Chiều 27/5, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2021 tại huyện Thạch Hà.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, Trưởng Đoàn chỉ đạo công tác PCTT-TKCN tỉnh tại huyện Thạch Hà và Nguyễn Văn Khoa – Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị.
Đoàn đã đi kiểm tra thực tế điểm xung yếu bờ bao bị sạt lở giáp xã Đỉnh Bàn thuộc dự án Mỏ sắt Thạch Khê. Nơi đây, mỗi khi mưa to hay lũ lụt nước sẽ tràn vào nhà dân tất cả các thôn, ảnh hưởng đến sản xuất hoa màu. Huyện Thạch Hà đề nghị có giải pháp tình thế nhằm đảm bảo sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
Kiểm tra Cống số 1 thuộc xã Đỉnh Bàn - công trình đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành và đưa vào vận hành sử dụng trước 30/6/2021.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lê Văn Thuận báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác PCTT&TKCN 5 tháng đầu năm, kế hoạch, nhiệm vụ thời gian tới; kiến nghị, đề xuất với tỉnh một số nội dung quan trọng.
5 tháng đầu năm, tình hình ảnh hưởng của thiên tai đến địa bàn huyện Thạch Hà không đáng kể, chỉ bị ảnh hưởng của mưa và lốc xoáy. Cụ thể, mưa to, gió mạnh từ ngày 26-29/4 đã làm 1.861ha lúa vụ Xuân đổ ngã; lốc xoáy vào rạng sáng 25/5 tại thôn Qúy Linh và Đông Sơn, xã Thạch Xuân làm 15 ngôi nhà bị tốc mái, 4 cột điện bị gãy đổ, 30 ngôi nhà bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại 143 triệu đồng. Huyện đã trực tiếp xuống kiểm tra chỉ đạo, động viên bà con nhân dân khắc phục kịp thời.
Huyện đã chuẩn bị đầy đủ, chi tiết, cụ thể hồ sơ, thủ tục như: Phương án tổ chức đảm bảo giao thông và huy động phương tiện PCTT-TKCN năm 2021; Phương án chi viện lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần ứng cứu công trình hồ chứa Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên năm 2020; Phương án sơ tán dân vùng thường xuyên ngập lụt, sạt lở đất ven sông, chân núi và hạ du các hồ chứa trên địa bàn năm 2021…
Ông Đặng Hòa Bình – Trưởng phòng khai thác Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho rằng: Hiện nay, mức nước trên hồ Kẻ Gỗ đạt 68,5%, tương đối lớn so với cùng kỳ nhiều năm nên khả năng xả tràn rất lớn.
Ông Thái Văn Hóa – Trưởng Ban quản lý dự án Mỏ sắt Thạch Khê: Đề nghị cần tập trung nhiều cho công tác dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Chủ động về thông tin liên lạc với các đơn vị, địa phương để có phương án xử lý kịp thời khi có sự cố bất ngờ xảy ra. Xã Thạch Khê có bãi thải và mong mỏ đề nghị huyện quan tâm kiểm tra.
Ông Võ Anh Đức – Phòng chuyên môn Sở Tài chính: Đề nghị huyện có phương án hậu cần, nhất là chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết. Chủ động nguồn kinh phí dự phòng khi có thiên tai xảy ra. Có phương án nguồn lực đảm bảo PCTT-TKCN.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ngô Đức Quy cho biết: Trên địa bàn có 3 dự án lớn đã và đang gấp rút hoàn thành, riêng Hồ chứa nước Khe Giao chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng; công trình AFD tưới tiêu vùng Bắc Hà đã hoàn thành trên 95%; Dự án Đê Hữu Phủ gia hạn đến năm 2023.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh: Huyện sẽ sớm hoàn thiện các phương án PCTT-TKCN. Được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, các mạnh thường quân, huyện đang gấp rút hoàn thiện 2 nhà văn hóa tránh trú thiên tai, bão lũ. Đề nghị Đoàn quan tâm đề xuất với UBND tỉnh sớm chỉ đạo bàn giao hồ chứa nước Khe Giao cho đơn vị sử dụng, nếu chưa bàn giao thì sớm có phương án tạm thời.
Kết luận cuộc làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nguyễn Văn Việt đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầy đủ, chi tiết, cụ thể, công phu của huyện Thạch Hà. Huyện đã ứng phó kịp thời với mọi tình huống không để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho người dân.
Đồng chí nhấn mạnh, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường nên đề nghị huyện sớm hoàn thiện các phương án đảm bảo các công trình trọng điểm, hồ đập trên địa bàn. Điều tiết nguồn nước sản xuất hợp lý. Có kịch bản xã tràn, quy trình vận hành hồ đập. Chủ động phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền người dân vùng hạ du thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyên truyền người dân nuôi trồng thủy sản thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động thu hoạch nhằm né tránh thiệt hại.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của huyện Thạch Hà, Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ báo cáo lên tỉnh xem xét giải quyết./.