Mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt được triển khai thí điểm ở Thạch Hà dù mang lại hiệu quả cao nhưng không thể nhân rộng.

Hiệu quả từ phương pháp mới trong sản xuất muối

Tháng 4/2023, mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trong ô kết tinh được triển khai đầu tiên ở Hà Tĩnh tại thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà). Mô hình do Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà trực tiếp hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ với quy mô 0,5 ha, có 5 hộ dân tham gia. Mô hình được hỗ trợ 100% chi phí lót bạt; san mặt bằng và hàng rào bê tông.

Tháng 4/2023, mô hình sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt trong ô kết tinh được triển khai đầu tiên ở Hà Tĩnh tại thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà).

Với mô hình này, thay vì sản xuất trên các ô nại bằng nền vôi như truyền thống, các ô kết tinh được trải bạt chống thấm HDPE. Loại bạt này được sản xuất trực tiếp từ các nguyên liệu cao phân tử PE có độ dày 0,5 - 1,5 mm, độ bền cao, đàn hồi tốt, chịu được thời tiết khắc nghiệt. Không những thế, loại bạt này còn có khả năng hấp thụ nhiệt lượng mặt trời tốt, không gây độc hại. Sau khi trải bạt trong ô kết tinh, người dân có thể sản xuất muối theo các bước như phương thức truyền thống.

Hơn 1 năm đi vào sản xuất bằng phương pháp mới, các hộ dân trực tiếp tham gia đều đánh giá cách làm này có nhiều ưu điểm vượt trội.

Đã có 30 năm gắn bó với nghề, ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Tân Phong) chia sẻ: “Năm vừa qua, chúng tôi sản xuất 2 sào muối bằng phương pháp lót bạt. Hơn 1 năm triển khai, phương pháp này cho sản lượng cao hơn, chu kỳ sản xuất rút ngắn hơn so với phương pháp truyền thống. Bạt hấp thụ ánh nắng tốt, giúp thời gian kết tinh hạt muối giảm từ 10 - 12 giờ xuống còn 7 - 8 giờ. Ngoài ra, sản lượng muối cũng tăng lên khoảng 25% so với ô truyền thống trên cùng một đơn vị diện tích”.

Bạt hấp thụ ánh nắng tốt, giúp thời gian kết tinh hạt muối giảm từ 10 - 12 giờ xuống còn 7 - 8 giờ.

Cũng nhận thấy những thuận lợi từ sản xuất muối lót bạt, ông Trần Văn Tiến (thôn Tân Phong) cho biết: “Sản xuất muối theo phương pháp mới giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị ô nại. Nếu làm muối trên nền vôi, nền đất thì cứ trước khi vào vụ mùa, chúng tôi phải dành thời gian cải tạo rất nhiều và năm nào cũng phải cải tạo. Còn với bạt trải, chỉ đầu tư một lần và sử dụng được trong 5 năm, rất thuận lợi”.

Mô hình hiệu quả nhưng không thể nhân rộng

Sản xuất muối bằng phương pháp lót bạt mang đến hiệu quả cả về năng suất và sản lượng là vậy nhưng sau hơn 1 năm thử nghiệm, mô hình vẫn không thể nhân rộng. Mặc dù, khi đi học tập và triển khai mô hình, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kỳ vọng có thể đưa về phương pháp sản xuất muối hiệu quả cho bà con.

Sản xuất muối bằng phương pháp lót bạt mang đến hiệu quả cả về năng suất và sản lượng là vậy nhưng sau hơn 1 năm thử nghiệm mô hình vẫn không thể nhân rộng.

Đỉnh Bàn từng là vựa sản xuất muối lớn của Hà Tĩnh. Từ năm 2005 trở về trước, diện tích sản xuất muối toàn xã đạt 120 ha, càng dần về sau diện tích giảm hẳn, còn 30-40 ha. Những năm gần đây, số gia đình tham gia làm nghề giảm hẳn, diện tích bỏ hoang vì thế cũng nhiều lên. Năm 2024, diện tích sản xuất muối toàn xã còn 2,4 ha (giảm 0,7 ha so với năm 2023).

Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Xã mong muốn khôi phục nghề muối truyền thống, vì vậy, khi biết đến phương pháp mới hiệu quả, xã đã tích cực hỗ trợ người dân cùng đi tham quan, học hỏi. Thế nhưng hiện nay, nghề muối mang lại thu nhập thấp; ngoài ra, nghề phụ thuộc lớn vào thời tiết, thị trường tiêu thụ không ổn định, chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết. Trong khi đó, chuyển đổi kinh tế thị trường, các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn, nghề muối chỉ còn lại lao động già. Vì vậy, người dân không còn mặn mà với nghề”.

Những đồng muối trắng xóa của Đỉnh Bàn ngày xưa nay cỏ dại mọc um tùm, hoang hóa.

Cũng theo ông Sơn, sản xuất muối bằng ô lót bạt mặc dù cho năng suất, hiệu quả cao hơn chi phí đầu tư đầu vào khá lớn (chi phí mua bạt khoảng 8 - 9 triệu đồng/100 m) khiến người dân dè dặt khi đầu tư. Năm 2024, để kích cầu sản xuất, chính sách huyện hỗ trợ người dân 50% kinh phí mua bạt lót nhưng người dân cũng không thể hấp thụ được chính sách. Giá muối năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Cụ thể, năm 2023, thời điểm giá cao nhất đạt 3.000 đồng/kg, nhưng năm nay, giá mới chỉ đạt 1.800 đồng/kg. Vì vậy, việc mở rộng diện tích sản xuất muối nói chung và sản xuất muối bằng phương pháp mới không thực hiện được.

Ông Trần Văn Tiến (thôn Tân Phong) chia sẻ: "Giá muối năm nay thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái, trong khi đó nếu đầu tư sản xuất muối lót bạt chi phí khá cao. Vì vậy, dù biết sản xuất muối lót bạt hiệu quả, năng suất nhưng gia đình tôi không thể mở rộng diện tích; đành tiếp tục sản xuất ở 2 sào đã được cơ quan chức năng hỗ trợ đầu tư từ năm ngoái. Về lâu dài, nếu giá muối vẫn thấp tôi cũng không chắc mình có thể tiếp tục với nghề muối này nữa hay không".

Phát triển kinh tế bằng nghề làm muối ở Đỉnh Bàn đang ngày càng kém hiệu quả, và những đồng muối trắng xóa ngày xưa nay cỏ dại mọc um tùm, hoang hóa… Loay hoay với bài toán chuyển đổi nghề, chuyển đổi diện tích sử dụng đất, diêm dân xã Đỉnh Bàn rất mong cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ, định hướng để phát triển sản xuất.

 

Báo Hà Tĩnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 2.537.415
Online: 67
ipv6 ready