Theo thống kê của UBND xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, khu vực kho thuốc trừ sâu trước đây (năm 1965) ở thôn Trung Trinh đã có 58 người chết, phần lớn là chết trẻ do bệnh ung thư. Có nhiều gia đình, chồng và vợ không đi lính nhưng con cái lại bị bệnh tật, có những biểu hiện tương tự di chứng chất độc da cam. Cụ thể như gia đình ông Nguyễn Công Hoan sống ở đây, cha, mẹ và bản thân ông đều chết vì ung thư; các con của ông cũng mắc bệnh tật hiểm nghèo. Riêng năm 2016 có ngày hai anh em sinh đôi cùng chết vì ung thư. Hệ lụy nó để lại là quá khủng khiếp.

Những cái chết dồn dập khiến người dân trong vùng đang rất hoang mang, lo lắng cho sức khỏe, cuộc sống thường ngày. Họ lo “chết mòn” với tàn dư thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến thế hệ mai sau nếu không có các giải pháp xử lý. Nhiều người còn bảo về với “Làng ung thư” Trung Trinh. Nhân dân ở đây giờ rất sợ, chỉ chờ trời mưa để có nước sử dụng, chứ không dám ăn, uống, tắm giặt…bằng nước giếng khoan. Cũng may là mấy năm trở lại đây, các hộ dân đã có nước máy dùng.

Tàn dư thuốc trừ sâu để lại hệ lụy nghiêm trọng cho các hộ dân ở đây

Năm 1965, Công ty vật tư nông nghiệp huyện Thạch Hà chuyển về thôn Trung Trinh, sau đó bị vùi lấp do bom đạn của chiến tranh. Tại đây, có 3 điểm là kho dự phòng, bán lẻ phân bón và thuốc vật tư hàng ngày xuất cho các xã. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại đã ngấm xuống đất và ngấm vào nguồn nước ngầm của hộ dân trong làng, kể cả thôn khác, xã khác. Trong thời gian 10 năm (từ năm 1975 đến 1985), không ít bà con nông dân ở huyện Can Lộc đến đây xin đất về làm phân phòng trừ sâu bệnh cho lúa và thấy rất hiệu quả.

Các loại thuốc trừ sâu trước đây ngấm vào nguồn nước, không phân hủy trong môi trường tự nhiên, mà nó phân hủy từ rễ cây, tích lũy trong vật nuôi, trong cây trái...

Đã có nhiều đoàn chuyên môn từ Trung ương đến huyện về đây kiểm tra, nhưng hiện nay vẫn chưa có kết luận. Năm 2014, UBND huyện Thạch Hà đã hỗ trợ cho 20 hộ gia đình 20 bồn nước để cải tạo nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ giải quyết phần náo đó, vì càng về sau, hệ lụy càng lớn. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri với Đại biểu HĐND tỉnh và huyện, nhân dân phản ánh nhiều. Nhân dân giờ đang rất mong đợi các giải pháp xử lý hiệu quả, mong các cấp, các ngành quan tâm, sớm xử lý môi trường, nguồn nước và chất đất để ổn định tinh thần, được hưởng cuộc sống an lành nhất.

Ngôi làng không yên ổn, nhân dân sống trong sợ hãi

Ô nhiễm nguồn nước do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tại các điểm ở thôn Trung Trinh phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để giải quyết. Biện pháp tối ưu có thể là di dời dân, bóc lớp đất đó sàng lọc rồi sử dụng đất mới, đốt nóng đất bằng công nghệ, hay gì đó…thì vượt quá khả năng của xã, của huyện. Hiện tại, xã Việt Xuyên mới chỉ dừng lại ở việc thống kê số hộ bị ảnh hưởng và số người đã chết vì trọng bệnh ở khu vực này gửi lên các cơ quan chức năng và chờ HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Ngay cả giặt đồ, vệ sinh cá nhân, bà con cũng phải sử dụng nước mưa...

Trong lúc chờ các cơ quan chức năng giải quyết thì nhân dân đang phải sống chung với ô nhiễm môi trường và nguồn nước nhiễm độc. Nhiều cụ ở đây than thở: "Chúng tôi già rồi, cũng không sống được mấy hơi nữa. Chỉ mong Nhà nước tiếp tục quan tâm giải quyết để cho bọn trẻ không phải đối diện với cái chết dần, chết mòn"./.

Đài TT-TH Thạch Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Dữ liệu cũ (Lộc Hà)
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 3.220.300
Online: 32
ipv6 ready