Thời gian qua, việc thực hiện chính sách BHYT học sinh theo quy định của Luật BHYT đã đi vào nề nếp. Đến năm 2021, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT toàn huyện Thạch Hà đạt trên 98%. Tuy nhiên, cứ mỗi khi bước vào năm học mới, một số ý kiến khác nhau trong việc triển khai thu BHYT học sinh tại một số trường học đã tạo nên những “nút thắt” cần phải tập trung tháo gỡ. Để tiếp tục tạo sự đồng thuận của người dân trong việc chấp hành chính sách pháp luật BHYT, Phóng viên Trung tâm Văn hoá - Truyền thông huyện đã trao đổi với ông Trần Danh Hướng - Giám đốc BHXH huyện xung quanh vấn đề này.

(Ảnh tư liệu)

Phóng viên: Chính sách BHYT học sinh đã thực hiện từ rất lâu, nhưng đề nghị ông nêu rõ hơn văn bản nào quy định học sinh là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT?

Ông Trần Danh Hướng: Ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009). Đối với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Luật quy định lộ trình thực hiện từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, theo đó, từ 1/1/2010, học sinh trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT. Ngày 13/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015), trong đó tại điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đã sửa đổi như sau: “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.

Phóng viên: Tại sao bắt buộc các cháu phải mua BHYT tại trường mà không mua tại xã theo hộ gia đình thưa ông?

Ông Trần Danh Hướng: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì học sinh là một nhóm tham gia BHYT riêng, được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT (khoản 4, điều 12, Luật BHYT sửa đổi). Tại khoản 2, điều 13, Luật sửa đổi, bổ sung luật BHYT còn quy định: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại điều 12 của luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên, mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại điều 12 của luật này”. Do học sinh thuộc đối tượng tham gia BHYT nhóm 4 và đối tượng hộ gia đình là nhóm 5, nên học sinh tham gia theo nhóm riêng là đúng quy định.

Phóng viên: Vậy xin ông nêu rõ hơn văn bản nào quy định về việc thu tiền BHYT học sinh là trách nhiệm của nhà trường?

Ông Trần Danh Hướng: Tại điểm 4, điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm: “Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý quy định tại điểm n, khoản 3 và điểm b, khoản 4, Điều 12 của Luật này (trong đó: điểm n, khoản 3 là người nước ngoài đang học tập ở Việt Nam và điểm b, khoản 4 là học sinh, sinh viên trong nước).

Tại điểm b, khoản 1, điều 17, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định về cấp thẻ BHYT: “Danh sách tham gia BHYT của các đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo quy định tại các điểm n, khoản 3 và điểm b, khoản 4, Điều 12 của Luật này do các cơ sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở dạy nghề lập”.

Ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020. Với nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội: “Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, đảm bảo đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo trong toàn quốc tổ chức thực hiện pháp luật về BHYT của học sinh, sinh viên”.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, nên để học sinh tham gia BHYT tại hộ gia đình để được giảm trừ mức đóng, quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Trần Danh Hướng: Như đã nêu ở trên, học sinh là nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT tại trường học và khi tham gia BHYT học sinh đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, ngoài ra, khi thực hiện BHYT học sinh, quỹ BHYT còn trích lại 5% số thu để thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nhà trường. Khi bố mẹ tham gia BHYT tại xã, phường, thị trấn, thẻ BHYT của con cũng đã được tính để làm căn cứ giảm trừ mức đóng khi có 100% thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT.

Phóng viên: Vậy xin ông cho biết, đâu là “nút thắt” cần tập trung tháo gỡ để đảm bảo mục tiêu 100% học sinh có thẻ BHYT?

Ông Trần Danh Hướng: Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã tập trung, đồng sức để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện có trên 93% dân số có thẻ BHYT. Điều hết sức phấn khởi là việc thực hiện mục tiêu này tạo được sự đồng thuận rất lớn của đại đa số người dân. Vì vậy, cái “vướng” nhất trong công tác BHYT học sinh hiện nay không phải là do bất cập của chính chính sách hoặc do công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có sự chồng chéo, mà chủ yếu là do công tác phối hợp triển khai tại các nhà trường và tại từng lớp học. Khi triển khai BHYT học sinh, có phụ huynh còn nhầm lẫn BHYT với các loại hình bảo hiểm thương mại mang tính tự nguyện, mốt số ít ý kiến trái chiều trong các khoản đóng nộp bắt buộc từ đầu năm học cần được giáo viên và nhà trường phân tích thấu đáo nhằm tạo sự đồng thuận của người dân…/.

Xin cảm ơn ông!


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Dữ liệu cũ (Lộc Hà)
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 3.241.231
    Online: 112
    ipv6 ready