Những danh thắng nổi tiếng ở Thạch Hà

 1. Di tích:

        * Nhà thờ Lý Tự Trọng :Được xây trên nền nhà tổ tiên của dòng họ Lê tại xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng là ngôi nhà của cụ Lê Văn Tăng.
* Đền Chiêu Trưng thờ danh tướng Chiêu Trưng vương Lê Khôi nhà Hậu Lê:Thờ Lê Khôi, tức Chiêu Trưng Đại Vương, lại có tên đền Võ Mục vì đó là tên thuỵ của ông. Đền xây vào các năm 1446-1447 tại khu vực có lăng mộ ông, trên ngọn Long Ngâm trong dãy Nam Giới bờ đông nam Cửa Sót thuộc đất xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, nay các xã Mai Phụ, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Kim có nghĩa vụ bảo vệ, thờ phụng, thừa kế các làng cũ Kim Đôi, Mai Phụ, Vĩnh Tuy được nhà Lê giao cho thờ phụng. Lối vào đền từ bờ sông lên, qua vọng lâu, cổng vào đền Hạ là nơi đón khách, phía tây là bia đá dựng cuối thế kỷ XVI  nói về Lê Khôi, bia đá bị bom Mỹ phá năm 1968, phía đông là bia khắc bài thơ Nôm của Lê Thánh Tông. Đền trung gồm 3 gian bằng gỗ, nếp kiến trúc cũ, tục truyền gian cũ vốn là nơi đặt thi hài Lê Khôi, ở đây có nhiều bức chạm gỗ mang phong cách nghệ thuật Hậu Lê, có tượng chân dung bằng gỗ sơn son, thiếp vàng, tấm biển với 4 chữ Hán “ Nam Thiên Tuấn vọng “ do vua Lê Thánh Tông ban, cùng với đồ thờ. Sau đền Thượng là lăng mộ Lê Khôi, hội đền vào các ngày 3,4 tháng 5 âm lịch, vốn là ngày giỗ. Từ xưa Chiêu Trưng là một trong 4 ngôi đền linh thiêng ở Nghệ Tĩnh: Cờn, Cả, Bạch, Mã, Chiêu Trưng. Là di tích kiến trúc nghệ thuật, niên đại TK 16, được xếp hạng 8/8/1990.
          * Nhà cụ Mai Kính:
          Di tích nhà cụ Mai Kính thuộc thôn Bùi Xá, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ( nay là xã Thạch Việt, huyện Thạch Hà). Nhà cụ Mai Kính nằm cách thị trấn Cày, huyện Thạch Hà 5km về phía Tây Bắc, cách thành phố Vinh 43 km. Từ Vinh đi theo quốc lộ 1A về hướng Nam, đến ngã ba Giang rẽ về phía Tây 1km là làng Bùi Xá nơi có di tích.
          Là một vùng quê chuyên canh về nông nghiệp, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nhưng nhân dân Phù Việt luôn mang sẵn trong mình truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và tinh thần hiếu học cao.
          Từ năm 1926, tư tưởng yêu nước của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã ảnh hưởng sâu sắc đến các địa phương của Hà Tĩnh, những tư tưởng đó được truyền bá rộng rãi vào các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên trí thức. Sự phát triển của các tổ chức yêu nước như Tân Việt, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội với sự ra đời của Đại tổ Tân Việt và hàng chục chi bộ thanh niên đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng một số thanh niên tiên tiến ở Phù Việt như Nguyễn Châu, Mai Kính v.v. . Mai Kính sinh năm 1894, con một gia đình nông dân nghèo. Năm 20 tuổi, bố mất, Mai Kính phải nghỉ học để ở nhà làm ruộng giúp mẹ. Từ ngày còn đi học, Mai Kính đã sôi nổi tham gia các phong trào Duy Tân, tuyên truyền lối sống mới. Năm 1925, Mai Kính là một trong những người trong nhóm phe Hộ đấu tranh chống lại phe Hào, buộc chúng phải trả lại các quyền lợi chính đáng cho dân nghèo.
          Nhà Mai Kính nằm ở giữa xã Phù Việt. Từ năm 1927, căn nhà này đã gắn liền với những sự kiện lịch sử tiêu biểu:
          Tháng 2-1927, tại nhà Mai Kính, Đảng Tân Việt huyện Thạch Hà ra đời do các trí thức yêu nước trong vùng như Nguyễn Châu, Nguyễn Tứ Mỹ, Bùi Quang Điềm và Mai Kính đứng ra thành lập. Đây là tổ chức Tân Việt ra đời sớm, có tư tưởng cấp tiến nhất ở huyện Thạch Hà, là nòng cốt để trở thành Đảng Cộng sản sau này. Nhà Mai Kính là nơi hội họp, in ấn tài liệu, tổ chức phường hội của tổ chức Tân Việt ở Thạch Hà; là trung tâm bắt mối liên lạc phát triển tổ chức sang các địa phương khác.
