Phát triển ngành nghề nông thôn 

Theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn có hiệu lực từ 1/6/2018, làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định này. Ngoài ra, làng nghề còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Kinh phí được nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề gồm: đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề….

Quy định về bảo hiểm nông nghiệp

Theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CPngày 18/04/2018 về bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 05/06/2018, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Ngày 18/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp.

Nghị định đã quy định các loại hình bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: Bảo hiểm đối với rủi ro định danh; Bảo hiểm mọi rủi ro; Bảo hiểm đối với tổn thất về thu nhập; Bảo hiểm theo chỉ số năng suất; Bảo hiểm theo chỉ số thời tiết; Bảo hiểm theo chỉ số viễn thám; và các loại hình bảo hiểm nông nghiệp khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

Tại Nghị định, các quy định về thực hiện bảo hiểm gồm hợp đồng bảo hiểm, đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm, bồi thường bảo hiểm, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp đã được quy định cụ thể, đảm bảo cho triển khai thực hiện.

Về chính sách hỗ trợ bảo hiểm, Nghị định quy định cây trồng gồm lúa, cao su, hồ tiêu, Điều, cà phê, cây ăn quả, rau; vật nuôi gồm trâu, bò, lợn, gia cầm; thủy sản gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra là những đối tượng được bảo hiểm hỗ trợ. Mức hỗ trợ quy định như sau:

+ Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

+ Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

+ Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: Hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Rủi ro được bảo hiểm hỗ trợ bao gồm: Rủi ro thiên tai, và rủi ro dịch bệnh. Địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp thuộc các vùng sản xuất chính theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp.  

Nghị định cũng quy định rõ hồ sơ, trình tự, thủ tục để phê duyệt đối tượng được hỗ trợ cũng như hồ sơ, trình tự, thủ tục chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018. Riêng thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp được quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo Khoản 1 Điều 22 Nghị định này trong từng thời kỳ.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản

Nghị định 64/2018/NĐ-CP ngày 07/05/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hiệu lực từ ngày 22/06/2018. Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trên, các tổ chức và cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực giống vật nuôi đối với cá nhân vi phạm là 50 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 100 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng.

Quy trình giải quyết thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông

Có hiệu lực từ 21/06/2018, Nghị định số 61/2018/NĐ-CPngày 23/04/2018 quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Nghị định quy định Tại Bộ phận Một cửa: Bố trí khu vực cung cấp thông tin, thủ tục hành chính; khu vực tiếp nhận và trả kết quả được chia thành từng quầy tương ứng với từng lĩnh vực khác nhau; bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết, máy tính có kết nối mạng dành cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc của Bộ phận Một cửa có kết nối với cơ quan nhà nước cấp trên và trong toàn hệ thống; bố trí khu vực đặt các trang thiết bị: máy lấy số xếp hàng tự động kết nối tới Hệ thống thông tin một cửa điện tử; các màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, thủ tục hành chính, tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính; bố trí khu vực cung cấp dịch vụ.

Như vậy toàn bộ Bộ phận Một cửa phải được lắp đặt camera và trang bị đầy đủ các thiết bị điện tử cho việc giải quyết thủ tục hành chính

Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC thông qua các cách sau: 1- trực tiếp tại bộ phận một cửa ; 2- Thông qua dịch vụ Bưu chính công ; 3- Trực tuyến tại cổng dịch vụ công

Ngoài ra, Phương thức nộp phí, lệ phí đã được mở rộng, ngoài phương thức nộp phí trực tiếp truyền thống thì nay các cá nhân, tổ chức yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính có thể nộp phí bằng nhiều hình thức để thuận tiện hơn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính như: nộp trực tiếp, chuyển khoản qua tài khoản phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền; tài Khoản của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp hồ sơ trực tuyến; bằng phương thức khác theo quy định của pháp luật nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Phòng Tư pháp huyện


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Công khai minh bạch thông tin
Thông báo
Gửi nhận văn bản
Bản đồ huyện Thạch Hà
Tình hình giải quyết hồ sơ
 Liên kết website
Thống kê: 2.550.044
Online: 47
ipv6 ready