Xét về trục chiều dài từ Bắc vào Nam của tỉnh Hà Tĩnh thì Thạch Hà nằm vào vùng trung tâm của tỉnh, đất đai Thạch Hà còn bao quanh tỉnh lỵ (Thành phố Hà Tĩnh). Bởi vậy, mọi biến cố của Hà Tĩnh, kể cả về xã hội và tự nhiên, ở những mức độ khác nhau, đều có liên quan trực tiếp đến Thạch Hà. Là một trong năm huyện ven biển của Hà Tĩnh, Thạch Hà có đầy đủ cả núi, sông, đồng, biển, là một vùng đất vừa mang đậm tính chất đồng bằng duyên hải, vừa có đặc điểm của vùng núi thấp.
Nếu dãy Trà Sơn nhấp nhô như một giải trường thành giăng kín phía tây thì Nam Giới như một bức bình phong nên thơ về phía biển. Xa xa phía Bắc là dãy Hồng Lĩnh trập trùng, phía Nam cách bảy tám mươi cây số trên đất Kỳ Anh là dãy Hoành Sơn bát ngát. Tuy trông đã xa mờ trong tầm mắt, nhưng ở một mức độ nhất định, Thạch Hà vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của nó, nhất là về thời tiết và khí hậu.
Quốc lộ 1A chạy dọc huyện theo hướng Bắc Nam chia cắt đất đai của huyện thành hai nửa như hai trang sách đang mở ra. Nửa phía tây đất rộng, tính thuần nông cao hơn, tốc độ phát triển có phần hơi chậm. Nửa phía đông đất hẹp, mật độ dân cư cao, nhưng năng động hơn, nhiều ngành nghề phát triển, cuộc sống có phần khá giả.
Ngoài bốn con sông lớn, trên đất Thạch Hà còn một mạng lưới những khe, hói, sông, hồ, bàu, vực… như một hệ thống mạch máu, vừa nuôi dưỡng cho mãnh đất này xanh tươi, nhưng cũng vừa chia cắt đất đai, ruộng đồng Thạch Hà ra từng mảnh.
Một vùng đất vừa cận thủy vừa cận sơn, vừa có gió biển mát lành, vừa phải chịu gió Lào khô nóng. Đất đai có bãi bồi, có cát pha, có đất thịt, có chua phèn, có sét nặng… Thuận lợi nhiều nhưng cũng không ít khó khăn. Vốn là một vùng độc canh lúa nước từ lâu đời, trong cuộc sống lao động cần cù, chịu khó nhân dân Thạch Hà ngày càng chứng tỏ trí thông minh, sức sáng tạo của cộng đồng để khai thác ngày càng có hiệu quả trên cả ba vùng sinh thái: đồng bằng, rừng núi, ven biển. Trong đó có trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến… Sản lượng nông sản, lâm sản, thủy hải sản, cùng với các hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mà người dân Thạch Hà tạo ra để tự trang trải trong cuộc sống, để giao thương trong tỉnh, trong nước, để xuất khẩu ra nước ngoài ngày càng phong phú và đa dạng.
Một vùng đất đầy nắng gió và huyền thoại, nhưng đồng thời cũng là một vùng đất từng lắng đọng nhiều trầm tích văn hóa; từng chứng kiến và là địa điểm diễn ra biết bao biến cố lịch sử quan trọng của đất nước qua các thời kỳ; xét một cách tổng quan theo chiều dài lịch sử có thể thấy nổi lên mấy đặc điểm sau đây:
MỘT VÙNG ĐẤT NHIỀU DI CHỈ
Thạch Hà là một trong số ít huyện có nhiều khu di chỉ được phát hiện và các di chỉ được phân bố đều khắp trên các vùng của huyện. Theo sự phát hiện của khảo cổ học, cho đến nay trên đất Thạch Hà đã có đến sáu khu di chỉ. Phía Đông có di chỉ Thạch Lạc, cách bờ biển 4 Km; vùng giữa có di chỉ Rú Nài (nay thuộc Thành phố Hà Tĩnh) và di chỉ Thạch Đài; phía Tây Nam có di chỉ Rú Trò, di chỉ Phái Nam (thuộc xã Thạch Lâm); phía Tây Bắc có di chỉ Cồn Lôi Mốt (Thạch Vĩnh). Đó là chưa kể phía Bắc còn có di chỉ Rú Nghèn nay thuộc về huyện Can Lộc. Trong các di chỉ ấy có cả di chỉ cồn sò điệp (Thạch Lạc, Phái Nam, Rú Trò, Thạch Đài) và di chỉ cồn đất (Rú Nài, Cồn Lôi Mốt), tất cả đều là những di chỉ cư trú, cách nay 4160 + 70 năm, 4120 + 60 năm, và 4030 + 45 năm như di chỉ Phái Nam, hoặc cách nay 4800 - 4400 năm như di chỉ Thạch Lạc và bằng việc phát hiện nhiều tầng văn hóa phong phú đã cho chúng ta biết rằng từ rất xa xưa trên đất Thạch Hà đã có sự xuất hiện của nhiều nhóm người tiền sử.
Khoa học khảo cổ đã cho chúng ta biết rằng, xa xưa khi biển tiến rồi biển lùi, giải đất mênh mông này đã trở thành vùng đầm phá, vùng vịnh cạn và có những điều kiện tự nhiên thuận lợi, đó là có những cồn cát, cồn đất, những hòn núi thấp nổi lên, xung quanh lại nhiều loại thức ăn dễ kiếm như sò, tôm, cá… Bởi vậy bốn năm ngàn năm về trước những nhóm người nguyên thủy đã chọn đó làm nơi cư trú, sinh sống. Chính họ, những lớp người tiền sử ấy đã để lại những dấu vết văn hóa trong các di chỉ khảo cổ học Rú Trò, Phái Nam, Rú Nài, Thạch Đài, cồn Lôi Mốt và điển hình nhất là Thạch Lạc, di chỉ thuộc hậu kỳ đá mới, thuộc văn hóa Quỳnh Văn - Bàu Tró. (Chưa có cứ liệu về đá cũ và đá mới sơ kỳ, trung kỳ).
Sự phân bố các di chỉ đều khắp trên địa bàn toàn huyện cũng nói lên rằng từ thời rất xa xưa ấy, không chỉ một nơi mà nhiều nơi trên đất Thạch Hà đã có dấu chân của người tiền sử, sự sống đã sinh sôi mà dấu vết của họ còn để lại cho đến mãi về sau.
Đến nay chúng ta vẫn chưa biết được những nhóm người nguyên thủy ấy thuộc tộc người nào, và cũng không rõ di duệ của họ có còn lại trong dân bản địa cho đến ngày nay không. Cũng có thể chính họ và con cháu họ là dân của họ Việt Thường xưa thuộc thời Hùng Vương, về sau thống nhất vào nước Văn Lang. Từ khi lập quốc, mảnh đất này đã thuộc một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Rồi những truyền thuyết về các vua Hùng tuần du phương Nam đến vùng đất Thạch Hà, Cẩm Xuyên được kể lại trong "Sự tích núi Thiên Cầm", "Sự tích trầu cau", truyền thuyết Chử Đồng Tử tu tiên đắc đạo trên núi Quỳnh Viên…, tuy chỉ là những hình ảnh mờ nhạt của lịch sử, qua lăng kính thời gian cũng hé lộ cho chúng ta những điểm sáng là từ thuở hồng hoang ấy ở đây đã trở thành vùng "đất lành chim đậu", sự tụ cư đã hình thành khá rõ. Tuy nhiên trong Bắc thuộc, thời Tần, Hán hình như chưa với tới vùng này. Đến Tùy, Đường mới có người mà Bắc sử gọi là Man, Lạo (Nam Giới man, Bà Lỗ man - chữ về sau dùng). Rồi ba dòng họ nổi lên ở xứ này được sử sách nói đến từ thời ấy, đó là họ Mai (Mai Thúc Loan), họ Phùng (Phùng Hạp Khanh), họ Ngô (Ngô Nhật Đại).
