ đầu mối, các chợ tại địa phương để tiêu thụ sản phẩm ở các vùng sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm mang tính thời vụ.
- Đối với các vùng được cấp chứng nhận VietGAP: Trực tiếp làm việc với các siêu thị, cửa hàng cung cấp rau sạch trên địa bàn tỉnh để xác định nhu cầu tiêu thụ để cung cấp sản phẩm cho các siêu thị như CO.OPMART, WINMART, các cửa hàng kinh doanh sản phẩm rau an toàn trên địa bàn Hà Tĩnh.
7. Chính sách
- Tiếp tục thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh; Nghị quyết 23/NQ-HĐND ngày 30/12/2022 của HĐND huyện.
- Các xã, thị trấn chủ động lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất (nguồn vốn nông thôn mới và các nguồn khác).
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách phát triển sản xuất của tỉnh, huyện giúp người dân tiếp cận và thực hiện các thủ tục hưởng lợi từ chính sách, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo đúng định hướng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ở huyện
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương triển khai thực hiện Đề án, đồng thời tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá, gắn kết quả sản xuất vụ Đông với việc xem xét trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền cơ sở và cán bộ huyện chỉ đạo cụm, điểm vào cuối năm.
Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng vụ Đông; có giải pháp đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại giống cây trồng theo hợp đồng với các địa phương, không để tình trạng thiếu giống, giống chất lượng kém; chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng.
Đề nghị các Đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy phối hợp với ngành Nông nghiệp nắm bắt tình hình, tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện sản xuất vụ Đông năm 2023 đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch.
Đề nghị Uỷ ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hăng hái thi đua sản xuất. Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Truyền thông đưa tin phản ánh Đề án sản xuất vụ Đông kịp thời tới các hộ nông dân.
2. Ở xã, thị trấn
Căn cứ Đề án sản xuất vụ Đông của huyện và điều kiện thực tiễn của địa phương, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2023 phù hợp, sát thực. Xây dựng chỉ tiêu định hướng cho các xóm, tổ chức phát động mạnh mẽ sản xuất vụ đông nhằm tăng diện tích, hiệu quả các loại cây trồng.
Phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND phối hợp với ban ngành đoàn thể, mặt trận, thôn, tổ dân phố trực tiếp chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Cử cán bộ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn của huyện dự tính dự báo về tình hình sản xuất để có bổ cứu kịp thời đảm bảo cho sản xuất đạt kết quả tốt nhất. Thường xuyên bám sát đơn vị cơ sở vận động, chỉ đạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nhân dân sản xuất. Tăng cường công tác bảo vệ đồng ruộng, đảm bảo diện tích cây vụ Đông không bị trâu bò phá hại. Chủ động cân đối nhu cầu vật tư phục vụ sản xuất, đặc biệt là các loại giống và có kế hoạch chỉ đạo các HTX, các dịch vụ cung ứng vật tư hoặc liên hệ Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện kịp thời cho nông dân.
[1] 05 Hợp tác xã: HTX Hằng Bảy – Thạch Văn; HTX Thắng Lợi – Thạch Văn; HTX Hoàng Hà – Tượng Sơn; HTX Thành Công – Thạch Trị; HTX Thống Nhất – Thạch Ngọc; 06 Tổ hợp tác: THT Thuận Hòa – Thạch Văn, THT sản xuất rau an toàn Bắc Bình – Tượng Sơn; THT sản xuất rau củ quả Trung Lập – Tượng Sơn; THT sản xuất rau củ quả Long Tiến – Thạch Khê; THT sản xuất rau thôn Khang - Thạch Liên; THT Đại Việt – Thạch Văn.