          Tháng 1-1930, đồng chí Trần Hữu Thiều ( quê ở Anh Sơn- Nghệ An) được Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Hà Tĩnh xây dựng cơ sở, phát triển đảng viên. Tại nhà Mai Kính, đồng chí Trần Hữu Thiều đã mở lớp huấn luyện bồi dưỡng lý luận cộng sản cho các hội viên của Tân Việt huyện Thạch Hà như Nguyễn Châu, Mai Kính, Võ Quê, Trần Hưng v.v.
          Cuối tháng 3-1930, đồng chí Trần Hữu Thiều đã triệu tập Hội nghị thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Hà Tĩnh. Được sự giúp đỡ của các đồng chí Võ Quê, Dương Lung, đồng chí Trần Hữu Thiều đã kết nạp đồng chí Mai Kính, Nguyễn Châu vào Đảng Cộng sản. Ít lâu sau, chi bộ Đảng Cộng sản ở Phù Việt được thành lập. Sau khi chi bộ ra đời, các tổ chức quần chúng như nông hội, phụ nữ, thanh niên, tự vệ đỏ cũng nhanh chóng được thành lập. Nhà đồng chí Mai Kính lại trở thành trụ sở in ấn tài liệu và là nơi làm việc của đồng chí Trần Hữu Thiều trong những ngày về công tác ở Hà Tĩnh.
          Tháng 7-1930, được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Mai Kính- cán bộ Tỉnh ủy, tại đây đã diễn ra Hội nghị bàn kế hoạch tổ chức biểu tình kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc 1-8-1930.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng,Tỉnh ủy Lâm thời Hà Tĩnh nhận thấy cần phải tổ chức Đại hội để thành lập một Tỉnh Đảng bộ chính thức nhằm đưa ra một đường lối và nghị quyết rõ ràng, bầu ra một BCH Tỉnh ủy có đủ năng lực lãnh đạo cách mạng. Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Lâm thời đã chọn làng Phù Việt để tiến hành Đại hội.
          Nằm ở một vị trí thuận lợi cho việc bảo vệ và phát hiện kẻ địch, đồng chí Mai Kính- chủ ngôi nhà lại là thành viên tích cực của chi bộ Đảng lúc đó nên ngôi nhà của đồng chí đã được Tỉnh ủy Hà Tĩnh chọn làm nơi Đại hội thành lập tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh.
          Dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hữu Thiều, Đại hội thành lập tỉnh Đảng bộ đã diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 15 đến ngày 16/9/1930. Tham dự Đại hội có 20 đại biểu của 8 huyện thay mặt cho 376 đảng viên của toàn tỉnh. Sau khi thảo luận xong các nghị quyết, Đại hội đã bầu ra một BCH chính thức do đồng chí Nguyễn Châu (tức Nguyễn Thiếp, tức Kim Đơn) làm Bí thư. Đây là Đại hội có tầm quan trọng hết sức to lớn. Nó đánh dấu bước ngoặt vượt bậc của Đảng bộ Hà Tĩnh. Từ đây, tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh đủ sức mạnh để lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển hòa nhịp với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang dâng lên khắp nơi. Nhà đồng chí Mai Kính lúc này trở thành trụ sở chính thức của Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Từ ngôi nhà này, các chỉ thị, nghị quyết, truyền đơn của tỉnh được in ấn, truyền đi để chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân tới đỉnh cao, dẫn đến sự ra đời của Xô viết ở nhiều nơi. Ngày 25 đến ngày 31- 3-1931, tại làng Thượng Nga (Nga Lộc), Can Lộc đã diễn ra Đại hội đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh do đồng chí Mai Kính làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Tĩnh, đứng đầu là đồng chí Mai Kính phong trào đấu tranh của nhân dân vẫn diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi trong tỉnh.
          Năm 1930, thực dân Pháp phát hiện Phù Việt là căn cứ đầu não của tỉnh ủy Hà Tĩnh nên tìm mọi cách đàn áp, tiêu diệt. Hơn 270 ngôi nhà đã bị chúng thiêu cháy. Ngôi nhà lớn của đồng chí Mai Kính đã được nhân dân cất dấu, còn mấy gian nhỏ từng nấu cơm nuôi dưỡng cán bộ Đảng thì bị đốt cháy.