Tiếp đến các truyền thuyết về vua Mai xuất hiện thì đã rõ ràng là vùng Thạch Hà không những đã có dân cư đông đúc mà "ngoài nghề nông đã có nghề nấu muối"… Nghĩa là sự sống, nghề làm ăn đã bắt đầu có sự khám phá, dấu hiệu của sự thịnh đạt. Nhưng rồi bước thăng lại có bước trầm, trong tiến trình lịch sử dài dằng dặc sau đó, vùng này có khi lại vẫn là đồng lầy rừng rậm, có thể do chiến tranh, do giặc cướp, do thiên tai tàn phá, dân cư phiêu bạt, có khi hầu như vắng bóng người. Sử cũ còn ghi "… Các huyện, xã đồng ruộng bỏ hoang, nhân dân đói khổ, dịch tể lại phát sinh, người chết quá nửa. Nhân dân xiêu tán hoặc vào Nam, hoặc ra Bắc. Khắp cõi đìu hiu vắng tanh."…(ĐVSKTT- tập 3)
Khi Lý Thái Tổ lập trại Định Phiên (vùng Thạch Hà trở vào) do Lý Thai Giai làm trại chủ và nhất là từ khi Lý Nhật Quang vào làm tri châu Nghệ An thì vùng này bắt đầu xuất hiện những trung tâm dân cư đông đúc. Tương truyền vùng Bãi Vọt do Lý Nhật Quang mở mang nên ở xã Bình Lãng có đền thờ Tam tòa Đại Vương (tước hiệu Lý Nhật Quang) (?)
Theo truyền ngôn và các tư liệu cổ thì vùng Nghèn, Cổ Kênh, Cẩn Tiết phát triển khá sớm từ thời Lý Trần. Nhưng gia phả các dòng họ lớn như Nguyễn Tất, Nguyễn Văn, Phan, Đặng…(Đông Lỗ), Trần Hậu, Trần Hữu, Lê… (Trung Tiết), Nguyễn, Hồ… (Đạị Nài)… đều cho biết những dòng họ lớn về sau rất thịnh đạt này lại đến cuối Trần đầu Lê mới xuất hiện.
Cũng cần nói thêm một sự kiện lớn nữa là từ đời Lý, nhất là từ cuối Trần về sau, dòng người từ vùng sông Hồng, sông Mã đi về phía Nam rất nhiều. Một phần trong số đó đã ở lại đây hòa cùng dân bản địa làm cho không những số lượng dân cư tăng lên nhanh mà thành phần cư dân cũng thay đổi lớn. Phần lớn họ tiếp tục di chuyển vào Nam. Thạch Hà gần như là trạm trung chuyển trên đường Nam tiến của dân tộc.
Vậy là từ thời hậu kỳ đá mới, nhiều nơi trên đất Thạch Hà đã có người ở, nhưng phải đến đời Lý, Trần mới có nhiều trung tâm dân cư đông đúc, đến đời Lê thì sự quy tụ dân cư càng trở nên mạnh mẽ, làng xã Thạch Hà từ đó mới dần trở nên thịnh đạt.
MỘT DANH XƯNG ĐƯỢC GIỮ TRÊN NGÀN NĂM
Thạch Hà là một trong những tên đơn vị hành chính cổ nhất còn giữ cho đến ngày nay. Có lẽ cũng hiếm có một đơn vị hành chính nào mà tên gọi lại được lưu giữ trên ngàn năm tuổi như danh xưng (địa danh) "Thạch Hà".
Theo các tài liệu địa lý, lịch sử như Đại Nam Nhất Thống Chí, Đại Việt Sử Ký toàn thư, các sách địa phương như Lịch sử Nghệ Tĩnh, Lịch sử Hà Tĩnh…., thì đất Thạch Hà xưa nằm trong bộ Việt Thường, nước Văn Lang. Thời Bắc thuộc, đời Hán thuộc huyện Hàm Hoan, đời Ngô - Tấn thuộc quận Tỵ Ảnh, đời Đường thuộc châu Phúc Lộc. Tên gọi "Thạch Hà" chúng ta bắt gặp trong chính sử cách nay đã trên một thiên niên kỷ.
Theo các sử liệu (mà sách Địa Chí này đã dẫn giải) thì tên đất Thạch Hà đã có từ năm 1005, hoặc ít ra cũng 1009. Cũng có những tài liệu đáng tin cậy cho rằng Thạch Hà được xưng danh kể từ sau khi Lê Hoàn ( thời tiền Lê) đánh đuổi được quân Chiêm Thành vào năm Nhâm Ngọ 982.
Đời Lý theo Đại Nam Nhất thống chí thì châu Thạch Hà đổi thành huyện Thạch Hà. Sách này chép huyện lấy tên Thạch Hà vì cớ trong lòng sông có đá. Một trong những sông nhiều đá ở đây là sông Hà Hoàng. Sau này tiến sĩ Dương Thúc Hạp khi đến Đội Sơn (Rú Đòi) ông đã viết trong "Sơn thủy vịnh" (Bài Đội Sơn):
Núi chặn ngang sông Hoàng
Giửa sông bãi đá nổi
Như lính không xếp hàng.
(Võ Hồng Huy dịch)
Sách còn tiểu dẫn thêm: "Núi ở làng Đan Chế. Mạch núi từ Báu Đài xuống, dãy núi có ba ngọn, chặn ngang sông Hà Hoàng. Giữa sông có bãi đá nổi lên lô nhô, lộn xộn như hình quân lính đuổi nhau"…
Thời thuộc Minh, theo các sách Đại Nam Nhất thống chí, Nghệ Tĩnh trong lòng Tổ quốc Việt Nam, Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh… thì địa bàn này là hai huyện Bàn Thạch và Hà Hoàng, châu Nam Tĩnh, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên địa giới mỗi huyện Bàn Thạch, Hà Hoàng đến đâu thì đều chưa được tách bạch rõ. Đời Lê, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), Khi vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước, tên huyện Thạch Hà thuộc phủ Hà Hoa (đến đời vua Thiệu Trị đổi thành Hà Thanh) lại được khôi phục và tồn tại cho đến ngày nay.
Đời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), lập tỉnh Hà Tĩnh (gồm hai phủ Đức Thọ và Hà Hoa), huyện Thạch Hà vẫn thuộc phủ Hà Hoa. Do các triều Nguyễn khi thì lập tỉnh bỏ đạo, khi thì lập đạo bỏ tỉnh nên huyện Thạch Hà khi thuộc tỉnh, khi thuộc đạo. Đến năm đầu Khải Định (1916), bỏ phủ Hà Thanh, đặt huyện Thạch Hà làm phủ (phủ Thạch Hà), đặt chức tri phủ, phủ lỵ đóng tại thôn Nài Thị xã Đại Nài.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), bỏ phủ lấy lại tên huyện Thạch Hà cho đến nay.
Như vậy, hai chữ Thạch Hà với tư cách là tên gọi của một đơn vị hành chính - Châu Thạch Hà - do vua Lê Đại Hành đặt ra từ năm 982. Còn tên châu Thạch Hà được xuất hiện trong chính sử sớm nhất vào năm Ất Tỵ (1005) đến nay đã trên một ngàn năm và tên huyện Thạch Hà có thể có từ thời Lý, nhưng chính xác theo chính sử là từ năm 1469, khi vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước, đến nay đã trên 540 năm.
Trên đây là tên gọi, còn địa bàn, địa giới Thạch Hà khi châu, khi phủ, khi huyện qua các giai đoạn lịch sử cũng thay đổi rất nhiều. Châu Thạch Hà có khi kéo dài mãi cho vào đến tận dãy Hoành Sơn. Thời thuộc Minh đây lại là châu Nam Tĩnh gồm hai huyện Bàn Thạch và Hà Hoàng (gần như Thạch Hà và Can Lộc ngày nay). Đời Lý sau khi lập trại Định Phiên (1025) lại cắt phần đất có thể từ cửa Kỳ La (cửa Nhượng) trở ra để lập huyện Thạch Hà…
Các đơn vị hành chính dưới huyện cũng thay đổi theo từng triều đại.
Đời Lê năm Quang Thuận thứ 10 (1469), đặt lại huyện, Thạch Hà có 31 xã.
