Chỉ tính riêng trong 2 ngày (7 - 8/11), Công an thị trấn đã lập biên bản xử lý 6 trường hợp (với hơn 20 con bò) ở TDP 12 và TDP 13 thả rông trâu bò ở nơi công cộng.
Trâu bò thả rông tại khu vực đường Quốc lộ 1A đoạn qua Tổ dân phố 9, thị trấn Thạch Hà.
Trước tình trạng một số hộ dân chăn nuôi trâu bò thả rông tại các tuyến đường trên địa bàn thị trấn gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, phá hoại hàng rào, cây xanh tại các tuyến đường, đồng thời chất thải trâu bò gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường cảnh quan đô thị, khu dân cư... UBND, Công an thị trấn Thạch Hà đã tiến hành ký cam kết về việc chăn nuôi ko được thả rông gây ảnh hưởng đến ANTT, ATGT đối với các hộ chăn nuôi tại các tổ dân phố. Đồng thời, tuyên truyền qua các kênh để người chăn nuôi trâu bò nhận thức, hiểu biết về các quy định của pháp luật.
Không chỉ gây tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, việc thả rông trâu bò khiến mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, thời gian qua vẫn còn một số ít hộ dân không chấp hành, tình trạng thả rông trâu bò trên các tuyến đường vẫn xuất hiện. Trước tình hình đó, Công an thị trấn đã tiến hành lập biên bản xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ cảnh quan đô thị văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Công an thị trấn Thạch Hà lập biên bản trường hợp người dân TDP 12 thả rông trâu bò tại TDP 9.
Chỉ tính riêng trong 2 ngày (7 - 8/11), Công an thị trấn đã lập biên bản xử lý 6 trường hợp (với hơn 20 con bò) ở TDP 12 và TDP 13 thả rông trâu bò ở nơi công cộng.
Tại điểm b, c Khoản 1 và điểm c Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này;
b) Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;
c) Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị;
d) Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Vứt rác hoặc bỏ bất cứ vật gì khác lên tường rào và khu vực liền kề với mục tiêu bảo vệ;
e) Chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;
b) Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
c) Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ;
đ) Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;
e) Cản trở, sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở chợ, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác;
g) Đốt và thả “đèn trời”;
h) Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ;
i) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
k) Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;
l) Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại do gia súc gây ra như sau:
1.Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.