Kế hoạc phòng, chống dich COVID-19 trong tình huống thiên tai, bão lũ

Thực hiện Kế hoạch số 418/KH-SYT ngày 29/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phòng, chống dịch COVID-19 trong tình huống thiên tai, bão lũ, Ủy ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn huyện. Nội dung kế hoạch như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm, chuyển cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 tại vùng có dịch bệnh và vùng có nguy cơ dịch trong bối cảnh thiên tai (bão, lũ...) đang xẩy ra. 

2. Yêu cầu:

Đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định trong hoạt động sơ tán dân, điểm tránh trú an toàn trong thiên tai; thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19, không để lây lan dịch bệnh COVID-19 trong tình huống thiên tai, bão lũ trên địa bàn huyện; đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Trước khi xảy ra thiên tai

a) Kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp xã, trong đó có đại diện của cơ quan y tế để hỗ trợ thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

b) Thực hiện xét nghiệm và ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các lực lượng tham gia phòng, chống bão lũ, thiên tai, thảm họa (nếu chưa được tiêm).

c) Chủ động theo dõi, đánh giá sát tình hình, diễn biến thiên tai, dịch bệnh và vùng có mức độ nguy cơ dịch bệnh. Thực hiện công tác phòng, chống dịch theo quy định và kế hoạch đề ra.

d) Rà soát, xây dựng và triển khai phương án phòng, chống COVID-19 trong tình huống thiên tai, bão lũ:

- Tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm và thiết lập các khu tránh trú cho dân cư các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai. 

- Xác định quy mô, số lượng điểm tránh trú trên địa bàn đáp ứng số lượng người dân cần phải di chuyển khi xảy ra thiên tai để đảm bảo di chuyển thuận lợi, an toàn cho người dân.

- Xây dựng kịch bản, quy trình xử lý trong tình huống xuất hiện người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 tại các điểm tránh trú; triển khai tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người nghi nhiễm COVID-19 hoặc các đối tượng thuộc diện đang cách ly trong quá trình di chuyển và ở các điểm tránh trú theo quy định phòng, chống dịch..., đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, cơ sở cách ly/điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa phù hợp với tình hình thực tế. 

- Bố trí, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để kịp thời vận chuyển, hỗ trợ người dân đến các điểm tránh trú an toàn khi có thiên tai bão, lũ xảy ra.

- Thành lập các tổ cấp cứu/điều trị cơ động để thực hiện cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, tai nạn/thương tích hoặc các bệnh khác tại khu vực bị chia cắt bởi bão, lũ và điểm tránh trú.

- Đảm bảo đáp ứng đủ nhân lực, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm, dự trữ đủ thuốc, hóa chất và các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, xử lý nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 trong tình huống xảy ra thiên tai. 

- Đảm bảo thông tin liên lạc và trang thiết bị phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19.

- Tổ chức diễn tập nâng cao năng lực ứng phó, xử lý tình huống có bệnh nhân COVID-19 tại các điểm tránh trú. Bảo đảm an toàn khi xảy ra thiên tai, bão lũ và các tình huống khẩn cấp khác. Kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị ứng phó với tình huống thực hiện cách ly, xử lý khi có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 khi có thiên tai, bão lũ.

- Cập nhật kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch COVID-19 cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Hướng dẫn sử dụng các phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết, phương tiện phòng hộ cá nhân... để đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ.

- Tuyên truyền, hướng dẫn để người dân và cộng đồng biết về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi xảy ra bão, lũ, thiên tai, thảm họa; đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch khi di chuyển và lưu trú tại các điểm tránh trú an toàn khi xảy ra thiên tai, bão lũ.

2. Trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa

a) Triển khai phương án, kịch bản đã được xây dựng theo diễn biến tình hình bão lũ, thiên tai, dịch bệnh COVID-19

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao, thường xuyên cập nhật thông tin thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn; thực hiện 5K và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định khi thực hiện nhiệm vụ.

- Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”trong phòng chống dịch COVID19 khi xảy ra tình huống thiên tai, thảm họa về chỉ đạo, phương tiện, nhân lực, hậu cần phù hợp với diễn biến tình hình.

- Trường hợp có ca nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 tiến hành cách ly, điều tra, khoanh vùng, dập dịch theo quy định. 

b) Trường hợp phải sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm ảnh hưởng bởi thiên tai đến điểm tránh trú an toàn

* Yêu cầu đối với điểm tránh trú an toàn: 

- Bố trí địa điểm tránh trú an toàn, đủ rộng, thông thoáng để đảm bảo khoảng cách an toàn phòng, chống dịch. 

- Tại cửa ra/vào nơi người dân tránh trú: Bố trí dung dịch sát khuẩn tay nhanh hoặc điểm rửa tay có xà phòng và nước sạch.