Đời Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), Thạch Hà có 7 tổng, 54 xã, thôn, trang, sở, trại, vạn…
Năm Tự Đức thứ 6 (1853), huyện Thạch Hà có 7 tổng, 51 xã, thôn, trang, phường, trại, vạn…
Năm Khải Định thứ 6 (1921), có 85 xã, thôn…….,28.158 đinh, 104.479 khẩu, thuộc 8 tổng. (Theo tài liệu của tòa công sứ Pháp năm 1942. Những thôn, trang, trại, vạn… nói ở trong này là những đơn vị trực thuộc tổng như xã, còn các làng thôn dưới xã không thuộc diện nói trong này).
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), số đơn vị trực thuộc huyyện cũng rất nhiều biến động. Năm 1946, sau khi cắt một số xã về Can Lộc, sáp nhập 79 xã còn lại thành 26 xã. Đến cuối năm 1950 đầu 1951, lại sáp nhập 26 xã thành 17 xã lớn hơn đó là: Nam Bình, Mỹ Châu, Tân Vĩnh, Minh Hòa, Hợp Tiến, Đại Liên, Long Đan, Toàn Lưu, Thạch Trung, Linh Đài, Tân Trào, Thăng Bình, trung Tiết, Đồng Môn, Đồng Tiến, Tượng Sơn, Liên Anh.
Đến cuối năm 1954 lại chia tách từ 17 xã thành 44 xã và tên xã nào cũng bắt đầu bằng chữ Thạch. Năm 1965 lập thêm xã Thạch Bàn, năm 1968 thành lập thị trấn Nông trường Thạch Ngọc, năm 1983 thành lập xã Nam Hương và đổi thị trấn Nông trường Thạch Ngọc thành xã Ngọc Sơn. Năm 1985 thành lập xã Bắc Sơn và lập Thị trấn Cày. Năm 1994 sáp nhập Thị trấn Cày với xã Thạch Thượng thành Thị trấn Thạch Hà. Đến lúc này tổng cộng toàn huyện có 48 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện và đây cũng là thời điểm Thạch Hà trở thành huyện lớn nhất tỉnh cả về dân số và đơn vị hành chính trực thuộc.
Năm 1989 theo quyết định 127- HĐBT, sáp nhập 6 xã của Thạch Hà vào Thị Xã Hà Tĩnh.
Năm 2004, theo Nghị định số 09/2004/NĐ- CP lại sáp nhập thêm 5 xã của Thạch Hà vào Thị xã Hà Tĩnh.
Năm 2007, theo nghị định số 20/2007/NĐ- CP…, Thạch Hà lại cắt 6 xã để cùng với một số xã của huyện Can Lộc thành lập huyện Lộc Hà.
Qua bao biến thiên, đổi thay, phân hợp, ngày nay huyện Thạch Hà có 31 đơn vị hành chính cấp xã, với số dân 124739 người, đất đai tự nhiên 355,037 km2, mật độ dân cư 351 người/Km2. Tuy địa hình có bị cắt chia làm hai mảnh, ngăn cách bởi thành phố Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà, song Thạch Hà vẫn là một huyện có đầy đủ các vùng sinh thái: Rừng núi, đồng bằng, biển và bờ biển, những yếu tố rất quan trọng góp phần thuận lợi cho Thạch Hà tạo thế phát triển đi lên một cách toàn diện và vững chắc.
MỘT VÙNG PHÊN DẬU, CHIẾN TRƯỜNG,
NHIỀU BIẾN ĐỘNG LỊCH SỬ
Thạch Hà là mảnh đất nằm trong miền biên giới phía Nam nước Việt cổ, nơi đã từng diễn ra biết bao sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ.
Từ ngày dựng nước, đầu thế kỷ thứ II Lâm Ấp (sau đổi là Hoàn Vương rồi Chiêm Thành), thường đem quân ra cướp của, bắt người vùng bắc Đèo Ngang. Năm 803 quân Hoàn Vương tràn sang đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường, chiếm hai châu Hoan, Ái (Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa). Đến năm 803, tướng nhà Đường là Trương Chu sang cai trị Giao Châu mới đẩy quân Hoàn Vương lùi sâu về vùng Nam Ngãi bây giờ.
Một thế kỷ sau, khoảng năm 907- 910, người Chiêm Thành lại đánh lấn ra chiếm phần đất từ Đèo Ngang đến núi Nam Giới, sáp nhập vào nước Chiêm và đặt quan cai trị. Thời kỳ này mốc biên giới Việt Chiêm ở phía đông là núi Nam Giới, phía tây là núi Đá Bạc. Từ Cẩm Thành lên Cẩm Thạch bây giờ còn có dấu vết những thành cổ kéo dài khoảng 3 km gọi là "Thành Chàm". Có thể con sông Rào Cái (sông Nài) của thạch Hà ngày nay, từ Ngàn Mọ, xuống Đại Nài xuống Cửa biển là biên giới tự nhiên Việt Chiêm thời bấy giờ. Tên núi "Nam Giới" cũng xuất hiện từ đó. Nam Giới vì thế còn có nghĩa rộng là biên giới phía nam. Rõ ràng Thạch Hà thời bấy giờ là vùng đất đai biên trấn, là phên dậu của đất nước.
Vậy là từ cuối thời thuộc Bắc (Ngô, Đinh 939- 980), Thạch Hà luôn là vùng đất giằng co giữa các cuộc chiến, có khi là miền biên giới giáp ranh, có khi lại nội thuộc Chiêm Thành. Thạch Hà trở thành nơi đứng mũi chịu sào của cả nước.
Dưới triều Lý vùng đất này cũng còn nhiều lần náo động về các cuộc hành quân đánh Chiêm của Khai Thiên Vương Đào Thạc Phụ (1020), của vua Lý Thái Tôn (1044), Lý Thánh Tôn (1069), của Lý Thường Kiệt (1075 và 1104), Tô Hiến Thành (1167) và các cuộc cướp bóc liên miên của người Chiêm Thành, Chân Lạp, của bọn Tàu Ô từ biển lên…
Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn xẩy ra bảy đợt, kéo dài 45 năm (1627- 1672). Trong đó phải kể đến lần đánh nhau thứ 5 (1655- 1660) diễn ra cam go trên đất Hà Tĩnh và rất ác liệt trên địa phận Thạch Hà. Đó là khi quân Nguyễn chủ động tiến quân ra Bắc, tháng tư, năm 1655. Quân Nguyễn dưới quyền chỉ huy của tiết chế Nguyễn Hữu Tiến và đốc chiến Nguyễn Hữu Dật đánh úp quân Trịnh ở bố Chính (Quảng Bình), tướng Trịnh Phạm Tất Toàn đầu hàng. Tiến và Dật thừa thắng vượt qua Đèo Ngang, đánh vào Hà Trung (Kỳ Anh). Tiến quận công Lê Văn Hiểu và Đông quận công Lê Hữu Đức có hàng chục vạn quân trong tay đều bỏ chạy. Thủy quân Nguyễn đánh vào Cửa Nhượng, Cửa Sót, tướng Trịnh Vũ Văn Thiêm lùi ra Cửa Hội, Nguyễn Hữu Sắc bỏ chạy, Lê Nhân Hậu vừa đánh vừa lùi. Quân Nguyễn đuổi quân Trịnh, chiếm giữ 7 huyện phía nam sông Cả (Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương). Vậy là Thạch Hà lại nằm sâu trong vùng chiếm đóng của nhà Nguyễn.
