Ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa và các thành viên Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành địa phương để đánh giá tình hình thực hiện CCHC tại địa phương. Trong đó, liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường được nhiều đại biểu quan tâm đưa ra thảo luận.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Cảnh
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hồ Huy Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh - đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2018, Hà Tĩnh đã giải quyết 402.173 hồ sơ, trong đó số hồ sơ trả đúng hạn là 401.494 hồ sơ (đạt hơn 99,8%). Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, việc đưa vào vận hành Trung tâm hành chính công của Tỉnh được xem là bước đột phá trong CCHC, giảm tới 50% thời gian tiếp nhận hồ sơ.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, ISO điện tử trong hoạt động của cơ quan hành chính. Đến nay, tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước đã được trang bị máy tính, kết nối internet; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã được cung cấp và ứng dụng chữ ký số trong gửi nhận văn bản điện tử; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, 221/262 UBND cấp xã (đạt 99,6%) có Cổng/trang thông tin điện tử, thông tin được cập nhật liên tục, hiệu quả, tích hợp với Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Việc điều hành, tác nghiệp được nâng lên một bước về tính đồng bộ và hiệu quả ứng dụng. Các hệ thống thông tin hỗ trợ điều hành tác nghiệp, ý kiến chỉ đạo, gửi nhận văn bản, tác nghiệp nội bộ, thư điện tử phát huy hiệu quả. 72% cơ quan nhà nước có hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành được ứng dụng, phát huy hiệu quả, 100% UBND cấp huyện có các hệ thống phần mềm chuyên ngành cho các lĩnh vực.
Bên cạnh các kết quả đạt được, tỉnh Hà Tĩnh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số mặt hạn chế trong công tác cải cách hành chính như việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính tại một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao; một số cán bộ, công chức, viên chức năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác, kiến thức hành chính còn hạn chế... Tỉnh Hà Tĩnh cũng nhận thấy tài nguyên và môi trường là lĩnh vực rộng và nhạy cảm, nhất là đất đai có tính chất phức tạp do lịch sử để lại, hồ sơ quản lý không đầy đủ, thiếu chặt chẽ, một số vụ việc khiếu nại, tranh chấp kéo dài. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính chưa thực hiện được, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến công tác cải cách hành chính cũng như kết nối liên thông giữa các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Thuế, Kho bạc Nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất chưa đồng bộ.
Để tháo gỡ những khó khăn này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất nhiều nội dung với Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó đề nghị cần kịp thời cập nhật các văn bản pháp luật, công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung và các thủ tục hành chính được bãi bỏ để địa phương thực hiện; quan tâm tới chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ...
Trên cơ sở Báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ý kiến phát biểu của các đại biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã ghi nhận những kết quả trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Hà Tĩnh trong 8 tháng đầu năm 2018 của Tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tại địa phương; chủ động nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các sáng kiến cải cách để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần sớm nghiên cứu, bổ sung, cập nhật các văn bản, thủ tục hành chính mới theo chỉ đạo của Chính phủ tại Trung tâm Hành chính công của Tỉnh; thường xuyên kiểm tra, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phổ biến sâu rộng tới quần chúng nhân dân.
Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm đến sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm phát huy và nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngành tài nguyên và môi trường tại địa phương, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với đất đai là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, Thứ trưởng đề nghị cần quan tâm, tạo điều kiện để đưa Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sớm đi vào hoạt động.
Tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến cải cách hành chính nói chung và trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên Đoàn công tác thuộc lĩnh vực phụ trách rà soát, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất để kịp thời báo cáo Chính phủ.