Trong 2 ngày 27 và 28/3/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra dưới sự chủ trì của Ban Bí thư với điểm cầu chính tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội và kết nối đến tất cả điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính Phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc Hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Đồng chí Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư chủ trì hội nghị.

Tại Hà Tĩnh, Hội nghị cũng được trực tuyến đến 17 điểm cầu huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc trong toàn tỉnh với sự tham gia của hơn 3.000 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên thuộc các cơ quan cấp huyện, cán bộ cốt cán cấp xã ( Hình ảnh Tại điểm cầu huyện Thạch Hà)

Tại điểm cầu huyện Thạch Hà có hơn 430 cán bộ, đảng viên tham gia học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại Hội trường Trung tâm Văn hóa huyện

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhấn mạnh thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị cần nhận thức sâu sắc việc học tập, quán triệt Nghị quyết là công việc thường xuyên, liên tục; phải thực hiện nghiêm túc bài bản trong suốt cả nhiệm kỳ; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021.


Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: VGP)

Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các cán bộ, đảng viên nghiêm túc học tập, quán triệt, tập trung nắm vững những quan điểm, nội dung cốt lõi, những định hướng lớn, điểm mới trong nghị quyết; từ đó liên hệ và vận dụng phù hợp với thực tiễn, yêu cầu của mỗi địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Trong quá trình nghiên cứu học tập nghị quyết, phải đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, ý thức tự giác gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng. Công tác tuyên truyền phải được thường xuyên, bền bỉ, đồng bộ, sáng tạo và phù hợp với từng đối tượng; phát huy hệ thống tuyên giáo, các cơ quan báo chí, báo cáo viên, tuyên truyền viên. Phải kịp thời lý giải những băn khoăn của cán bộ, đảng viên, nhân dân; kịp thời uốn nắn những định hướng không đúng; kiên quyết đấu tranh phản bác với những quan điểm sai trái, thù địch...

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, việc quán triệt, học tập nghị quyết chỉ là bước đầu, vấn đề quan trọng nhất đó là sớm cụ thể hóa nội dung nghị quyết vào cuộc sống; thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp 20 phần, và quyết tâm 30 phần”. Biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế, thành của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tập trung xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi sát với điều kiện thực tế góp phần nâng cao đời sống Nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương, đơn vị.

Ngay sau khai mạc, hội nghị được nghe Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày chuyên đề “Những nội dung cốt lõi và những điểm mới trong báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng”. Đại hội XIII của Đảng có nhiều văn kiện quan trọng, trong đó nội dung cốt lõi đó là: Kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

"Kết thúc ngày học thứ nhất 27/3, cán bộ đảng viên đã được tiếp thu, học tập, nghiên cứu báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”

QUÁN TRIỆT PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KT – XH 5 NĂM 2021 -2025 TRONG TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN

Sáng ngày 28/3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bước sang buổi làm việc thứ 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề: "Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao

Báo cáo về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ đề của chiến lược là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%...

Để đạt mục tiêu đó, cần thực hiện 10 nhóm phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM). Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.

Phấn đấu đến 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại

Phân tích tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và bối cảnh thế giới, khu vực Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó, nước ta phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế...

Các chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tuổi thọ trung bình khoảng 74,5%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ độ che phủ rừng ổn định ở mức 42%...

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp ủy đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng chỉ đạo quán triệt phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và tăng cường lãnh đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và chỉ đạo triển khai thực hiện.

Các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; rút kinh nghiệm việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu trong từng giai đoạn để đề xuất điều chỉnh, bổ sung các giải pháp trong quá trình thực hiện. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, theo dõi tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; thực hiện giám sát, phản biện xã hội các đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu 5 năm.

Cán bộ, đảng viên tham gia Hội nghị tại điểm cầu huyện Thạch Hà tiếp thu nghiêm túc 5 chuyên đề do Ban Bí thư Trung ương Đảng truyền đạt  

Trong khuôn khổ buổi chiều 28/3, cán bộ, đảng viên được tiếp thu, học tập, nghiên cứu chuyên đề những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam. Chuyên đề này do đồng chí Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ quốc phòng truyền đạt và chuyên đề những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia, chuyên đề do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an truyền đạt...

Kết luận Hội nghị đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh:  Cán bộ, đảng viên nghiêm túc tiếp thu, nắm vững những nội dung cốt lõi của các chuyên đề do các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước truyền đạt tại Hội nghị, từ đó tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho các đồng chí Đảng viên chưa được tham gia học tập trong đợt này. Nhanh chóng đưa Nghị quyết trở thành hành động cụ thể trong thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ, ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tập trung xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi sát với điều kiện thực tế góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương đơn vị; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng tới đến tận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nắm vững những quan điểm, nội dung, định hướng lớn, điểm mới trong Nghị quyết, liên hệ và vận dụng phù hợp với thực tiễn, yêu cầu của mỗi địa phương đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, từ đó thống nhất trong ý chí, hành động của toàn đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội; Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc học tập Nghị quyết, biểu dương khen thưởng những đơn vị làm tốt và ngược lại…

Trung tâm VHTT Thạch Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Công khai minh bạch thông tin
    Thông báo
    Gửi nhận văn bản
    Bản đồ huyện Thạch Hà
    Tình hình giải quyết hồ sơ
     Liên kết website
    Thống kê: 2.702.319
    Online: 71
    ipv6 ready