 - Bố trí phòng cách ly tạm thời riêng biệt, có lối đi riêng, có biển báo “KHU VỰC CÁCH LY”. Trong phòng cách ly tạm thời bố trí: 

+ Chỗ nằm cho người được cách ly (cách nhau tối thiểu 1 mét hoặc được ngăn cách bằng vách ngăn hoặc màn che nhựa) bảo đảm giãn cách tốt nhất có thể.

+ Dung dịch sát khuẩn tay, găng tay, khẩu trang; thùng đựng rác thải có lót túi và nắp đậy, thùng đựng chất thải lây nhiễm phải được dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

+ Chổi, giẻ lau, xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn. 

+ Thiết lập lối đi riêng vào khu vực cách ly tạm thời hoặc có rào chắn để người dân và trẻ em không đi vào khu vực, bảo đảm cách ly với khu vực khác. 

- Khu vực lưu giữ tạm thời chất thải thông thường, chất thải lây nhiễm trong thời gian tránh trú nền cao thoát nước, có mái che, cách xa khu vực ở của người dân trong khu tránh trú. Trường hợp nơi lưu giữ chất thải tạm thời không có mái che phải để chất thải vào túi nilon không thấm nước, buộc chặt miệng túi. Bố trí các phương tiện, dụng cụ, túi thùng để thực hiện thu gom chất thải; khử khuẩn, vệ sinh môi trường...

* Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong thực hiện sơ tán người dân

- Chuẩn bị phương tiện vận chuyển và thông báo, hỗ trợ người dân đến các điểm tránh trú đã được bố trí sẵn theo nguyên tắc cùng khu vực địa lý, hành chính; các đối tượng/hộ gia đình có cùng mức độ nguy cơ về dịch bệnh đi trên cùng phương tiện và ở cùng một khu vực được quản lý tại điểm tránh trú.

- Trong điều kiện thời gian cho phép có thể tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư tại vùng có nguy cơ cao hoặc rất cao cần phải sơ tán: Thực hiện test nhanh để tách trường hợp nghi nhiễm và chuyển đến các khu vực cách ly riêng tại điểm tránh trú. 

- Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong quá trình sơ tán, vận chuyển người dân đến nơi tránh trú (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, phân luồng người dân đến đúng vị trí được bố trí tại điểm tránh trú an toàn...).

- Tại các điểm tránh trú an toàn phải yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế; yêu cầu người dân ở đúng các vị trí đã được quy định, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và tuân thủ các hướng dẫn của lực lượng y tế, lực lượng phòng, chống thiên tai tại địa phương theo tình hình dịch bệnh.

- Lập danh sách người dân tại các điểm tránh trú an toàn theo từng phòng hoặc từng khu vực (tên, tuổi, địa chỉ, điện thoại, thời gian đến điểm tránh trú, tình hình sức khỏe...). Bố trí, sắp xếp các đối tượng trong cùng hộ gia đình, cùng một khu vực, cùng mức độ nguy cơ ở trong cùng 01 phòng/khu vực để dễ dàng quản lý và kiểm soát.

- Tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh, theo dõi sức khỏe và chuyển tuyến điều trị kịp thời cho người dân tại các điểm tránh trú an toàn trong thời gian sơ tán; Khám sàng lọc các trường hợp nguy cơ cao, nghi nhiễm (ho, sốt,...) để kịp thời phát hiện và cách ly người nhiễm COVID-19.

- Thực hiện quản lý, giám sát cách ly, điều trị hoặc chuyển tuyến đối với các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 tại phòng cách ly tạm thời hoặc khu vực cách ly của người bệnh COVID-19; đảm bảo các trang thiết bị tối thiểu cần thiết và bố trí sẵn ô tô/phương tiện phù hợp để chuyên chở người cần cách ly, điều trị tới khu cách ly, điều trị, chuyển tuyến khi cần.

- Tổ chức thường trực bảo đảm y tế, phòng chống dịch 24/24 tại các địa điểm sơ tán, nơi tránh trú an toàn.

* Vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh

- Quy định và hướng dẫn người dân bỏ rác đúng túi/thùng phân loại rác. Khẩu trang y tế đã qua sử dụng, khăn/giấy lau mũi miệng phải đựng trong thùng/túi đựng “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”, buộc chặt miệng túi, chờ khi nước rút thu gom và xử lý theo quy định.

- Đối với rác thải sinh hoạt được chôn tại các khu đất cao chưa ngập lụt. Hàng ngày đổ rác vào hố hoặc rãnh, phủ một lớp đất lên mặt rác. Đến khi đầy thì lấp đất, lèn chặt.

- Các điểm tránh trú phải có đủ nhà vệ sinh cố định hoặc di động để thu gom và xử lý phân. Cung cấp đầy đủ xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay cho người dân.

- Đảm bảo cung cấp đủ nước sạch phục vụ cho hoạt động ăn uống, sinh hoạt của người dân tại khu tránh trú.

3. Sau khi xảy ra thiên tai

- Tổ chức rà soát tình hình sức khỏe người dân (thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, dấu hiệu ho, sốt,...) để sàng lọc phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 trước khi rời điểm tránh trú an toàn.

