Sau 4 năm triển khai nuôi cá lóc trong bể xi măng, anh Nguyễn Văn Nguyên (SN 1976, ở thôn Bàu Am, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) đánh giá: Mô hình có nhiều ưu điểm như cá ít nhiễm bệnh, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao...
Theo anh Nguyên, nuôi cá lóc trong bể không khó, chỉ cần nuôi 1-2 vụ đầu là cơ bản nắm vững được kỹ thuật.
Năm 2018, nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, anh Nguyễn Văn Nguyên đã tìm hiểu và xây dựng bể xi măng thả nuôi cá lóc, với 2 hệ thống có tổng diện tích 4.000 m2.
Bể xi măng phần đáy có độ dốc để thuận lợi mỗi khi thay nước; nền bể được láng trơn để vệ sinh được dễ dàng và tránh xây xước cá. Nguồn nước trong bể được anh duy trì khoảng 1m. Xung quanh bể được che lưới nhằm hạn chế ánh sáng trực tiếp cũng như đảm bảo nhiệt độ trong bể nuôi.
Mô hình bể xi măng nuôi cá lóc.
Theo anh Nguyên, giống được nhập về từ miền Nam, mỗi vụ thả trên trên 15.000 con. Cá được thả 2 lứa/năm, với mật độ từ 100 - 140 con/m2. Cứ sau mỗi tháng, anh Nguyên phân cỡ cá một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều.
Cá được công nhân cho ăn 2 lần/ngày.
Theo anh Nguyên, nuôi cá lóc trong bể không khó, chỉ cần nuôi 1-2 vụ đầu là cơ bản nắm vững được kỹ thuật. Cá nuôi trong bể xi măng có mái che giúp kiểm soát được nhiệt độ, thức ăn, nguồn nước nên sinh trưởng và phát triển tốt; tỷ lệ hao hụt thấp (khoảng 1%). Tuy nhiên, để cá phát triển thì nguồn nước cần phải thay 2 ngày/lần và luôn bảo đảm môi trường sạch, mát. Đặc biệt, anh Nguyên thường thay nước vào thời điểm rạng sáng.
Anh Nguyên giải thích: “Thời điểm sáng sớm nhiệt độ khá mát nên cá ít bị ảnh hưởng của môi trường khi bể khô nước. Ngoài ra, thay nước vào thời điểm này có thể cho cá ăn nhiều lần trong ngày. Nhờ vậy, cá tăng trọng nhanh, ít bệnh tật ”.
Thức ăn được phối trộn theo công thức, đảm bảo thịt cá chắc, thơm ngon.
Cũng theo anh Nguyên, trong quá trình chăn nuôi cần phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá.
Ở tháng thứ 2 là thời điểm cá sinh trưởng mạnh nên dễ phát sinh một số bệnh như: xuất huyết, lở loét, nấm mang… Do đó, cần sớm phát hiện bệnh để có những biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời, hợp lý. Định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn của cá.
Bể cá được sục khí hằng ngày.
Với kinh nghiệm 4 năm nuôi cá lóc trong bể xi măng, anh Nguyên đánh giá: “Nuôi cá trong bể tuy không sinh trưởng nhanh bằng trong ao hồ nhưng có thể chủ động được nguồn nước, đồng thời xử lý nhanh các trường hợp bệnh tật nên ít khi rủi ro.
Ưu điểm là không cần diện tích lớn, có thể tận dụng đất trống quanh nhà để xây bể nuôi. Trong quá trình nuôi chỉ dùng thức ăn công nghiệp nên cá lớn nhanh, mau thu hồi vốn, lợi nhuận cao...".
Cá lóc thường được thu hoạch vào tháng 9
Trung bình 1 bể cá lóc xuất bán gần 4 tấn thương phẩm/lứa, với giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bình quân anh Nguyên thu lãi 400 - 500 triệu/năm. Hiện nay, cá lóc thương phẩm được tiêu thụ rộng rãi, các thương lái trong tỉnh và Nghệ An, Thanh Hoá,... đặt mua.
Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Công Thư cho biết: “Mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng của anh Nguyễn Văn Nguyên đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Từ mô hình của anh Nguyên, người dân có thể nghiên cứu học tập, nhân rộng để nâng cao thu nhập cho gia đình, đặc biệt là những hộ không có nhiều đất canh tác.”