Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (gọi tắt là OCOP) là một nội dung cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM nhằm phát triển kinh tế nông thôn. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng với các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng, có lợi thế của các địa phương đang góp phần tạo nên "sức bật" mới cho kinh tế nông thôn Lộc Hà phát triển.
Từng đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống, nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, năm 2007, ông Lê Trọng Hải ở thôn 2, xã Bình An, huyện Lộc Hà quyết định dồn toàn bộ vốn liếng thành lập HTX sản xuất nấm Quang Trung. Sau một thời gian đi vào ổn định, đến nay cơ sở sản xuất nấm của cha con ông Hải đã bao phủ hàng nghìn mét vuông nhà xưởng với hàng vạn bịch phôi nấm mọc chi chít với các loại nấm linh chi, nấm mộc nhĩ, nấm sò trắng... Bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường nửa tấn nấm linh chi khô, gần 10 tấn nấm mộc nhĩ khô và 25 tấn nấm sò tươi, đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Nghề trồng nấm không những giúp HTX tận dụng được nguồn phế thải từ nông nghiệp mà còn tạo ra một nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng để phục vụ thị trường. Để tạo niềm tin tưởng, ưa chuộng của khách hàng và mở rộng thêm thị trường, được sự quan tâm, hỗ trợ của BCĐ XD NTM, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) huyện Lộc Hà, mục tiêu hiện nay đang được HTX tích cực hướng triển khai đó là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ các khâu trong sản xuất nhằm xây dựng nên các thương hiệu nấm mang chất lượng OCOP. Theo anh Lê Trọng Đức, GĐ HTX Nấm Quang Trung: sau thành công của sản phẩm nấm sò đã được công nhận chất lượng 3 sao, năm 2021, HTX đã bắt tay vào để xây dựng thương hiệu OCOP cho nấm Linh chi. Hiện nay đang chờ tin vui từ hội đồng chấm điểm của tỉnh.

Mô hình nấm Linh Chi của HTX nấm Quang Trung ở xã Bình An
Với nhiều năm làm nghề thu mua đậu, vừng, lạc ở các vùng thạch Mỹ, Thạch Châu, Thạch Bằng, và nghề phụ ép dầu lạc, vừng tại nhà, chị Phan Thị Hải Lý ở thôn 2, xã Thạch Mỹ luôn nhận thấy được giá trị kinh tế cũng như lợi ích cho sức khỏe từ nguồn dinh dưỡng sạch của các loại dầu thực vật. Nhưng do trước kia cơ sở sản xuất đơn sơ, các công đoạn làm bằng phương pháp thủ công, nên sản phẩm tạo ra có số lượng không nhiều. Sau khi được Hội LHPN huyện, BCĐ XD NTM xã và huyện Lộc Hà cho đi tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài tỉnh, đồng thời tìm hiểu thêm qua các kênh thông tin đại chúng, năm 2019, gia đình chị bắt tay vào đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để mở rộng cơ sở nhà xưởng rộng gần 300m2, mua sắm các loại thiết bị máy móc như: Máy ép lạc tự động, nồi hơi... Bên cạnh nguồn nguyên liệu phong phú của vùng đất pha cát có nhiều lợi thế về nghề thâm canh cây vừng cây lạc của quê hương, nhờ thay đổi công nghệ, sản phẩm dầu lạc Lý Úy ngày càng được nhiều gia đình tin tưởng, sử dụng. Năm 2021, nhằm khẳng định dầu lạc Lý úy đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sau khi hoàn thiện các thủ tục giấy tờ, nhãn mác, bao bì, tem mã vạch.. đến nay sản phẩm Dầu lạc của Lý Úy đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

ảnh: Chị Phan thị Hải Lý, chủ cơ sở sản xuất dầu lạc Lý Úy (Thạch Mỹ) đang thuyết trình giới thiệu sản phẩm Dầu lạc tại Hội đồng chấm OCOP huyện Lộc Hà năm 2021
Năm 2021, do chịu nhiều ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc thực hiện chương trình OCOP nhìn chung cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Song với sự quan tâm chỉ đạo định hướng sát đúng của BCĐ XD NTM, chương trình Mỗi xã một sản phẩm của huyện, của xã; đặc biệt là sự nổ lực, phấn đấu của các chủ hộ sản xuất kinh doanh, đến thời điểm này, toàn xã Thạch Kim đã có thêm 04 chủ thể đăng ký và được huyện Lộc Hà lựa chọn để tham gia chương trình OCOP với 3 sản phẩm cấp tỉnh. Đó là các sản phẩm mực khô của cơ sở Hợp Hằng, mực khô của cơ sở Hợp Thành; sản phẩm nước mắm của cơ sở Bồ Lô và nước mắm của cơ sở Nga Sơn. Từ các sản phẩm đặc thù còn mang manh mún, quy mô nhỏ lẻ, tự cung tự cấp của vùng quê biển Cửa Sót, đến nay, các chủ thể đã biết chú trọng trong việc phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt quá trình tham gia đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP đã giúp cho các chủ hộ cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao khả năng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm và kỹ năng về thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm...

ảnh: Tham quan sản phẩm nước mắm Bồ Lô tại xã Thạch Kim
Căn cứ vào nguồn Cung và Cầu, phong trào xây dựng sản phẩm OCOP trong XD NTM thực sự đang tạo ra đột phá về nhận thức trong sản xuất hàng hóa cho cả hệ thống chính trị và người dân ở khắp các làng quê ở Lộc Hà. Từ vùng trà sơn cho đến vùng biển cửa, thông qua thực hiện chương trình, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Đồng thời, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm OCOP đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Việc hỗ trợ đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, tiêu thụ ổn định đã góp phần quan trọng trong tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, thông qua chương trình, các chủ thể OCOP có cơ hội tìm hiểu, củng cố, nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cởi mở trao đổi, chia sẻ với đối tác và cơ quan quản lý nhà nước…
"Sau gần 03 năm triển khai chương trình "mỗi xã mỗi sản phẩm", hiện toàn huyện Lộc Hà đã có 10 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP với chất lượng 03 sao; có 06 sản phẩm đang chờ tỉnh thẩm định, phê duyệt. Với phong trào đẩy mạnh thi đua sản xuất nhằm hướng tới hình thành các sản phẩm đạt chất lượng OCOP trong xây dựng XD NTM, đã góp phần làm tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản toàn huyện năm 2021 ước đạt 1.049 tỷ đồng, tăng 7,96%". Ông Phan Bá Ninh, Phó chánh Văn phòng điều phối XD NTM huyện Lộc Hà cho biết thêm.
Bài, ảnh: Trâm Anh