Luật Biên phòng Việt Nam 2020 gồm 6 chương, 36 điều được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 và thay thế Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9. Sự ra đời của Luật Biên phòng Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới; hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế.
Nội dung Luật Biên phòng Việt Nam tập trung quy định những vấn đề chủ yếu sau:
Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân
Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đã đưa ra khái niệm của hai thuật ngữ quan trọng là “Nền biên phòng toàn dân” và “Thế trận biên phòng toàn dân”. Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 2, Luật Biên phòng Việt Nam giải thích hai thuật ngữ này như sau:
Nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
Thế trận biên phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Trước khi có Luật Biên phòng Việt Nam, một số nội dung quy định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân chưa được luật hóa, mới quy định có tính nguyên tắc về chủ trương, nguyên tắc, nội dung tại Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Do đó, Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định nội dung cơ bản về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên cơ sở thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng
Về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng: khoản 1, khoản 2 Điều 13 Luật này quy định “Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; Bộ đội Biên phòng có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.
Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng: Điều 14 Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 đặt ra 12 nhiệm vụ cho Bộ đội Biên phòng, vừa kế thừa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, vừa bổ sung thêm một số quy định mới cho phù hợp với thực tiễn và để phân định rõ nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng với những lực lượng khác. Ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hoạt động của lực lượng Bộ đội Biên phòng có cả tính chất quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, thẩm quyền nói riêng, lực lượng Bộ đội Biên phòng phải kết hợp chặt chẽ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo đảm an ninh, trật tự với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng.
Về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng được quy đinh tại Điều 15 cụ thể như sau: bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để thực thi nhiệm vụ; áp dụng hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo quy định; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực và các loại giấy tờ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; kiểm tra, kiểm soát phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý phương tiện vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật; đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở theo quy định; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định; huy động người, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự theo quy định; trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa; phối hợp với các lực lượng truy tìm, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật trốn chạy vào nội địa; truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trốn chạy từ trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; hợp tác, phối hợp với lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới, các nước khác và tổ chức quốc tế trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hình thức và biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới
Các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới và thẩm quyền quyết định chuyển đổi các hình thức này được quy định tại Điều 19, bao gồm:
Quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên được áp dụng trong trường hợp tình hình chủ quyền, lãnh thổ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới ổn định;
Quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường được áp dụng khi có sự kiện quan trọng diễn ra; tình hình an ninh diễn biến bất ổn; xảy ra thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hai bên biên giới; hoặc đang tiến hành hoạt động truy bắt tội phạm mà đối tượng phạm tội có thể vượt qua biên giới; khi lực lượng bảo vệ biên giới nước có chung đường biên giới đề nghị. Tư lệnh Biên phòng quyết định chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới từ thường xuyên lên tăng cường, đồng thời báo cáo Bộ Quốc phòng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Quản lý, bảo vệ biên giới trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, tình trạng chiến tranh, thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng. Việc chuyển hình thức quản lý, bảo vệ biên giới trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, tình trạng chiến tranh sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
Luật chỉ quy định về trường hợp áp dụng hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và tăng cường của bộ đội biên phòng, còn nội dung cụ thể về tổ chức thực hiện giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết là phù hợp với thẩm quyền, nhằm bảo đảm yếu tố bí mật về quân sự, tổ chức lực lượng, bảo đảm vũ khí và phương tiện của Bộ đội biên phòng...
Bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng
Nội dung chương IV Luật Biên phòng Việt Nam tập trung vào các quy định bảo đảm các vấn đề về nguồn nhân lực, tài chính, tài sản để phục vụ các vấn đề về biên phòng và một số đối tượng ưu tiên, cụ thể như sau:
Bảm đảm nguồn nhân lực: Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Nhà nước có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên cư dân ở khu vực biên giới; Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và kiến thức cần thiết khác phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, người có tài năng được ưu tiên, khuyến khích phục vụ lâu dài trong Bộ đội Biên phòng.
Bảo đảm nguồn lực tài chính: Nhà nước bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; huy động các nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Bảo đảm tài sản: Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được hưởng chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động do Chính phủ quy định.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng
Chương V Luật Biên phòng Việt Nam quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đối với hoạt động thực thi nhiệm vụ biên phòng. Thông qua việc quy định cụ thể trách nhiệm riêng cho từng cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Luật này cũng chỉ rõ các cơ quan, tổ chức cần phối hợp chặt chẽ với nhau để phát huy sức mạnh tổng hợp “nền biên phòng toàn dân”, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới./.