Lịch sử còn ghi lại thời gian này hai bên có nhiều trận đánh nhau to ở cửa Đan Nhai (Cửa Hội), cửa Nam Giới (Cửa Sót), ở Đại Nài, Hương Bộc (Thạch Hà). Diễn ra ác liệt trên đất Thạch Hà phải kể đến trận tháng 5-1656, khi quân Nguyễn ồ ạt đánh vào Cửa Sót, thủy quân Trịnh bỏ thuyền chạy tan tác. Nhưng khi quân Nguyễn thừa thắng theo sông Rào Cái lên vây đánh Đào Quang Nhiêu ở Hương Bộc (nay là Thạch Hương) thì quân Nguyễn thua to, bị quân Trịnh dồn xuống Đại Nài đánh cho tơi bời, thu súng đạn, voi ngựa nhiều không kể xiết. Đến nay vùng đất xóm Tân Mỹ (Thạch Tân) tiếp giáp với Hương Bộc (Thạch Hương) còn có cồn đất gọi là "Hoang cột cờ", đó là cột cờ được dựng từ thời ấy. Đây là một tiêu điểm tranh chấp hoặc một chiến tuyến quan trọng. Tiếp vùng "Hoang Cột cờ" là vùng "Làng Gối", "Làng Cộ" (cũ). Xưa làng ở đây đông đúc, thịnh vượng, nhưng rồi tất cả phải bỏ đi về vùng Hương Nao hiện nay, với xu hướng tránh xa vùng cột cờ đó, bởi bao nạn binh đao nổ ra ở đây làng xóm đã từng bị thiêu trụi. Ở vùng Nủi Yên, thuộc Đại Nài cũ, còn có một chỗ mà dân làng gọi là mộ Chúa Trịnh. Chắc không phải là chúa mà có thể là quân Trịnh đã nằm lại sau một trận chiến. Hậu quả chiến tranh thời đó mà vùng đất Thạch Hà này phải gánh chịu là vô cùng nặng nề. Câu ca dao mà dân hai bên bờ sông Nài còn lưu truyền cho đến ngày nay phần nào đã nói lên những tai họa của chiến tranh thời đó:
Giặc ra thuyền chúa lại vào
Cửa nhà lại đổ, hầm hào lại xây.
Đến thời Tây Sơn, nay tuy chỉ còn lại một số truyền ngôn, di vật ít ỏi, nhưng cũng đủ chứng minh rằng nhiều lần các đội quân Tây Sơn và cả vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã từng qua đây và đóng đồn trại ở đây. Nhân dân vùng Đại Nài, Phật Nạo (chữ Hán viết Phất Náo) còn kể: Một đội voi chiến của Tây Sơn và cả đội quản tượng đã từng tập trung ở đây. Các vị lão thành ở vùng này còn nhớ bài hịch gọi đò của vua Quang Trung ban bố vào một đêm cuối tháng 12 năm 1788, khi đại quân thần tốc qua đây:
"Ngang nhiên chi tướng
Bùng binh chi quân
Khẩn đáo Bắc Hà
Tảo trừ Thanh tặc
Đại binh chi tề tựu giang biên
Yếu đắc tốc hành cấp hạn
Sở tại chi quan
Giang biên chi dân
Tốc bát giang thuyền
Giải thanh bề bề bộn bộn
Bất lai tức trảm trảm tru tru"
Nhân dân các vùng ven sông đã đưa hết các loại thuyền lớn nhỏ của mình ra chở quân lính, vũ khí, lương thảo, voi ngựa của Tây Sơn sang sông. Lịch sử Hà Tĩnh (Tập I) cũng chép thời đó nhiều thanh niên trai tráng vùng này đã tình nguyện tòng quân trong những ngày sôi động ấy. Nhiều câu chuyện lịch sử còn ghi lại về những người dân hai bên sông Nài hăng hái theo Tây Sơn, Dương Bá Học 17 tuổi gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, một số người khác cũng tình nguyện theo nghĩa quân về sau đã trở thành những nhân vật ưu tú mà tên tuổi và công lao còn được lưu truyền mãi với quê hương, như đô đốc Hồ Phi Chấn ở Trung Thủy (Thạch Văn), Dương Văn Tào ở Mỹ Duệ. Ở Trung Tiết trước đây còn giữ được đạo bằng thời Quang Trung khen thưởng dân xã do đón tiếp chu đáo và cung ứng nhiều lương thực cho quân sĩ qua đây.
Chưa có điều kiện sưu tầm tập hợp được, nhưng tin rằng thời đó vùng Thạch Hà sôi động này cũng có thể có những tấm gương nghĩa liệt.
Như vậy là từ thời Lý, Trần cho đến thời Lê, Thạch Hà vẫn là nơi đồn trú, là điểm đóng quân quan trọng. Đời Lê, đồn Đại Nài (Thạch Hà) vẫn là một đồn binh lớn, được gọi là "hậu đồn", trấn giữ phía sau "tiền đồn" trấn lị Dinh Cầu (Kỳ Anh). Năm 1786, lúc Nguyễn Huệ ra diệt Trịnh. Nhà Tây Sơn vẫn củng cố thêm đồn Đại Nài, đặt ở đây một cơ lính, do một khâm sai làm chưởng cơ. Đồn Đại Nài thống quản cả các đồn miền tây Hà Tĩnh. Đến đời Nguyễn cứ điểm quan trọng này mới bị bãi bỏ.
Điểm lại một số sự kiện lịch sử qua các thời đại trên đây cũng đủ cho ta thấy rõ vùng đất Thạch Hà xa xưa không chỉ là nơi chứng kiến các biến cố lịch sử mà đã từng là cứ điểm quan trọng, là đồn trại, là bãi chiến trường, là biên trấn, là phên dậu một thời của đất nước. Có những thời gian dài vùng đất Thạch Hà này đã từng bị xô đẩy vào các cuộc binh lửa, tranh đi cướp lại vô cùng thảm khốc. Biết bao sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước đã từng diễn ra ở đây. Và chắc chắn sự đóng góp tham gia của dân bản địa Thạch Hà là không nhỏ.
MỘT TÂM LÝ CỘNG ĐỒNG BỀN CHẶT
Chính hoàn cảnh sống đã tạo nên một tâm lý xã hội, một cốt cách văn hóa riêng của vùng đất này. Đành rằng nhiều nét tâm lý, tư tưởng, văn hóa của người dân Thạch Hà cũng chính là những đặc điểm tâm lý, tư tưởng, văn hóa của người dân Việt Nam nói chung, nếu xét trên bình diện:
- Tâm lý cộng đồng dân tộc tác động đến tâm lý cư dân địa phương
- Tâm lý, tư tưởng cư dân bản địa góp phần xây dựng và hình thành tâm lý dân tộc.
Những nét riêng trong tâm lý cộng đồng của cư dân ở đây đã dần được hình thành trên cơ sở hàng ngàn năm với bao cuộc biến thiên, bao cơn binh lửa, bao cuộc hợp phân mà người dân đã phải đấu tranh để tồn tại.
Ngoài việc phải chịu cảnh chiến tranh liên miên, đây còn là một vùng đất mà bão tố, lũ lụt, nắng hạn…, thường xuyên đe dọa. Tất cả những điều đó đã làm cho con người luôn khát khao có cuộc sống ổn định, yên bình, sống hòa hợp với nhau, hòa hợp vào thiên nhiên… Và để tồn tại họ không thể không nương tựa vào nhau, hình thành những cộng đồng gần gũi về huyết thống, lân bang, nghề nghiệp, tuổi tác… Chính những sự nương tựa ấy đã làm nên "Tình làng xóm, nghĩa cộng đồng" bền chặt.
Từ xa xưa, bắt đầu bằng sự hình thành tự nhiên, có thể theo triền sông, trục đường, cồn bãi… mà dân cư cụm lại với nhau để rồi xuất hiện từng thôn, xóm nhỏ sống bên cạnh nhau. Cộng đồng xóm thôn bổ sung hữu hiệu và giúp đỡ kịp thời cho mỗi gia đình trong công việc đồng áng, trong mọi hoạt động của đời sống vật chất và tinh thần. Vào những ngày mùa màng bận rộn, các gia đình nông thôn dựa vào quan hệ lân cư mà hùn công, đổi công, giúp nhau gieo cấy hoặc thu hoạch cho kịp mùa vụ. Khi một gia đình cần chuyện làm ăn, họ hàng, xóm giềng giúp vốn, khi gặp hoạn nạn khó khăn, xóm ngõ sẵn sàng chia sẻ để vượt qua.
Ngoài cộng đồng làng xóm còn có cộng đồng nghề nghiệp. Những làng nghề truyền thống cũng nhờ thế mà xuất hiện như làng nón Ba Giang, làng muối Hộ Độ, làng dệt Đồng Môn, làng đúc đồng Đức Lâm, làng đan Đan Chế… Rồi mỗi làng lại có thêm phường hội theo nghề nghiệp sản xuất hoặc buôn bán như: Phường gặt, phường cấy, phường đan, phường chè, phường gỗ, phường nón… Cũng từ trong các cộng đồng làm ăn ấy mà nẩy sinh nhiều đạo lý tốt đẹp:
- Buôn có bạn, bán có phường.
