Sáng ngày 8/6/2018, UBND huyện Thạch Hà tổ chức cuộc làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn giai đoạn 2013 – 2017. Đồng chí Đoàn Đình Anh - Trưởng Ban VH-XH Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì cuộc làm việc


Tham dự về phía huyện có các đồng chí Trần Nhật Tân TUV – Bí thư Huyện ủy; Trần Việt Hà Phó bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Lương Lĩnh UVBTV Huyện ủy - PCT Thường trực HĐND huyện. Các đồng chí lãnh đạo UBND, UBMTTQ; Đại diện một số Ban, phòng, ngành, đoàn thể cấp huyện.
Theo kết quả thống kê, trên địa bàn huyện Thạch Hà hiện có trên 150 di tích chưa kể nhà thờ, dòng họ. Trong đó, có 87 di tích được xếp hạng bao gồm 6 di tích cấp quốc gia và 81 di tích cấp tỉnh. Toàn huyện có 08 câu lạc bộ dân ca Ví - Giặm được thành lập, ra mắt và hoạt động thường xuyên theo yêu cầu, hướng dẫn của Sở VHTT&DL. Ngoài dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Thạch Hà còn có Lễ hội Đền Chiêu Trưng Lê Khôi được Bộ VHTT&DL công nhân là di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia.

Lễ hội Đền chiêu trưng đại vương Lê Khôi - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tại cuộc làm việc, các thành viên trong đoàn giám sát của HĐND tỉnh đều ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của huyện Thạch Hà trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại địa phương; Hệ thống di tích trên địa bàn được quy hoạch, quản lý chặt chẽ, hồ sơ, thủ tục được thực hiện đầy đủ; Quy trình xếp hạng di tích được thực hiện theo quy định. Thời gian qua, huyện Thạch Hà cũng đã có sự quan tâm, gắn kết, phối hợp với các công ty du lịch trong tỉnh phát triển các tua, tuyến tham quan du lịch cả đường sông và đường bộ như tuyến Thiên Cầm - Biển Thạch Hải - Đền Lê Khôi; Thành phố Hà Tĩnh - Biển Thạch Hải - Đền Lê Khôi. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong quản lý di vật cổ, bảo vật quốc gia và hoạt động bảo tàng được huyện Thạch Hà quan tâm, thực hiện, một số hiện vật cổ có giá trị đều được kiểm kê, phân loại và đưa vào danh mục giao cho Ban quản lý các di tích bảo vệ, quản lý nghiêm ngặt...

Ông Trịnh Ngọc Châu Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTT&DL Hà Tĩnh: Đề nghị huyện Thạch Hà, các phòng chuyên môn cần kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng kinh phí trong hỗ trợ hoạt động của 8 CLB dân ca Ví - Dặm tại các địa phương, cần tìm hiểu rõ nguồn kinh phí khi chuyển về có được sử dụng đúng mục đích hay không.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo địa phương và đại diện các phòng, ngành chuyên môn huyện Thạch Hà đã góp ý, thảo luận, phân tích làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác quản lý di sản trên địa bàn thời gian qua, đồng thời kiến nghị, đề xuất một số nội dung liên quan để thực hiện tốt hơn việc quản lý di tích, tổ chức các hoạt động tại di tích theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quốc Hương PCT UBND huyện Thạch Hà: Hiện nay nhiều di tích ở huyện Thạch Hà đã bị xuống cấp nhưng nguồn ngân sách địa phương hạn chế, chưa thể cân đối, bố trí, trùng tu, nâng cấp. Đối với công tác cắm mốc quy hoạch và cấp bìa, phần lớn các di tích đều đã có sổ đỏ, huyện phấn đấu trong năm 2018 hoàn thành việc cấp quyền sử dụng đất cho 87 di tích được xếp hạng...

Phát biểu kết luận cuộc làm việc đồng chí Đoàn Đình Anh Trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh nêu rõ, Phòng văn hóa và các phòng, ngành liên quan tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2018 – 2020. Ngành văn hóa phối hợp với ngành giáo dục xây dựng nhiều chương trình bảo tồn và phát triển di sản dân ca Ví - Giặm trong nhà trường, phát hiện và bồi dưỡng tài năng dân ca nhí; Từng bước quan tâm, phát triển đội ngũ nghệ nhân và nghệ nhân ưu tú, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn trong thời gian tới…