Trong năm 2021, nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại nhiều địa phương, việc chuyển đổi đã giúp gia tăng giá trị canh tác và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, trong năm 2021 các địa phương trong cả nước đã thực hiện chuyển đổi khoảng 117 nghìn ha từ đất lúa sang cây ăn quả, ngô, lạc, rau đậu các loại… nuôi trồng thủy sản.

Các địa phương phía bắc, trong năm 2021 đã thực hiện chuyển đổi khoảng 17,8 nghìn ha. Điều đáng nói, từ việc chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, năm 2021, toàn tỉnh chuyển đổi 2.174 ha đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang trồng cây khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Qua việc chuyển đổi, xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao như mô hình trồng dưa lê tại huyện Như Thanh cho thu nhập 160 triệu đồng/ha/năm, gấp 4 lần trồng lúa. Mô hình trồng rau tại huyện Nông Cống thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa. Mô hình trồng đào cảnh tại huyện Quảng Xương cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm, gấp hơn 5 lần trồng lúa.

Những năm qua, các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã thực hiện chuyển đổi đất lúa sang trồng cây hằng năm và cây lâu năm khoảng hơn 21,9 nghìn ha. Các loại cây trồng ở những vùng chuyển đổi cho thấy khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, thời tiết nên cho thu nhập khá cao.

Trong đó, tỉnh Lâm Đồng trong năm 2021 đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa được 2.247 ha sang trồng ngô, dưa hấu, đậu các loại, khoai lang… Theo đó, hiệu quả kinh tế chuyển đổi sang trồng rau, đậu các loại tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao với doanh thu gấp 3 đến 4 lần/năm so với trồng lúa; tại ba huyện phía nam của tỉnh chuyển sang cây ngô, rau, dưa hấu cho doanh thu cao gấp 2 đến 3 lần/năm. Đối với chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm như: cà-phê, dâu tằm ... giai đoạn kinh doanh ổn định cho doanh thu cao gấp 1,5 đến 2 lần/năm so với trồng lúa.

Tỉnh Gia Lai trong năm 2021, trên địa bàn đã chuyển đổi 2.011 ha cây trồng trên các chân đất không phù hợp, thiếu nước tưới sang các loại cây trồng phù hợp hơn. Trong đó, vụ đông xuân chuyển đổi có 706,9 ha, vụ mùa có 1.305 ha. Việc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây.

Còn tại Nam Bộ, trong năm 2021, khu vực này đã chuyển đổi được hơn 77 nghìn ha lúa sang cây hằng năm, cây lâu năm và sang mô hình tôm-lúa, cá-lúa. Qua đánh giá của các địa phương, việc chuyển đổi trên đất lúa không chỉ giúp sử dụng nước tiết kiệm mà còn mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5 đến 2,2 lần tùy điều kiện của từng vùng.

Mặc dù vậy, theo Cục Trồng trọt, việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác còn gặp nhiều khó khăn bởi các vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát gây khó khăn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị; một số vùng chuyển đổi chưa có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm nên việc tiêu thụ còn khó khăn. Hơn nữa, do cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp; chính sách khuyến khích cho việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 49.497 ha canh tác cây trồng kém hiệu quả (chiếm 16,5% diện tích canh tác toàn tỉnh) cần phải kế hoạch chuyển đổi phù hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả, cần gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung có liên kết tiêu thụ sản phẩm như vậy mới mang tính bền vững; đa dạng hóa về chủng loại giống đối với các cây ngắn ngày (nhất là rau, hoa); sản xuất gắn với chất lượng nông sản theo nhu cầu thị trường.

Để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, tại các cuộc họp tổng kết sản xuất năm 2021 tại khu vực Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, phía bắc, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Đồng thời, lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng.

Đặc biệt, các địa phương cần kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất.

Mặt khác, đối với những vùng khả năng bị hạn hán, thiếu nước tưới cần chuyển đổi cây trồng cạn như ngô, lạc, mè, rau đậu các loại, sắn, khoai lang; những vùng có tưới khi chuyển đổi sang trồng rau màu cần tập trung đầu tư thâm canh những cây trồng hiệu quả cao như ngô lai, lạc, đậu tương, rau đậu các loại… Tuy nhiên, trên đất lúa chuyển đổi cần quy hoạch bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước.

 
 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.571.579
    Online: 56
    ipv6 ready