Chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước được chính thức thống nhất quản lý từ trung ương đến địa phương thông qua Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 5 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI.

 Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý tài nguyên nước tại Quyết định 1536/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 6 năm 2017của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với chức năng chính giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước, lưu vực sông trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.


Một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực tài nguyên nước


Trong những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước (TNN) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý cơ bản cho công tác quản lý TNN từ trung ương đến địa phương thông qua việc xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền tổng số gần 35 văn bản pháp luật về TNN. Đặc biệt, để bảo đảm tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước trong tình hình mới, ngày 21/6/ 2012 Quốc Hội đã thông qua Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13.

Ngay sau khi Luật tài nguyên nước được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, trình ban hành tổng số 37 văn bản bao gồm: 05 nghị định của Chính phủ (Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước; Nghị định 43/2015/NĐ-CP quy định hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định 54/2015/NĐ-CP Quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Nghị định 33/2017/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản;  Nghị định 73/2017/NĐ-CP Về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường), 14 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành 18 thông tư. Đây là những công cụ pháp lý hữu hiệu đóng góp quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiệu quả.

Cơ chế tài chính, chủ trương kinh tế hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước bước đầu đã được thể chế hóa thông qua các văn bản đã được Bộ Tài chính ban hành như quy định về quản lý nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế trong quản lý tài nguyên nước, quy định tăng thuế khai thác sử dụng tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và quy định về phí thẩm định hồ sơ cấp phép.


Bên cạnh đó, để bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện và hiệu quả cao nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cho trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sự suy giảm nguồn nước, ngày 23/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông phải xây dựng quy trình (bao gồm các lưu vực sông: Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, sông Hồng, Đồng Nai và lưu vực sông Hương) nhằm giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ, tăng hiệu quả sử dụng nước và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất ở khu vực hạ du trong mùa cạn.

Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật quản lý về tài nguyên nước, sau gần 15 năm hoạt động, lĩnh vực tài nguyên nước đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, cụ thể đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng, ngành tài nguyên và môi trường nói chung. Cụ thể:

Công tác quản lý lưu vực sông, quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, điều hòa phân bổ nguồn nước trên các lưu vực sông đã được Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạo Cục Quản lý tài nguyên nước triển khai thực hiện mạnh mẽ. Cục đã trình Bộ để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục lưu vực sông gồm 392 sông liên tỉnh làm căn cứ để triển khai các hoạt động quản lý lưu vực sông, phân công, phân cấp quản lý; Bộ đã ban hành Danh mục lưu vực sông nội tỉnh gồm trên 3045 sông nội tỉnh.


Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước đã được triển khai trên tất cả các mặt: điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; lập bản đồ lưu vực sông. Về cơ bản đến nay các thông tin, số liệu về tình hình tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên hầu hết các lưu vực sông lớn và các vùng kinh tế trọng điểm, các khu đô thị lớn, một số đảo lớn quan trọng đã được thu thập, cập nhật, làm cơ sở cho công tác quản lý.


Tại các địa phương, nhiều tỉnh đã chủ động bố trí ngân sách địa phương để đầu tư cho các dự án về điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên nước, hiện trạng khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, lập quy hoạch tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước ở địa phương.       


Công tác bảo vệ tài nguyên nước đã được đẩy mạnh thực hiện thông qua việc xây dựng và triển khai các quy định pháp luật để bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lòng, bờ bãi sông, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; lập quy hoạch tài nguyên nước,... Bước đầu xây dựng trạm quan trắc tự động chất lượng nguồn nước. Xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông. Thực hiện đề án Chính phủ “Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị lớn”.

Công tác chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nước ở thượng nguồn các lưu vực sông liên quốc gia đã được thực hiện với nhiều nội dung về theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác sử dụng nước ở ngoài biên giới phía thượng nguồn lưu vực sông Hồng, sông Mê Công; Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới;….

Công tác hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm an ninh nước quốc gia được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, trong năm 2014, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tập trung hoàn thiện hồ sơ gia nhập Công ước để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định việc gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy. Việc gia nhập Công ước của Việt Nam vào đầu năm 2014, với tư cách là thành viên thứ 35, đã chính thức đưa Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy sau 17 năm thông qua (từ năm 1997) chính thức có hiệu lực thi hành từ Quý III năm 2014.