- Một người bạn bằng vạn quan tiền.
- Nhất cận thân, nhì cận lân.
- Dại bầy hơn khun (khôn) độc…
Rất nhiều làng quê Thạch Hà xưa lại còn có cộng đồng theo lứa tuổi: Hội kỳ lão (nay là hội người cao tuổi), hội đồng niên, đồng tuế (chẳng hạn hội những người cùng tuổi tý, tuổi tuất, tuổi hợi…) v… v..
"Lệ" mời nhau uống nước chè xanh, cũng là một tục lệ hay, một nét đẹp cộng đồng. Thường là buổi sáng, buổi trưa hoặc tối, nhà nào có ấm nước mới chỉ cần "ới" một tiếng là cả xóm đến uống nước bàn chuyện. Có khi chuyện xóm, chuyện nhà được thông tin, bàn bạc và giải quyết ngay trong buổi uống nước, kể cả những chuyện gay cấn như mâu thuẩn xóm giềng, anh em, gia đình… Một không khí liên gia, hòa giải, một cách thức tổng hợp giải quyết dựa vào chòm xóm, trên tinh thần hòa ái cộng đồng.
Ngoài việc xây dựng cuộc sống thuận hòa ấm áp tình làng xóm, nghĩa cộng đồng, người dân Thạch Hà rất coi trọng gia đình và dòng họ. Ở Thạch Hà có khá nhiều dòng họ, trong đó có những dòng họ lớn như họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần, họ Phan, họ Trương, họ Dương, họ Đặng… Cũng chưa biết rõ dòng họ nào đến mở nghiệp ở đây sớm nhất. Song trong tâm tưởng người dân xứ này, dòng họ được hiểu như một gia đình mở rộng. Cộng đồng dòng họ được cố kết với nhau bởi hai yếu tố cơ bản: huyết thống và tâm linh. Từ các gia đình cùng chung huyết thống tạo nên dòng họ, "trăm họ" tạo nên làng xã, đất nước. Hình thức tế lễ của các dòng họ có thể có chút khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau ở tấm lòng của kẻ hậu sinh nhớ về các bậc tiền bối. Bởi vậy hầu như trong văn tế họ nào cũng nhắc đến câu:
"Vật bản hồ thiên nhân sinh do tổ,
Ẩm hà tư nguyên cương thường thiên cổ"
Tạm hiểu là: Mọi vật đều tự trời sinh, mọi người đều có tổ. Uống nước phải biết nhớ nguồn, đó là đạo lý ở đời đã có từ vạn cổ.
Cũng chưa biết rõ họ bắt đầu có từ khi nào, nhưng từ khái niệm "nhân sinh do tổ" ấy mà tạo nên niềm tin, đạo lý, sự ngưỡng vọng… để cố kết các thành viên trong dòng họ thành một cộng đồng bền vững, vượt qua mọi thời gian, biến cố, thăng trầm…
Nhiều dòng họ ở Thạch Hà đã để lại những truyền thống tốt đẹp, truyền thống khoa bảng, truyền thống can trường thượng võ, truyền thống trọng nghĩa khinh tài… được ghi vào sử sách. Ngày nay ngoài việc duy trì những tộc ước cũ, nhiều họ còn thành lập "Ban khuyến học dòng họ" để động viên khuyến khích con cháu mọi nhà trong dòng họ tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng "Dòng họ khuyến học". Có thể nói đây là một nét mới, khá độc đáo trong việc phát huy văn hóa cộng đồng dòng họ.
Điều đặc biệt thú vị là các quan hệ cộng đồng như đã nói trên đây cùng đồng thời tồn tại mà không hề mâu thuẩn nhau, trái lại còn bổ sung, hỗ trợ cho nhau, làm phong phú bền chặt thêm chỗ dựa về mọi mặt trong cuộc sống của từng cá nhân, gia đình, làm gắn bó hơn tế bào gia đình với các cộng đồng xã hội.
Tâm lý trọng đạo đức cũng là một nét đặc trưng của con người xứ Thạch. Hoàn cảnh sống của cộng đồng đã ảnh hưởng sâu sắc đến đạo đức xã hội. Trong quá khứ, cũng do hoàn cảnh sống mà tư tưởng yêu nước thương dân được xem là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Những người có công lớn với quê hương, đất nước đều được cả cộng đồng tôn thờ. Ngoài lòng yêu nước, lòng yêu "cái thiện" cũng là một phẩm chất rất được cộng đồng coi trọng. Cha mẹ dạy con cái "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Giấy rách phải giữ lấy lề". Tâm lý này luôn giữ cho con người trong sạch trong mọi hoàn cảnh. Khác với nhiều vùng, ngày xưa chỉ những nhà khá giả mới cho con đi học, ở Thạch Hà nhà nghèo, thậm chí phải chạy bữa hàng ngày cũng cố chắt lót để ráng cho con đi học. Họ cho con đi học không màng gì đến khoa bảng công danh, mà chỉ mong để biết phép làm người, biết đối nhân xử thế, biết cách ăn ở với anh em cha mẹ. Quan điểm "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" chi phối cách nhìn nhận con người trong gia đình ngòai xã hội, trong giao kết với bạn bè. Chính vì tâm lý trọng đạo đức, trọng cái "thực" nên người dân xứ này xem thường thói hư danh học hành "vị kỷ", lòe loẹt chữ nghĩa "hữu danh vô thực" "Chữ nghĩa văn chương không bằng xương cá lẹp" (phương ngôn). Thực ra quan điểm trọng đạo đức kiểu này không phải không có những hạn chế, tuy nhiên trong hoàn cảnh lịch sử cũ, phần nào nó giúp giáo dục được nhân cách cho nhiều thế hệ công dân, đặc biệt những lúc phải chống lại các thế lực ngoại xâm hung hãn, hoặc phải chống lại thiên nhiên khắc nghiệt để giữ gìn cuộc sống yên lành.
Chính tâm lý cộng đồng bền chặt hình thành một cách tự phát ấy mà sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng đã xây dựng thành khối đại đoàn kết toàn dân, nhân tố sức mạnh, đảm bảo thành công trên mọi bước đường cách mạng.
MỘT VÙNG VĂN HÓA ĐẬM ĐÀ
Do có những đặc điểm về tự nhiên và xã hội diễn biến qua trường kỳ lịch sử, trên vùng đất Thạch Hà các thế hệ cư dân đã sớm sáng tạo, xây dựng nên một truyền thống văn hóa phong phú, đậm đà màu sắc địa phương, với những thành tựu đáng kể, nhiều nhân vật ưu tú đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn hóa tỉnh nhà, văn hóa xứ Nghệ và văn hóa dân tộc. Văn hóa là một khái niệm có nội dung vô cùng rộng lớn, ở đây chỉ xin đề cập vài nét, chủ yếu là văn hóa tinh thần mà cư dân Thạch Hà đã hình thành, phát huy và gìn giữ.
Trước hết phải nói về văn hóa dân gian, bởi đó là gốc, là tiền đề của mọi nền văn hóa, trong đó có tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán và các hoạt động văn hóa khác trong dân gian…
Văn hóa dân gian Thạch Hà tương đối phong phú về loại hình, thể loại, đa diện và sâu sắc về nội dung, đồng thời cũng có những nét riêng rất đáng chú ý.
Về tri thức dân gian, tất cả những chiêm nghiệm về thiên văn, nghề nghiệp, về đánh bắt nuôi trồng, chữa bệnh, giữ gìn sức khỏe… người Thạch Hà gọi chung đó là "sự trời" và "sự đời" mà cuộc sống đòi hỏi mọi người đều phải có hiểu biết. Họ bảo nhau: "Biết sự trời (hoặc sự đời) mười đời khỏi đói". Những kinh nghiệm về "sự trời", và "sự đời" họ đúc kết thành những câu ca dao, tục ngữ truyền lại cho nhau từ đời này qua đời khác và cứ thế càng ngày càng phong phú thêm lên.
