Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Khoa và PCT UBND huyện Nguyễn Văn Sáu cùng các phòng chuyên môn cấp huyện vừa đi kiểm tra một số mô hình kinh tế mới, ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn.
Tại xã Thạch Lạc, các đồng chí lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra mô hình sản xuất dưa lưới đạt tiêu chuẩn VietGap ở thôn Vĩnh Thịnh. Mô hình được thành lập trong năm 2022 có 7 thành viên tham gia sản xuất các giống dưa lưới nhà màng, tổng diện tích sản xuất hơn 1ha.
Với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 250 triệu đồng, trung bình mỗi hộ đã xây dựng hệ thống nhà màng quy mô 800m2/ nhà, giống, vật tư, phân bón để sản xuất ba vụ dưa lưới mỗi năm. Mô hình này được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 11 ngày 28/12/2020 của HĐND huyện Thạch Hà “ Ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM và đô thị văn minh” không quá 50 triệu đồng/ mô hình.
Tại xã Thạch Trị, lãnh đạo huyện cùng các phòng chuyên môn đã đi kiểm tra, động viên các cơ sở sản xuất bánh đa nem trên địa bàn. Trên địa bàn hiện có 20 hộ sản xuất, kinh doanh bánh đa nem, trung bình mỗi cơ sở sử dụng 3 tạ gạo để tráng bánh, cho ra sản phẩm từ 400 - 500 xấp bánh mỗi ngày ( mỗi xấp 100 cái). Bình quân mỗi xấp bánh bán ra thị trường có giá 15.000 đồng/ xấp.
Đoàn cũng đã đến kiểm tra mô hình sản xuất Lan Hồ Điệp tại thôn Thanh Lan xã Thạch Khê của hộ anh Phạm Văn Huy. Mô hình có tổng diện tích 2.500m2, kinh phí đầu tư ban đầu hơn 10 tỷ đồng bao gồm kinh phí xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị, giống, công nghệ, đào tạo nhân công.
Mô hình được xây dựng vào năm 2022, sản xuất 3,5 vạn cây Lan các loại, bán vào dịp Tết. Nhà xưởng được xây dựng hiện đại, sử dụng hệ thống cảm biến trong điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cây hoa lan phát triển.
Tại xã Thạch Sơn, các đồng chí lãnh đạo huyện đã đến kiểm tra mô hình nuôi tôm thẻ trong bể xi măng của hộ anh Nguyễn Văn Dũng thôn Sông Hải. Bình quân mỗi năm sản xuất 5 vụ tôm, mỗi vụ cho thu hoạch 7 tấn tôm thương phẩm, doanh thu về 1,4 tỷ đồng. Chi phí đầu tư ban đầu 2,6 tỷ đồng để xây dựng ao nuôi, các trang thiết bị, giống, kỹ thuật…
Tại những nơi đến, các đồng chí lãnh đạo huyện cũng chỉ rõ, đối với các mô hình kinh tế mới, các phòng chuyên môn và chính quyền sở tại cần quan tâm để người dân tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của các cấp đúng theo quy định hiện hành; Hỗ trợ về quy trình kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng tiến bộ KHKT giúp các mô hình phát triển bền vững, hiệu quả. Đối với các mô hình kinh tế đã khẳng định được hiệu quả cần nhân rộng để nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, đảm bảo thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Dịp này, lãnh đạo huyện cũng đã đi động viên người dân ra quân sản xuất lạc Xuân, kiểm tra mô hình chăn nuôi bò 3B tại xã Thạch Trị.