Sáng 24/3/2021, UBND huyện Thạch Hà tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021; triển khai Đề án phát triển thủy sản năm 2021.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Sáu và Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lê Thanh Hải chủ trì hội nghị.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên năm 2020 trên địa bàn huyện không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Tuy nhiên, có 3 điểm phát lửa do hộ gia đình xử lý thực bì trong thời tiết nắng nóng, bất cẩn khi thắp hương và do sét đánh gây ra phát lửa. Năm 2020, tổ chức tuyên truyền và ký cam kết ở nhà trường, các hộ dân sống gần rừng trong công tác BVR-PCCCR với hơn 1.000 bản cam kết. Lực lượng Kiểm lâm huyện đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 75 triệu đồng; thu nộp cá thể khỉ, rùa tiến hành thả về tự nhiên theo quy định.
Ông Lê Thanh Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà báo cáo tổng kết công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Về nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích thả nuôi 1.120,65ha, tổng sản lượng 2.240 tấn. Nuôi nước ngọt 711 ha, sản lượng đạt 765 tấn; nuôi thủy sản lồng bè 7.830m3 tại xã Thạch Sơn, Thạch Đỉnh, Thạch Thắng. Năm 2020, một số cơ sở áp dụng phương pháp nuôi tôm 3 giai đoạn và nuôi tôm đã qua ương dưỡng cho hiệu quả cao hơn. Thực hiện chính sách nuôi đối tượng mới có giá trị kinh tế và đã triển khai nuôi tôm càng xanh, cá lăng nha, ốc bươu bước đầu cho thấy sinh trưởng, phát triển tốt.
Bà Huỳnh Thị Ánh Diệu – Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện báo cáo kết quả thực hiện nuôi trồng thủy sản năm 2020; thông qua Đề án phát triển thủy sản năm 2021.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn Nguyễn Quốc Quân: Hằng năm trên địa bàn vẫn xảy ra cháy rừng, đề nghị huyện hỗ trợ xã mua sắm máy thổi để chủ động và thực hiện hiệu quả hơn trong công tác phòng chống.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Điền Hoàng Hữu Thanh: đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền, “nuôi” được lực lượng phòng, chống cháy rừng tại chỗ; chủ động nguồn kinh phí; hỗ trợ xã một vài máy thổi phục vụ phòng cháy, xây dựng NTM, vệ sinh môi trường. Đối với những xã có diện tích rừng lớn đề nghị có định mức lương hay một biên chế trong công tác BVR-PCCCR.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc Hồ Văn Thoan: xã có nhiều hộ dân làm nghề đánh bắt hải sản trên biển, nuôi tôm trên cát, nước ngọt, ven sông; một số doanh nghiệp và cơ sở nuôi trên địa bàn đông nên công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn đề nghị huyện quan tâm.
Đồng chí Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn: diện tích nuôi trồng bãi bồi ven sông đã được tỉnh phê duyệt 130,7ha tại Quyết định số 945 ngày 15/3/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch bản đồ tổng thể phân bổ toàn bộ khu vực NTTS tại bãi bồi ven sông xã Đỉnh Bàn, trong thời gian tới, UBND xã phối hợp các cấp để tiến hành cho thuê đất bãi bồi ven sông theo đúng quy định. Bên cạnh đó, diện tích NTTS tập trung tại khu vực hồ Suma đã cấp đất cho nhân dân có thời hạn đến năm 2025, nhưng đến nay các hộ nuôi trồng thủy sản trong xã do ảnh hưởng ngập lụt lịch sử tháng 10 năm 2020 làm mất trắng tài sản nên thiếu vốn sản xuất. Hiện nay chỉ còn 3 hộ trong xã nuôi, còn lại các hộ từ nơi khác đến thuê đất nuôi tôm.
Thiếu tá Nguyễn Đình Hiểu – Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Cửa Sót: đề nghị huyện hỗ trợ phương tiện phòng chống cháy rừng như giao phát, máy thổi; phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về việc khai thác động vật hoang dã trái phép; tuyên truyền cho tất cả ngư dân lắp đặt hệ thống giám sát hành trình của tàu, thuyền; đề nghị tàu kiểm ngư cùng phối hợp để hoạt động hiệu quả hơn; hiện nay, Tổ đội nghề cá hoạt động chưa hiệu quả đề nghị huyện quan tâm.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Sáu yêu cầu:
Đối với phương án BVR-PCCCR: Các địa phương và các chủ rừng xây dựng phương án cụ thể về công tác BVR-PCCCR, đồng thời triển khai rộng rãi. Tăng cường thời lượng tuyên truyền, đa dạng hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân về BVR-PCCCR. Trung tâm Văn hóa – Truyền thông phối hợp Phòng NN&PTNT và Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền. Tổ chức ký cam kết về BVR-PCCCR đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh trong rừng và ven rừng. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo, tổ đội BVR-PCCCR, đặc biệt là công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đôn đốc nhân dân thực hiện các biện pháp BVR-PCCCR, nhất là việc phát thực bì, không đưa lửa vào rừng… Khi có cháy rừng xảy ra phải báo cáo sớm, đồng thời khẩn trương thực hiện tốt phương châm 4 tại chổ. Rà soát đánh giá, sửa chữa các trang thiết bị, đồng thời mua sắm bổ sung các thiết bị thiết yếu phục vụ BVR-PCCCR. Đối với Phòng NN&PTNT và Hạt Kiểm lâm và BCĐ huyện tăng cường kiểm tra, bổ cứu, hướng dẫn, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, hạn chế ở cơ sở để thực hiện tốt công tác BVR-PCCCR.
Đối với Đề án nuôi trồng thủy sản: Tập trung thực hiện nghiêm túc Luật thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn. Đôn đốc nhân dân có trách nhiệm bảo vệ môi trường vùng nuôi, đặc biệt là những vùng nuôi tập trung. Thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản. Các địa phương cần chú trọng hơn một số nội dung sau: Đăng ký nuôi trồng thủy sản đối với sản phẩm chủ lực tôm sú, tôm thẻ chân trắng và nuôi lông bè. Kẽ vẽ tàu cá, cấp mới và gia hạn giấy phép tàu cá theo quy định (nội dung này đề nghị Đồn biên phòng Cửa sót tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức cho nhân dân). Kiện toàn các Tổ đội quản lý nghề cá./.