Trong những năm qua, Cục Quản lý tài nguyên nước luôn tích cực, chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế phục vụ cho công tác xây dựng thể chế, tăng cường năng lực cho hoạt động quản lý tài nguyên nước. Đến nay, có khoảng 15 dự án quốc tế về tài nguyên nước đã và đang thực hiện. Cục đã tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế quan nhằm tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai hàng năm được thể hiện trên các nội dung như: Kiểm tra tình hình triển khai, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; thanh tra chuyên đề về việc vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trên một số lưu vực sông. Qua các đợt kiểm tra, thanh tra đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước, đồng thời cũng phát hiện một số vấn đề bất cập trong quản lý, phối hợp vận hành, điều tiết nước các hồ chứa để kịp thời có những đề xuất kiến nghị biện pháp khắc phục, điều chỉnh, bổ sung trong các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, nhất là phục vụ cho việc rà soát, bổ sung, sửa đổi các nội dung quy định của pháp luật khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước năm 2012.

Các địa phương trên cả nước cũng đã tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Từ khi thành lập đến nay các tỉnh đã tổ chức kiểm tra, thanh tra hàng nghìn cơ sở khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước và đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước hàng tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước.

Công tác cấp phép tài nguyên nước bao gồm: cấp phép thăm dò, khai thác sử dụng nước mặt, nước biển, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất. Từ năm 2013 đến hết tháng 01 năm 2017, các địa phương cấp 14.600 giấy phép, trung ương cấp 620 giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước. Các hồ sơ cấp phép được tiếp nhận, xử lý đúng trình tự, thủ tục và đảm bảo thời hạn theo quy định.

Công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước được quan tâm và chú trọng, trong đó tập trung vào các đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học để triển khai các nội dung của Luật tài nguyên nước năm 2012 vào thực tiễn, có 21 đề tài phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng, ban hành Nghị định, thông tư, quy định kỹ thuật; xây dựng 06 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bản đồ khai thác sử dụng nước mặt, phân vùng bảo vệ nước dưới đất, hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước.


Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên với các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử  thông qua các hình thức xây dựng các phim, ảnh, băng đĩa các chương trình hỏi đáp, đối thoại, tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự, tổ chức hội thảo tập huấn cho cơ quan, doanh nghiệp, người dân, xuất bản Bản tin tài nguyên nước… Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, việc tổ chức Lễ mít tinh quốc gia và các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22/3 hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn xã hội, có ý nghĩa và sức lan tỏa cao, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen và cách ứng xử với tài nguyên nước ở hiện tại và tương lai;...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý về tài nguyên nước vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập như: Công tác lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm; việc điều hoà, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi chưa thành lập được tổ chức lưu vực sông; Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước; Các vấn đề mang tính liên ngành vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh; Bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương còn nhiều bất cập; …

Định hướng các nhiệm vụ trọng tâm trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý TNN, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về TNN, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của công tác quản lý TNN là tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý đã được thể chế hóa trong Luật TNN 2012 và các văn bản đã được ban hành trong thời gian qua. Cụ thể:

Một là, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, xử lý, trám lấp giếng không sử dụng; bảo vệ NDĐ, các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá... để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình mới; xây dựng các quy định, hướng dẫn xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động vận hành hồ chứa.

Hai là, rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình vận hành các hồ chứa, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các QTVHLHC nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết nước đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện của các hồ chứa.

Ba là, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về TNN, trọng tâm là các quy định mới như: Ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thu tiền cấp quyền khai thác TNN (sau khi được Chính phủ ban hành); giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ và việc xả dòng chảy tối thiểu.

Bốn là, tập trung xây dựng quy hoạch TNN; xây dựng quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN; đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn NDĐ ở vùng khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo; nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện.... bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Năm là, tập trung kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa; bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông Mê Công và bảo đảm sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.

Sáu là, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý TNN để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, trọng tâm là nguồn lực để triển khai thực hiện, bao gồm cả kinh phí, tổ chức bộ máy và năng lực thực thi. Thành lập và sớm đưa vào hoạt động 06 Ủy ban LVS để tăng cường cơ chế điều phối, giám sát, phối hợp thực hiện, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong khuôn khổ LVS, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN trên LVS. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhất là tưới và thực hiện chính sách thu tiền khai thác nước ngầm để tưới cây theo quy định của Luật để chống lãng phí nguồn nước./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 2.799.537
Online: 110
ipv6 ready