Thạch Hà cũng là cái nôi của Ví - Giặm, những địa chỉ Ví - Giặm nổi tiếng phải kể đến Phù Việt, Hương Nao, Đình Hòe, Phong Phú… Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian còn cho rằng Thạch Hà là địa bàn phát sinh ra điệu hát Giặm, là quê hương của hát Giặm và là một trong những vùng hát Giặm phổ biến nhất cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hát Giặm Thạch Hà có thể xẩy ra trong bất kỳ loại hình lao động nào: cấy, gặt, tát nước đêm trăng, đi hái chè, hái củi… Trong hát Giặm cũng có cả hát mừng, hát chê, hát phân trần, hát tỏ tình, hát xe kết… Cũng có thể có nhiều nơi có hát Giặm, nhưng hát Giặm đối đáp, có khi thâu đêm thì hình như chỉ có ở Thạch Hà.
Hát ví, hát Giặm tuy là hai loại dùng hai thể văn khác nhau, nhưng trong trình diễn, trong giao lưu người ta thường gắn kết với nhau nên thường được gọi chung là Ví Giặm.
Tuy vẫn ám ảnh sâu sắc triết lý "sinh ký tử quy" (sống gữi thác về). Chết là "về", về quê tổ. Trăm năm trên dương thế chỉ là tạm bợ, về cõi âm mới là vĩnh hằng. Nhưng chính cuộc sống mới là đáng quý nhất. "Một ngày dương gian bằng vạn ngày âm phủ", "Người sống hơn đống vàng"… Và chính quan niệm quý cuộc sống ấy mà tạo nên tình yêu thương đùm bọc, giữ gìn tình nghĩa, "nhất cận thân, nhì cận lân", không để "sẩy đàn tan nghé", những yếu tố làm bền chặt thêm tình hòa ái cộng đồng.
Nói về văn hóa ở Thạch Hà có lẽ cũng phải điểm qua vài nét về tín ngưỡng. Ngoài một số vùng theo đạo Thiên chúa, sự tín ngưỡng của người dân Thạch hà chủ yếu là thờ phụng tổ tiên và bái vọng những vị thần mà theo họ là gắn bó phù trợ cho cuộc sống hàng ngày mà họ thường cầu cúng là "Nội gia, ngoại viên, đông trù tư mệnh, táo phủ thần quân"… Gia đình nào cũng giành một chỗ trang trọng nhất để thiết lập một bàn thờ, thờ chung cho cả gia tiên và gia thần. Lễ lạt hàng năm chủ yếu là húy kỵ, còn xuân tiết, thu tiết chủ yếu tế lễ theo dòng họ. Sự thờ tự, tín ngưỡng của người dân Thạch Hà mang tính đơn thần, không thờ phụng đa thần như nhiều nơi khác. Xưa người Thạch Hà không có phong tục dựng cột thiên đài ngoài vườn hay lập bàn thờ thần tài dưới thấp. Nay có lẽ cũng do "phú quý sinh lễ nghĩa" mà cách thờ tự truyền thống cũng có sự biến dạng đi nhiều. Trong tín ngưỡng của mình người Thạch Hà hướng nhiều vào gia tiên. Một gia đình dù chật hẹp đến mấy cũng có chỗ để lập bàn thờ, dù nghèo đến mấy cũng không quên ngày giổ các bậc tiên linh. Dù chỉ cơm canh, dưa muối đặt lên bàn thờ thì đó cũng là "lễ bạc tâm thành" không thể nào thiếu được. Đã có người nói là người Việt Nam không ai không theo "Đạo tự nhiên, trên thờ trời, dưới thờ đất, giửa thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ". Người Thạch Hà không coi đó là "Đạo" như một tôn giáo mà đó là "Đạo lý" và lẽ sống ở đời. Trong tâm linh người Thạch Hà, trời là chỗ dựa tinh thần, đất là chỗ dựa vật chất. Bởi vậy trời, đất, tổ tiên đều được quý trọng, tôn thờ, ngưỡng mộ.
Cũng phải nói thêm rằng người dân xứ này chịu ảnh hưởng của Nho giáo khá sâu đậm qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, nhưng cũng rất quý trọng Phật giáo, Thiên chúa giáo và đôi khi lại có những tập tục mang chút dáng dấp của đạo giáo (thờ cúng quỷ thần, phù phép, trừ ma yểm quỷ…). Nho giáo ràng buộc con người vào trật tự xã hội. Phật giáo lại an ủi, "giải thoát" cá nhân khỏi "bể khổ trầm luân" và Đạo giáo lại tạo ra ước mơ "giả tạo" cho cuộc đời… Dù theo hay không theo, nhưng các hệ tư tương và tín ngưỡng ấy cũng luôn được dung hòa trong cộng đồng, thể hiện tư duy con người xứ này là không cố chấp, mà ngược lại rất cỡi mở, bao dung, và chính sự cỡi mở bao dung ấy đã làm cho tư duy thêm phần linh hoạt.
Người Thạch Hà sống với nhau trong một cộng đồng làng xóm, dẫu theo những tôn giáo khác nhau họ cũng rất yêu thương, quý trọng nhau và quý trọng cả tôn giáo của nhau. Trong một gia đình cha mẹ, con cái, dâu rễ dẫu khác đạo cũng vẫn sống với nhau rất hòa thuận. Vợ chồng kẻ theo đạo, người theo đời vẫn sống trăm năm hạnh phúc. Và trong cùng một con người, các tôn giáo cũng không bài xích lẫn nhau, trái lại tôn vinh nhau, dù người đó có thể không theo một đạo nào cả.
Nói đến văn hóa Thach Hà không thể không nói đến việc học hành, khoa bảng, trình độ học vấn và thành tựu giáo dục.
Khai khoa tiến sĩ là một người ở thượng nguồn sông Dà, đó là hoàng giáp Nguyễn Hộc, người xã Cổ Kênh. Ông đỗ tiến sĩ khoa Nhâm tuất (1442). Không chỉ khai khoa cho Thạch Hà, ông còn thuộc nhóm khai khoa tiến sĩ cho cả Hà Tĩnh (trước đó Nguyễn Biểu ở Yên Hồ đã đỗ Thái Học sinh - tương đương Tiến Sĩ - khoa Canh thìn 1400 (?)). Từ đó việc học hành ở Thạch Hà ngày càng thịnh đạt, người đỗ khoa hội, khoa hương ngày càng đông. Tính trên địa bàn Thạch Hà đời Lê, Nguyễn đã có tới 25 người đậu đại khoa (Đời Lê 16 người có 2 hoàng giáp 14 tiến sĩ), đời Nguyễn 9 người có một thám hoa, năm tiến sĩ, một phó bảng.
Ở trường hương, hàng chục sĩ tử Thạch Hà đỗ hương cống (đời Lê), hai mươi chín người đỗ cử nhân (đời Nguyễn). Ngoài ra còn có rất nhiều người trúng sinh đồ, tú tài. Thời Hán học thịnh hành "Nức tiếng khen ông đồ Nghệ" thì ở Thạch Hà sử sách còn ghi những dòng họ học hành tiêu biểu như họ Phan Huy (Thu Hoạch), họ Nguyễn (Cổ Kênh), họ Trương Quốc (Phong Phú), họ Trần (Ngọc Điền), họ Đặng Văn (Phất Náo)…
Nếu họ Phan Huy Thu Hoạch có bốn tiến sĩ với hàng chục hương cống, cử nhân, có ba cha con đỗ tiến sĩ làm quan đồng triều (Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn) và nhiều danh sĩ học giả nổi tiếng; thì họ Võ Tá Hà Hoàng có 15 tạo sĩ (tiến sĩ võ) với hàng chục võ quan nổi tiếng khác. Chỉ tính từ khoa Giáp thìn (1724) đến khoa Ất tỵ, Cảnh Hưng thứ 46 (1785), trong khoảng hơn 60 năm của thời Hậu Lê ấy, nhà Lê đã mở 19 khoa thi Bác cử (thi hội), lấy 200 người đậu tạo sĩ và đồng tạo sĩ thì Hà Tĩnh có 34 người đậu (chiếm 17% so với cả nước). Riêng họ Võ Tá Hà Hoàng của Thạch Hà thời ấy đã có đến 15 vị tạo sĩ (chiếm 44% số tạo sĩ của cả Hà Tĩnh). Ngoài ra họ Võ Tá còn có nhiều người đỗ hương cống, sinh đồ. Bởi vậy người đương thời gọi họ Võ Tá Hà Hoàng là một họ phồn diễn cả văn lẫn võ và được các sử gia ca ngợi là "Thạch Hà thế tướng" (đời đời nối nhau làm tướng)…
Thời ấy nhiều làng, nhiều dòng họ ở Thạch Hà đã có các hình thức khuyến học bằng "học điền" hoặc bằng những sự cổ vũ động viên khác. Có họ câu đối trang trọng trước cửa nhà thờ cũng là một câu đối khuyến học:
"Bút thụ hữu hoa huynh đệ lạc
Thư điền vô thuế tử tôn canh".
