Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng để Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân Hà Tĩnh trên hành trình phát triển tam nông.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2024 được tổ chức bằng hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến vào chiều ngày 25/9 với khoảng 1.000 đại biểu tham dự tại 13 điểm cầu trên toàn tỉnh. Nhiều bà con đang phấn khởi hướng tới hội nghị và kỳ vọng sẽ được bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân...

Là Chi hội trưởng Chi hội số Ngọc Bội, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, ông Phan Xuân Hiến rất vui khi thời gian qua được Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã có nhiều mô hình được hình thành, có hiệu quả cao. Quá trình sản xuất, kinh doanh thực tế tại địa phương, ông Hiến nhận thấy chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển, hội nhập.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số ở nông thôn, miền núi, biên giới,... đang gặp nhiều khó khăn.

"Ứng dụng số trong đời sống nói chung, trong sản xuất nông nghiệp nói riêng là mục tiêu các cấp ủy đảng, chính quyền và hội nông dân đang hướng tới. Tuy nhiên, ở nông thôn, miền núi, biên giới... cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi số đang rất khó khăn; thậm chí một số nơi mạng di động 4G còn rất yếu, khó truy cập mạng internet; dữ liệu một số nội dung chưa có tính hệ thống, chính thống; thiết bị thông minh giá thành còn cao... Vì vậy, chúng tôi rất mong UBND tỉnh sẽ có giải pháp để nâng cao điều kiện hạ tầng nông thôn đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, tiếp tục hỗ trợ người nông dân tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0" - ông Phan Xuân Hiến chia sẻ.

Cũng ấp ủ tâm tư gửi đến Hội nghị trực tuyến đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân Hà Tĩnh năm 2024, ông Trần Đức Xuân - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Đông Nam, xã Thạch Bình (thành phố Hà Tĩnh) mong muốn việc sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục được ứng dụng công nghệ; nhân rộng và phát triển mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Xuân cho biết: "Trên thực tế, các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ngày càng “già hóa”; tư duy trong sản xuất cũng như việc thực hành ứng dụng khoa học còn hạn chế, nhất là sử dụng các thiết bị, máy móc tiên tiến; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn ở mức thấp, đầu tư thâm canh để nâng cao chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm nhiều...

Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là điều tất yếu để người nông dân không bị tụt hậu trong thời đại số. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách và nông dân trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh".

Đối với những người dân ở vùng còn khó khăn về nước sạch, việc được sử dụng nước sạch từ nhà máy cấp nước tập trung không chỉ là nhu cầu thiết yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn là tiêu chí quan trọng để các xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Mang nhiều trăn trở với phong trào xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Hà - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Yên Lập, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc cho rằng: "Nhu cầu nước sạch của người dân hiện nay rất lớn. Cùng với đó, yêu cầu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch của tiêu chí nước sạch trong bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao là 55%. Vì vậy, nhiều địa phương dù đã rất nỗ lực phấn đấu nhưng còn vướng tiêu chí nước sạch (ngoài khả năng của cấp xã) nên chưa được ghi nhận kết quả trong thực hiện nhiệm vụ.

Chúng tôi mong cấp tỉnh sớm có giải pháp và ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho các địa phương, vừa góp phần xây dựng nông thôn mới vừa nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn".

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà.

Vốn sản xuất, kinh doanh cũng là một trong những vấn đề được nhiều nông dân và các tổ chức hội quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà phản ánh, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn về thủ tục vay vốn, vay tín chấp, vay có tài sản thế chấp. Các tài sản đảm bảo đối với khoản vay chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá trị tài sản thấp…). Đồng thời, các phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chưa hiệu quả nên thường gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay. Đề nghị tỉnh sớm có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là về thủ tục vay vốn.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2024 là diễn đàn quan trọng để đại diện nông dân, các cấp hội, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng. Hội nghị được tổ chức thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nông dân, qua đó nắm bắt tình hình, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất, tâm tư, nguyện vọng của nông dân để kịp thời chỉ đạo giải quyết; tháo gỡ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc liên quan trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện chính sách tam nông.

Dự kiến hội nghị cũng sẽ tiếp nhận nhiều kế sách nhằm thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

                              Nguồn Dương Chiến - Báo Hà Tĩnh

Trung tâm Văn hóa Truyền thông


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.682.671
    Online: 12
    ipv6 ready