Chiều 22/4/2021, đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt – Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy Thạch Hà đã chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy để nghe và cho ý kiến tình hình, kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020”; kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025; kế hoạch cải tạo, chỉnh trang phát triển kinh tế vườn.
Ban Thường vụ Huyện ủy họp để nghe và cho ý kiến tình hình, kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020”; kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025; kế hoạch cải tạo, chỉnh trang phát triển kinh tế vườn.
Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt – Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy Thạch Hà chủ trì cuộc họp
Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện, Nguyễn Văn Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy…
… Nguyễn Văn Khoa – Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện, Nguyễn Bá Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trần Danh Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện..
…Các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, đại diện các phòng, ngành cấp huyện liên quan
Đồng chí Nguyễn Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND huyện: báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020”; kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025; kế hoạch cải tạo, chỉnh trang phát triển kinh tế vườn
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp huyện nhà có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương, đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng chuỗi liên kết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 3.143 tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó nông nghiệp 2.623,1 tỷ đồng (trồng trọt 894,7 tỷ đồng, chăn nuôi 1.533,6 tỷ đồng, dịch vụ 194,8 tỷ đồng), thủy sản 442,4 tỷ đồng, lâm nghiệp 77,4 tỷ đồng; Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích năm 2020 đạt 85,07 triệu đồng/ha.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp của huyện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Quy mô đồng ruộng còn manh mún, nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; một số sản phẩm có sản lượng lớn, chất lượng tốt, giá trị cao nhưng chưa truy xuất được nguồn gốc, chưa được chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn Vietgap..., chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu nên chưa cung ứng được vào các siêu thị lớn, xuất khẩu sản phẩm...; việc huy động nguồn lực, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều khó khăn; chưa tạo được sự đột phá mạnh mẽ để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả cao nên thu nhập của người sản xuất vẫn còn thấp.
Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025” là rất cần thiết.
Đồng chí Nguyễn Văn Thuận – Trưởng phòng NN&PT huyện nêu những điểm mới của Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025” so với giai đoạn 2015 – 2020. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn trước, Đề án giai đoạn này sẽ giảm diện tích đất trồng lúa, tăng diện tích trồng hao, cây cảnh; chuyển đổi bộ giống lúa chất lượng cao để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng sản xuất theo cánh đồng lớn; sản xuất theo hướng tăng chất lượng. Về chăn nuôi: không khuyến khích phát triển số lượng ồ ạt đàn lợn để giảm ô nhiêm môi trường, tăng tỷ lệ đàn lợn nái ngoại; tăng chăn nuôi bò giống chất lượng cao, phát triển gia cầm vùng đất cát... Tập tung phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và môi trường….
Theo dự thảo Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được xây dựng với quan điểm: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, gắn với tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải đi vào chiều sâu trên cơ sở khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực trong nông nghiệp; nâng cao giá trị gia tăng gắn liền với chú trọng phát triển các ngành nghề, dịch vụ kết hợp, nhất là sản xuất gắn với du lịch và trải nghiệm. Tập trung đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản, lâm nghiệp; phát triển các vùng sản xuất tập trung, “dồn điền đổi chủ”, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiến tiến gắn với truy xuất nguồn gốc, chứng nhận ATVSTP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Mục tiêu chung của Đề án là: Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực; trong đó ưu tiên Lợn, bò, tôm, rau củ quả thực phẩm; gắn với khai thác lợi thế theo 3 vùng sinh thái: Vùng bán sơn địa và tây nam (gồm các xã Thạch Xuân, Nam Điền, Lưu Vĩnh Sơn, Ngọc Sơn, Thạch Ngọc): sản phẩm chủ lực là Bò, lợn, gà thả vườn đồi, lúa, cây ăn quả, hoa cây cảnh, gỗ nguyên liệu rừng trồng, nấm; Vùng đồng bằng và vùng giữa (gồm các xã Thạch Long, Thạch Sơn, Thạch Liên, Thạch Kênh, Việt Tiến, Tân Lâm Hương, Thạch Đài và Thị trấn Thạch Hà): bò, lợn, lúa, rau củ quả, gia cầm, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nấm; Vùng bãi ngang ven biển (gồm các xã Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Văn, Thạch Hội, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Tượng Sơn): Tôm nuôi, gia cầm, rau củ quả, thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, lợn, bò, lạc, lúa.
Phát triển sản xuất gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, nâng cao giá trị gia tăng. Ưu tiên hướng vào phát triển hình thức tổ chức sản xuất vừa tập trung, vừa phân tán, đa dạng hóa các loại hình liên kết, bảo đảm sản phẩm của hộ nông dân, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất ra đều gắn kết chặt chẽ với các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản, các doanh nghiệp lớn, với thị trường.