(Bút là một loại cây cho nhiều hoa trái, mặc sức anh em vui thú; Sách là một loại ruộng không phải nộp thuế, tha hồ con cháu cấy cày).
Hoặc: "Nên thợ nên thầy nhờ có học
No ăn, no mặc bởi hay làm".
Đến thời tân học Thạch Hà vẫn phát huy tốt truyền thống học hành. Phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng họ khuyến học", xây dựng các "Trung tâm học tập cộng đồng" hiện nay Thạch Hà vẫn xuất hiện những đơn vị tiên tiến, điển hình đóng góp vào phong trào chung những bài học quý báu.
MIỀN CỐ HƯƠNG CÁC VỊ VUA
VỚI TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH BẤT KHUẤT
Thạch Hà không những là quê hương Hắc đế Mai Thúc Loan mà còn là quê tổ của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền). Có thể có bạn đọc sẽ rất ngạc nhiên khi đọc đến những dòng này. Song mọi điều sẽ rõ hơn khi chúng ta lần về những năm lịch sử của thế kỷ thứ X trở về trước.
Ở chương III: "Địa chí dân cư và hành chính" của sách này đã phân tích, chứng minh khá đầy đủ. Dưới đây chỉ xin tóm lược vài nét.
Mai Thúc Loan quê ở làng Mai Phụ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thì sử sách đều đã chép rõ. Cũng theo lời truyền thì mẹ Thúc Loan làm nghề nấu muối và sinh Thúc Loan ra ở đó, sau ông theo mẹ lên ở làng Ngọc Trừng, huyện Nam Đàn (Nghệ An) ngày nay. Thúc Loan lớn lên trở thành một chàng trai mạnh khỏe, thông minh, hăng hái và có chí lớn, được dân trong vùng tín phục… Còn Phùng Hưng và Ngô Quyền thì các tài liệu đều ghi quê ở Đường Lâm, Phong Châu. Đó là làng Đường Lâm ở Ba Vì, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) và Đường Lâm thường được gọi là đất hai vua, ở đó có cả đền thờ của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và lăng mộ Ngô Quyền. Tuy nhiên lần ngược dòng lịch sử thì thời cha ông của Phùng Hưng và Ngô Quyền chưa thấy có làng (hoặc xã) Đường Lâm ở Hà Tây mà chỉ có châu (có khi là huyện) Đường Lâm Phúc Lộc ở phía nam Hà Tĩnh.
Dựa vào cứ liệu của Giáo sư Đào Duy Anh (trong các sách mà Địa Chí này đã dẫn) và các tư liệu cổ kể cả Bắc sử, Địa Chí này đã chứng minh một cách có cơ sở rằng Châu quận Đường Lâm- Phúc Lộc chỉ là một, được thiết lập từ thời thuộc Đường và ở về phía nam Hà Tĩnh, cách Phong Châu ngàn dặm. Các sách lịch sử cũng đều chép: Họ Phùng đời đời làm châu mục châu Đường Lâm, hoặc Phùng Hạp Khanh, bố Phùng Hưng làm châu mục Đường Lâm và đã tham gia khởi nghĩa Mai Hắc Đế. Ngô Nhật Đại là hào trưởng và cháu đời thứ tư Ngô Mân (tức bố Ngô Quyền) làm châu mục Đường Lâm. Vậy là cái châu Đường Lâm mà họ Phùng, họ Ngô đời đời làm châu mục rồi tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan, chính là vùng đất Thạch Hà hoặc châu Thạch Hà cũ. Cái tên xã, hoặc làng (không phải châu) Đường Lâm, Phúc Lộc, ở Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) thời thuộc Đường ấy chưa hề xuất hiện. Nhưng điều khá rõ ràng là sau này làng (hoặc xã) Đường Lâm, Ba Vì, Hà Tây, nơi có lăng mộ và đền thờ hai vị vua Phùng Hưng, Ngô Quyền là quê mới của Phùng Hưng và Ngô Quyền, còn cố hương của hai vị, nơi tổ tiên của các vị "đời đời làm châu mục" thì ở châu Đường Lâm vùng Thạch Hà, hoặc rộng hơn là vùng nam Hà Tĩnh hiện nay. Thời đó ở vùng Hà Tây chưa tìm thấy có Đường Lâm, Phúc Lộc. Hai đơn vị cách nhau hàng ngàn dặm, có sự trùng tên, nhưng khác về quy mô đơn vị hành chính và sự xuất hiện cũng có thể cách nhau hàng trăm năm, rồi có thể ngẩu nhiên mà trùng tên, hay như nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy trong địa chí huyện Can Lộc, có nêu một ý kiến: Có thể các vị Phùng Hưng (hoặc Ngô Quyền) lấy tên châu quê cũ đặt cho làng mới, chuyện này cũng không hiếm trong lịch sử.
Các nhà địa phương học ở Hà Tĩnh, khi nghiên cứu các địa danh cũ còn gọi đến sau này như Chỉ Châu (Thạch Trị), Thu Chỉ (Thạch Lạc) và một số gia phả các dòng họ, đặc biệt là gia phả các chi họ ngô Thanh Hoa do Hán Quốc công Ngô Lan soạn năm Đinh dậu, đời Lê Thánh Tông (1477), chi họ Ngô Trảo Nha do tiến sĩ Ngô Phúc Lâm soạn năm Mậu thìn 1784, gia phả chi họ Ngô Chỉ Châu (Thạch Trị, Thạch Văn, Thạch Lạc) và một số họ khác…thì đã đoán định khá chắc chắn rằng Đường Lâm huyện hay Đường Lâm châu đều bao gồm vùng Cửa Sót, vùng duyên hải Thạch Hà, và đây chính là vùng thủ phủ của châu (huyện) Đường Lâm - Phúc Lộc, một miền quê cũ của ba vị vua: Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền và những người đồng hương họ Phùng, họ Ngô xưa đã từng tham gia từ đầu cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan.
Nối tiếp truyền thống yêu nước, bất khuất hàng ngàn năm trước, từ thời cổ, cận đại cho đến thời hiện đại, thời nào người dân Thạch Hà cũng biểu hiện rõ nét tinh thần quật khởi, gan gốc, kiên quyết chống áp bức, chống ngoại xâm.
Khi quân Minh sang xâm lược (đầu thế kỷ XV), có cuộc khởi nghĩa của viên tri phủ Phan Liêu, quê xã Tôn Lỗ (nay là Thạch Linh, Thạch Đài) và hai người Tôn Lỗ khác là cha con Nguyễn Tất Vinh, Nguyễn Tất Đạt, đã hăng hái tham gia nghĩa quân Lam Sơn.
Tiếp đó nhiều người con Thạch Hà như Dương Bá Học ở Phong Phú, Hồ Phi Chấn ở Chỉ Châu đã tham gia nghĩa quân Tây Sơn đánh giặc Thanh. Hồ Phi Chấn được phong đến chức đô đốc.
Rồi từ khi Pháp sang xâm lược, đánh chiếm thành Hà Nội (1873), triều đình Huế ký hòa ước Giáp tuất (1874), nhường sáu tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, Nguyễn Huy Điến thường gọi là Tú Khanh, ở Ngụy Dương (Nay là Xã Thạch Xuân), hưởng ứng cuộc khởi nghĩa "Cờ Vàng" của Trần Quang Cán (Hương Sơn) dưới khấu hiệu "đánh cả Tây lẫn triều". Quân Cờ Vàng đã hạ đạo thành Hà Tĩnh, giết ba viên đạo thần.
