Ngày 23/11/2023, UBND huyện đã ban hành Hướng dẫn một số nội dung về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng hàng năm, cụ thể:
I . MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI
1. Mục đích
a) Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng.
b) Đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng hàng năm nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.
2. Nguyên tắc
a) Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, chính xác; không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; bảo đảm đúng trình tự quy định và thẩm quyền quản lý, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng.
b) Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
c) Cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.
Cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.
Cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng được đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước thì thực hiện đánh giá, xếp loại dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ và kết quả học tập.
Cán bộ, công chức, viên chức được đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài từ 06 tháng trở lên thì thực hiện đánh giá, xếp loại dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ và kết quả học tập nhưng mức tối đa chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Công chức được đơn vị cử đến làm việc tại Trung tâm Hành chính công huyện do người đứng đầu đơn vị quản lý trực tiếp công chức (đơn vị cử công chức, viên chức) thực hiện đánh giá, xếp loại dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ và ý kiến nhận xét của Trung tâm Hành chính công.
d) Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng theo quy định tại Hướng dẫn này được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
e) Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
- Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.
- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.
g) Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.”.
II. ĐỐI TƯỢNG ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI
1. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện.
2. Cán bộ, công chức cấp xã.
3. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
III. THẨM QUYỀN ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI
1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện
1.1. Đối với cán bộ cấp huyện
Cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất
lượng cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, cụ thể:
- Việc đánh giá, xếp loại chất lượng Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND huyện do Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, xếp loại.
- Việc đánh giá, xếp loại chất lượng PCT HĐND huyện, Trưởng các ban HĐND huyện do Chủ tịch HĐND huyện đánh giá, xếp loại.
1.2. Đối với công chức phòng chuyên môn cấp huyện
Việc đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp loại:
- Chủ tịch UBND huyện đánh giá, xếp loại đối với Trưởng phòng chuyên môn.
- Trưởng phòng chuyên môn đánh giá, xếp loại đối với đối với cấp phó và công chức của đơn vị.
1.3. Đối với viên chức đơn vị sự nghiệp cấp huyện
- Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp đánh giá, xếp loại đối với viên chức của đơn vị;
- Chủ tịch UBND huyện đánh giá, phân loại đối với cấp trưởng, cấp phó đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.
1.4. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội cấp huyện được giao biên chế
Chủ tịch UBND huyện đánh giá, phân loại đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội cấp huyện được giao biên chế.
2. Đối với cán bộ, công chức cấp xã
2.1. Đối với cán bộ cấp xã
Thẩm quyền đánh giá, xếp loại đối với cán bộ cấp xã thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ.
2.2. Đối với công chức cấp xã
Chủ tịch UBND xã đánh giá, xếp loại đối với công chức cấp xã sau khi có ý kiến của phòng, ngành chuyên môn liên quan. Riêng trình tự thủ tục đánh giá, xếp loại đối với Chỉ huy trưởng BCHQS xã thực hiện theo Điều 25, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ.
3. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã:
- Đối với Văn phòng Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBMTTQ, Phó các đoàn thể, Chủ tịch Hội người Cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ do Chủ tịch UBND xã quyết định đánh giá, xếp loại sau khi thống nhất với Thường vụ Đảng ủy;
- Đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã còn lại (các chức danh thuộc khối chính quyền) do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định đánh giá, xếp loại.
4. Đối với công chức, viên chức biệt phái
- Công chức, viên chức được cử biệt phái do người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi được biệt phái đến thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp loại.
- Trường hợp công chức, viên chức có thời gian công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị đến biệt phái chưa đủ 06 tháng trong năm thì phải kết hợp với ý kiến nhận xét của cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi biệt phái. Kết quả đánh giá, xếp loại được gửi về cơ quan cử đi biệt phái.
(Chi tiết có Văn bản gửi kèm)