Là một trong những chương trình hết sức ý nghĩa kỷ niệm 30 năm ngày mất của những người lính Hải quân Việt Nam trong trận chiến Gạc Ma năm 1988, “CQ88 - Tiếng vọng nơi đảo xa” do trường tiểu học Thạch Lạc phối hợp với Đồn Biên Phòng Cửa Sót thực hiện không chỉ đọng lại trong ký ức của các em học sinh những hình ảnh đẹp về người lính Hải quân anh dũng, kiên cường mà qua đó còn giáo dục thế hệ trẻ hôm nay truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam trong mọi thời đại

Con tàu HQ 604 chở các chiến sỹ hải quân Việt Nam đến đảo Gạc Ma vào tối ngày 11/03/1988 để thực hiện chiến dịch CQ88

30 năm trôi qua, nhưng hình ảnh về những người lính Hải quân Việt Nam chiến đấu anh dũng, kiên cường trước đội quân Trung Quốc trong trận chiến Gạc Ma vào mùa xuân năm 1988 vẫn còn đau đáu trong lòng người dân Việt Nam. Để giữ vững lá cờ tổ quốc, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo trước kẻ thù xâm lược, các anh 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã làm nên một huyền thoại bất tử trong lòng dân tộc. Đây cũng chính là nội dung trọng tâm mà xuyên suốt chương trình CQ88 - Tiếng vọng nơi đảo xa do trường tiểu học Thạch Lạc phối hợp với Đồn Biên Phòng Cửa Sót thực hiện gửi đến các em học sinh, quý bậc phu huynh và đại biểu các cấp nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của các chiến sỹ Gạc Ma bất tử.

Cựu binh Lê Hữu Thảo trò chuyện về trận chiến Gạc Ma năm 1988

30 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ về ký ức của trận chiến Gạc Ma năm 1988 là trong lòng cựu binh Lê Hữu Thảo - một trong những người lính từng tham gia vào trận chiến ác liệt năm xưa lại bồi hồi, xúc động khi nhớ về hình ảnh và sự hy sinh anh dũng của đồng đội trước kẻ thù xâm lược. Ông đến với chương trình CQ88 - Tiếng vọng nơi đảo xa chẳng phải với danh dự là một khách mời, mà ông đến đây với mong muốn được cùng với nhà trường và các em học sinh tưởng niệm đồng đội của mình trước huyền thoại Gạc Ma bất tử. Có mặt tại chương trình ông Thảo không khỏi xúc động khi kể lại những giây phút sát cánh cùng đồng đội trên con tàu HQ 604 đã đi vào lịch sử. Ông không thể nào quên được cái ngày định mệnh ấy, nhớ rõ sự tàn ác của quân đội Trung Quốc với những làn đạn găm thẳng vào cơ thể đồng đội mình. Với ông, việc nhắc lại những kỷ niệm của cuộc hải chiến tại đảo Gạc Ma không phải để kêu gọi chiến tranh, càng không phải găm sâu lòng thù hận mà nhắc lại kỷ niệm đó chỉ để khắc sâu ký ức năm xưa, tưởng nhớ đồng chí, đồng đội và giáo dục thế hệ trẻ hôm nay tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, đời đời nhớ ơn những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nên độc lập tự do của dân tộc. 

Lắng đọng giây phút tưởng niệm 64 chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma bất tử

Đúng như chủ đề của chương trình "CQ88" chính là ký hiệu của chiến dịch Chủ quyền năm 1988 của Hải quân nhân dân Việt Nam nhằm thiết lập quyền kiểm soát đối với các thực thể địa lý tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đến với chương trình CQ88 - Tiếng vọng nơi đảo xa, các em học sinh được tìm hiểu sâu hơn về lịch sử của trận chiến Gạc Ma qua 04 phần trọng tâm. Trong đó nội dung của phần thứ nhất chính là giây phút các em học sinh cùng cúi mình tưởng niệm 64 chiến sỹ Gạc Ma với vòng tròn bất tử. Phần 02 là phóng sự tái hiện rõ nét khúc bi tráng về trận chiến Gạc Ma cùng với hình ảnh những người lính hải quân Việt Nam hiên ngang, anh dũng cầm chắc trong tay lá cờ tổ quốc, kiên cường, bất khuất trước sự đánh phá tàn ác của đội quân Trung Quốc để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Phần ba tiếng vọng nơi đảo xa với những lời ca, tiếng hát, những vở kịch ngắn ngợi ca hình ảnh cần cù, chịu khó, anh dũng kiên cường của người lính Hải quân Việt Nam trong thời chiến và thời bình. Phần cuối chương trình là quyên góp, tặng quà tri ân những cựu binh từng tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ quân đảo Trưởng Sa và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

...Gặp gỡ bà Hà Thị Liên - Mẹ liệt sỹ Đào Kim Cương , một trong 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 1988

Chương trình CQ88 - Tiếng vọng nơi đảo xa thực sự là một chương trình trải nghiệm bổ ích, lý thú để các em học sinh hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc Việt Nam, tự hào về sự hy sinh bất tử của những chiến sỹ hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma, khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam trước kẻ thù xâm lược. Ý nghĩa hơn khi chương trình còn có sự tham gia của bà Hà Thị Liên - Mẹ liệt sỹ Đào Kim Cương, một trong 64 chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988. Cũng tại chương trình, nhiều tư liệu quý và bản đồ về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được trưng bày tại nhà trường đã giúp các em hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo quê hương, đất nước.

Quyên góp, tặng quà cho cựu binh và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Như lời cựu binh Lê Hữu Thảo đã từng nói, nhắc lại trận chiến bi hùng tại đảo Gạc Ma không phải để kích động chiến tranh mà qua đó để giáo dục thế hệ trẻ trân quý cuộc sống hòa bình, ấm no như hôm nay, nêu cao tinh thần dân tộc và ghi nhớ những công lao to lớn của thế hệ cha ông đi trước đã cống hiến máu xương vì nền độc lập tự do cho dân tộc. Nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó và bài học trải nghiệm từ chương trình cùng những lời căn dặn của các thế hệ cha ông đi trước sẽ là động lực để các em học sinh trường tiểu học Thạch Lạc nói chung và thế hệ trẻ hôm nay nỗ lực, phấn đấu học tập thật tốt để góp sức mình cùng xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển./.

Đài TT - TH Thạch Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 2.706.752
Online: 58
ipv6 ready