1. Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021. Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021). Nghị định được áp dụng đối với: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài; Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam; Tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị định gồm 05 Chương và 31 Điều, quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật; (3) Tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn; (4) Tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; (5) Dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả của cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại việt nam; (6) Dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài; (7) Lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật; (8) Tổ chức thực hiện; (9) Điều khoản thi hành.
2. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021) về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Nghị định áp dụng đối với: Người lao động, người học nghề, tập nghề theo khoản 1 Điều 2 của Bộ luật Lao động; Người sử dụng lao động theo khoản 2 Điều 2 của Bộ luật Lao động; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện quy định tại Nghị định này.
3. Quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương
Nghị định số 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 12 năm 2020 quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 02 năm 2021 và thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2007.
Nghị định được ban hành nhằm thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020) và Luật đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021). Nghị định gồm 07 chương và 55 Điều quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Thành lập, cơ cấu tổ chức của quỹ đầu tư phát triển địa phương; (3) Danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của quỹ đầu tư phát triển địa phương; (4) Hoạt động đầu tư; (5) Hoạt động cho vay; (6) Hoạt động nhận ủy thác và ủy thác; (7) Chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, báo cáo và giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động; (8) Giải thể quỹ đầu tư phát triển địa phương; (9) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan; (10) Tổ chức thực hiện.
4. Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 11 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 02 năm 2021.
Nghị định được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định tại các nghị định quy định về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ theo Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội ngày 14 tháng 6 năm 2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
5. Quy định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần
Nghị định số 150/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2020 về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Nghị định gồm 07 chương và 45 Điều về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Xử lý tài chính khi chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập; (3) Xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi; (4) Bán cổ phần lần đầu, quản lý sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập, bàn giao giữa đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi và công ty cổ phần; (5) Chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi và người lao động; (6) Tổ chức thực hiện; (7) Điều khoản thi hành.
6. Quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 12 năm 2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).
Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương và 30 Điều quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; (3) Người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; (4) Cấp giấy phép lao động; (5) Cấp lại giấy phép lao động; (6) Gia hạn giấy phép lao động; (7) Thu hồi giấy phép lao động; (8) Tuyển dụng, quản lý người lao động việt nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại việt nam; (9) Điều khoản thi hành.