Mục tiêu cụ thể là: Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản (theo giá hiện hành) đến năm 2025 phấn đấu đạt 3.500 tỷ đồng; Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích trên 115 triệu đồng/ha, phấn đấu trên 130 triệu đồng/ha. Sản lượng các loại cây trồng đến năm 2025: Lúa 82.900 tấn, Rau củ quả 17.500 tấn. Tổng đàn bò đến năm 2025 là 23.200 con, tổng đàn lợn 45.000 con, đàn gia cầm là 1,85 triệu con. Diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định 1.124ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao ổn định 160ha, tổng sản lượng thủy sản ổn định 6.700 tấn; Hàng năm trồng mới từ 300 – 360ha rừng tập trung và khai thác 15.000m3 – 20.000m3 gỗ rừng trồng.
10 nhóm giải pháp thực hiện Đề án được đưa ra gồm: Công tác thông tin, tuyên truyền, Quy hoạch và quản lý quy hoạch;Cũng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về nông nghiệp; Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bộ giống, quy trình kỹ thuật, phương thức sản xuất; ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật; mở rộng quy mô các chuỗi liên kết sản xuất và các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực theo liên kết vùng; Đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; Giải pháp về phát triển nghề, làng nghề nông thôn; Giải pháp về cơ chế, chính sách.
Về Kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, phát triển kinh tế vườn hộ trên địa bàn huyện năm 2021 đặt mục tiêu: Tập trung cải tạo, chỉnh trang để nâng cao kinh tế vườn hộ, hướng tới xây dựng vườn mẫu nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện. Phấn đấu năm 2021 thực hiện cải tạo, chỉnh trang, phát triển kinh tế vườn hoàn thành và vượt chỉ tiêu 3.185 vườn; 245 vườn mẫu đạt chuẩn, thu nhập từ kinh tế vườn tối thiểu đạt 30 triệu đồng/500m2/năm.
Cụ thể: Phấn đấu 100% vườn hộ có diện tích từ 500m2 trở lên phải có bản vẽ thiết kế quy hoạch, phương án dự toán sản xuất, bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý và tổ chức chỉ đạo thực hiện đảm bảo quy hoạch, thiết kế của vườn; Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất vườn, có hệ thống tưới, tiêu nước, cảnh quan đẹp, vệ sinh môi trường đảm bảo, 100% hộ có chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách, có sử dụng biogas hoặc chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi; …
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá khách quan kết quả thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020”; góp ý các nội dung trọng tâm Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch cải tạo, chỉnh trang phát triển kinh tế vườn giai đoạn tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Đình Nghị - Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch: Đề án cần phải tập trung thực hiện được nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng chí Nguyễn Hoài Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – Trưởng Công an huyện: Cần đánh giá thêm về hạ tầng phục vụ nông nghiệp thời gian qua; đánh giá sâu hơn về thực hiện tích tụ ruộng đất giai đoạn trước…
Đồng chí Trần Danh Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – Chủ tịch UBMTTQ huyện: … Một số địa phương, người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự say sưa với việc phát triển nông nghiệp; Liên kết thị trường còn hạn chế; không nên phát triển dàn trải mà phải lựa chọn nhât tố, vùng, để kích thích phát triển. Về phát triển kinh tế vườn: cần chọn được những nhân tố điển hình để phát triển nhân rộng …
Đồng chí Nguyễn Bá Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy – PCT UBND huyện: Cần đánh giá một cách cụ thể về điểm mạnh, điểm yếu của Đề án…Cần đưa vào kinh phí thực hiện, giải pháp mạnh tay để kích cầu, phát triển, hỗ trợ kêu gọi doạnh nghiệp, nhà đầu tư ...
Đồng chí Nguyễn Văn Khoa – Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện: để thực hiện được đề án mà trong đó có rất nhiều nội dung, thành phần nông nghiệp là rất khó. Cần xây dựng kế hoạch cụ thể từng vùng miền cụ thể tránh chung chung, thiếu hiệu quả. Nông nghiệp phải ứng dụng công nghệ cao. Đề án phải gắn với các chính sách cụ thể. Phải có mô hình thí điểm mỗi loại một thứ, phân theo từng vùng. Phải có tư vấn, đánh giá (khí hậu, thổ nhưỡng,…) để phát triển một cách phù hợp, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững…Phải xây dựng được đề án cụ thể của từng ngành: nông, lâm, thủy sản,….
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện: phải quy hoạch rõ ràng, kêu gọi, huy động doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở hoàn thiện đề án tổng thể, có các đề án con, công bố quy hoạch…
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt – Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy đánh giá cao công tác chuẩn bị của UBND huyện, tham mưu, dự thảo đề án có rà soát, đánh giá, so sánh cụ thể, chi tiết của phòng chuyên môn; ghi nhận các ý kiến góp ý tại cuộc họp. Đồng thời khẳng định Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được xây dựng với quan điểm: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, gắn với tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXX, nhiệm kỳ 2020-2025, là một trong những mũi đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra. Đồng chí Bí thư Huyện ủy cũng đã giao UBND huyện, các phòng, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại đề án một cách căn cơ, cụ thể, phù hợp để khi ban hành thực sự mang lại hiệu quả như mục tiêu đề án đã đưa ra....