- Đối với lực lượng tham gia phòng chống thiên tai: Xét nghiệm nhanh (Test kháng nguyên nhanh) hoặc xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (nếu có điều kiện) trước khi kết thúc nhiệm vụ. Tự theo dõi sức khỏe của bản thân, thực hiện đầy đủ 5K, nếu có các biểu hiện như: sốt, đau họng, khó thở, sổ mũi, đau đầu, thay đổi mùi vị, ho... thì báo cáo ngay cho người có thẩm quyền tại địa phương.

- Trường hợp những người làm nhiệm vụ có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm COVID-19 tại các điểm tránh trú: Nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng thì thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 07 ngày; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (02 lần) vào ngày đầu và ngày thứ 07 kể từ ngày trở về địa phương, nơi ở, nơi lưu trú; tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo. Nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (03 lần) vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày trở về địa phương, nơi ở, nơi lưu trú; tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo.

- Sắp xếp, bố trí phương tiện vận chuyển, hỗ trợ người dân rời điểm tránh trú về nhà hoặc khu vực được quản lý, cách ly an toàn theo nguyên tắc những người/hộ gia đình có cùng mức nguy cơ thì bố trí trên cùng phương tiện; thực hiện nghiêm 5K, nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trong quá trình di chuyển về nơi lưu trú ban đầu. Trường hợp có các ca nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 cần bố trí sẵn ô tô/phương tiện phù hợp để cách ly, chuyên chở từ nơi tránh trú an toàn về khu cách ly, khu điều trị.

- Thực hiện vệ sinh môi trường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch: Thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hoá chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Tại các điểm tránh trú an toàn, sau khi người dân rời đi phải vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ điểm tránh trú và thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế theo quy định.

- Tổ chức tổng kết công tác bảo đảm phòng chống dịch, phòng chống thiên tai, đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kế hoạch sẵn sàng ứng phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra tiếp theo.

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của địa phương tùy theo tình hình dịch bệnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Y tế

Trên cơ sở Kế hoạch, tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện tại các đơn vị cấp hyện và cơ sở, kịpp thời báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.

2. Trung tâm Y tế huyện

- Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện xây dựng phương án huy động nguồn nhân lực đảm bảo chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 trong tình huống thiên tai, bão lũ.

- Sẵn sàng phương tiện, thiết bị, test/kít xét nghiệm, phương tiện phòng hộ cá nhân thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch trong tình huống thiên tai, thảm họa; đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh đối với công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các vùng đang có dịch.

- Đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, cơ sở điều trị, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai; phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân trong vùng có nguy cơ cao do thiên tai phải tổ chức sơ tán.

- Hướng dẫn các địa phương xử lý các trường hợp tử vong do nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 trong thiên tai.

- Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện Kế hoạch sau khi có tình huống thiên tai, thảm họa; đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Phòng Kinh tế Hạ tầng rà soát phương án chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ ngành Y tế và các địa phương bảo đảm công tác phòng chống dịch trong tình huống ứng phó với thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch.

3. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện):

Theo dõi nắm chắc mọi tình hình, diễn biến của thời tiết, thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện, thông báo kịp thời cho ngành Y tế và các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện để chủ động ứng phó và chỉ đạo thực hiện các phương án phòng chống thiên tai trong bối cảnh COVID-19 đã được cập nhật;

4. Phòng Tài nguyên – Môi trường

Chỉ đạo, hướng dẫn công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tại các điểm tránh trú. Hướng dẫn xử lý chất thải lỏng trước khi xả thải ra môi trường đúng quy định, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm ra cộng đồng. Chủ trì phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường theo quy định.

5. Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm  Văn hóa – Truyền thông huyện

Tăng cường tuyên truyền các nội dung liên quan đến hoạt động phòng, chống COVID-19 trong tình huống thiên tai, bão lũ; tăng thời lượng phát sóng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nâng cao sức khỏe cho nhân dân; phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở các xã, thị trấn thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình huống thiên tai, bão lũ.

 6. Các ban, phòng, ngành cấp huyện

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai thực hiện Kế hoạch. Tập trung rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 để chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện các tình huống khi có thiên tai bão lũ xảy ra.

7. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công văn số 36/PCTT ngày 15/10/2021 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện về việc đôn đốc điều chỉnh các phương án về PCTT và TKCN trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

- Kiện toàn Ban chỉ huy, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên của Ban và xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết của xã, thị trấn trước ngày 06/11/2021; tổ chức thực hiện có hiệu quả, không để bị động, lúng túng khi có tình huống dịch bệnh, thiên tai xẩy ra.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền và triển

 

khai thực hiện Kế hoạch.

- Tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện sau mỗi đợt thiên tai, bão lũ về Phòng Y tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu Thủ trưởng các ban, phòng, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện./.

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.548.771
    Online: 18
    ipv6 ready