          Để bảo vệ ngôi nhà, sau năm 1930, nhân dân Phù Việt đã chuyển đi cất dấu nơi khác. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Mai Kính lại chuyển nhà về dựng trên nền đất cũ. Đó là một ngôi nhà tranh giản dị trong khu vườn có diện tích 2 sào trung bộ, hình chữ nhật, hướng về phía Đông Nam, ba mặt giáp với khu dân cư. Khu nhà gồm có hai nhà: nhà chính có ba gian hai hồi, được chia làm hai phòng. Phòng trong là nơi nghỉ ngơi cho gia đình, cho khách khi đến làm việc. Phòng ngoài dùng làm nơi hội họp và tiếp khách. Ngôi nhà nhỏ gồm ba gian hướng về phía Tây, dùng làm nơi nấu ăn, có một cửa phụ chạy ra sau vườn. Nhà cụ Mai Kính, nơi thành lập tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh năm 1930 đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia năm 1990.
Đền Thờ hai cha con Đông các Đại học sĩ Danh Tướng Trương Quốc Dụng và Cử nhân Chủ sự Trương Quốc Quá: Được xây dựng tại xã Thạch Khê.
* Miếu Kè:ở xã Thạch Hương.
* Nhà thờ Nguyễn Hiền:ở xã Thạch Kênh.

2. Danh thắng:

Danh thắng Quỳnh Viên, núi Nam Giới:
Cũng gọi là núi Sót, lại có tên là núi Quỳnh Viên (hay Quỳnh Sơn), dân trong vùng gọi là rú Nam Giái thuộc 2 xã  Thạch Bàn và Thạch Hải, huyện Thạch Hà.
Mạch núi hướng bắc- nam, toạ độ 105 56’4” kinh đông và 1840’ vĩ bắc, đỉnh cao nhất 374,4m (gọi là đỉnh “Treo cờ” vì được treo cờ thời Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931 và trong cách mạng tháng Tám 1945).
- Phía cực bắc là Mũi Ót, tục gọi Hòn Lố, cao 68m, cạnh Hòn Lố có Hòn Môi nổi lên mặt nước như nóc nhà, lại có Hòn Tượng chồng cao, trên có Khe Nghiêng, có đá Am, đá Lố, đá Ngứa chìm trong nước. Lại có “Hòn Trống”, “Hòn Mái” mà dân gian gọi là “Hươu Đá” “ Trập Cu Cu”.
- Phía nam Hòn Lố là Eo Lói lúc triều lên ngập nước có nhiều hình thù đá kỳ dị như: Đá Rồng, đá Hến, đá Giường, đá Nhọn, đá ổ Trứng Gà. Qua Eo Lói là Hòn Long Ngâm, cao 57m. Bên ghềnh Long Ngâm có “ Đá Thiêng” tức hai hòn “ Đỏ Lộng” và “ Đỏ Khơi” rất nguy hiểm cho thuyền bè, nếu ai để thuyền va vào đá phải làm lễ cầu cúng mới yên
- Phía tây ngọn Long Ngầm có ao. Trên bờ có hai nền nhà, tương truyền Chữ Đồng Tử và Tiên Dung tu tiên đắc đạo ở đây và có tên là Quỳnh Viên.
- Phía nam Long Ngâm là đỉnh Nam Sơn, cao 246m, có đền Thánh Mẫu tức đền Nam Sơn. Cạnh là ngọn Hoả Hiệu nơi đốt lửa làm hiệu khi có nguy cấp, dưới núi có “Áng Cát”, trong núi có miếu thờ  Cá Voi linh thiêng. Chính giữa núi là đỉnh cao 374,4m, phía đông nam là đỉnh cao 266m. Trên núi có nhiều khe suối, có tiếng nhất là khe Hau Hau, nước ngọt là một trong 3 nguồn nước ngon ở Hà Tĩnh xưa. Núi Nam Giới còn cung cấp đá cho xây dựng, đá được khai thác chuyên chở đi các nơi, núi Nam Giới là một khu du lịch- văn hoá có giá trị. 
Cũng như các huyện khác của xứ Nghệ Tĩnh Thạch Hà cũng không còn nhiều các đình chùa miếu mạo và các di tích lịch sử nhiều bởi sau 1945 đến những năm đầu của thập kỹ 1960 chính quyền cách mạng cho di dời tượng phật, đập phá đền chùa, miếu mạo,cho đó là di sản văn hóa của đế quốc phong kiến, may còn sót lại những di tích lịch sử rất ít ỏi ở nơi xa xôi hẻo lánh không bị đập phá như đền Lê Khôi v.v... Đây là thời kỳ những người vô học nắm quyền tại địa phương.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.840.602
    Online: 127
    ipv6 ready