Sau ngày kinh đô huế thất thủ, quân Pháp kéo ra Nghệ - Tĩnh (1885), Bá hộ Nguyễn huy Thuận, ở Ngụy Dương, Cử nhân Nguyễn Cao Đôn, người Phất Náo (nay là Thạch Bình), Bùi Thố ở Phong Phú (Thạch Khê), Nguyễn Tất Cu ở Hoàng Hà (Thạch Tượng) đã đứng lên tổ chức các đội nghĩa quân cần vương chống Pháp, được đông đảo sĩ phu và nhân dân trong huyện hưởng ứng rồi gia nhập nghĩa quân Phan Đình Phùng và trở thành lực lượng khá hùng mạnh của quân thứ Thạch Hà (Thạch thứ).
Trong phong trào Cần vương quân thứ Thạch Hà đã có hàng chục trận đánh diễn ra ngay trên địa bàn huyện nhà làm cho kẻ thù khiếp sợ. Đáng ghi nhớ phải kể đến trận hạ thành Hà Tĩnh đêm mồng 6/11 năm Ất Dậu (1885) do các đội quân của Bùi Thố, Đội Cu, Nguyễn Cao Đôn phối hợp với đại quân của Lê Ninh từ Hương Sơn theo con đường Trà Sơn thượng đạo kéo xuống chiếm thành Hà Tĩnh, bắt Bố chánh Lê Đại và án sát Trịnh Bưu phải đền tội, phá nhà ngục thả tù nhân trong đó có Cao Thắng sau này trở thành chỉ huy xuất sắc của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Rồi trận Chợ Cồ, Yên Nhiên đầu năm Bính tuất (1886), do Bùi Thố, Đội Cu trực tiếp chỉ huy; Trận Truông Bát vào mùa thu năm Tân Mão (9/1891), tiêu diệt nhiều lính Pháp và lính khố xanh, sau trận này Trần Danh Lập được cụ Phan cấp bằng và trao tặng cây gươm chuôi nạm bạc có khắc dòng chữ "Thự tinh binh đội quyền sung Hiệp quản gia quân thứ Đề đốc"; Trận Đức Lâm (nay là Thạch Lâm) cuối năm Tân Mão (1891), diệt gọn toán quân sục sạo của địch; Trận Trại chè Hương Bộc (nay là Thạch Hương) mùa thu năm Nhâm thìn (8/1892), nghĩa quân diệt nhiều lính Pháp và lính tập, đập tan âm mưu đánh vào bộ chỉ huy quân thứ, hòng làm tê liệt quân thứ Thạch Hà, không còn khả năng đánh xuống Thị xã và mất khả năng tiếp ứng với đại bản doanh cụ Phan, nhưng chúng đã bị đại bại….
Phong trào Cần Vương bị đàn áp, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn sâu sắc cả vùng Nghệ Tĩnh, mà Thạch Hà vẫn là địa điểm luôn sôi động. Nhân dân vẫn trầm trồ thán phục về những trận đánh, những thành tựu của nhiều chí sĩ Cần vương thời kỳ Thạch thứ mấy năm trước. Đến phong trào chống thuế ở Trung Kỳ mà một loạt các nhà khoa bảng toàn quốc bị khủng bố, bị cầm tù, dân Thạch Hà khi bí mật, khi công khai vẫn hăng hái tham gia theo ngọn cờ của Trịnh Khắc Lập, Nguyễn Hằng Chi dấy lên từ Nghi Xuân, Can Lộc.
Cùng với phong trào chống thuế là hoạt động của Hội Duy Tân và phong trào Đông Du, cũng như ở các huyện khác, nhiều người Thạch Hà đã hưởng ứng, vừa bí mật tổ chức hoạt động vũ trang , vừa công khai tổ chức các hoạt động mở mang dân trí, học chữ quốc ngữ, bỏ hủ tục mê tín dị đoan, dùng hàng nội hóa, lập các hiệu buôn, truyền bá tân thư và vận động Đông Du theo ngọn cờ Phan Bội Châu.
Tiêu biểu trong phong trào ấy ở Thạch Hà có chí sĩ Đặng Văn Bá, hiệu Nghiêu Giang, đỗ cử nhân cùng khoa với Phan Bội Châu, người xã Phất Náo, là một yếu nhân của phong trào Duy tân thế kỷ XX. Ông có chân cả trong "Minh xã" và "Ám xã". Năm 1907 ông cùng với Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân và một số sỹ phu lập ra "Triêu Dương thương điếm". Triêu Dương thương điếm cũng là một trạm liên lạc của phong trào 'Đông Du" của Phan Bội Châu, nhằm tuyển chọn thanh niên du học và cung cấp kinh phí cho phong trào. Năm 1908, Đặng Văn Bá bị giặc Pháp bắt đày biệt xứ ra Côn Đảo, cùng chuyến với Ngô Đức Kế và Đặng nguyên Cẩn. Khi phải ở tù hay khi được ra tù về quê nhưng vẫn còn bị quản thúc, ông vẫn giữ tấm lòng yêu nước sắt son, vẫn luôn thể hiện ý chí của mình qua các áng thi ca yêu nước. Quan điểm "Sống", "Chết" của ông đã thể hiện lập trường và chí nguyện của ông:
"Sống mà trâu ngựa đừng nên sống
Sống dại sinh chi đứng chật đời"…
"Chết mà vì nước, chết vì dân
Chết ấy làm trai hết nợ nần"…
Đặng Văn Bá giữ khí tiết cho đến phút cuối cùng của đời mình. Bạn bè, đồng chí và nhân dân địa phương rất yêu mến và thương tiếc ông. Người dân đất Hồng Lam xem ông là một danh sỹ thời hiện đại.
Từ những năm 1925, lịch sử Việt Nam bước sang một thời đại mới. Ở Thạch Hà cũng xuất hiện những tổ chức Cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản, tiến tới giai đoạn chiến đấu dưới lá cờ Đảng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đã có những bộ sách về lịch sử Đảng bộ Thạch Hà ghi chép rõ ràng, đầy đủ, công phu về giai đoạn lịch sử quan trọng này. Sách Địa chí có thể không cần phải nhắc lại nữa. Nhưng điều đáng quan tâm và có thể cũng rất đáng tự hào nữa là trong thế kỷ XX ấy, thế kỷ đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam, Thạch Hà đã có những đóng góp xứng đáng, đã có những sự kiện, những con người tiêu biểu cho tinh thần, ý chí, sức mạnh của Đảng và của dân tộc được ghi vào lịch sử.
Lý Tự Trọng, người con của quê hương Thạch Hà, là một trong tám thanh niên đầu tiên được đồng chí Nguyễn Ái Quốc tuyển chọn và rèn luyện, về sau đã trở thành người anh hùng, chiến sĩ cách mạng nổi tiếng với câu nói "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường Cách mạng, chứ không có con đường nào khác". Sự hy sinh oanh liệt của anh đã trở thành tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh niên Việt Nam mãi mãi noi theo.
Phong trào Xô Viết với nhiều Làng Đỏ xuất hiện, rồi nhân dân và lực lượng vũ trang Thạch Hà cùng với Thị Xã Hà Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, trong Cách mạng tháng tám đã nỗi dậy giành chính quyền mau lẹ và kịp thời, góp phần làm cho Hà Tĩnh trở thành một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chiến công Rú Nài, trận đầu thắng lớn ngày 26/3/1965 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ với sự xuất hiện tiểu đội dân quân gái Đại Nài và anh hùng Dương Chí Uyển càng tô đậm thêm những mốc son trong trang sử đấu tranh cách mạng của quê hương đất nước….Nhân dân Thạch Hà có thể được vinh dự tự hào về những tên tuổi, năm tháng và những sự kiện vẻ vang ấy.
Truyền thống và bài học lịch sử bao giờ cũng là những tài sản tinh thần vô giá, không chỉ là niềm tự hào mà còn là những kinh nghiệm, những bài học làm điểm tựa quan trọng để nhân dân huyện nhà tiến bước vào chặng đường lịch sử mới, sớm làm cho Thạch Hà trở thành một huyện có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển; biến vùng quê "Long Ngâm" huyền thoại chuyển mình mạnh mẽ để bay bổng lên trong thời đổi mới.