Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo, sáng 8/2.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trong năm vừa qua, công tác cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội được đề ra từ đầu năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến cải cách hành chính, nhất là về công tác xây dựng pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 2 cuộc đối thoại giữa Chính phủ với doanh nghiệp, đồng thời, đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu làm rõ và xử lý các thông tin về vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và các sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức do cơ quan báo chí đăng tải. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy được hiệu quả trong việc theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. |
Thể chế của nền hành chính được cải cách, hoàn thiện thêm một bước, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hội nhập quốc tế; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm mạnh so với trước. Đáng chú ý, trong số văn bản còn nợ đọng, không có văn bản nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác cải cách thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành quan tâm đẩy mạnh nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ nhân dân, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc triển khai nhiều nội dung cải cách còn chưa quyết liệt, đồng bộ, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật một số lĩnh vực còn hạn chế, thủ tục hành chính thuộc một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu đề ra; triển khai xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm, kết quả còn hạn chế, ý thức phục vụ người dân theo tinh thần công bộc của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do sức ì của bộ máy hành chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn, còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên chuyển dưới chưa chuyển” và một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém về đạo đức, trở thành lực cản lớn đối với công cuộc cải cách.
Xác định rõ 2018 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phổ biến quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “cán bộ là công bộc của dân, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính của bộ, ngành với cải cách hành chính của các địa phương để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong cải cách hành chính của từng ngành, lĩnh vực.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Thứ ba, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, đặc biệt là thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật; chú ý cải cách thủ tục hành chính ngay trong công tác xây dựng thể chế, rút ngắn thời gian ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật, đưa pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về đầu tư, nhất là đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; đều đặn tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc và tháo gỡ vướng mắc trong công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.
Thứ tư, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch...; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, nhân rộng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động hiệu quả ở các địa phương; tiếp tục phát huy có hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngưòi dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định tại Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Thứ năm, tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương trong việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục trong triển khai công tác cải cách hành chính.
Các bộ, ngành, người đứng đầu các bộ, ngành phải lập các tổ công tác để kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ mà người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhằm bảo đảm việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đã phê duyệt và thực hiện các chỉ thị, mệnh lệnh, chế độ thông tin báo cáo.
Thứ sáu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các bộ, ngành, địa phương; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng, phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính theo danh mục đã được phê duyệt, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo quy định.
Thứ bảy, hoàn thành việc triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017. Sử dụng có hiệu quả các chỉ số này để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính phục vụ.
Tăng cường công tác truyền thông, công bố công khai, minh bạch để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin, tạo ra sự đồng thuận của xã hội, người dân được hưởng thụ hiệu quả của công cuộc cải cách hành chính.
Thứ tám, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 23/4/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước mắt, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và các nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong các ngành, lĩnh vực.
Thứ chín, xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4, bảo đảm tính kịp thời, công khai, minh bạch và hiệu quả, tích hợp các dịch vụ công này với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường xây dựng, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ và kết nối thông suốt giữa Trung ương và địa phương.