Sinh ra trong một gia đình thuần nông khó khăn, với ý chí của thanh niên vượt khó, chàng trai Phạm Ngọc Dung (sinh năm 1990, quê quán ở thôn Hòa Lạc, huyện Đức Thọ) đã quyết rời quê hương để lập nghiệp, làm giàu nhờ nghề nuôi lươn đồng tại thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà.
Quyết rời quê hương lập nghiệp khi còn trẻ, năm 2008 khi học xong cấp 3, anh Phạm Ngọc Dung đã phải bôn ba bằng đủ nghề như sửa chữa xe máy, làm tiếp thị, làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Bén duyên với nghề nuôi lươn đồng vào năm 2019 với cách nuôi trong bể bạt, vì chưa có kinh nghiệm nên anh Dung đã nhiều lần bị thất bại. Nhưng thất bại đã không làm chàng trai trẻ bỏ cuộc mà càng vực dậy trong anh ý chí làm giàu bằng chính nghề nghề này.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khoa và Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Sáu cùng lãnh đạo các phòng, ngành liên quan đã đi tham quan mô hình nuôi lươn đồng của anh Phạm Ngọc Dung
Với tính cách tháo vác, cần cù, thích tìm tòi học tập qua các kênh thông tin trên mạng internet và học hỏi từ những người có kinh nghiệm nuôi lươn lâu năm, những đợt nuôi lươn sau này anh Dung đã bắt đầu có lãi. Vào năm 2022, anh Dung đã mạnh dạn thuê 500m2 đất để mở rộng mô hình, xây dựng nhà xưởng, đồng thời đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để nuôi lươn.
Anh Phạm Ngọc Dung - Hộ nuôi lươn đồng, ở thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà chia sẻ: "Bén duyên với nghề nuôi lươn từ năm 2019, nhận thấy nghề nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao, với kinh nghiệm và nguồn vốn tích lũy, tôi mạnh dạn đầu tư 45 bể composite để nuôi lươn. Bây giờ đã quen thuộc với đặc tính sinh trưởng của lươn và áp dụng các phương pháp khoa học kĩ thuật để phòng trừ bệnh về lươn, nghề nuôi lươn đối với tôi đã không quá khó khăn như trước".
Bể nuôi được anh Phạm Ngọc Dung đầu tư kiên cố, mỗi bể rộng 5m2.
Trên diện tích 500 m2 được anh Phạm Ngọc Dung đầu tư 45 bể composite kiên cố, mỗi bể rộng 5m2. Trên diện tích mỗi bể, anh thả nuôi hơn 2500 con lươn giống với chi phí tiền giống là 12,5 triệu đồng/1 bể. Số vốn bỏ ra trong năm đầu tiên ở cơ sở mới được anh Dung dự kiến trên 1,1 tỷ đồng.
Lươn đồng được chăm sóc từ 10-11 tháng có thể xuất bán sản lượng khoảng 5 tạ mỗi bể, với giá thương lái đang chào mua là 130.000 đồng/1kg, sau khi trừ đi mọi chi phí, dự kiến lợi nhuận ròng anh thu về hàng tỷ đồng.
Lươn nuôi trong bể composite phát triển tốt, 10-11 tháng cho thu hoạch. Giá bán thương lái chào mua là 130.000 đồng/1 kg, sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận có thể đạt từ 30-40%.
Nhờ đầu tư cơ sở vật chất khang trang, có sự sáng tạo mà trên cùng một diện tích nuôi được anh bố trí gọn gàng, ngăn nắp với các bể nuôi, bể chứa nước, bể xử lý nước thải và còn có không gian thoáng mát để trồng thêm cây cảnh, nuôi cá. Anh Dung dự kiến 1 tuần nữa sẽ cho xuống giống những bể còn lại. Một số bể được thả giống từ đầu năm, nay đã cho thu hoạch với năng suất cao.
Anh Phạm Ngọc Dung, ở thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà chia sẻ: "Hiện tại, tôi đã thả 6 vạn con giống, dự kiến trong thời gian sắp tới, tôi sẽ thả với tổng đàn 12 vạn con giống. Mong muốn nhận được sự quan tâm của các Cấp ủy Chính quyền, các ban ngành hỗ trợ nguồn vốn và kỹ thuật nuôi để tôi phát triển mô hình nuôi lươn".
Ngoài công việc chính làm nhân viên bán hàng tại Nhà máy Bia Sài Gòn, nghề nuôi lươn được anh Dung làm tranh thủ ngoài giờ hành chính. Giờ đây, nuôi lươn thương phẩm đối với anh Dung không chỉ là niềm đam mê, thú vui sau những giờ làm việc căng thẳng mà còn mang lại cho gia đình anh một khoản thu nhập khá ổn định.
Với lợi nhuận có thể đạt từ 30%-40%, mô hình nuôi lươn của anh Phạm Ngọc Dung được đánh giá là mô hình kinh tế tiêu biểu tại xã Thạch Đài. Hiện nay, ngoài mô hình nuôi lươn đồng, còn có các mô hình nuôi Ếch, nuôi cá Koi Nhật Bản, trồng dưa lưới nhà màng của một số hộ dân trên địa bàn…cũng đã cho thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Hữu Thuận - Địa chính Nông nghiệp Nông thôn mới UBND xã Thạch Đài cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi lươn đối với các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, có ý chí dám nghĩ dám làm như anh Phạm Ngọc Dung. Mục tiêu trong năm nay, phấn đấu xây dựng 2 mô hình kinh tế nuôi lươn đồng".
Mô hình nuôi lươn của anh Phạm Ngọc Dung thường xuyên đón nhiều lượt khách, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên đến tham quan học tập, nhân rộng mô hình.
Mô hình nuôi lươn thương phẩm của anh Phạm Ngọc Dung ngày càng đón nhiều lượt khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Anh Dung cũng không ngần ngại chia sẻ những kiến thức mà anh đã tích lũy trong nhiều năm với hy vọng ngày càng có nhiều mô hình nuôi lươn thành công nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Cấp ủy, chính quyền địa phương xã Thạch Đài cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các mô hình kinh tế trên địa bàn được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhằm giảm ghánh nặng chi phí, mở rộng quy mô, đồng thời, tạo liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân, phối hợp tổ chức nhiều đợt tập huấn để các hộ dân phát triển hiệu quả các mô hình.
Đây là một trong những mô hình kinh tế thanh niên tiêu biểu trên toàn huyện.
Ông Trương Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà nhấn mạnh: "Mô hình nuôi lươn đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bước đầu đã thay đổi nhận thức, tư duy trong chuyển đổi nông nghiệp đơn thuần sang các nghành nghề khác, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương".
Mô hình nuôi lươn đồng của anh Phạm Ngọc Dung là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương. Từ những hiệu quả kinh tế mà mô hình nuôi lươn mang lại, cấp ủy chính quyền địa phương khuyến khích người dân trên địa bàn đến tham quan, học tập để nhân rộng mô hình.