(Baohatinh.vn) - Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, nhắc nhở nên tình trạng vi phạm không những không giảm mà còn xuất hiện ngày càng nhiều…
Chủ tàu trình báo các thông tin sau khi vào bờ tại Trạm Kiểm soát liên ngành Xuân Hội
Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tình trạng các tàu cá (chiều dài từ 16m trở lên) vi phạm các quy định về đánh bắt thuỷ sản theo IUU xuất hiện với tần suất dày đặc.
Theo thông báo của Cảng cá Xuân Hội từ ngày 1 - 15/12/2021, địa bàn có 9 tàu cá vi phạm các lỗi: không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, không thông báo cho đơn vị quản lý cảng cá trước khi rời, cập cảng. Đặc biệt, 2 tàu cá mang biển số HT 90005TS, HT 90006TS do ông Lê Văn Nhâm và tàu HT 96726TS do ông Lê Văn Ất làm chủ (cả hai đều trú tại thôn Hội Minh, xã Xuân Hội) vi phạm 4 lỗi: không có giấy chứng nhận kỹ thuật tàu cá, không thông báo cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời/cập cảng, không tuân thủ nội quy của cảng cá và không duy trì hoạt động giám sát hành trình.
Các chủ tàu khai báo tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hội
Đầu năm 2022, tình trạng vi phạm lại tái diễn và có chiều hướng tăng lên. Từ ngày 1 - 15/1/2022, toàn huyện Nghi Xuân có 15 tàu/16 tàu vi phạm các quy định, trong đó, 15 tàu vi phạm, không ghi/nộp nhật ký, báo cáo khai thác thuỷ sản, 7 tàu không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
Điều đáng nói là ngoài 2 lỗi trên, 4 tàu cá ở xã Xuân Hội (tàu HT 96718 -TS do ông Nguyễn Đức Huy làm chủ, tàu HT 96716-TS do ông Nguyễn Lưu Truyền làm chủ, tàu HT 96726-TS do ông Lê Văn Ất làm chủ và tàu HT 96707- TS do Lê Văn Sơn làm chủ) còn vi phạm thêm hành vi không duy trì hoạt động giám sát hành trình. Đây là những lỗi vi phạm đã được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” về IUU đối với Việt Nam ngày 23/10/2017. Riêng hành vi không duy trì giám sát hành trình có mức xử phạt từ 300 - 500 triệu đồng (theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ).
Xác định việc gỡ “thẻ vàng” châu Âu đối với khai thác IUU là một nhiệm vụ cấp bách nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều cơ quan chức năng ở Nghi Xuân đã nỗ lực lớn trong việc hỗ trợ giúp người dân hạn chế những vi phạm các quy định.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân phối hợp với các lực lượng: Hải đội 102, Cảnh sát biển vùng 1, Đồn Biên phòng Lạch Kèn, xã Xuân Hội đã 5 lần tổ chức tuyên truyền tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về IUU cho bà con ngư dân xã Xuân Hội.
Tại những buổi tuyên truyền về IUU, lực lượng chức năng đã lồng ghép nhiều nội dung như: phát tờ rơi, trao cờ Tổ quốc, tặng quà cho ngư dân... Đến thời điểm này, mặc dù 16 chủ tàu (14 tàu ở xã Xuân Hội và 2 tàu ở xã Xuân Giang) đều ký cam kết không vi phạm những quy định về IUU, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hội Trịnh Quang Luật, việc chấp hành của ngư dân rất hạn chế.
Ông Đinh Sỹ Long - Cảng trưởng Cảng cá Xuân Hội thẳng thắn, nhiều chủ tàu còn biện minh: Không thành thạo điều khiển giám sát hành trình, thiết bị bị hư hỏng hoặc do bí mật luồng cá không cho tàu khác biết... Trong phạm vi trách nhiệm của mình, từ tháng 11/2021 đến nay, cảng cá đã lập 5 biên bản, thống kê các tàu vi phạm gửi đến các cơ quan chức năng.
Việc xử lý các hành vi vi phạm thuộc về các đơn vị: Đồn Biên phòng Lạch Kèn, Cảnh sát biển, chính quyền các xã (Xuân Hội, Xuân Giang) và huyện Nghi Xuân. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có hành vi nào được các cấp xử lý.
Thiếu tá Hồ Xuân Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho rằng, những vi phạm của chủ tàu xuất phát từ thói quen đánh bắt truyền thống, chưa đảm bảo các thủ tục bắt buộc. Hơn nữa, trình độ nhận thức về đánh bắt thủy sản của những chủ tàu cá vẫn còn hạn chế. Do vậy, thời gian qua đơn vị mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, nhắc nhở.
Ông Lê Thanh Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân thừa nhận, đến thời điểm này, huyện mới chỉ đừng lại ở việc nhắc nhở và... cảnh báo. Trong khi đó, các hành vi mà các tàu cá ở Nghi Xuân vi phạm đều đã được quy định rất rõ tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó mức xử phạt từ 2 - 15 triệu đồng (tùy hành vi vi phạm) được áp dụng đối với các hành vi như: không thông báo cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi cập, rời cảng, không tuân thủ nội quy của quản lý cảng cá, không xuất trình giấy chúng nhận an toàn kỹ thuật thuỷ sản hoặc hết hạn..
Nghị định cũng quy định thẩm quyền mức xử phạt cho các tổ chức quản lý từ 2,5 triệu đến - 50 triệu đồng.
Tuyên truyền vận động để người dân nhận thức không vi phạm trong thời điểm khai thác thuỷ sản là biện pháp cần thiết, đảm bảo sự bền vững, lâu dài, song, các ngành chức năng cần có những biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm, góp phần thực hiện gỡ "thẻ vàng”, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc xuất khẩu hàng thuỷ sản sang các nước châu Âu.
Ngày 10/11/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 7549/UBND-NL về việc đôn đốc thực hiện hoàn thành các nội dung chống khai thác IUU. Trong đó, yêu cầu Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng kiên quyết không cho các tàu cá xuất bến khi không đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định hiện hành.